Từ vụ cháy quán karaoke cảnh báo nguy hiểm của biển quảng cáo

Thứ Ba, 08/11/2016, 13:45
Cổ nhân có câu: “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”. Liệu cái chết đau đớn, oan uổng của 13 mạng người tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông có là hồi chuông để các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp nhìn lại trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý những sai phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy?

Vụ cháy kinh hoàng

3 ngày sau khi xảy ra vụ cháy quán karaoke 68 (68 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), hậu quả vụ cháy để lại vẫn khiến người qua đường không khỏi bàng hoàng. Mặt tiền 4 ngôi nhà liền kề cao từ 7-9 tầng từ số nhà 68 đến 74 tan hoang. Lẫn trong đám đổ nát trước cửa ngôi nhà 68, hoa tươi và khói nhang vẫn được thắp cầu cho linh hồn những người xấu số siêu thoát.

Vụ cháy xảy ra lúc 13h50 ngày 1-11. Theo những người chứng kiến kể lại thì lửa bùng phát từ biển quảng cáo tầng 2 của quán karaoke 68. Chỉ sau vài phút, ngọn lửa đã bốc cao dữ dội bao trùm toàn bộ mặt tiền ngôi nhà và lan sang các nhà số 70, 72, 74. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCCC, công an, quân đội đã được huy động tham gia chữa cháy, cứu người bị nạn. Sau nhiều giờ chữa cháy liên tục, đến khoảng 19h30, lực lượng chữa cháy đã vào được hiện trường và đưa thi thể những người bị nạn ra ngoài.

Qua tìm kiếm, lực lượng chức năng xác định 13 người là khách đến hát tử vong. Với con số 13 người thiệt mạng, vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông được đánh giá là gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong các vụ cháy quán karaoke trên địa bàn toàn quốc.

Theo báo cáo nhanh của UBND quận Cầu Giấy, bước đầu xác định nguyên nhân vụ cháy là do thợ hàn thiếu cẩn trọng trong khi hàn biển quảng cáo tại tầng 2 cơ sở karaoke 68 gây cháy tại tầng 2, lan lên các tầng khác của nhà số 68 và các nhà bên cạnh.

Hiện trường vụ cháy.

Cơ sở có 9 tầng, diện tích mặt sàn khoảng 90m2 do Nguyễn Diệu Linh (30 tuổi, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội) là chủ kinh doanh. Ngày 2-11, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự  “Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy”, đồng thời triệu tập chủ quán cùng 3 người liên quan đến việc hàn biển quảng cáo để phục vụ điều tra.

Nguy cơ từ biển quảng cáo vi phạm

Sau vụ cháy, lộ ra ngay mặt tiền quán karaoke 68 là tấm khung sắt như chiếc lồng chạy dọc 9 tầng nhà, vết tích còn lại của chiếc biển quảng cáo tấm lớn đã được hoàn thiện. Theo người dân sống xung quanh khu vực, chiếc biển quảng cáo này chính là một trong những tác nhân khiến ngọn lửa bùng phát nhanh và mạnh đến thế. Ban đầu, lửa chỉ mới ở tầng 2 nhưng với tác động của thời tiết hanh khô, gió mùa, chỉ sau ít phút, lửa lan rộng và phủ kín mặt tiền ngôi nhà theo chiều thẳng đứng.

Một Cảnh sát PCCC có kinh nghiệm cho biết, nói một cách hình ảnh thì chiếc biển quảng cáo giống như một que diêm. Nếu cháy phần đầu diêm thôi thì ngọn lửa rất nhỏ và có thể bị gió thổi tắt. Nhưng thử dốc ngược que diêm, khi điểm cháy từ bên dưới mới thấy sức mạnh của ngọn lửa khủng khiếp thế nào.

Do chiếc biển quảng cáo được gắn cố định ở mặt ngoài bởi khung sắt, mặt sau ốp tôn nên khả năng chịu nhiệt, cách nhiệt kém. Chỉ sau vài phút bùng cháy, nhiệt xuyên qua lớp tôn cùng với khói lan vào trong quán. Trong khi cấu tạo bờ tường quán không kín, có nhiều khoảng hở nên nhiệt từ cháy biển quảng cáo dễ dàng lan vào phía trong và lan đều 9 tầng nhà cùng lúc, gây cháy đồng loạt.

