Hội thả diều phải chịu trách nhiệm vụ "cháu bé tử vong vì bị diều cuốn"?

Thứ Sáu, 27/03/2015, 18:55
Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG xung quanh tai nạn từ thả diều dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khiến cháu Văn Minh Đạt (ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) tử vong, một luật sư đang công tác tại Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: “Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng vẫn quy được trách nhiệm cho nhóm thả diều đã gây ra tai nạn, trước tiên là trách nhiệm dân sự theo quy định về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” đã được Luật Dân sự quy định. Bởi không ai có thể lường trước hậu quả nếu như con diều khổng lồ ấy không may gặp sự cố đứt dây”.

Ông Đỗ Văn Lựu – Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Diều Sài Gòn, đơn vị quản lý con diều khổng lồ đã tìm đến gia đình của cháu Văn Minh Đạt để hỗ trợ tiền tang ma.

Theo lời ông Lựu, thì con diều cuốn cháu Đạt tử vong có chiều dài 18m, ngang 12m, nặng hơn 20kg với chất liệu bằng vải, con diều này từng tham dự nhiều Festival Diều quốc tế và đoạt giải. Con diều này cũng được CLB dự tính sẽ đưa đi tham dự Festival Diều ở Vũng Tàu sắp diễn ra.

Chiều ngày 15/3, các thành viên trong CLB Diều Sài Gòn được mời đến khu đất trống ven Quốc lộ 22, huyện Hóc Môn, để biểu diễn. Đây là khu đất rộng vài hecta, vẫn thường được xem là đồng diều lớn nhất ở Sài Gòn. Vào mỗi dịp cuối tuần, hàng nghìn người dân từ các quận, huyện rủ nhau về đây để thả diều.

Sau khi kiểm soát an toàn xung quanh, thành viên CLB Diều Sài Gòn đã cho con diều bay lên, diều được giữ bằng sợi dây thừng làm bằng nylon to cột chặt vào trụ bê-tông. Đang bay, thì diều hẫng gió nên rơi xuống ngay cạnh nơi mà gia đình cháu Đạt dọn quầy hàng bán nước cho những người thả diều. Cú rơi này khiến một số vật dụng của quầy nước bị vỡ.

Trong lúc các thành viên của CLB chỉnh sửa, sắp xếp để cho diều bay lại thì bất thần một cơn gió tốc đến, không may, sợi dây thừng nối chiếc đuôi bên trái của diều quấn phải chân cháu Đạt đang đứng gần đấy cuốn cậu bé bay lên không.

Phát hiện sự việc, nhiều người xung quanh la hét chạy theo túm đuôi con diều để kéo bé xuống. Phần đuôi bên trái bị lực kéo mạnh làm đứt, song phần dây quấn chân bé Đạt vẫn còn nên vẫn kéo nạn nhân bay lên trời.

Cháu Đạt (khoanh tròn) đang đứng cạnh con diều khổng lồ khi con diều này rơi xuống quầy nước của gia đình cháu.

Lúc này, cháu Đạt đã bị diều cuốn lên độ cao khoảng 20m. Rất nhiều người ở gần khu vực xảy ra tai nạn đã vội vàng đuổi theo cố đưa tay tính chuyện đỡ cháu Đạt nếu cháu rơi xuống. Nhưng, niềm hy vọng ấy đã không biến thành hiện thực.

Chị Văn Thị Thanh Thúy, mẹ của cháu Đạt nói trong nước mắt: "Gia đình tôi kiếm sống bằng quầy nước bán cho khách khu đồng diều này. Lúc mấy người kia chuẩn bị căng dây để thả con diều, tôi đã rất lo lắng và liên tục dặn Đạt phải tránh xa chỗ người ta thả diều ra. Vậy mà...".

