"Trung tá Quân pháp" nhặt rác

Thứ Bảy, 14/01/2012, 22:30
Ngày 4/1/2012, Cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức, TP HCM tiếp nhận một đối tượng mặc sắc phục sĩ quan quân đội được quần chúng bắt giữ và tố giác hành vi lừa đảo. Trên cầu vai gắn hàm Thượng tá, ve áo gắn biểu tượng binh chủng Quân pháp, ngực mang biển tên Trần Ngọc Tân, đối tượng này còn tự nhận mình là “sĩ quan tình báo cao cấp của Bộ Quốc phòng”. Thế nhưng, sau một buổi làm việc với cán bộ điều tra, "viên Thượng tá Quân pháp tình báo" thú nhận tên thật là Trần Văn Tân (44 tuổi, quê quán Nam Định), thuộc diện thất nghiệp, lang thang nhặt rác vào ban đêm kiếm sống.

Viên sĩ quan tình báo chuyên “ngồi đồng”

Một ngày giữa tháng 3/2011, người dân khu vực ngã ba Cò Tiểu thuộc khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM chợt thấy anh T. dắt theo một người đàn ông trung niên mặc sắc phục quân đội với hàm Trung tá. Anh T. là dân ở trọ bên ngã tư Phú Long (phường Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương) sang khu vực Cò Tiểu làm phụ hồ thuê. Anh T. tự hào khoe với mọi người, viên trung tá  quân đội này là bạn.

Phận làm thuê hèn mọn của anh T. trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Vì mải mê thán phục anh T có "bạn" là sĩ quan quân đội nên mọi người không chú ý đến việc ông ta "ngồi đồng" ở  quán giải khát cóc keng Mai Linh tại số 36, đường Ngô Chí Quốc. Khi có người tò mò hỏi, viên sĩ quan cao giọng tự giới thiệu: "Tôi là trung tá Trần Ngọc Tân, sĩ quan Quân pháp thuộc Tổng cục An ninh Bộ Quốc phòng".

Nguyên cái xóm lao động ngụ cư chẳng ai biết ất giáp gì về hệ thống quân đội, nên tròn mắt thán phục "ngài" sĩ quan hết cỡ. Không ai bận tâm tìm hiểu vì sao, kể từ ngày đó, viên trung tá "Quân pháp tình báo" trở nên "kết" cái xóm này.

Suốt một tháng, ngày nào ông ta cũng mặc quân phục chỉnh tề, cưỡi chiếc Wave Tàu, ghé vào quán giải khát Mai Linh "ngồi đồng" từ sáng đến tối mịt mới chịu rời đi. Trong suốt thời gian ngồi quán, ông ta luôn vui vẻ bắt chuyện với mọi người.

Mỗi khi có người bắt chuyện, ông ta thường lớn giọng khoe: "Phạm vi trách nhiệm của tôi là quản lý, kiểm soát quân sự đoạn đường từ ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) dài đến ngã tư An Sương (quận 12, TP HCM). Khi buồn, tôi muốn bắt ai là bắt. Tôi chạy xe trên tuyến đường đó, cho dù có vi phạm Luật Giao thông, đố thằng cảnh sát giao thông nào dám tuýt còi. Chị tôi có 10 chiếc xe ben chạy tuyến đường này. Những chiếc xe ấy đều có ký hiệu riêng để cảnh sát giao thông né mặt. Vì thế, xe của chị tôi chạy vượt luật, chở quá tải, thậm chí… cán chết người cũng không ai dám đụng tới. Bà con ở đây, ai lỡ vi phạm Luật Giao thông cứ alô cho tôi. Tôi gỡ ngay tại chỗ".

Để minh họa cho điều mình nói, thỉnh thoảng giữa câu chuyện, viên trung tá móc điện thoại di động ra nạt nộ vào máy: "Chú đấy à? Chú là đội trưởng đội tuần tra cảnh sát giao thông gì mà để em út xử phạt chiếc xe của chị anh. Nó lỡ cán người ta què chân thì chị anh bồi thường cho gia đình nó vài trăm triệu là xong chuyện thôi chứ có gì mà ầm ĩ. Thôi nhé. Anh bận hầu chuyện mấy người bạn. Chú làm sao thì làm. Anh bực thì chú mệt đấy nhé. Anh cúp máy đây".

Người dân xóm Cò Tiểu chỉ biết phục nghiêng ngả uy quyền của viên trung tá "Quân pháp tình báo". Chưa hết, ông ta còn tiết lộ mình có mối quan hệ rất thân thiết với các vị chính quyền địa phương cả vùng Đông Nam Bộ và đủ khả năng để chạy cò thi bằng lái xe hai bánh hạng A1, A2, bằng lái xe 4 bánh B1, B2; chạy án; xin việc; mua xe thanh lý của công an...

