Trung Đông trong vòng xoáy bất ổn hậu IS

Thứ Tư, 26/07/2017, 14:18
Những chiến thắng dồn dập trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq hay Syria chỉ là bước khởi đầu. Những chiến thắng này có thể sớm trở thành quá khứ trước tương lai đầy bất ổn của Trung Đông hậu cuộc chiến chống IS.


Nhân tố bất ổn mới trong "mớ" bất ổn cũ

Cuộc chiến tại Iraq và Syria đang bước vào giai đoạn  cuối cùng. Quân đội hai nước dưới sự yểm trợ của các lực lượng đã bước vào các cuộc truy kích quyết liệt nhằm kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ. Tại Iraq, chiến thắng Mosul đã tạo ra bước ngoặt chiến lược, xoay chuyển tình thế.

Tướng Issam Zahreddine, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 104 Vệ binh Cộng hòa Syria trên chiến trường Deir Ezzor. Ảnh: PressTV.

Trong khi đó, quân đội Syria cũng đang đẩy IS ra khỏi các vị trí chiến lược. Lực lượng tên lửa và pháo binh của quân đội Syria dội hỏa lực mạnh vào nhiều vùng lãnh thổ, đánh sập các tuyến phòng thủ, tiêu diệt và làm bị thương một loạt tay súng khủng bố, kiểm soát, thiết lập an ninh ở nhiều vị trí quan trọng từ Đông Homs, Raqqa, khu vực đồi núi thuộc biên giới Syria - Lebanon, cao nguyên Arsal... tiến thẳng tới Deir Ezzur. Các chiến thắng này đã mở đường hướng tới một giải pháp hòa bình.

Tuy nhiên, việc đánh bại IS sẽ chưa thể mang lại hòa bình cho Trung Đông. Rất có thể một chương mới sẽ mở ra cho khu vực có lịch sử đầy bất ổn và đau thương này, và chương mới đó cũng chẳng sáng sủa hơn nếu không tận diệt được khủng bố, tư tưởng khủng bố. Bạo lực tại khu vực vẫn tiếp diễn do những xung đột nội tại chưa được giải quyết.

Thay vào đó, khu vực vẫn tồn tại những nguy cơ bùng nổ xung đột. Sự hiện diện của quá nhiều phe phái với những nước lớn "chống lưng". Tàn dư của IS sẵn sàng trỗi dậy bất kỳ khi nào cùng những mâu thuẫn nội tại của chính "phe chiến thắng" đang khiến khu vực này "nóng" hơn bao giờ hết.

Với các chiến thắng mang tính biểu tượng tại Mosul (Iraq), và trên khắp chiến trường Syria trong cuộc chiến chống IS đã có một bước ngoặt quan trọng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chưa thể coi là giành chiến thắng hoàn toàn và xóa sổ IS khỏi bản đồ thế giới.

Thành phố Mosul ở phía Bắc Iraq, nơi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện và được tình báo Mỹ khẳng định chưa chết một lần nữa làm dấy lên lo ngại đối với thế giới.

Cho dù cuộc chiến kéo dài gần 9 tháng của quân đội chính phủ Iraq được sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm giành lại thành phố lớn thứ hai Iraq từ tay IS đã kết thúc hay ngày càng có thêm những thành phố của Syria được giải phóng, tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia quân sự, giải phóng Mosul hay Syria không đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho IS ở Trung Đông. Các thách thức chất chồng như núi đang chờ phía trước. Không chỉ trong việc tái thiết Iraq hay Syria, mà còn cả trong việc làm thế nào để đối phó với sự hiện diện của IS ở khắp mọi nơi.

Tại rất nhiều thành phố và khu vực khác của hai quốc gia Trung Đông này, cuộc chiến chống IS vẫn đang tiếp diễn hàng ngày, hàng giờ. Chuyên gia phân tích về Iraq, Patrick Martin, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cho rằng việc giành được Mosul không có nghĩa là IS đã bị xóa sổ. Trên thực tế, tổ chức khủng bố này vẫn đang nắm giữ một vùng thành thị rộng lớn, nhất là ở Syria.

Theo ông Martin, thậm chí ngay tại Iraq, nếu các lực lượng an ninh không có những biện pháp phòng ngừa, IS có thể sẽ lại trỗi dậy. 

IS hiện vẫn đang kiểm soát các thị trấn ở phía Bắc Iraq như Tal Afar và Hawijah, cũng như phần phía Tây tỉnh Anbar, Iraq. Để giữ lại những tàn dư của cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo", IS nhiều khả năng sẽ tập trung vào một chiến lược mà chúng đang theo đuổi là các cuộc tấn công kiểu du kích và đánh bom. Có nhiều ý kiến nhận định IS sẽ chuyển hướng sang việc tấn công khủng bố và nổi dậy, thay vì tìm cách đánh chiếm các vùng lãnh thổ.

