Trò lừa đảo trên thị trường điện thoại: Giá “bèo”, chất lượng cũng… “bèo”

Thứ Năm, 19/05/2011, 08:20

Nhiều tháng qua, trên các website rao vặt và cả trên một số tờ báo điện tử xuất hiện hàng ngàn lời rao đầy hấp dẫn về các dòng điện thoại cao cấp của Nokia, có giá từ 10-12 triệu đồng/chiếc, mới dùng một vài tháng rồi bán lại với giá chỉ còn trên dưới 2 triệu đồng/chiếc! Những dòng điện thoại như E71, E72, N8, N97, X6 Navi 32Gb…, đừng nói người có thu nhập bình thường, kể cả các doanh nhân hạng trung bình cũng chưa chắc đã có người dám sắm.

Đặc biệt hấp dẫn là các dòng điện thoại này đều được rao là mua ở nhà bán lẻ lớn nhất như Thế Giới Di Động (TGDĐ), Viễn Thông A (VTA), hàng do nhà phân phối độc quyền FPT cung cấp. Thời hạn bảo hành còn 9-10 tháng, có thẻ bảo hành chính hãng của Nokia. Chừng đó thông tin cũng đủ bảo đảm cho người mua tin rằng đây là hàng xịn 100%, không hề nghi ngờ. Tuy nhiên khi tiếp cận, PV Chuyên đề ANTG phát hiện ra đó chỉ là chiêu lừa để bán hàng giả, hàng nhái.

Hàng xịn giá bèo

"Kẹt tiền cần bán gấp lại Nokia X6 Navi 32Gb hàng FPT của VTA. Máy mới mua sử dụng gần 2 tháng, hình thức bên ngoài còn mới 99.99% chưa trầy sước vì được dán keo và xài rất kĩ. Tình trạng bên trong còn zin nguyên tem 100%, chưa bung chưa bảo hành lần nào. Còn đủ mọi giấy tờ phụ kiện. Thẻ bảo hành còn hơn 10 tháng của VTA. Đặc biệt bao thử máy cho người mua, dùng thử 7 ngày không ưng ý đem trả. Giá bán 2,2 triệu. Liên hệ: 0938.512.4xx gặp Vương".

Trên đây là một lời rao trên trang mạng http://hang-cao-cap.chodidong.net, đã được sửa lại hàng chục lỗi chính tả. Và cũng là một trong hàng ngàn lời rao trên hàng chục trang mạng tương tự như vatgia.com, 4mua.vn, chodientu.vn, rongbay. com, banhangtructuyen.com.vn, muaban.net, muabanso.net, chaobansanpham.com, toitim.net… Kể cả, trên tờ báo điện tử uy tín nhất nước là http://vnexpress.net, mục rao vặt cũng có vài chục mẩu tin rao bán tương tự. Hầu hết các lời rao đều na ná nhau, là hàng chính hãng cao cấp, mua ở các siêu thị như TGDĐ, VTA, hàng chính hãng Nokia dán nhãn của nhà phân phối độc quyền FPT, mới dùng một vài tháng còn bảo hành, do cần tiền bán gấp nên bán lại với giá trên dưới 2 triệu đồng… Riêng với các mặt hàng xách tay tức không có thẻ bảo hành, giá bán chỉ còn… 1,7 triệu đồng!

Để tiếp cận và tìm hiểu thực hư, chúng tôi gọi đến vài số điện thoại hỏi mua. Người tên Vương đưa ra điểm hẹn gặp là… lề đường trước tòa nhà của Công ty Mobifone trên đường Thành Thái, quận 10. Chúng tôi đặt vấn đề là cần gặp nhau tại siêu thị TGDĐ hoặc VTA để nhờ kiểm tra tình trạng máy, nhưng hầu hết những người rao bán đều thoái thác.

Điểm hẹn mà những người rao bán chọn đa số là vỉa hè, lề đường, nơi có đông người qua lại. Bên mua bên bán cứ… đứng bên đường mà xem máy, kiểm tra, đàm phán… Tử tế hơn chút đỉnh, có người hẹn gặp ở quán cà phê cóc bên đường, và cuộc gặp luôn chớp nhoáng. Một người tên Trung, nói là ở số nhà 38x Cách Mạng Tháng Tám, tức mặt tiền, nhưng vẫn không hẹn gặp tại nhà. Nơi đây rất gần siêu thị VTA, nhưng anh ta vẫn tìm cớ báo bận.

