Trung Quốc:

Tội phạm lập trang trại nuôi heo trá hình để buôn phụ nữ mắc bệnh tâm thần

Thứ Năm, 12/11/2015, 08:25
Không ít số phụ nữ mắc bệnh tâm thần ở những địa phương nghèo tại Trung Quốc đang trở thành nạn nhân của bọn tội phạm. Họ bị bán tới những nơi rất xa nhà, bị nhốt trong chuồng heo, bị ép lấy đàn ông địa phương và cuối cùng trở thành “cái máy đẻ”.

>Ngày 8/2/2015, Công an Trung Quốc phát hiện một phụ nữ có biểu hiện tâm thần trên một chuyến tàu khởi hành từ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Đi cùng người phụ nữ này là 2 gã đàn ông. Công an yêu cầu tất cả về trụ sở để làm việc. Từ đó, họ phát hiện 2 người đàn ông mua người phụ nữ này từ một tên buôn người ở tỉnh Quảng Tây và sẽ bán chị ở tỉnh Sơn Đông cách quê chị khoảng hơn 1.000km.

Một phụ nữ tâm thần bị bán được Công an Trung Quốc giải cứu. Ảnh: Công an Trung Quốc/Nhân dân Nhật báo.

Qua điều tra mở rộng, Công an Trung Quốc phát hiện một đường dây chuyên buôn phụ nữ mắc bệnh tâm thần từ Quảng Tây đến Quảng Đông và bán họ cho những người đàn ông chưa kết hôn, phần lớn ở vùng quê nghèo, thu nhập thấp. Trong 2 năm qua, bọn tội phạm bán được 10 phụ nữ tâm thần và hưởng lợi bất chính 600.000 NDT.

Để tránh bị chú ý, một thành viên trong đường dây đã mở một trang trại nuôi heo trá hình ở tỉnh Sơn Đông để nhốt những người phụ nữ bị buôn trong đó. Những kẻ mua đến tận trang trại để  chọn “hàng”. Hầu hết đều là đàn ông sống độc thân quá tuổi kết hôn, đến từ những khu vực miền núi xa xôi, họ không có khả năng cưới vợ vì nghèo và phải nhờ đến bọn buôn người để tìm ai đó có thể sinh con trai nối dõi.

Công an khu tự trị Nội Mông đang chăm sóc 2 phụ nữ tâm thần là nạn nhân của bọn buôn người. Ảnh: Công an Trung Quốc/News.CN.

Công an Trung Quốc cho biết nhóm tội phạm cố tình chọn phụ nữ tâm thần, vì họ sẽ không có khả năng tự bảo vệ và đôi khi gia đình cảm thấy họ như một gánh nặng muốn trút bỏ. Bọn buôn người thường trả cho gia đình các cô gái khoản tiền dao động từ 3.000 đến 5.000 NDT. Khi những người phụ nữ tâm thần bị mang đi, gia đình họ không bao giờ liên lạc nữa,  vì vậy công an Trung Quốc rất vất vả trong việc thu thập bằng chứng khi thực hiện công tác điều tra, phá những đường dây buôn người kiểu này.

Các nhà chức trách cũng gặp khó khăn trong công tác vận động gia đình nhận lại con đã bị bán, vì phản ứng của gia đình nạn nhân thường rất tệ. Chẳng hạn, sau khi giải cứu nạn nhân, khi Cơ quan công an đưa nạn nhân trở về nhà, người nhà từ chối tiếp nhận, họ phân bua: “Chúng tôi quá nghèo để nuôi nó!”. Và họ chỉ nhận lại con sau khi được chính quyền địa phương hứa trợ cấp cho họ.

Bà Lý Lan Anh, giáo sư chuyên ngành luật Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến cho biết, buôn bán phụ nữ mắc bệnh tâm thần không chỉ phạm tội hình sự mà còn là một tội phạm nghiệm trọng chống lại đạo đức xã hội. Bà kêu gọi các nhà chức trách đưa ra nhiều hơn nữa các biện pháp về mặt pháp luật để cải thiện việc bảo vệ những người phụ nữ tâm thần bị bán và áp dụng án phạt nghiêm khắc hơn đối với những đối tượng buôn người.

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.