"Những con sói nằm vùng" và vòng quay bạo lực

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng mối đe dọa IS chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều, bởi chúng có thể sẽ tìm cách tái tập hợp và tiến hành các vụ tấn công trả thù trên khắp thế giới. Thất bại tại Mosul có thể sẽ buộc IS phải tìm một mảnh đất khác để tiếp tục giấc mơ thánh chiến của chúng. Các phiến quân IS có thể sẽ chạy trốn tới một số vùng lãnh thổ xa xôi và biệt lập tại Iraq, tận dụng những phần tử đang lẩn trốn trong dân chúng tại các vùng thành thị để tiến hành tấn công trong tương lai.

Lực lượng quân tình nguyện Syria, cố vấn quân sự Nga đang xây dựng phương án tác chiến trên chiến trường thị trấn al-Sukhnah. Ảnh: Reuters.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng thất bại trên các chiến trường Trung Đông sẽ trở thành động lực để IS tiến hành các cuộc tấn công trả thù, nhất là ở phương Tây. Theo nhà phân tích chính trị người Palestine Muhammad Hijazzi, IS có một kế hoạch gọi là "Những con sói nằm vùng", theo đó tận dụng những phần tử đã có mặt tại các nước phương Tây, chờ nhận lệnh tiến hành các vụ khủng bố khi thời cơ thích hợp.

Tại Iraq, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi giờ đây sẽ phải đối mặt với một thách thức thậm chí còn lớn hơn nhiều là các cuộc tranh giành quyền lực trên chính trường Iraq và xây dựng một sự đồng thuận tại thành phố Mosul vốn luôn tồn tại nhiều bất đồng giữa các phe phái và sắc tộc. Mosul sau "thời đại IS" là một thành phố nhiều chia rẽ. Đầu tiên phải kể đến lực lượng dân quân Shi'ite do Iran dẫn đầu. Tập hợp dưới danh nghĩa "các lực lượng nhân dân cơ động", những người này thường xuyên tìm cách chèn ép dân thường Sunni, sẵn sàng gạt cộng đồng Sunni ra khỏi chính phủ của Iraq.

Phiến quân người Kurd cũng là một lực lượng có mặt trong những mâu thuẫn ở Mosul. Các nhóm này, dù là đồng minh của Mỹ, song lại có tham vọng lớn về một vùng đất tự trị quy mô ở phía Bắc Iraq. Nếu không được kiềm chế, họ chắc chắn sẽ tìm cách kiểm soát Mosul và tiến hành một cuộc chiến tranh phe phái với người Sunni.

Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng các Vấn đề Quốc tế của Nga, cho biết: "Chúng ta có thể phải tiến hành chiến tranh để chống lại chiến tranh, tình trạng rất bất ổn và khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Tất cả các bên liên quan đều chiến đấu chống lại nhau. Phức tạp ở chỗ, giống như những gì chúng ta đang chứng kiến với Qatar, một cuộc xung đột ngay trong nội bộ thế giới Arập, và cũng là giữa Arập với các thế lực bên ngoài, sẽ kéo theo sự can thiệp của các nhân tố quốc tế đang nỗ lực tích lũy những lợi ích chiến lược".

Còn tại Syria, trong vài tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ, nước yêu cầu Tổng thống Syria Bashar Assad phải ra đi và rất căm ghét các lực lượng người Kurd, đã triển khai thêm nhiều binh lính ở Iraq và Syria. Trong khi đó, Lực lượng Dân chủ Syria, một nhóm vũ trang do người Kurd làm chủ đạo, là trợ thủ đắc lực của Mỹ trong nỗ lực lật đổ chế độ Assad và trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, hầu như đã bao vây được hết Raqqa, thành trì chính của IS. Lực lượng dân quân theo dòng Shi'ite tại Iraq và Syria, với sự hỗ trợ của Nga và Iran, cũng đã di chuyển đến các khu vực biên giới, sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng chính phủ Syria đang hoạt động trên thực địa.

Ông Kortunov cho rằng "sự can thiệp này sẽ làm tổn hại đến những giải pháp dài hạn. Đó là viễn cảnh tồi tệ nhất nhưng rất tiếc nó lại dễ xảy ra nhất. Nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, thì chỉ trong khoảng hai năm nữa, viễn cảnh đó rất có thể sẽ trở thành hiện thực". Ông Kortunov kết luận, sẽ là sai lầm khi cho rằng những thất bại này sẽ đánh dấu sự sụp đổ của IS hay các tổ chức cực đoan tương tự.

Trên thực tế, IS hoạt động dựa vào khả năng thu hút các thanh thiếu niên tham gia hàng ngũ của mình bằng cách trao cho những người đang cảm thấy chán nản một sứ mệnh chung về ý thức hệ.

Và IS đã chứng tỏ mình giỏi trong vấn đề này khi đã chiêu mộ những "chiến binh" từ khắp nơi trên thế giới, những người sẵn sàng chết vì mục tiêu của tổ chức để tạo ra một vương quốc Hồi giáo rộng lớn và thôi thúc thêm rất nhiều người nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công tại chính quê hương của họ. Kinh nghiệm của các tổ chức khủng bố khác, đặc biệt nhất là al-Qaeda cho thấy, ngay cả khi không có cái được gọi là "nhà nước" thì những ý thức hệ cấp tiến vẫn có thể tồn tại được.