Để quan sát, chúng tôi đến điểm hẹn sớm, đứng chờ. Chờ hoài không thấy người bán máy đâu, mà chỉ thấy cậu thanh niên chừng 18-20 tuổi lạng qua lạng lại, mắt vừa quan sát láo liên, vừa nhìn chăm chắm người đứng trên lề đường để tìm kiếm ai đó. Lát sau, cậu thanh niên dùng điện thoại gọi vào máy chúng tôi, kẻ mua người bán nhận ra nhau. Cậu ta nói rằng, ông anh (tức Tuấn, người đăng quảng cáo và hẹn gặp) bận đi về nhà mẹ, nên nhờ cậu ta đi giao máy và thu tiền giúp.

Điểm giống nhau của tất cả các cuộc hẹn, đó là người rao bán trên mạng và người đi giao điện thoại luôn là hai người khác nhau. Kể cả có người vừa hẹn xong, 5 phút sau gặp nhau xem máy, vẫn là người khác! Một người rao bán ở đường Lý Thường Kiệt tên Nhung, nhưng gọi đến thì người nhận máy tên là Tuấn. Trên đường Trường Chinh - Cộng Hòa, người rao bán tên Hiếu, nhưng gọi đến thì người phụ nữ nhận máy. Khi chúng tôi đến điểm hẹn và gọi vào máy thì người phụ nữ cho biết là cũng đã đi gần đến nơi. Nhưng khi đến nơi thì vẫn là… một cậu trai chừng 20 tuổi, áng chừng như người làm thuê. Cậu bé nói là bà chị bận đi chợ, nhờ đi giao máy và lấy tiền giúp.

Theo bảng niêm yết giá của các công ty bán hàng, các dòng điện thoại như E71, E72, N8, N97, X6 Navi 32Gb có giá từ 10 - 12 triệu/chiếc. Quả thật nếu là hàng chính hãng mà chỉ trên dưới 2 triệu, thì đây là cơ hội cho những người đã từng khát khao một chiếc điện thoại dòng cao cấp, đẹp, sang trọng, thể hiện dân sành điệu nhưng không đủ tiền mua. Giờ là có có hội sở hữu chiếc điện thoại này chỉ với giá tiền mà nếu lỡ đánh mất, cũng không đến nỗi phải quá tiếc nuối.

Thủ đoạn lừa gạt

Việc người rao bán là một người, còn người ra mặt giao hàng lại là người khác chính là một thủ đoạn, mánh lới của những tay buôn gian bán lận, nhằm né tránh để không thực hiện các yêu cầu kiểm tra tình trạng kỹ thuật máy. Chúng tôi đặt vấn đề đi đến siêu thị nơi mua máy để kiểm tra, thì người giao hàng viện cớ bận bịu không đi được, vả lại "đi giao hàng giùm bà chị, ông anh chứ không phải của em nên không tự ý đi kiểm tra được”. Chính vì chúng làm cách này mà tất cả mọi yêu cầu kiểm tra tình trạng máy đều rất khó thực hiện. Trong hoàn cảnh ấy, nếu chỉ xem qua quýt thì con mồi sẽ sập bẫy ngay lập tức.

Những người giao máy luôn làm một thao tác giống nhau để lòe người mua là đầu tiên bấm các phím *#06# và OK để trong máy hiện lên thông tin hãng sản xuất Nokia, đời máy và số IMEI, gửi số IMEI về tổng đài 8579 của Viễn thông A để nhận bản tin xác nhận tương tự. Sau đó đưa chiếc thẻ bảo hành ra và trên đó số IMEI trùng với số trong máy, thời gian bảo hành còn đến gần cuối năm 2012. Tuy nhiên, kẻ bán đã lờ đi một thao tác, là không gửi số IMEI về tổng đài 8099 của Nokia để xác nhận xem tình trạng còn bảo hành hay không.

