Tunisia: Từ cách mạng hòa bình đến thánh chiến

Thứ Năm, 21/03/2013, 08:30

Theo cuộc điều tra của website Magharebia, các giáo chủ Hồi giáo cực đoan đang thúc giục thanh niên Tunisia đáp lại lời kêu gọi Thánh chiến. Có đến hàng chục thanh niên đã đổ đến Syria hoặc Mali.

Anh chàng người Tunisia Abdelkarim Jdirine nằm trong số những người mất tích. "Một hôm anh ta đến đền thờ, sau đó người ta không còn gặp anh ta nữa. Sau đó vài ngày, chúng tôi tìm thấy một mảnh giấy nhét dưới cánh cửa cho biết anh ta đã sang Syria để tuẫn đạo" - cô em gái Izdihar kể lại. Hiện tượng này ngày càng phổ biến: phe Hồi giáo cực đoan tại Tunisia đã thấm nhuần chủ thuyết Al-Qaeda và đổ sang Mali hay Syria. Cả một thế hệ bắt đầu chịu ảnh hưởng.

"Anh tôi không nằm trong một băng nhóm hay đảng phái chính trị nào cả. Có lẽ anh đã gặp một ai đó thuyết phục anh ta về chủ thuyết thánh chiến" - Izdihar nói tiếp. 

Khoảng 132 thanh niên Tunisia đã bỏ mạng trong và quanh thành phố Aleppo ngày 14/2. Theo đài Express FM, đa số các thanh niên bị chết trong thành phố đều có gốc gác từ Sidi Buzid, cái nôi của cuộc cách mạng Tunisia. Sau những biến cố của Mùa xuân Arập, phe thánh chiến bắt đầu thâm nhập vào Libya, Syria và Mali. Các chiến binh Bắc Phi ở Syria đã kết hợp với những băng nhóm đang tìm cách lật đổ chế độ Bashar Al-Assad, đặc biệt là nhóm Jabhat Al-Nosra, một nhánh của Al-Qaeda. Các chiến binh Al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM) là những người cuối cùng đến chiến trường Syria.

Omaya Bin Mohamed, một sinh viên 25 tuổi, cũng đã rời nhà để sang Syria chiến đấu. Ngày 12/12 vừa qua, Mohamed nói với gia đình rằng sẽ qua đêm tại nhà bạn để học thi. Nhưng Mohamed đã không bao giờ trở về. "Hai ngày sau, một người Tunisia không quen biết gọi cho chúng tôi và nói rằng nó đã sang Thổ Nhĩ Kỳ" - cha của Mohamed kể. Gia đình Mohamed được biết anh ta đã rời Tunisia một cách hợp pháp vào ngày 14/12, điều này xác nhận cho giả thuyết về một mạng lưới có tổ chức chuyên đưa người sang Syria.

"Những tay cò mồi cho các mạng lưới cực đoan sử dụng những công ty lữ hành để đưa các thanh niên sang Thổ Nhĩ Kỳ. Các chiến binh trẻ đó đi vào lãnh thổ Syria từ thành phố Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với phần lớn những thanh niên đó, chặng đường dài đã bắt đầu từ khi họ xem các vidéo clip kêu gọi thánh chiến trên Internet" - phóng viên Ali Garbussi từng sống tại Syria cho biết.

Giáo sư Naceur Khechini về luật Hồi giáo giải thích: "Những kẻ tuyển mộ chiêu dụ các thanh niên ít học và thất nghiệp bằng những hứa hẹn vật chất và các đạo luật Hồi giáo. Những nhóm cực đoan rất mừng khi sử dụng các thanh niên Tunisia đó như những tấm bia sống. Họ sẽ bị tẩy não có hệ thống và khuyến khích trở thành những kẻ tuẫn đạo".

