Công an Thanh Hóa:

Ứng dụng “nét” trong cải cách hành chính

Thứ Sáu, 09/05/2008, 17:00
Thanh Hóa không phải là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, cũng không phải là nơi khoa học công nghệ phát triển. Vì thế việc công an tỉnh ứng dụng "nét" để cải cách hành chính thực sự là một quyết định dũng cảm. Sau gần 2 năm triển khai, thực tế đã chứng minh, đó là quyết định đúng đắn, hiệu quả và được lòng dân.

Mới nghe chuyện ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của Công an Thanh Hóa có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng chuyện “cũ rích”. Bây giờ ở đâu mà chẳng kêu gọi tin học hóa, đâu phải chỉ riêng Thanh Hóa? Thế nhưng cách làm của Công an Thanh Hóa khác, và cũng thật cụ thể.

Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, dân đông. Diện tích tự nhiên hơn 11.000km2 gồm 27 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố với tổng cộng 636 xã, phường và thị trấn. Dân số xấp xỉ 3,7 triệu người. Có những địa bàn cách xa trung tâm tỉnh lị gần 300km.

Bởi vậy, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với người dân hạn chế, đặc biệt là việc đi lại giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến công tác của lực lượng Công an cũng hết sức khó khăn. Làm thế nào để vừa giảm bớt sự đi lại của người dân mà cũng là tiết kiệm công sức cho cán bộ, chiến sĩ chính là bài toán được đặt ra trong hoàn cảnh ấy.

Và Công an Thanh Hóa đã làm như sau: Toàn tỉnh được trang bị 6 bộ máy chủ, 157 bộ máy trạm cho tất cả các đầu mối từ giám đốc Công an tỉnh đến các đơn vị, phòng, ban, trại, Công an các huyện, thị, thành phố.

Người dân ở bất cứ đâu, khi có nhu cầu tra cứu thông tin, đặc biệt là các thông tin về căn cước, hộ khẩu, tiến trình giải quyết các thủ tục hành chính khác như xuất nhập cảnh, cấp hộ chiếu... liên quan đến công tác của lực lượng  thì chỉ việc đến Công an huyện xếp yêu cầu và chờ... bấm nút để xem.

Xuống xã làm CMND giảm bớt sự đi lại của dân.

Khi tất cả đã hiện lên màn hình máy tính, từ ngày nhận đơn, trình tự giải quyết đến những yêu cầu phát sinh, bổ sung thủ tục... để dựa vào đó, cán bộ phụ trách tin học của Công an các huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn cụ thể cho nhân dân những việc phải làm tiếp theo và hướng dẫn họ có thể lên tỉnh ngay để lấy kết quả hoặc ở nhà chuẩn bị nốt cho hết các yêu cầu rồi mới đi một thể. Ngần ấy người có nhu cầu giải quyết thủ tục, cộng với ngần ấy cái công đi lại mới thấy sự đầu tư đâu có uổng phí.

Lại có một việc không mới, ở các nhà băng hiện đại người ta đã làm từ lâu, nhưng đưa nó vào áp dụng trong công tác cải cách hành chính của lực lượng Công an, có lẽ mới chỉ ở Công an Thanh Hóa. Đó là phần mềm được mô tả nôm na là “Dịch vụ xếp hàng tự động”.

Khi công dân có nhu cầu đến giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh ở PA18 Công an tỉnh, chỉ cần ấn nút điều khiển của máy lấy số thứ tự. Số thứ tự sẽ do máy tính tự động in ra, đồng thời máy cũng tự động thông báo và sắp xếp số thứ tự đó được phục vụ ở ô cửa số mấy để người dân chủ động đến và ngồi vào ghế chờ đợi.

Cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh khi giải quyết thủ tục chỉ cần nhấn nút điều khiển thì máy sẽ tự động gọi người theo số thứ tự vào bàn để làm thủ tục. Vậy là ai đến trước thì giải quyết trước, ai đến sau thì chờ làm sau, chẳng có chen lấn, xô đẩy gì cả, rất văn minh.

Trước đây, nhân dân muốn làm các thủ tục giấy tờ liên quan đến công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội thì phải đến tận trụ sở công an để được hướng dẫn. Vừa tốn thời gian lẫn công sức đi lại, chưa biết chừng còn mất công toi nếu gặp phải đám “cò thủ tục”. Giờ đã khác.

Từ tháng 8/2006, Công an Thanh Hóa phối hợp với Đài 1080 Bưu điện tỉnh mở hộp thư thoại số máy 801.888 tự động cung cấp thông tin hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính trên 9 lĩnh vực bao gồm đăng ký hộ khẩu; cấp CMND; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; cấp giấy phép khắc dấu; cấp đăng ký ôtô, xe máy; cấp giấy chứng nhận PCCC và thẩm duyệt PCCC, cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; cấp hộ chiếu phổ thông và cấp giấy xác nhận không có tiền án và xác minh lý lịch tư pháp.