Cùng với cấu tạo ngôi nhà thiết kế hình ống, cộng thêm các vật liệu dễ cháy đặc thù của quán karaoke như mút, xốp sử dụng cách âm khiến khói đen, khói độc phủ kín các tầng. Cả khối nhà cùng lúc nhiễm khói khiến các nạn nhân hoảng sợ đóng chặt cửa ngăn khói không dám chạy ra ngoài. Chỉ một số người biết thông tin cháy sớm đã tìm được lối thoát.

Không chỉ là nguyên nhân khiến ngọn lửa lan nhanh và mạnh, chiếc biển quảng cáo tấm lớn này còn gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát PCCC khi tiến hành chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Có người đã ví chiếc khung sắt biển quảng cáo giống như “giàn nướng”, còn những vật liệu dễ cháy bên trong phòng hát giống như “lò nướng”, gây nên thảm họa cháy hết sức đau lòng trên.

Theo UBND quận Cầu Giấy, đây là cơ sở kinh doanh mới đang trong quá trình đầu tư và hoàn thiện thủ tục pháp lý. Tại thời điểm cháy xảy ra, cơ sở đã có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC do Sở PCCC Hà Nội cấp ngày 13-10-2016. Để được hoạt động thì hồ sơ của cơ sở này còn thiếu nhiều giấy tờ quan trọng như: Biên bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT theo quy định, giấy phép kinh doanh karaoke.

Cũng theo báo cáo của quận Cầu Giấy, để thực hiện công tác kiểm tra, phòng ngừa, đoàn kiểm tra liên ngành của quận, UBND phường và Công an phường đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở cơ sở không dưới 4 lần vào các ngày 9-10, 12-10, 17-10 và 25-10. Những lần kiểm tra này, cơ sở đều chưa đủ giấp phép theo quy định.

Hiện trường vụ cháy.

Công an phường cho biết, ngoài những lần lập biên bản trên thì cảnh sát khu vực cũng thường xuyên nhắc nhở cơ sở phải đủ giấy phép mới được hoạt động. Do chủ quán trình bày chỉ mời người quen đến “hát thử” để thử chất lượng thiết bị âm thanh nên cũng rất khó trong việc xử lý..

Việc kiểm tra, lập biên bản tới 4 lần trong 1 tháng đối với quán karaoke, nhưng cuối cùng cháy lớn vẫn xảy ra khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Ngoài việc coi thường pháp luật của chủ cơ sở, cố tình hoạt động khi chưa đủ giấy phép theo quy định của pháp luật, thì liệu cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp đã thực sự làm hết vai trò, trách nhiệm của mình?

Đơn cử như việc lắp đặt chiếc biển quảng cáo tấm lớn nói trên của quán karaoke. Chưa nói đến việc có vi phạm về quy định an toàn PCCC hay không, nếu đối chiếu với những quy định của Luật Quảng cáo thì chiếc biển ít nhất đã vi phạm về kích cỡ. Thế nhưng trong báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, trong những lần đoàn kiểm tra liên ngành tới kiểm tra cơ sở, đều không nhắc đến lỗi vi phạm này.

Được biết, đối với lực lượng Cảnh sát PCCC, từ trước đến nay khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke thường chỉ tập trung vào các vấn đề chính về an toàn PCCC như thoát hiểm, thoát khói, hệ thống chữa cháy tại chỗ. Còn biển quảng cáo ngoài trời, nếu có kiểm tra thì PCCC chỉ quan tâm đến vấn đề sử dụng điện?

Còn kích cỡ biển quảng cáo, lắp đặt như thế nào lại là việc của ngành văn hóa thông tin. Đối với ngành văn hóa thì Luật Quảng cáo chỉ quy định kích cỡ biển quảng cáo, không có tiêu chuẩn, quy định cụ thể về nguyên vật liệu, nguồn điện năng tiêu thụ nên dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, ai cũng muốn nổi trội hơn nên nhà sau làm nhiều đèn hơn nhà trước.

