Bêu tên người thiếu nợ không trả ở Trung Quốc

Chủ Nhật, 22/10/2017, 18:20
Tình trạng bong bóng nợ nần đang khiến chính quyền các cấp ở Trung Quốc lo lắng và đang tìm mọi cách để hạn chế. Mới đây, Bắc Kinh đã ban hành chỉ thị yêu cầu chính quyền các địa phương trong cả nước tiến hành việc công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông tên họ người nào mượn nợ trong các ngân hàng của nhà nước mà không chịu trả hoặc chậm trả.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá phương án này không mấy tác dụng nếu con nợ cứ chây ì, không sợ dư luận.

Thực ra, phương pháp đòi nợ “có một không hai” của các cơ quan chính quyền Trung Quốc đã được áp dụng từ nhiều năm nay. Phương tiện được sử dụng để bêu danh người quỵt nợ là tấm panô lớn thường dùng quảng cáo hàng hóa ngoài trời, xuất hiện nhan nhản ở một số vùng.

Ở một số vùng khác, giới chức chính quyền địa phương phối hợp với các công ty viễn thông để phát đoạn ghi âm qua đường điện thoại với nội dung thúc giục con nợ trả nợ hoặc nhờ bà con họ hàng trả giúp. Ngoài ra, các cơ quan chính quyền còn dùng phương án đưa tên con nợ khó đòi vào “danh sách đen” để theo dõi, cấm không cho đi máy bay và tàu hỏa cao tốc.

Màn hình tại một nhà ga ở Thượng Hải hiện hình ảnh và thông tin về người thiếu nợ. Ảnh: Reuters.

Trong phương án đòi nợ mới, chính quyền trung ương ban hành và chỉ đạo các địa phương xây dựng các diễn đàn trực tuyến trên mạng Internet để bêu tên con nợ khó đòi trên đó để cho cư dân mạng bàn tán.

Danh sách con nợ bị bêu danh do các cơ quan báo, đài địa phương cũng như tòa án và các cơ quan chức năng quản lý nhằm gây áp lực buộc con nợ vì quá xấu hổ hoặc không chịu nổi búa rìu dư luận mà phải tìm cách trả nợ. Phương án mới này có thể giúp chính quyền Trung Quốc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia tập trung về những người vô trách nhiệm khi vay nợ.

Vay thế chấp, cầm cố, thẻ tín dụng và các hình thức vay tiêu dùng khác là bước phát triển tương đối mới nhưng ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Đi cùng sự phát triển này là những hệ lụy mặt trái của nó khiến các nhà lãnh đạo và giới chức Trung Quốc bắt đầu áp dụng các phương cách không quen thuộc hoặc đôi khi không chính thống để xác định mức độ đáng tin cậy của người dân, chẳng hạn như theo dõi điện thoại di động.

Một vấn đề đặt ra cho đến nay là các quan chức chính quyền điều hành các diễn đàn trực tuyến này như thế nào, và chưa có thông tin gì về việc họ sẽ làm bằng cách nào. Báo chí Trung Quốc cho biết, Tòa án Tối cao và lãnh đạo ngành ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chỉ đạo các quan chức chính quyền địa phương hoàn thiện các diễn đàn vào cuối năm nay, sau đó là quá trình phổ biến, làm cho dân chúng biết đến các diễn đàn này kéo dài trong hai năm.

Cơ sở dữ liệu điện tử hiện hữu của Tòa án Tối cao được xem như mô hình mẫu để dựa theo đó xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về các con nợ khó đòi. Cơ sở dữ liệu này chứa thông tin cá nhân, đôi khi cả các công ty, tổ chức và một số cơ quan chính quyền. Cơ sở dữ liệu mới sẽ chủ yếu chứa đựng thông tin về những con nợ khó đòi đã bị kiện ra tòa và bị thua kiện.

Tháng 6-2017, Tòa án Tối cao thông báo đã cho công bố hơn 7 triệu tên người vỡ nợ. Cơ sở dữ liệu đã được sử dụng để gây áp lực lên những con nợ chây ì bằng cách gây khó khăn cho việc đi lại của họ. Theo Tòa án Tối cao, nhờ có cơ sở dữ liệu mà 7 triệu con nợ khó đòi đã bị hủy hoặc thu hồi vé máy bay và hơn 3 triệu vé tàu hỏa cao tốc. Các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác cũng thường xuyên tra cứu cơ sở dữ liệu của Tòa án Tối cao, nhưng họ thường không bổ sung hay chia sẻ thông tin của riêng mình về các con nợ khó đòi để làm phong phú cơ sở dữ liệu.

Các công ty cung cấp dịch vụ mạng Internet lớn của Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập hệ thống xác định chỉ số tín nhiệm xã hội toàn quốc. Ant Financial, một công ty con của Tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma, cho biết công ty đã xây dựng hệ thống xác định chỉ số tín nhiệm riêng, gọi là Sesame Credit, chuyên tra cứu cơ sở dữ liệu của Tòa án Tối cao nhưng không đóng góp thông tin, dữ liệu.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.