Trộm cắp lộng hành giữa mùa dịch

Thứ Bảy, 26/06/2021, 08:17
Giữa lúc tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn các quận, huyện diễn biến hết sức phức tạp và lại thêm các vụ trộm cắp, cướp giật... có tính chất manh động gây nhức nhối, Công an TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị phải khẩn trương phá án, bắt giữ bằng được các đối tượng để người dân an tâm chống dịch.

Từ “thảo khấu” đường phố

Đêm 8-6-2021, trên đường Lê Bôi (Phường 7, Q.8) các đối tượng dùng mã tấu chém vào vai một nam thanh niên đang điều khiển xe gắn máy hiệu Vision trên đường. Sau đó, chúng cướp xe gắn máy của nạn nhân rồi bỏ trốn.

Khuya 10-6-2021, trên đường Bùi Văn Sự (Ấp 2, xã Qui Đức, huyện Bình Chánh) các đối tượng chặn đầu xe 1 người phụ nữ đang điều khiển xe máy đi ngược chiều. Sau đó, chúng đạp vào người nạn nhân khiến nạn nhân bị ngã xuống ruộng rồi dùng mã tấu uy hiếp để cướp tài sản.

Vào cuộc truy xét, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hồ Chí Minh xác định đây là băng nhóm chuyên cướp giật và trộm cắp tài sản của người đi đường, gồm: Từ Văn Tuyền (SN 2005, trú An Giang), Nguyễn Thành Luân (SN 1998, trú huyện Bình Chánh), Trương Nhật Huy (SN 2003, trú quận 8), Từ Văn Huyền (SN 2003, trú An Giang). 

Trong đó, Huy là đối tượng truy nã của Công an Quận 8 về hành vi trộm cắp tài sản. Các đối tượng này đều sử dụng ma túy và rất manh động, sẵn sàng tấn công nạn nhân, người dân, kể cả lực lượng Công an khi bị truy đuổi.

Ngoài các nhóm tội phạm cướp giật, trộm cắp có tổ chức đã bị triệt xóa, lợi dụng tình hình dịch bệnh, trên địa bàn thành phố nổi lên tình trạng trộm cắp vặt gây không ít phiền lụy cho người dân.

Chiều ngày 20-6, anh Lê Văn Mạnh (30 tuổi) chạy xe công nghệ giao thức ăn cho khách hàng ở Bình Chánh. Khi gần tới chợ đầu mối Bình Điền, anh Mạnh nghe phía sau có tiếng đạp số rất gấp, chưa kịp ngoảnh lại thì nhanh như chớp, anh bị chiếc xe áp sát vào, tên ngồi phía sau choàng tay tóm lấy chiếc giỏ giao hàng của anh định giật lấy. 

Anh Mạnh phản xạ tức thì, bẻ tay lái sang bên phải khiến chiếc xe đổ rạp, hai tên cướp mất thăng bằng bị tuột tay. Anh hét lên thật to: “cướp, cướp…”. Sợ bị người dân truy đuổi, hai tên cướp phóng thật nhanh tẩu thoát.

Điều đáng nói là giỏ giao hàng của anh Mạnh hôm ấy chỉ có khoảng… 3kg trái cây và bánh, hoàn toàn không có vật gì giá trị, vậy mà chúng cũng liều mạng ra tay. 

Anh Mạnh kể, bạn “xe ôm” của mình là Lê Hoàng Tiến cách đây vài ngày đã không may mắn bị giật mất chiếc điện thoại hiệu Oppo trị giá 3,2 triệu đồng. 

Đường phố thời dịch đoạn từ Q.7 qua Nhà Bè vắng vẻ, anh Tiến đi giao hàng ăn cho một khách ở xã Phú Xuân thì có một nam một nữ chạy cặp theo anh Tiến một đoạn đường dài, sau đó chúng ép sát vào giả vờ hỏi đường. 

Khi anh Tiến tập trung chỉ đường thì đối tượng nữ ngồi phía sau chồm lên giật chiếc điện thoại đang cài ở trước xe của anh Tiến. Chúng hành động nhanh đến nỗi anh Tiến chỉ kịp ú ớ một vài tiếng. Quan sát phía sau rất vắng vẻ, anh Tiến không dám đuổi theo vì sợ chúng có đồng bọn. Bữa đó, anh Tiến vừa mất điện thoại, vừa không thể đi giao hàng được cho khách.

Một nạn nhân khác trong các thương vụ “thảo khấu đường phố” là chị Lê Thị Thanh Nhàn (28 tuổi, ngụ Q.8, TP. Hồ Chí Minh). Chị Nhàn là tiểu thương bán hàng tại chợ Phạm Thế Hiển. Mùa dịch, chị chủ yếu bán hàng mang đi và giao tận nhà. 

Trên đường đi giao hàng cho khách, chị bị dàn cảnh đụng xe, may chỉ bị xây sát nhẹ phần ngoài da. Tuy nhiên, khi về tới nhà chị Nhàn phát hiện chiếc bóp tiền của mình biến mất. Chị quay trở lại chỗ ngã xe tìm kiếm cũng như hỏi thăm bà con xung quanh nhưng không ai biết.

Trong ví của chị Nhàn có gần 2 triệu tiền mặt, một thẻ ATM và giấy tờ tùy thân. Chị Nhàn đăng tìm kiếm của rơi trên mạng, hứa sẽ hậu tạ cho ai trả lại. Chỉ vài tiếng sau, có cuộc gọi tới số điện thoại, giới thiệu là người lượm được chiếc bóp của chị Nhàn bị ai đó vứt ở bãi rác và yêu cầu chị Nhàn chuộc lại với giá 3 triệu đồng. 