Trong khi thực tế rất nhiều năm nay, cháy và cháy lớn tại các cơ sở kinh doanh karaoke phần lớn xuất phát từ cháy biển quảng cáo do chập điện hoặc cháy trong quá trình hàn, thi công biển quảng cáo. Ngay tại địa bàn quận Cầu Giấy, trước đó ngày 17-9 cũng đã xảy cháy tại quán karaoke số 85 Nguyễn Khang.

Nguyên nhân cháy cũng xuất phát từ chiếc biển quảng cáo ở tầng 2, sau đó lửa nhanh chóng lan rộng và phủ kín 8 tầng nhà theo chiều dài của chiếc biển. Thế nhưng  đến nay, những vụ cháy biển quảng cáo hầu như mọi trách nhiệm chỉ đổ lên đầu thợ hàn và chủ đầu tư. Còn cơ quan quản lý gần như vô can?

Nguyên nhân vụ cháy và trách nhiệm của những người liên quan vẫn đang được Cơ quan công an điều tra, làm rõ. Nhưng một khi các cơ quan quản lý chưa coi chiếc biển quảng cáo là một nguyên nhân phát sinh nguy cơ mất an toàn về PCCC và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm thì sẽ còn cháy lớn xảy ra.

Luật sư Hoàng Nguyên Bình, Văn phòng Luật sư Bình An, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý

Nếu làm một cuộc khảo sát nhanh trên địa bàn thành phố Hà Nội thì bằng mắt thường chúng ta cũng có thể thấy dễ có đến 90% các biển hiệu của cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm quy định Điều 34 Luật Quảng cáo năm 2012 được Quốc hội ban hành ngày 21/6/2012 và Quyết định 01/2016/QĐ-UBND ngày 20/01/2016 về việc ban hành quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đối chiếu với quy định của Luật Quảng cáo thì căn cứ vào Quyết định số 01 nói trên ta thấy để xảy ra thảm họa cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông không thể không nhắc đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề đặt biển quảng cáo và phòng cháy chữa cháy.

Cụ thể theo quy định của UBND thành phố Hà Nội trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về việc đặt biển quảng cáo như sau: Sở Văn hóa và Thể thao

thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo trên địa bàn thành phố (Điều 17 Quyết định 01)

Đối với việc PCCC, quy định của UBND thành phố Hà Nội cũng nêu rõ: Cảnh sát PCCC kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo không đúng quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy; thông báo kết quả xử lý vi phạm về Sở Văn hóa và Thể thao (Điều 29, quyết định 01).

Trở lại vụ việc cháy quán karaoke vừa mới xẩy ra cho thấy, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện quận, UBND phường, Công an phường có ít nhất 3 lần kiểm tra nhưng biện pháp đưa ra mới chỉ dừng ở chỗ lập biên bản nhắc nhở và yêu cầu chưa được hoạt động kinh doanh khi chưa đủ giấy tờ pháp lý. Theo cá nhân tôi trong trường hợp này đoàn thanh tra liên ngành chưa làm tròn chức năng và bổn phận bởi lẽ:

1. Không xem xét, kiểm tra độ an toàn về PCCC đối với biển hiệu, biển quảng cáo. 2. Theo quy định tại Điều 19, Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định về Tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy nếu phát hiện vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể dẫn đến nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ và có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND các cấp là một trong số những người được quyền quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của bộ phận, toàn bộ cơ sở, hộ gia đình, hoạt động của cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình.

Vì vậy theo quan điểm cá nhân tôi thì ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư đã coi thường pháp luật, cố tình đưa cơ sở kinh doanh vào hoạt động khi chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của pháp luật, trách nhiệm của người thợ hàn (nếu có) đã vô tình làm bùng phát ngọn lửa thì chúng ta không thể không xem xét đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như đã phân tích ở trên.

Trong thời gian tới, để hạn chế hậu họa tương tự xảy ra tiếp theo, thành phố Hà Nội cần tổng điều tra tất cả các biển hiệu ngoài trời của các cơ sở sản xuất kinh doanh về các tiêu chí tuân thủ quy định của pháp luật về biển hiệu quảng cáo gắn ngoài trời và phòng cháy chữa cháy. Đã đến lúc chúng ta thiết lập lại trật tự về vấn đề này không chỉ trả lại mĩ quan cho thành phố mà còn đảm bảo an ninh và tính mạng con người.

Hương Vũ
.
.