Từ 2 vụ thi thuê vào ĐH bị phát hiện: Thương con như thế bằng mười hại con

Thứ Ba, 16/07/2013, 09:45

Có thể coi hai trường hợp thi thuê vào trường Công an (một bị phát hiện ngay trong buổi thi Toán ở Học viện An ninh nhân dân; một bị phát hiện trong buổi thi Hóa ở Đại học Phòng cháy chữa cháy) là hai trường hợp ngớ ngẩn nhất kỳ thi đại học năm nay khi đã tự tin… không đúng chỗ. Hiện cơ quan Công an vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ 2 vụ việc này …

Cấm cửa thi đại học hai năm nữa

Ngày 8/7 vừa qua, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đinh Ngọc Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phòng cháy chữa cháy, cho biết sau khi phát hiện trường hợp thi thuê, hội đồng thi đã lập biên bản đình chỉ thi và bàn giao Đỗ Quang Ngọc (quê quán: huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) là người thi thuê cho thí sinh Nguyễn Anh Dũng, quê Tuyên Quang, cho Công an quận Thanh Xuân điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng Công an quận Thanh Xuân, cho biết hiện vụ việc đang được điều tra xem ngoài Ngọc có còn  những đối tượng khác liên quan tới vụ thi thuê này hay không.

Vụ việc được phát hiện vào buổi thi môn Hóa, ở phòng thi số 29 của Trường đại học Phòng cháy chữa cháy, giám thị phòng thi số 29 phát hiện thí sinh mang tên Nguyễn Anh Dũng, quê Tuyên Quang, số báo danh 1016 có gương mặt không giống với hồ sơ.

Khi chỉ còn năm phút là hết giờ, thí sinh được mời ra ngoài để bộ phận an ninh xác minh. Chỉ sau vài câu hỏi nghiệp vụ, thí sinh này đã thừa nhận đi thi thuê. Tại Cơ quan Công an, "Cascadeur" này đã phải khai tên thật là Đỗ Quang Ngọc, 32 tuổi, quê ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, hơn "thân chủ" Nguyễn Anh Dũng tới 14 tuổi. Theo thông tin ban đầu, số tiền Ngọc nhận được là 10 triệu đồng.

"Đen" hơn Ngọc, Trần Đức Lưu, đóng thế cho thí sinh tên Sơn thi vào Học viện An ninh nhân dân, bị phát hiện ngay trong buổi thi đầu tiên. Tại phòng thi số 95, điểm thi số 5 ở Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông) của Hội đồng thi Học viện An ninh nhân dân, các giám thị đã phát hiện và nghi ngờ một thí sinh mang tên  Sơn (18 tuổi, quê quán ở Lạng Sơn) không giống với ảnh trong giấy báo thi. Những nghi vấn này lập tức được báo cho điểm trưởng, rồi báo cáo ban chỉ đạo thi tuyển sinh của trường.

Đợi cho thí sinh làm bài xong, hội đồng thi yêu cầu thí sinh ở lại để xác minh với sự hỗ trợ của cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an Hà Nội. Tại đây, đối chiếu với hồ sơ gốc, thí sinh đã không trả lời được câu hỏi về tên tuổi bố mẹ, tên giáo viên chủ nhiệm lớp 12. Sau một hồi thẩm tra, "thí sinh" này đã phải thừa nhận tên thật là Trần Đức Lưu, 26 tuổi, quê quán ở Hà Nam, là người đi thi thuê.

 Trần Đức Lưu khai trước đây là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng vì ham chơi mà bỏ bê chuyện học hành, dẫn tới nợ nhiều môn. Do vậy 3 năm trước Lưu bị buộc phải thôi học. Thông qua một số mối quan hệ, Lưu được gia đình Sơn đứng ra thuê thi hộ, nếu trót lọt Lưu sẽ được hưởng số tiền 50 triệu đồng. 

Sở dĩ Lưu dám "liều mình" thi thuê cho Sơn vào Học viện An ninh nhân dân vì ngoại hình hai người có nét giống nhau. Sau khi thỏa thuận, sáng 4/7, Lưu cầm toàn bộ giấy tờ của thí sinh này gồm giấy báo thi, chứng minh nhân dân (CMND) đến điểm thi làm thủ tục.

Theo Đại tá Nguyễn Quý Khoát, Phó giám đốc Học viện An ninh nhân dân, vụ việc sau đó được nhà trường bàn giao cho Cơ quan An ninh Công an Hà Nội thụ lý giải quyết.

Thượng tá Vũ Minh Chính, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ- Công an TP Hà Nội cho biết vụ việc này đang được xác minh làm rõ.

Theo quy định hiện hành, những thí sinh thuê hoặc nhờ người khác thi hộ có thể bị Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhưng, điều đáng nói là với hai thí sinh mà gia đình đã đứng ra thuê người thi hộ thì dù không bị xử lý hình sự, thì theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, những thí sinh nhờ người khác thi hộ, làm bài hộ dưới mọi hình thức sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo. Nghĩa là ít nhất, cánh cửa đại học đã đóng với hai thí sinh này 3 năm nữa.          