Ông ta ra giá, người nào cần bằng lái xe A1 thì đưa trước 300.000 đồng, giấy CMND phôtô kèm 6 tấm ảnh. Chỉ cần như vậy là có bằng lái  mà không cần đến trường thi. Bạn thân ông ta làm trưởng Công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Nếu ai bị bắt, chỉ cần 24h là ông ta có thể "gỡ tội" trắng án, đưa về nhà. Ông ta còn "bí mật" thì thầm, Công an Bình Dương đang thanh lý một số xe gắn máy vi phạm luật bị tịch thu, nếu ai có nhu cầu mua xe thanh lý giá "rẻ như cho không", ông ta sẽ mua dùm cho vài chiếc.

Tuy thán phục nhưng những người dân chân chất vẫn chưa tin lắm. Bất ngờ, vào một ngày đầu tháng 5/2011, ở xóm có một thanh niên chạy xe lạng lách bị lực lượng Cảnh sát giao thông Bình Dương thổi còi. Người thanh niên này sợ quá, bỏ xe về cầu cứu viên trung tá "Quân pháp tình báo".

Ngày hôm sau, người ta thấy ông ta mang xe về giao cho người thanh niên. Sau cú "giải cứu" xe bị bắt ngon lành đó, cả xóm tin ông ta có quyền lực thật sự. Thấy mọi người đã tin tưởng mình, viên trung tá gợi ý những "phi vụ" mà ông ta đã nêu trước kia.

Anh Bùi Thanh Hùng, 42 tuổi, là thợ xây dựng, quê Sóc Trăng, ở trọ tại số 40, xóm Cò Tiểu, đường Ngô Chí Quốc, khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức cùng với nhóm bạn đồng hương, đồng cảnh gồm Thạch Hồng Hậu, 20 tuổi; Tiêu Thanh Phong, 20 tuổi, (cùng quê Sóc Trăng, thuê nhà trọ cùng dãy) cần bằng lái xe 2 bánh nhưng không đủ tự tin dự thi nên đã rủ nhau nhờ vả viên trung tá "Quân pháp tình báo".

"Trung tá Trần Ngọc Tân" vui vẻ nhận lời giúp đỡ với giá mềm 300.000 đồng mỗi bộ hồ sơ "làm bằng lái không cần hiện diện, không cần học, không cần thi". Thấy mọi người xôn xao "làm" bằng lái xe, anh Trương Quốc Khải, 26 tuổi, quê Thanh Hóa bán rau cải ở chợ Bình Chiểu cũng xin lo giúp 3 bộ hồ sơ cho bản thân, cha vợ và em vợ.

Biết con trai anh Bùi Thanh Hùng đã đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự nhưng chưa có việc làm ổn định, Trần Văn Tân khoe mình là sĩ quan cao cấp nên mỗi năm Bộ Quốc phòng ưu tiên cho 2 suất học miễn phí ở trường đào tạo quân nhân mang tên Vinhempic. Đó là suất học dành cho diện "con ông cháu cha" trong quân đội.

Vinhempic là trường đào tạo nghề của quân đội dành cho mọi đối tượng trong xã hội chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi quân đội. Do thiếu hiểu biết nên anh Hùng tin đến sái cổ. Anh Hùng chạy vạy đưa cho Trần Văn Tân 1 triệu đồng gọi là "trà thuốc" để con trai được hưởng suất "con ông cháu cha" ở trường Vinhempic.

Vẫn cảm thấy chưa đủ "sở hụi", Trần Văn Tân biết anh Trung có một đứa cháu đang bị Công an thị xã Dĩ An, Bình Dương tạm giữ nên gợi ý anh này đưa 9 triệu đồng để "chạy thuốc". Trần Văn Tân khẳng định, sẽ can thiệp để cháu anh Trung được "trắng án" tha về trong ngày.

Chủ tiệm sửa xe gắn máy Tiến Dược cũng đưa cho Tân 6,2 triệu đồng để nhờ mua một số xe gắn máy do Công an Bình Dương tịch thu rồi thanh lý.

Ông chủ cửa hàng vi tính Lê Quân ở đối diện quán cà phê Mai Linh thấy viên "trung tá" đáng kính, nhiệt tình giúp đỡ mọi người nên vui vẻ bán thiếu cho ông ta một laptop trị giá hơn 10 triệu đồng.

Trần Văn Tân và phương tiện gây án.

