Từ điệp viên nội gián trở thành trùm khủng bố

Chủ Nhật, 13/12/2009, 14:40
Cuối tháng 6/2009 trở lại đây, quan hệ giữa Bỉ và Morocco trở nên căng thẳng kể từ khi Morocco trì hoãn việc dẫn độ một cựu điệp viên nội gián của Cơ quan Phản gián Bỉ (SEB), trùm tội phạm và là trùm khủng bố Abdelkader Belliraj từ Morocco về Bỉ để xét xử các tội trạng khủng bố và giết người.

Trong khi đó, tại Morocco cũng đã mở phiên tòa xét xử Belliraj về các tội âm mưu khủng bố, buôn lậu vũ khí và tẩy tiền bẩn. Vậy thì điều gì đã khiến một điệp viên nội gián như Belliraj trở thành trùm khủng bố và trùm tội phạm?

Abdelkader Belliraj sinh ra tại Morocco năm 1957. Năm 1968, Belliraj theo gia đình đến định cư tại tỉnh Flandres của Bỉ, nhưng sau đó vài năm quay về lại Morocco để tham gia hoạt động trong một tổ chức Hồi giáo ôn hòa có tên gọi Ila Al Aman.

Thập niên 80, tổ chức này chuyển sang quá khích với các hoạt động khủng bố, giết người với tên gọi mới là Annahj Addimocrati, có chi nhánh tại một số quốc gia lân cận như Algérie, Tunisie và một số quốc gia phương Tây chủ yếu tại Bỉ và Pháp. Nhiệm vụ ban đầu của Belliraj là đến các quốc gia Trung Đông chủ yếu là Libya, IraqIran để vận động tài chính cho các hoạt động của tổ chức Annahj Addimocrati.

Phản gián Bỉ bắt đầu chú ý đến Belliraj vào năm 1989. Khi đó Belliraj do khó khăn về tiền bạc đã chấp thuận bán thông tin về hoạt động của tổ chức Annahj Addimocrati cho cơ quan phản gián này. Một năm sau, nhận thấy những thông tin mà Belliraj chuyển giao là hoàn toàn chính xác nên phản gián Bỉ quyết định tuyển dụng Belliraj làm nội gián. Nhiệm vụ của Belliraj là không chỉ hoạt động nội gián trong nội bộ tổ chức Annahj Addimocrati mà còn thu thập thông tin của các tổ chức, phong trào Hồi giáo khác tại Bỉ và Morocco.

Vào tháng 10-1990, từ thông tin được cung cấp bởi Belliraj, phản  gián và cảnh sát Bỉ đã phá vỡ được âm mưu khủng bố tại thủ đô Brussels và thành phố Liège của một tổ chức vũ trang Hồi giáo quá khích có tên gọi Liên minh Các phong trào Hồi giáo (UMI), bắt giữ 8 kẻ khủng bố, tịch thu nhiều vũ khí, chất nổ, phương tiện để tiến hành khủng bố.

Sau vụ việc này, Belliraj còn lập công giúp phản gián Bỉ và lực lượng an ninh Morocco bắt giữ được Abdrahim Nouri, một kẻ khủng bố đào thoát từ Morocco đến Bỉ sau khi gây ra hai vụ tấn công tại thủ đô Rabbat của Morocco vào tháng 12/1990 làm chết và bị thương 4 người.

Tuy làm việc cho phản gián Bỉ nhưng Belliraj lại bí mật cộng tác với một tổ chức khủng bố khét tiếng có tên gọi Hội đồng Cách mạng Fatah sau đó đổi tên thành Tổ chức Abu Nidal do Sabril Khalil al-Banna (còn gọi là Abu Nidal) đứng đầu. Theo lệnh của Nidal, Belliraj đã tổ chức giết hại nhiều nhà hoạt động Hồi giáo ôn hòa, người Do Thái và cả nhân viên cảnh sát người Bỉ.