Kỷ­ luật phòng thi tiếp tục được siết chặt.

Gian lận sẽ bị phát hiện

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga - Trưởng Ban chỉ đạo thi đại học - cao đẳng 2013.

Thực tế đã có những vụ thi thuê được tổ chức tinh vi hơn rất nhiều hai trường hợp này nhưng vẫn bị phát hiện, bắt giữ.

Đầu tháng 7/2007, ngay trước kỳ thi tuyển sinh đại học, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã triệt phá một đường dây tổ chức thi thuê vào các trường: Học viện Ngân hàng, Đại học Bách khoa, Thủy Lợi... do  Nguyễn Văn Vinh, chủ một trung tâm gia sư cầm đầu.

Bằng cách quảng cáo có khả năng xin được các suất đối ngoại vào một số trường đại học như Học viện Ngân hàng, Đại học Bách khoa, Vinh đã được một số phụ huynh thuê với giá 40 triệu đồng/ suất. Nhận được hồ sơ của các thí sinh, Vinh bóc ảnh thí sinh ra và dán ảnh của người thi hộ (giáo viên trong trung tâm gia sư của Vinh) rồi nộp lên Bộ GD-ĐT. Sau khi có phiếu báo thi, Vinh đến nhà các thí sinh lấy CMND, giấy chứng nhận tốt nghiệp (hoặc bằng tốt nghiệp) để bóc ảnh ra và dán ảnh người thi hộ cho phù hợp như đã nộp trong hồ sơ dự thi.

Sau khi hợp thức toàn bộ ảnh CMND, giấy chứng nhận tốt nghiệp và ảnh trên thẻ dự thi (theo hồ sơ) là một người, Vinh đem giao cho các đối tượng thi hộ để đến nhận thẻ dự thi. Nhưng đêm 2/7, trong khi đang giao các giấy tờ trên cho đối tượng thi hộ tại một quán cà phê thì Vinh bị công an bắt quả tang. Khám xét trong người và nơi ở của Vinh, Cơ quan Công an thu giữ 12 phiếu báo thi vào các trường, 35 bộ hồ sơ dự thi và 10 triệu đồng. Tại Cơ quan điều tra, Vinh khai đã nhận đặt cọc số tiền trên 100 triệu đồng.

Cũng đầu tháng 7/2007, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cũng phá một đường dây thi thuê vào đại học do Nguyễn Thanh Thủy, nhân viên hợp đồng một trường đại học cầm đầu.

Để tổ chức đường dây này, Thủy đã tiếp cận với một số người có nhu cầu cho con thi đỗ đại học và một số sinh viên đại học có học lực khá để tổ chức thi hộ. Sau đó, Thúy lấy ảnh của sinh viên thi hộ dán vào hồ sơ đăng ký dự thi của mỗi "khách hàng", rồi xin xác nhận của nhà trường, địa phương trước khi nộp lên Bộ GD-ĐT. Khi nhận được phiếu báo dự thi, Thủy tiếp tục thu của "khách hàng" CMND, bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận tốt nghiệp... bóc ảnh ra rồi lấy ảnh của đối tượng thi hộ dán vào.

Mặc dù đã làm bài bản như vậy nhưng ngày 4/7/2007, tại Hội đồng thi tuyển sinh vào Đại học Kinh tế Quốc dân, Cơ quan Công an đã bắt quả tang 2 "thí sinh" là Trần Thanh Minh, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Bách khoa và Vũ Minh Long, sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội khi đang làm bài thi.

Theo Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga, quy chế tuyển sinh đã quy định rõ quy trình kiểm tra thí sinh khi vào phòng thi qua đối chiếu ảnh của thí sinh trên thẻ dự thi, trên giấy tờ tùy thân, trên danh sách ảnh của phòng thi. Khi có nghi ngờ thí sinh thi hộ thì giám thị báo cho điểm trưởng điểm thi biết để xác minh. Việc xác minh những trường hợp này không khó.

Theo ông Ga, việc xác minh thi hộ không chỉ diễn ra trong quá trình thi mà còn được tiến hành sau khi thí sinh đã trúng tuyển vào trường thông qua việc đối chiếu chữ viết trên bài làm, trên hồ sơ và chữ viết thực tế của thí sinh. Việc làm này cũng không phải dừng lại khi thí sinh nhập học mà thực hiện lại bất cứ lúc nào có sự nghi ngờ trong quá trình học, thậm chí sau khi thí sinh đã tốt nghiệp. Nếu phát hiện gian lận vẫn bị xử lý bình thường.

"Vì vậy thí sinh cần đặc biệt chú ý sức đến đâu làm bài đến đó, đừng bao giờ nghĩ đến mình có thể đạt được kết quả cao hơn bằng con đường tiêu cực" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khuyến cáo

Nguyễn Thiêm
.
.