Lộ diện kẻ lừa đảo giả danh bộ đội

Sau khi gom đủ "mồi vào rọ" với tổng số tiền, hàng trị giá hơn 28 triệu đồng, Trần Văn Tân "lặn" mất tăm suốt mấy ngày liền. Lo lắng, một vài người đánh bạo điện thoại hỏi, Trần Văn Tân cho biết đang xúc tiến giúp đỡ mọi người và đang bận làm thủ tục lên lon thượng tá nên không còn thời gian la cà quán cà phê. Trần Văn Tân còn bảo sẽ tổ chức tiệc ăn mừng vào ngày thứ bảy sắp tới, mời tất cả mọi người trong xóm đến nhà hàng K5 ở ngã tư 550 dự tiệc.

Đến ngày thứ bảy, những nạn nhân hớn hở rủ nhau mua quà mang đến nhà hàng K5 để chức mừng "ngài trung tá" lên lon. Đến nơi, thấy nhà hàng vắng hoe. Lúc đó, mọi người mới nhận ra mình bị lừa. Cũng kể từ đó, không ai liên lạc được số di động của Trần Văn Tân.

Một số người lân la dò hỏi, tìm được đến tận nơi ở của Trần Văn Tân. Hóa ra đó là một căn phòng trọ tồi tàn ở ngã ba Phú Long thuộc phường Bình Hòa, huyện Thuận An, Bình Dương. Trước cửa căn phòng trọ của Trần Văn Tân, có ai đó đã dùng phấn ghi dòng chữ đầy tức tối: "Bộ đội chuyên nhặt rác, ve chai". Những người sinh sống cùng dãy nhà trọ cho biết, Trần Văn Tân và vợ cùng sống ở đây mới vài tháng. Ban ngày ông ta mặc sắc phục quân đội chạy xe máy đi đâu không rõ, ban đêm, xách bao đi nhặt rác.

Nạn nhân Bùi Thanh Hùng kể, vào khoảng tháng 10/2011, cháu của anh đi làm ở Châu Thới, Biên Hòa điện thoại báo cho biết trông thấy tên Tân và vợ đang ngồi bán rau ở một chợ nhỏ đã âm thầm theo dõi và biết nơi ở trọ của hắn. Các nạn nhân tức tốc kéo nhau đến tận nơi Tân ở nhưng hắn đã trốn mất, không kịp dọn đồ đạc.

Ngày 2/1/2012, nạn nhân Thạch Hồng Hậu cùng bạn làm thuê ghé vào một quán cơm ở xã Tân Bình (Bình Dương) để ăn trưa và bất ngờ bắt gặp Trần Văn Tân vẫn mặc sắc phục quân đội, mang hàm Thượng tá đang ngồi trong đó. Anh Hậu ẩn mình theo dõi, đồng thời điện thoại báo về cho các nạn nhân khác.

Anh Bùi Thanh Hùng cùng với vài người bạn tức tốc đến nơi. Bị động, Trần Văn Tân lên xe gắn máy tẩu thoát về hướng Đồng Nai. Các nạn nhân tổ chức truy đuổi hơn 20 km mới tóm được tên lừa đảo giả danh bộ đội tại xã Tân Thạnh thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Khi bị tóm, trên xe của Trần Văn Tân có một số quà tết. Nạn nhân Bùi Thanh Hùng là người trực tiếp bắt được Trần Văn Tân giải giao cho Công an, phán đoán: "Số quà trên xe của hắn gồm mấy thùng bia, thùng nước ngọt, một túi quà tặng tết gói sẵn và hơn 6 triệu đồng. Căn cứ vào đó, tôi đoán rằng hắn vừa mới lừa đảo được một số người nữa. Hiện, một số nạn nhân cùng xóm trọ với tôi thấy số tiền bị lừa không nhiều nên không trình báo. Chúng tôi hy vọng những ai là nạn nhân của hắn đến cơ quan Công an Thủ Đức trình báo, không để hắn có cơ hội lừa thêm nạn nhân".

Tại Cơ quan điều tra Công an Thủ Đức, bước đầu Trần Văn Tân khai nhận thuộc diện thất nghiệp, sống lang thang. Vì thấy nhiều người cả tin dễ bị lừa nên Tân mua một bộ đồ sĩ quan quân đội, bao gồm cả cầu vai, quân hàm, ký hiệu quân pháp và biển tên "Trần Ngọc Tân" với giá 800.000 đồng. Cơ quan điều tra đang làm rõ chủ sở hữu chiếc xe gắn máy do hắn sử dụng mang biển kiểm soát 61-R1-5232 và những hành vi lừa đảo của hắn

Nông Huyền Sơn
.
.