Khi nhân dân có nhu cầu tìm hiểu các thủ tục nói trên thì chỉ cần bấm số máy trên và làm theo hướng dẫn của tổng đài là có được thông tin đầy đủ về thủ tục, thời gian giải quyết và lệ phí phải nộp... Nói tóm lại là công khai tất cả những gì cần được công khai để người dân biết, người dân hiểu và... cứ thế mà làm.

Vừa tạo cảm giác thoải mái cho người có nhu cầu, vừa bớt rất nhiều công đoạn giải thích rườm rà của cán bộ làm công tác tiếp nhận mà đôi khi ở đâu đó những phát sinh quanh nó đã làm mất đi hình ảnh đẹp của bộ quân phục màu xanh lá mạ. Và hiệu quả của việc làm này được đánh giá qua những con số. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, đã có gần 700 cuộc gọi đến hộp thư thoại 801.888 yêu cầu giải đáp thủ tục với tổng thời lượng hơn 1.200 phút.

Tuy nhiên, có lẽ “đỉnh cao” trong các sáng kiến ứng dụng công nghệ vào công cuộc cải cách hành chính của Công an Thanh Hóa, theo tôi, phải kể đến việc mở và duy trì tốt trang thông tin điện tử của Công an tỉnh tại địa chỉ.

Có một câu chuyện rằng khi tôi ngồi ở hàng net điện thoại đến tổng đài 037.1080 hỏi về website của Công an Thanh Hóa, đã ngay lập tức được cung cấp đúng địa chỉ này. Trình duyệt chạy vù vù, đối lập hẳn với tốc độ “sên bò còn gọi bằng cụ” khi truy cập vào một số website, cổng thông tin điện tử tương tự của một số nơi khác.

Cái hay là ở chỗ ngoài việc thông tin một chiều phục vụ mục đích tuyên truyền của Công an tỉnh, tại địa chỉ này người dân cũng có thể phản hồi các ý kiến đóng góp cũng như tra cứu xem hồ sơ của mình giải quyết được đến đâu, kết quả thế nào... mà không nhất thiết phải trực tiếp đến cơ quan Công an để hỏi.

Rồi thì việc ngoài số máy 113 để nhận thông tin về các vụ việc mất trật tự trị an Công an Thanh Hóa còn thiết lập đường dây nóng với số điện thoại 037.725725 hoạt động 24/24 giờ tiếp nhận xử lý mọi thông tin phản ánh nếu có trường hợp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng gây phiền hà, chậm trễ, sách nhiễu, tiêu cực đối với nhân dân.

Từ khi thành lập giữa năm 2005 đến nay, đường dây nóng đã tiếp nhận 500 tin. Nên nhớ đây là đường dây phản ánh vụ việc liên quan đến cán bộ chiến sĩ. Chưa hết, chỉ mới tháng 3 vừa qua, Công an Thanh Hóa đã tổ chức khai trương Trung tâm Đào tạo tin học với kế hoạch triển khai thực hiện thông báo lưu trú qua Internet. --PageBreak--

Theo quy trình, chủ cơ sở hoặc hộ gia đình có thể truy cập vào trang chủ của Công an tỉnh và nhập các dữ liệu khai báo về thông tin cá nhân của người cư trú theo quy định của Luật Cư trú chứ không phải trực tiếp trình báo tại cơ quan Công an hoặc gọi điện thoại thông báo như trước đây.

Trước mắt mới triển khai thí điểm tại thị xã Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn. Nếu thành công, đây sẽ là bước đột phá lớn. Tuy nhiên, lúc đó vai trò tự giác của các chủ cơ sở, cá nhân thường xuyên có khách lưu trú sẽ phải được nâng lên rất nhiều, cùng với đó là những lý do đại loại như “không biết sử dụng máy tính” từ các thành phần trên cũng phải tìm được phương án giải quyết tương đối triệt để...

Hai chục kilômét đường rẽ từ Quốc lộ 1A đi Cầu Bố, trung tâm huyện Nga Sơn đường lổn nhổn ổ gà, ổ voi với đá răm. Thượng tá Nguyễn Cao Sơn, Trưởng Công an huyện Nga Sơn chỉ cho tôi xem dãy hành lang, ghế ngồi và căn phòng thoáng đãng, sạch sẽ dùng làm nơi đón tiếp nhân dân đến làm thủ tục cấp, phát CMND.

Ngoài hành lang để sẵn một chậu nước và chiếc khăn lau phục vụ người vừa làm danh chỉ bản. Còn phòng tiếp dân của Công an huyện lại khang trang hơn nữa. Một chiếc máy tính để quay màn hình ra bên ngoài, phục vụ công khai tra cứu tại chỗ. Hàng ghế sạch sẽ, có quạt mát, nước uống cho nhân dân trong lúc chờ đợi... Cải cách hành chính của Công an Thanh Hóa được “thực tế hóa” một cách rất cụ thể, sinh động bằng thái độ tôn trọng đối với nhân dân.