Các đền thờ Hồi giáo cũng đóng một vai trò trong cơn khủng hoảng đó. Tại một số đền thờ, các thầy cả kêu gọi thanh niên gia nhập thánh chiến tại Syria. Theo lời cố vấn Ahmed Bergaoui của Bộ trưởng Tôn giáo vụ Tunisia, chính phủ không thể kiểm soát hết mọi đền thờ trong nước.

Slim Briga, một thanh niên thường lui tới đền thờ trong khu phố, khẳng định rằng thông điệp kêu gọi thánh chiến quả thực đã truyền đến giới trẻ Hồi giáo: "Hiện nay nhiều đền thờ đang nằm dưới sự kiểm soát của các chủ tế cực đoan quyền lực. Trong những bài thuyết giảng, họ kêu gọi thánh chiến và đấu tranh vì lý tưởng của Thượng đế. Rất nhiều người đã bỏ đền thờ, nhưng khổ nỗi cũng có rất nhiều người đã rơi vào bẫy".

Cha của anh tiếp lời: "Họ cố tẩy não giới trẻ và lôi cuốn chúng vào khuynh hướng cực đoan dưới chiêu bài quảng bá đạo Hồi. Những gì đang diễn ra tại đất nước chúng tôi là rất nghiêm trọng và có thể tạo nên sự hỗn loạn và bạo lực trong xã hội. Do vậy chúng tôi thỉnh cầu chính phủ nên có những biện pháp cần thiết để kiểm soát các đền thờ". Nhưng những bài thuyết giáo đó chỉ là một phần của vấn đề. Các mạng xã hội cũng sử dụng thông điệp cực đoan để lôi kéo thanh niên.

"Chúng tôi biết nhiều trang Facebook quy tụ rất nhiều thành viên và ca tụng nhóm Jabhat Al-Nosra tại Syria, đồng thời thuyết phục chúng tôi rằng thánh chiến vì lý tưởng của Thượng đế  là phương cách duy nhất để phổ biến đạo Hồi và áp dụng luật Hồi giáo" - anh Khaled Yazidi giải thích.

Tuy nhiên mới đây Abou Iyadh, thủ lĩnh phong trào Ansar Al-Charia (Những người bảo vệ luật Hồi giáo) tại Tunisia và bị nghi ngờ có dính líu đến vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Tunis, lại chỉ trích vai trò của các thanh niên Tunisia trong cuộc chiến tại Syria. Ông ta yêu cầu các nhóm cực đoan và giới trẻ đừng đến Syria vì thánh chiến mà nên khởi đầu cuộc chiến đấu ngay trong nước: "Hơn mọi quốc gia khác, Tunisia rất cần thanh niên và những tinh hoa".

Phóng viên Mouhamed Bou Oud ước tính có từ 3.500 đến 5.000 thanh niên đang chiến đấu tại Syria. "Không có tổ chức hay phe nhóm nào giữ nhiệm vụ tuyển mộ chiến binh sang Syria cả. Thật ra việc tuyển mộ được thực hiện qua các bài thuyết giáo trong những đền thờ. Giới trẻ thường tự nguyện gia nhập phong trào vì nghĩ rằng họ sẽ tham gia thánh chiến vì lý tưởng của Thượng đế".

Nhưng trước khi bắt đầu chiến đấu tại Syria, các thanh niên Tunisia cần phải được đào tạo, thường là tại Mali hay Libya. Thời gian đầu họ đến thành phố Ghadamès ở Libya, chỉ cách biên giới Tunisia 70km. Tại đấy họ được huấn luyện quân sự một cách nhanh chóng, kế đó sang Zawiya để tập huấn thêm 20 ngày. Sau đó họ đến Istanbul rồi vượt biên giới Syria và gia nhập Quân đội Tự do Syria hay Jabhat Al-Nosra. Hàng chục, thậm chí hàng trăm thanh niên Tunisia đã thiệt mạng trong những cuộc đụng độ với quân đội chính phủ

Minh Luân (theo Courrier International)
.
.