Chẳng hạn như tổ chức Mặt trận al-Nusra, từng là một nhánh của al-Qaeda và là một trong những nhóm thánh chiến quyền lực nhất tại Syria. Giống như IS, al-Nusra cũng nuôi dưỡng tham vọng xây dựng một nhà nước. Nỗ lực đó, trên khía cạnh tôn giáo, đã được các thủ lĩnh khủng bố gốc Arập không phải người Syria ủng hộ, chẳng hạn như cựu thủ lĩnh al-Qaeda Abdullah al-Muhaysini đến từ Saudi Arabia.

Những sắc lệnh tôn giáo của những thủ lĩnh này sẽ không bị các tay súng Syria nghi ngờ. Al-Nusra cũng có lợi từ việc liên kết với các tổ chức khác cùng có chung mong muốn thoát khỏi chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trên thực tế, al-Nusra hiện đang thống trị một liên minh được gọi là Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), bao gồm 64 phe phái. Trong bối cảnh này, sẽ thật "khờ dại" nếu cho rằng việc giành lại lãnh thổ từ IS sẽ chẳng khác nào trả tự do cho khu vực của những tổ chức cực đoạn khác.

Ngay khi giấc mơ thành lập một vương quốc Hồi giáo của IS tiêu tan, việc giữ chân các chiến binh trẻ của tổ chức này có thể sẽ suy yếu. Tuy nhiên, nếu không có một sự nỗ lực phối hợp mang tính toàn diện nhằm làm mất uy tín các thánh chiến và củng cố các hệ thống chính trị, "vòng quay" bạo lực tại Iraq, Syria và các nơi khác ở Trung Đông sẽ không thể bị phá vỡ.

Can thiệp quân sự của các nước lớn và thế lực nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố

Trong vài thập kỷ trở lại đây, các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã áp dụng chính sách với Trung Đông. Từ sau vụ khủng bố 11/9, Nhà Trắng hướng đến các cuộc can thiệp quân sự. Cuộc can thiệp quân sự của Mỹ, các đồng minh NATO và Arập đã được mở rộng từ sau năm 2011 khi tình trạng hỗn độn nổ ra tại nhiều quốc gia Trung Đông. "Nhờ" có sự can thiệp này, từng quốc gia Libya, Syria và Yemen đã nối tiếp nhau rơi vào nội chiến.

Dội hỏa lực mạnh ở Homs quân đội Syria nghiền nát trung tâm chỉ huy IS. Ảnh Reuters.

Cùng lúc, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu với gốc rễ từ Trung Đông đã lây lan ra khắp thế giới, gây ra cái chết của hàng nghìn dân thường, và số người bị thương còn hơn thế. Sự can thiệp quân sự đã không thể kiềm chế được lực lượng khủng bố, mà còn khiến cho chủ nghĩa khủng bố và cực đoan càng gia tăng.

Năm 2003, các binh lính Mỹ đã xâm lược Iraq  và lật đổ chế độ Saddam, từ đó phá hủy hoàn toàn hệ thống chính trị và xã hội Iraq. Các chính trị gia, binh sĩ, và các lãnh đạo tôn giáo, với sự hỗ trợ của Washington và các quốc gia trong khu vực, đã vật lộn để tranh giành quyền lực, đẩy an ninh và sự ổn định của đất nước rơi vào hỗn độn. Nhóm al-Qaida đã thiết lập chi nhánh của chúng ở Iraq, kiếm lợi nhờ lỗ hổng quyền lực mà Mỹ để lại, và cuối cùng đã sản sinh ra IS. Tổ chức khủng bố này hiện đang chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và láng giềng Syria, đồng thời tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố trên khắp thế giới.

Làm gì để ngăn Trung Đông tiếp tục rơi vào một cuộc chiến hậu IS? mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor phân tích, sau khi Iraq "bình định" được Mosul, Syria trở thành trung tâm của bạo động và xung đột. Trong bối cảnh cuộc chiến thông thường với IS bước vào giai đoạn cuối, IS đang lợi dụng tối đa để tái tập hợp và những kẻ cực đoan khác cũng sẽ nhân cơ hội đó mà thành lập những tổ chức dân quân mới khi các phe phái có những tính toán ngay trên đất Syria.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, can thiệp quân sự không phải là giải pháp hữu hiệu tại Trung Đông. Trước viễn cảnh về một chiến thắng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria và Iraq, người dân ở Trung Đông, thay vì cảm thấy vui mừng, lại bắt đầu lo lắng về những cuộc xung đột khắc nghiệt hơn, kéo theo sự can thiệp của hầu hết các quốc gia trong khu vực.

Sau nhiều năm hứng chịu các vụ tấn công khủng bố, người dân Syria đang mong chờ quê nhà của mình được giải phóng khỏi IS. Tuy nhiên, họ có thể phải đợi lâu hơn để chứng kiến đất nước được hưởng nền hòa bình, bởi sự can thiệp quân sự của các thế lực bên ngoài có thể gây ra thêm nhiều cuộc xung đột.

Hoa Huyền
.
.