Tuy nhiên, nói đến Nga Sơn, phải nói đến sáng tạo của Công an huyện trong việc đi đến tận nhà làm CMND cho người già, người tàn tật vào thứ 7, chủ nhật. Từ khi Pháp lệnh người cao tuổi và người tàn tật ra đời, các địa phương đã có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ ưu tiên đối với nhóm người này.

Ví dụ như cấp sổ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí và cấp sổ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thường xuyên cho người từ 85 tuổi trở lên. Người cao tuổi được miễn đóng góp phúc lợi xã hội và xây dựng cơ bản ở địa phương... Chính vì thế nên nhu cầu có được tấm giấy CMND để xác định tuổi hưởng chế độ đã trở nên cấp thiết và chính đáng của nhân dân.

Nhưng khi nhìn thấy có những cụ già lọ mọ đến lăn tay làm CMND, đi kèm theo đó là hai đến ba người nhà, con cháu dìu dắt, người Trưởng Công an huyện thấy không đành lòng. Hơn nữa, đối với những người ấy, nhiều khi chẳng có một thứ giấy tờ nào xác nhận ngày tháng năm sinh cả. Muốn xác định tuổi của họ, kiểu gì cũng phải về xác minh tại địa phương.

Một công đôi việc, thế là ý tưởng đến tận nhà làm CMND cho người già, người tàn tật vào ngày nghỉ cuối tuần ra đời và được nhân rộng ra toàn tỉnh. Nhưng tại sao không phải là ngày thường là lại phải “vẽ” ra vào ngày thứ 7, chủ nhật cũng là bởi số lượng biên chế có hạn, ngày thường mà đi đến nhà dân thì ai ở trụ sở giải quyết yêu cầu của những đối tượng thông thường khác?

Nói là làm. Bắt đầu từ cuối năm 2006 đến giữa năm 2007, gần 1 năm, 7.200 giấy CMND đã được Công an Nga Sơn theo cách ấy đến tận nhà cấp cho người già, người tàn tật. Kinh phí đi lại Công an chịu. Lệ phí cấp CMND được vận động để các xã đài thọ hoặc hỗ trợ người dân. Việc trả CMND tận tay gia đình được giao cho Công an xã. Nhiều cụ già đã “gần đất xa trời”, lần đầu tiên trong đời được cầm tấm giấy CMND trong tay, phấn khởi lắm.

Ông Trần Thoảng năm nay 97 tuổi, xúc động được cầm tấm CMND do Công an huyện Nga Sơn cấp tận nhà.

Đấy là chưa kể các gia đình có nhu cầu còn được Công an huyện phối hợp với chính quyền xã tặng luôn một tấm ảnh chân dung phóng to... Gặp tôi, ông Mai Xuân Dục, Bí thư xã Nga Mỹ khen ngợi hết lời việc làm của Công an huyện Nga Sơn, trong khi bà Chủ tịch UBND xã Nga Mỹ Trương Thị Tước thì khẳng định chỉ riêng sáng kiến tặng ảnh chân dung cho các gia đình có người cao tuổi đã là một trong những việc làm thiết thực, đi vào lòng dân, cần được nhân rộng

Đó mới chỉ là một vài ví dụ cụ thể trong số những nỗ lực cải cách hành chính mà toàn lực lượng Công an Thanh Hóa thực hiện được. Ngay như sáng kiến của Công an huyện Nga Sơn, đã được nhân rộng ra toàn tỉnh, cũng một phần xuất phát từ chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ của lãnh đạo Công an Thanh Hóa cho công an các huyện, thành phố.

Phân cấp tiếp nhận hồ sơ làm CMND xuống các huyện đã giúp cho các đợt cao điểm làm chứng minh thư thường kéo dài háng tháng, nay chỉ còn 10 đến 15 ngày. Phân cấp quản lý cơ sở kinh doanh có điều kiện PCCC đã chia xấp xỉ 4.500 cơ sở trên tổng số hơn 5.000 về các huyện.

Lợi ích nhỡn tiền của việc này là người Thanh Hóa giờ muốn mở cây xăng, chỉ cần đến công an huyện làm thủ tục và chờ được phê duyệt mà chẳng phải đi lại nhiều...

Rồi thì Đề án 67 của Giám đốc Công an tỉnh về việc tăng cường chấn chỉnh, củng cố và hoàn thiện hệ thống sổ hộ khẩu gốc đã chấm dứt tình trạng “ông em nhiều tuổi hơn ông anh, con kém bố chưa đầy... 2 tuổi!”.

Kinh phí cho đề án nghe đâu hết khoảng 1 tỉ đồng, nhưng quan trọng Thanh Hóa giờ là địa phương duy nhất mà người dân chỉ có 1 ngày sinh... Hơn tất cả, những việc làm trong cuộc cải cách hành chính ấy đã cho thấy lực lượng Công an Thanh Hóa thực sự đã vì nhân dân phục vụ

Việt Anh
.
.