Trung Quốc: Lùm xùm chuyện “rửa tiền”

Thứ Tư, 27/08/2014, 17:40

Ngày 13/8 vừa qua, báo chí Pháp và Hồng Công lại hâm nóng các vụ cáo buộc hai ngân hàng lớn của Trung Quốc là Bank Of China (BOC) và Citic Bank dính vào các thương vụ chuyển tiền bất hợp pháp với tên gọi You Huitong, và scandal một số nhà hàng Trung Quốc tại Pháp “rửa tiền”. Cũng như lần trước, chính phủ Bắc Kinh và chủ nhà hàng lên tiếng phủ nhận.

Chương trình You Huitong và cáo buộc làm ăn mờ ám

Nã phát pháo đầu tiên là báo South China Morning Post phát hành ở Hồng Công ra ngày 9/7/2014. Theo bài báo, 2 trong số các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm quy tắc quản lý ngoại hối, trợ giúp chuyển tiền mặt ra khỏi Trung Quốc cho giới nhà giàu muốn định cư ở nước ngoài. Với cái tít giật gân: "BOC làm ăn mờ ám", báo tường thuật lại các vấn đề mà phóng viên cho rằng BOC đã "rửa tiền".

Ngay sau đó, Hãng Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cũng đã có phóng sự điều tra BOC rửa tiền khi thực hiện các hành vi trên. Một đoạn phim cho thấy phóng viên điều tra của họ đang được một nhân viên của BOC Chi nhánh Quảng Đông chỉ dẫn cách lách luật ngoại hối để chuyển tiền ra nước ngoài.

Một ngân hàng khác là Citic Bank, vốn được kiểm soát bởi Tập đoàn nhà nước Citic Group, cũng bị cáo buộc "rửa tiền". Theo các bài báo, trong gần 3 năm chuyển tiền theo cái gọi là "Chương trình You Huitong", cả BOC lẫn Citic Bank đã rửa hàng trăm triệu USD.

Phản ứng lại, BOC khẳng định cáo buộc của CCTV và một số tờ báo khác là "không đúng sự thật" và có sự hiểu lầm về hệ thống chuyển tiền xuyên biên giới.

Được biết, BOC mở dịch vụ You Huitong từ năm 2011 để chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư, trong một nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm quản lý tốt hơn số dự trữ ngoại hối hơn 4.000 tỉ USD và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Một số tờ báo xuất bản ở Hồng Công cho rằng việc CCTV "tấn công" một ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước là động thái bất ngờ, đặc biệt là sau chỉ thị của cơ quan quản lý báo chí hồi tháng trước cấm truyền thông "đưa tin chỉ trích" các tổ chức thuộc nhà nước nếu không được cho phép. Theo giới truyền thông, quy mô và tính nghiêm trọng của cáo buộc cho thấy CCTV đã nhận được sự đồng ý từ chính quyền cấp cao.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bị cáo buộc "rửa tiền".

Phóng viên CCTV đã dùng máy quay siêu nhỏ để quay lén một nhân viên BOC nói với các nhà đầu tư: "Chúng tôi không quan tâm tiền của các vị đen hay bẩn như thế nào. Chúng tôi sẽ tìm cách chuyển ra nước ngoài cho các vị".

Trong bản tin kéo dài 20 phút, CCTV khẳng định các chi nhánh của BOC ở nhiều thành phố đã chuyển một số lượng lớn tiền ra nước ngoài cho các khách hàng giàu có muốn di cư. Trong một số trường hợp, BOC cấu kết với nhân viên nhập cư để giúp khách hàng che giấu nguồn gốc tài sản. Đổi lại, BOC sẽ nhận được những khoản tiền hoa hồng hậu hĩ.

Tổ chức Global Financial Integrity ước tích trong một báo cáo vào năm 2013, là Trung Quốc mất khoảng 1.000 tỉ USD tiền vận chuyển ra nước ngoài bất hợp pháp từ năm 2002 đến 2011. Giới báo chí Australia cho biết, nước này hiện là một trong những trung tâm "rửa tiền" của Trung Quốc.

Chính phủ Canberra áp dụng một chương trình thị thực đặc biệt cho phép công dân nước ngoài được định cư lâu dài tại Australia sau khi đầu tư 5 triệu USD vào trái phiếu, quỹ nhà ở Australia hoặc vào các mô hình kinh doanh quy mô nhỏ. Cứ 10 người đăng ký tham gia chương trình này thì có tới 9 người đến từ Trung Quốc.

Cáo buộc "rửa tiền" trong một số nhà hàng tại Pháp do người Trung Quốc làm chủ

Trước vụ cáo buộc này không lâu, vào ngày 10/8/2013, báo chí Pháp cũng đã đăng tải loạt bài giật gân về cáo buộc "rửa tiền" tại một số nhà hàng, khách sạn ở Pháp do người Trung Quốc làm chủ. Theo các bài báo, Cơ quan điều tra của Pháp đã phát hiện "máy rửa tiền mới" tại một số nhà hàng Trung Quốc thông qua hệ thống thanh toán phí bữa ăn qua thẻ (Tickets Resto) - dịch vụ mà rất nhiều cửa hàng, nhà hàng ở Pháp nhận thanh toán. 

Theo các bài báo, Tracfin - Cơ quan phụ trách chống nạn rửa tiền thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính của Pháp - đã "ngửi" thấy tình trạng rửa tiền khi các nhà hàng nhỏ liệt kê danh sách 2.000 khách hàng sử dụng Tickets Resto mỗi ngày để chi trả mà không có bất kỳ bữa ăn nào được dọn ra. Cụ thể là, một số nhà hàng ở vùng Ile-de-France (Pháp) thuộc sở hữu của một gia đình Trung Quốc bị nghi ngờ "rửa tiền" theo dạng này. Vụ việc đã được chuyển đến Viện Kiểm sát Versailles để mở cuộc điều tra chính thức.

Về vụ này, báo Le Parisien tiết lộ số tiền 10 triệu euro (13 triệu USD) mà các nhà hàng Trung Quốc thu được chỉ trong vài tháng. Số tiền "bẩn" này được chuyển đến nhà hàng qua tay của những tên buôn lậu, giết người, trộm cướp, biển thủ công quỹ… khi chúng không thể đưa tiền mặt khối lượng lớn vào ngân hàng. Sau đó, những nhà hàng, khách sạn sẽ "rửa" bằng cách gửi Tickets Resto đến Trung tâm thanh toán Tickets Resto để hợp thức hóa "tiền bẩn" thành "tiền sạch".

Bộ Nội vụ Pháp đã quyết định khởi tố vụ án vào tháng 7 vừa qua, nếu bị buộc tội "rửa tiền", chủ mỗi nhà hàng sẽ bị tuyên án tù từ 4 đến 10 năm và nộp phạt hàng trăm ngàn USD

Lê Miên Tường (tổng hợp)
.
.