Khi chúng tôi đặt vấn đề nếu không đến siêu thị điện thoại kiểm tra tình trạng kỹ thuật sẽ không yên tâm, thì ngưới bán nói rằng "bao xài" một tuần, nếu thấy không ổn thì trả lại. Tuy nhiên, khách đề nghị giữ lại một phần tiền để thử máy thì người bán không chịu, mà yêu cầu khách hàng phải trả đủ tiền. Khách hỏi tiền đã giao đủ thì khi có trục trặc, người bán không thèm nghe máy thì làm sao, cậu thanh niên lại trả lời "làm ăn uy tín mà, đâu có vì 2 triệu bạc mà đánh mất uy tín". À như vậy đến giờ chót đã ló cái đuôi "làm ăn" ra chứ không phải là "cần tiền bán lại gấp" như lời rao trên mạng.

Khi cầm chiếc thẻ bảo hành của Nokia còn thời hạn trên tay, người viết nhận ra ngay chiếc thẻ giả. Để không bị cảm giác đánh lừa, người viết đã cầm chiếc thẻ trên tay, không nhìn và dùng ngón tay rà nhẹ trên thẻ. Những dòng chữ được in ốp-sét nên bề mặt vẫn trơn láng. Khi rà đến chỗ có cảm giác nham nhám, bỏ tay ra nhìn và sẽ thấy đó là chỗ in dãy số IMEI và hàng mã vạch. Như vậy không khó để nhận ra rằng, kẻ bán đã dùng chính chiếc thẻ Nokia thật đã hết hạn, tráng qua lớp sơn màu trắng bạc ở vị trí cuối thẻ, sau đó đem in lụa các thông tin mới lên trên.

Điều này thể hiện rất rõ ở chỗ, những nét chữ in ốp-sét đều sắc sảo, còn những chữ in lụa chỗ đậm chỗ nhạt và mất nét, chỉ cần nhìn bằng mắt thường là nhận ra ngay.

Chiếc điện thoại N97 với nắp trượt, màn hình cảm ứng này được rao bán chỉ với giá 1,9 triệu đồng.

Khi tiếp cận thực tế, chúng tôi phát hiện ra một chi tiết bất ngờ: Hai chiếc điện thoại có cùng số IMEI. Chiếc điện thoại hiệu E72 màu đồng trên đường Thành Thái do người tên Tuấn rao bán có số IMEI là 352724042776459, thẻ bảo hành đến ngày 27/4/2012, trùng với IMEI và thời hạn bảo hành của người tên Hiếu giới thiệu trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình! Chúng tôi nhanh chóng nhận ra ngay đây là hai chiếc điện thoại khác nhau. Một chiếc phía nền bên trong dưới viên pin màu trắng bạc, còn chiếc kia phần nền bên trong màu xanh lá. Hai chiếc thẻ bảo hành khác nhau về mức độ đậm nhạt của con chữ in lụa. Như vậy, có thể nói, những chiếc điện thoại này đã được sản xuất hàng loạt và tung ra thị trường.

Tuy nhiên, chiếc điện thoại này được làm giả như thế nào, ở đâu ra, thì chưa ai trả lời được. Người viết đã tiếp cận nhiều nơi, trong đó kể cả chính Công ty Nokia, hai siêu thị bán điện thoại lớn nhất hiện nay là VTA, TGDĐ, được câu trả lời đó là hàng giả, hàng nhái, nhưng giả, nhái như thế nào, xuất xứ từ đâu… thì các công ty vẫn chưa truy ra được nguồn gốc.

Kiểm tra giả - Thật không khó

Trước hết phải khẳng định, những chiếc điện thoại được đưa đi bán, đều còn rất mới. Tuyệt đối không có một vết trầy sước, sờn cũ. Số IMEI trên điện thoại và trên thẻ bảo hành trùng nhau, thời gian bảo hành còn dài. Và đây chính là yếu tố quan trọng để kẻ bán lừa người mua sập bẫy. Tuy nhiên, nếu tinh ý một chút thì có thể phân biệt được thật giả, nhận ra ngay thủ đoạn lừa đảo của kẻ bán hàng.