Chị Thúy kể, khoảng 16h chiều ấy, khi con diều được cho bay lên, do diều to quá khổ nên "hết bay lên rồi lại đáp xuống" cạnh quầy nước của gia đình chị, lúc này chị đã có cảm giác bất an. Chị luôn miệng nhắc cháu Đạt phải tránh xa con diều ấy. Thế nhưng, khi con diều bất thần rơi, kéo đổ bàn ghế và thức uống bán cho khách thì chị cùng cháu Đạt phải nhanh chóng thu dọn. Chị thì kê lại bàn ghế, cháu Đạt phụ mẹ lượm lại các chai nước ngọt bị rơi xuống đất. Đúng lúc này, con diều bị gió thốc lên, chân của cháu Đạt vô tình vướng vào đống dây nhợ bùi nhùi giữ diều. "Tôi cố chạy theo để đỡ con nhưng không thể, khi con tôi rơi xuống nó chỉ cách tôi có một chút thôi", chị lại khóc.

Cháu Đạt đã tử vong vì sự bất cẩn của những người tham gia thả diều.

Vậy đó, chị vô tình phải chứng kiến toàn bộ thảm kịch mà cậu con trai nhỏ của chị phải hứng chịu, cậu con trai mà theo chị thì "Cháu chưa đi học nhưng lanh lắm, suốt ngày quẩn quanh theo phụ mẹ". Nhiều người tham gia thả diều hôm ấy đã khóc khi chứng kiến sự bất lực của người mẹ trong việc cố cứu con mình.

Sau khi bị rơi xuống đất, cháu Đạt được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn để cấp cứu. Nhưng tất cả đã quá muộn...

Khu đất theo thói quen được gọi là “Đồng diều” ven Quốc lộ 22, huyện Hóc Môn không phải là khu vực thả diều duy nhất của người dân TP HCM. Còn rất nhiều bãi diều tự phát khác đang hiện hữu tại nhiều quận, huyện từ quận Thủ Đức, quận 9, cho đến huyện Bình Chánh, huyện  Nhà Bè…

Tại quận 2, có bãi  diều ở khu đất dưới chân cầu Thủ Thiêm, đoạn dẫn ra đại lộ Võ Văn Kiệt đã được "hình thành" từ mấy năm nay. Vào cuối tuần, người ta còn dùng xe ôtô để chở diều lớn đến để thả. Vừa thả diều vừa thả... rác, nhếch nhác không thể tả. Thi thoảng, nếu lực lượng công an phường nhắc nhở, những người thả diều sẽ thu diều bỏ đi. Đến lúc vắng bóng lực lượng này, thì đâu lại vào đấy. Và không phải là chưa từng xảy ra tai nạn khi người tham gia lưu thông bị vướng vào dây thả diều tại nơi này.

Cánh đồng diều ven quốc lộ 22 - huyện Hóc Môn được xem là đồng diều rộng nhất tại TP HCM.

Mới đầu tháng 3 này, anh Nguyễn Hữu Thế Huy (quê Vĩnh Long) từng bị tai nạn giao thông vì vướng phải dây diều khi đang lưu thông trên đường, đoạn phường Tân Thuận Hưng, quận 12.  Đến gần giao lộ giữa đường DN5 và DN6, do xe máy bị vướng dây của người thả diều tại bãi đất trống gần đó nên anh phải thắng gấp xe.

Lúc này, người điều khiển phương tiện giao thông phía sau đã không tránh kịp anh. Rồi những vụ tai nạn do diều vướng vào đường điện cao thế, dây thả diều chắn ngang cổ khi đang điều khiển xe máy, tài xế xe tải gây tai nạn vì bất ngờ do diều văng vào kính xe ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai)…

Tất nhiên là sau những vụ tai nạn do diều (ngoại trừ vụ tai nạn thương tâm vừa diễn ra ở huyện Hóc Môn) thì luôn rất khó để xác định trách nhiệm của người chơi diều. Thông thường, diều bị đứt dây băng đi thì người chơi diều cũng… bỏ đi theo diều.

Vấn đề là ngoài công tác kiểm tra của lực lượng chức năng, tránh tình trạng để những bãi diều tự phát mọc lên thì còn cần cả ý thức của người chơi diều. Nhu cầu giải trí không có nghĩa là cứ thấy tiện cho mình thì làm, miễn mình vui là được còn những hiểm họa rình rập thì không nghĩ đến.

K.Hữu
.
.