Trung Quốc – Đài Loan hợp tác chống tội phạm có tổ chức

Thứ Ba, 17/05/2016, 16:20
Chính quyền Trung Quốc tiến hành chiến dịch triệt phá các băng nhóm lừa đảo quốc tế hoạt động trên toàn cầu và đặt ra thách thức mới cho tuyên bố đòi độc lập của Đài Loan. Vấn đề là, bọn tội phạm trong băng nhóm lừa đảo qua điện thoại đều là người Đài Loan và nạn nhân của chúng phần lớn là người đại lục.

Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng chính trị và kinh tế để nhấn mạnh rằng, chính quuyền đại lục có quyền xét xử những vụ án như thế. Có vẻ như Đài Loan đã nhượng bộ trước đòi hỏi của Bắc Kinh.

Khi trục xuất 45 người Đài Loan liên quan đến băng nhóm lừa đảo qua điện thoại hồi tháng 4-2016, chính quyền Kenya không đưa họ trở về quê nhà mà đến Bắc Kinh - hành động này khiến Đài Bắc phải lớn tiếng “đây không khác một vụ bắt cóc”. Nhưng mới đây, khi Malaysia chuyển giao một nhóm tội phạm khoảng 20 người Đài Loan cho Trung Quốc thì Đài Bắc thay đổi giọng điệu và lên tiếng ủng hộ.

Nhóm nghi can người Đài Loan bị Kenya trục xuất về Trung Quốc.

Trong một tuyên bố chính thức, chính quyền Đài Bắc mô tả đề nghị hợp tác chống tội phạm của Bắc Kinh là “tích cực”. Sự thay đổi thái độ từ giận dữ sang chấp nhận cho thấy chính quyền Đài Bắc nhận thức rõ nạn tội phạm người Đài Loan đang hoạt động lan rộng khắp thế giới và Bắc Kinh có thể giúp ngăn chặn chúng.

Nathan Liu, giáo sư Khoa các vấn đề quốc tế Đại học Ming Chuan ở Đài Loan, nhận xét: Phần đông người Đài Loan tin rằng Trung Quốc cần được phép trừng trị bọn tội phạm. Tuy nhiên, đây là thách thức lớn cho lĩnh vực ngoại giao.

Shane Lee, chuyên gia khoa học chính trị Đại học Chang Jung Christian ở Đài Loan, nhận định: “Dĩ nhiên, nếu như Trung Quốc có quyền xét xử trong những vụ án như thế, có nghĩa là Đài Loan sẽ không là một quốc gia hoàn toàn độc lập”.

Bắc Kinh luôn tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan bất chấp 7 thập niên tự cầm quyền của đảo này. Theo đó, công dân Đài Loan là người Trung Quốc nên họ cũng là đối tượng xét xử của chính quyền đại lục. Kenya và Malaysia luôn duy trì quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh (chứ không phải Đài Bắc) cho nên họ cảm thấy lập luận này có sức thuyết phục. Tòa án Trung Quốc có mức án tù chung thân cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong khi bản án của Đài loan chỉ từ 1 đến 5 năm tù giam. Các nhà phân tích chính trị tìm thấy nhiều người Đài Loan nhận định bản án như thế là quá nhẹ.

Lừa đảo qua điện thoại được bọn tội phạm sử dụng từ lâu song hiện nay chiêu trò này đang bùng nổ mạnh ở Trung Quốc. Bọn tội phạm gọi đến những số điện thoại ngẫu nhiên, tự xưng là nhân viên chính quyền và cảnh báo với các nạn nhân rằng hồ sơ dữ liệu bảo hiểm y tế của họ đã bị đánh cắp. Sau đó, nạn nhân được yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản “an toàn” của chính quyền để thu hồi lại dữ liệu.

Bà Chen Wen-chi (giữa).

Tờ China Daily đưa tin những vụ lừa đảo qua điện thoại gây thất thoát hàng trăm triệu USD/năm cho nạn nhân ở Trung Quốc và tội phạm người Đài Loan liên quan đến khoảng một nửa số vụ. Các mạng lưới lừa đảo như thế bắt đầu lan rộng ra toàn cầu sau năm 2009, khi Trung Quốc và Đài Loan ký kết hiệp ước chia sẻ thông tin về những vụ án hình sự - theo Liao You-lu, giáo sư Khoa điều tra tội phạm Đại học Cảnh sát Trung ương gần Đài Bắc.

Cũng theo China Daily, loại tội phạm này hiện đang hoạt động tại 25 quốc gia - từ Paraguay đến Hy Lạp, châu Phi và Đông Nam Á - và tiến hành tấn công nạn nhân ở Trung Quốc. Mới đây, cảnh sát Trung Quốc bắt đầu gây sức ép đến chính quyền các nước có bọn tội phạm hoạt động, yêu cầu triệt phá các mạng lưới lừa đảo và giao nộp nghi can cho Trung Quốc.

Cảnh sát Đài Loan có quyền tạm giữ nghi can trong vòng 24 giờ, trong khi tòa án nơi này đòi hỏi nhiều bằng chứng hơn phía Trung Quốc mới có thể buộc tội nghi can. Những bằng chứng như thế khó thu thập được đầy đủ nếu không có sự hợp tác chặt chẽ từ lực lượng cảnh sát của quốc gia trục xuất nghi can. Điều này đòi hỏi phải có mối quan hệ ngoại giao mà Đài Loan không có, trong khi phần lớn các nước chỉ công nhận Bắc Kinh là chính quyền Trung Quốc.

Chen Wen-chi, nữ lãnh đạo cơ quan về các vấn đề pháp lý xuyên eo biển và quốc tế thuộc Bộ Tư pháp Đài Loan, nhận định Đài Loan có thể cung cấp thông tin về nhân thân công dân đảo cũng như những phương cách lừa đảo được bọn tội phạm sử dụng cho phía Trung Quốc và sự hợp tác giữa hai bên về các nghi can do Kenya và Malaysia giao nộp là cần thiết.

Nhưng giới chức Đài Bắc đòi hỏi bất cứ người Đài Loan nào có tội phải được thụ án tù tại nơi này - một điều mà Bắc Kinh chưa đồng ý.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.