Yếu tố đầu tiên để phân biệt hàng chính hãng và hàng giả, hàng nhái chính là giá của chiếc máy. Nguyễn Văn Bảo, thợ sửa điện thoại trên đường Xôviết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, cho biết anh dùng chiếc E71 đã sờn cũ, vẫn được gạ mua với giá 3,5 triệu, thì không thể có chiếc điện thoại chính hãng nào trên 10 triệu mới dùng 2 tháng mà bán lại chỉ 2 triệu. Theo Bảo, nếu những chiếc điện thoại trên là chính hãng và còn mới, các tiệm điện thoại sẽ mua lại bằng 2/3 giá mới.

Yếu tố thứ hai là các đặc điểm của máy. Điều này người dùng phải thật thành thạo mới nhận ra. Hậu, một tay chơi điện thoại sành điệu, thay đổi đời máy liên tục, khẳng định, nếu  đã từng cầm qua hàng chính hãng rồi thì sẽ nhận ra ngay. "Thứ nhất là về trọng lượng máy, có máy nặng hơn và nhẹ hơn. Thứ hai là những Icon ở menu chính, đúng là giống Nokia nhưng xem kỹ thì độ sắc nét không có. Chức năng bên trong thì thiếu thốn nhiều", Hậu cho biết.

Và điều dễ nhận ra nhất là chắc chắn tất cả các điện thoại rao bán như trên đều không có hóa đơn bán hàng của các nhà bán lẻ. Tất cả các lời rao đều khẳng định là hàng do Công ty FPT phân phối, mua tại TGDĐ, VTA. Tuy nhiên khi chúng tôi đồng ý mua và yêu cầu hóa đơn bán hàng của các công ty này, người bán đều nại ra hàng trăm lý do để báo mất. Nào là bỏ trong túi giặt bị rã, dọn nhà để mất, mua dùng nên không quan tâm không lấy hóa đơn…

Đã không có hóa đơn, người bán chiếc Navi X6 32Gb tên là Vương qua điện thoại còn "khích" người mua: "Dân chơi, mua cái máy hơn chục triệu chỉ còn có 2 triệu mà còn đòi hóa đơn gì nữa. Đã dám chơi thì dám chịu mới là dân chơi". Tuy nhiên, khi chúng tôi nại lý do không hóa đơn và đề nghị chỉ đưa trước một phần tiền, người bán đã chấp nhận giảm 1/3, tức chỉ còn 1,4 triệu đồng. Như vậy đủ thấy chiếc điện thoại có giá thành thấp đến mức nào!

Việc kiểm tra thời hạn bảo hành của các điện thoại này không quá khó, chỉ có điều đây là "điểm chết", những kẻ lừa đảo bán hàng không hề chỉ cho khách. Đó là soạn câu lệnh BH-khoảng trắng-số IMEI gửi về tổng đài Nokia 8099, sẽ nhận được tin nhắn báo lại còn thời hạn bảo hành hay không. Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần TGDĐ, cho biết một chiếc Nokia  đưa về công ty có lịch sử. Nếu đưa số IMEI vào hệ thống sẽ tra ra ngay được nhập kho ngày nào, bán ngày nào, cho ai, địa chỉ ở đâu… rất đầy đủ.

Theo ông Lưu Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Bảo hành của Công ty VTA, hiện tình trạng hàng giả, hàng nhái Nokia và nhiều mặt hàng điện tử khác là có thật trên thị trường. Do đó người tiêu dùng khi mua hàng, nên yêu cầu phía bán cung cấp đầy đủ tất cả thông tin và quyền lợi để tránh bị mua nhầm hàng giả. Ông Hiếu cho biết ở VTA cũng có hệ thống dữ liệu, nếu khách hàng muốn tra cứu lịch sử hay tình trạng chiếc máy không quá khó. Chính vì việc hiện nay trên thị trường đã xuất hiện loại điện thoại giả, nhái và dùng chính số IMEI của Nokia cài vào bộ nhớ, nên người mua rất dễ sập bẫy. Vì vậy, ngoài việc nên mua điện thoại di động ở các siêu thị có cam kết uy tín, thì việc mua lại cũng cần đem đến các đơn vị chính hãng để tìm hiểu tình trạng chiếc máy

Đặng Vỹ - Huyền Sơn
.
.