Chị Nhàn nghi ngờ người gọi điện cho chị có khả năng là đồng bọn trong vụ dàn cảnh móc túi, nhưng việc trước mắt chị muốn lấy lại giấy tờ quan trọng nên đành bỏ tiền ra chuộc lại.

Các thùng phụ tùng bị Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ.

Đến “trộm vặt” vỉa hè

Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh bắt giữ 9 đối tượng trong băng nhóm chuyên trộm cắp, tiêu thụ xe gian do Đặng Đình Hải (SN 1997, ngụ quận Bình Thạnh) cầm đầu, gồm: Hải, Nguyễn Hồng Chung (SN 1988, ngụ quận 12), Nguyễn Thị Kim Yến (SN 1995), Bùi Ngọc Quỳnh Như (SN 1993), Trần Ngọc Phương (SN 1970, cùng ngụ quận Bình Tân), Nguyễn Quốc Viễn (SN 2000, ngụ quận 10), Tạ Vi Toàn (SN 1969, ngụ quận 6) và Lý Minh An (SN 1970, ngụ quận Gò Vấp).

Hải khai cùng đồng phạm tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể và thực hiện nhiều vụ trộm xe máy, bán cho các "mối" tiêu thụ xe gian rồi chia tiền tiêu xài. 

Khi nào hết tiền, Hải chở Bùi Ngọc Quỳnh Như (SN.1993) lang thang đi "săn mồi". Khi phát hiện xe máy không người trông coi, lập tức giở “ngón nghề” trộm cắp. Lấy được “hàng”, chúng mang về khách sạn cất giấu hoặc đi làm chìa khóa mới rồi đem bán.

Băng nhóm này hết sức chuyên nghiệp, thủ đoạn hoạt động khá tinh vi. Để tránh bị cảnh sát phát hiện, nhóm này không bán nguyên cả xe tang vật mà rã từng phụ tùng đem bán. Có một ngôi nhà trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.5) lúc nào cũng đóng cửa như nhà hoang nhưng bên trong luôn có người, ổ khóa được móc bên ngoài để ngụy trang. Nơi này, là “lãnh địa” thực hiện các cuộc “phẫu thuật” xe ăn trộm.

Theo một số người chạy xe ôm cho biết họ từng đi mua các phụ tùng “xịn” nhưng giá rất rẻ tại một vài tiệm sửa xe ở Bình Chánh, Q.8, Q.4, Q.5. Tại các cửa hàng này, có luật riêng là không bao giờ sửa xe mà chỉ thay phụ tùng mặc dù trước bảng luôn ghi dòng chữ “sửa xe, thay nhớt”. Người đến thay phụ tùng đều là mối quen, không hề có khách vãng lai.

Ông Trần B., chủ một cửa hàng buôn bán phụ tùng ở Q.8 khẳng định chắc nịch khi giới thiệu với khách hàng, là ông bán phụ tùng cũ nhưng thật và chất lượng. 

Bởi, ông có nguồn cung cấp “uy tín”. Một xe máy nếu bán nguyên cả chiếc có giá trị 30 triệu, nhưng khi rã ra từng món chỉ được 15 triệu. Tuy nhiên, các tên trộm không mấy quan tâm đến giá cả, điều quan trọng là chúng tiêu thụ được hàng ăn cắp mà không bị phát hiện.

Chính vì bán phụ tùng kiếm tiền tươi thóc thật, nhanh gọn, khó bị phát giác nên nạn trộm cắp phụ tùng xe ô tô, xe máy thậm chí cả xe ba gác diễn ra nhức nhối trong mùa dịch. 

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, anh Lê Trọng Đạt không phải đến công ty làm việc nên cũng không phải sử dụng đến chiếc ô tô hiệu Vios. Anh Đạt thường đậu xe ngoài con hẻm trước nhà nằm trong khu Phú Xuân (Nhà Bè). Đây là khu dân cư tương đối bình yên, trước giờ ít xảy ra trộm cắp. 

Cách đây một tuần, hai chiếc kính chiếu hậu của xe “không cánh mà bay” chứng tỏ bọn trộm cắp mang cả đồ nghề chuyên nghiệp để đi ăn trộm. Anh Đạt phải bỏ ra hơn một triệu đi lắp kính và từ đó không dám để xe ngoài hẻm nữa.

Bi hài hơn phải kể đến trường hợp mất kính chiếu hậu xe ba gác của ông Phạm Văn Điền (55 tuổi, ngụ xóm trọ cầu Xóm Củi, Xã Bình Hưng, Bình Chánh). Ông Điền làm nghề chở thuê từ gần chục năm nay, chiếc xe ba gác là tài sản giá trị và là cần câu cơm hàng ngày của gia đình ông. 

Giữa tháng 6, trong lúc ông Điền đang đậu xe ven đường QL.50 để hốt xà bần thì bị lấy cắp mất một chiếc kính chiếu hậu có giá 150.000 đồng. Ông Điền cho biết, nếu mang bán ra các tiệm phụ tùng hoặc cửa hàng sửa chữa thì chỉ được 50.000– 70.000. Con số chỉ mua được hai hộp cơm vỉa hè thôi mà bọn trộm cắp vẫn không tha. 

Sau lần mất của, ông Điền đề cao cảnh giác. Mỗi khi phải đậu xe bên ngoài, ông Điền… tháo luôn hai chiếc kính mang theo, khi nào xong việc lại lắp vào. “Làm vậy tốn thời gian một chút nhưng yên tâm, vì dân lao động chúng tôi vào thời điểm này, một vài ngàn cũng quý giá. Mất một bên kính, coi như mất đứt một ngày công của tôi”, ông Điền tâm sự.

Ngọc Thiện – Đức Cương
.
.