Belliraj gây ra vụ giết người đầu tiên là vào ngày 27/7/1991, nạn nhân là một cảnh sát viên người Bỉ tên là Raul Schouppe, 41 tuổi, bị bắn chết trước ngôi nhà của mình ở ngoại ô thủ đô Brussels. Nạn nhân thứ hai của Belliraj là Marcel Bille, 45 tuổi, Ủy viên Hội đồng thành phố Liège bị bắn chết bằng khẩu súng mà Belliraj lấy được của Schouppe.

Ngày 23/9/1992, Belliraj lại bắn chết Abdullah El-Hasi, một giáo sĩ Hồi giáo ôn hòa, quản lý một trung tâm văn hóa Hồi giáo tại thủ đô Brussels. Tháng 6/1993, cảnh sát Bỉ mới lần ra được dấu vết của các vụ giết người này của Belliraj, sau khi xảy ra vụ chiếc xe chở đại sứ Arập Xêút bị tấn công tại thủ đô Brussels.

Viên tài xế tên Salem Bahrij đã nhận dạng được gương mặt của Belliraj và khai báo cho cảnh sát. Đánh hơi thấy nguy hiểm, Belliraj nhanh chân bỏ trốn về lại Morocco. Sau sự việc này, có đến 4 quan chức cao cấp của phản gián Bỉ bị giáng chức hay kỷ luật vì đã tuyển dụng một một kẻ khủng bố như Belliraj.

Ngày 17/4/2000, khi một xe chở tiền của Hãng vận chuyển tiền Brinks bị một nhóm tội phạm người Bỉ và Morocco tấn công tại khu Kehlen của Công quốc Luxembourg, cướp đi 17 triệu euro. Sau một năm tích cực điều tra, cảnh sát đã bắt giữ được Abdellatif Bekhtif, một tên tội phạm người Morocco tham gia vụ cướp táo bạo này.

Khai báo với cảnh sát, Abdellatif cho biết hắn ta thuộc một băng nhóm tội phạm quốc tế do Belliraj cầm đầu và chính tên này đã chỉ huy vụ cướp xe chở tiền của Hãng Brink vào tháng 4/2000. Số tiền cướp được, Belliraj ra lệnh cho đàn em đưa về Morocco và tẩy trắng qua việc mua sắm tài sản có giá trị cao như xe hơi đời mới, khách sạn, nhà hàng... phần còn lại đem buôn lậu vũ khí và tổ chức khủng bố tại Morocco.

Từ ngày 16/1/2008 đến ngày 22/2/2008, Lực lượng an ninh Morocco đã bắt giữ được Beliiraj cùng 37 tên đồng bọn thuộc tổ chức Annahj Addimocrati sau khi phá vỡ được nhiều âm mưu tấn công khủng bố của tổ chức này tại thủ đô Rabbat và nhiều thành phố lớn khác của Morocco.

Ngày 27/6/2009, một tòa án Morocco đã đưa Belliraj và đồng bọn ra xét xử. Phiên tòa phải kéo dài trong nhiều tháng do số bị cáo quá đông và khai báo của các nhân chứng lại không trùng khớp. Thêm vào đó là việc nhà chức trách Bỉ liên tục can thiệp với Chính phủ Morocco về việc dẫn độ Belliraj  đến Bỉ để xét xử. Cuối cùng phán quyết cũng được tuyên với bản án tù chung thân cho Belliraj và mức án từ 2 năm đến 14 năm tù giam cho 37 tên đồng bọn.

Nhiều luồng dư luận lại khẳng định rằng, Belliraj phải lãnh án nặng như thế là do Chính phủ Morocco không muốn Belliraj được dẫn độ về  Bỉ để xét xử. Điều khôi hài là chính phản gián Bỉ đã tuyển dụng Belliraj làm điệp viên nội gián, sau đó để hắn gây án trên lãnh thổ Bỉ nhưng cuối cùng lại không thể bắt giữ hay kết tội hắn

Hoàng Phú (theo Spy Eyes)
.
.