Vàng giả… và những cú lừa

Thứ Năm, 21/07/2016, 18:10
Thời gian gần đây, nhiều tiệm vàng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục có đơn trình báo gửi đến cho cơ quan chức năng để trình bày về việc họ bị lừa tiền thông qua việc mua bán vàng...giả.

Theo đơn trình bày của chủ tiệm vàng Vy Kim Lợi ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam thì vào thời điểm đầu tháng 4-2016, có một phụ nữ đến tiệm của họ để bán 1 sợi dây chuyền vàng 10 chỉ vàng 24k. Sau khi kiểm tra bằng mắt thường thấy không có dấu hiệu khả nghi nên họ đã mua với giá 31,3 triệu đồng. Mãi đến cuối tháng 4-2016, khi chủ tiệm vàng dùng hóa chất để kiểm tra thì phát hiện sợi dây chuyền vàng mang nhãn hiệu "Bảo Tín Nghĩa" này là một sợi dây chuyền bạc được mạ vàng.

Đối tượng Đặng Xuân Hoa Diễm.

Cũng trong thời gian này, tiệm vàng Hoàng Vỹ ở thị trấn Tiên Kỳ mua 1 sợi dây chuyền vàng mang nhãn hiệu "Bảo Tín Nghĩa" của một người phụ nữ cùng trọng lượng 10 chỉ vàng 24k với giá 30 triệu đồng. Sau đó, chủ tiệm vàng Hoàng Vỹ mang sợi dây chuyền này đến tiệm vàng Nghĩa Tín ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) bán thì được chủ tiệm vàng này mua với giá 31,9 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó chủ tiệm vàng Nghĩa Tín (chủ của thương hiệu vàng Bảo Tín Nghĩa) dùng hóa chất để thử thì phát hiện đây là sợi dây chuyền bạc được mạ vàng... Tất cả những thông tin này đều được các chủ tiệm vàng trình báo đến cơ quan công an địa phương.

Đến thời điểm giữa tháng 5-2016, có một phụ nữ đến tiệm vàng Ngọc Trưởng ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam) để bán 1 sợi dây chuyền vàng 10 chỉ vàng 24k, nhưng do cẩn trọng trong việc mua bán với người lạ, nên anh Phan Châu Trưởng chủ tiệm đã mang hóa chất để thử và phát hiện đó là sợi dây chuyền mạ vàng nên bí mật báo cáo với công an xã Tam Hải. Nhận được tin báo, lực lượng Công an xã Tam Hải đã có mặt kịp thời để bắt giữ người phụ nữ này.

Qua khám xét sơ bộ, công an xã đã thu giữ trong người đối tượng này 32 triệu đồng, 1 lắc vàng cùng 1 xe gắn máy, rồi chuyển giao đối tượng cho Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội - Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục điều tra, làm rõ…

Tại cơ quan Công an, đối tượng này khai nhận tên thật là Đặng Xuân Hoa Diễm (1985), trú tại xã Tân Sơn, TP. Pleiku (Gia Lai). Trong thời gian lang thang để thực hiện hành vi lừa đảo, Diễm đã cùng với Phạm Ngọc Tuấn (1994), trú tại huyện Chư Sê (Gia Lai), Phan Văn Hoàn (1984), Lý Thị Kim Nga (1985), cùng trú tại xã Biển Hồ, TP Pleiku và một đối tượng khác tên Bi đến thuê một nhà trọ tại thành phố Tam Kỳ để làm đại bản doanh. Chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 4 đến tháng 5-2016, các đối tượng này đã tổ chức thực hiện 12 vụ lừa đảo bằng hình thức bán và cầm cố vàng giả cho các tiệm vàng nằm rải rác trên địa bàn của các huyện hẻo lánh của tỉnh Quảng Nam.

Trong tất cả các vụ, Hoàn là người đóng vai trò chủ mưu, đạo diễn để cho Diễm và Tuấn sắm vai "đi bán vàng cưới để trả nợ" hòng chiếm đoạt tài sản của người khác mang đi tiêu xài. Hàng trăm triệu đồng của các chủ tiệm vàng đã bị băng nhóm này lừa đảo chiếm đoạt cho đến khi Diễm bị Công an xã Tam Hải bắt giữ.

Từ lời khai của Diễm, các trinh sát hình sự đã đến Gia Lai để tiếp tục bắt giữ Tuấn cùng các đối tượng còn lại. Riêng Hoàn, kẻ chủ mưu, cầm đầu băng nhóm lừa đảo này đã bỏ trốn khỏi địa phương. Vụ án đang được Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục điều tra, xử lý...

Trước đó, Cơ quan cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Đà Nẵng cũng đã nhận được đơn tố giác của một khổ chủ tên N. Trong đơn, ông N. kể rất chi tiết: Một hôm, khi ông đang ở nhà thì có một người đàn ông tự giới thiệu tên là Thái Tiểu Bình, người Sùng Chính - Trung Quốc gọi điện thoại vào số máy cầm tay của ông N. bảo rằng đã được một người quen giới thiệu cho biết ông N. là người thông thạo tiếng Hoa nên nhờ ông N. dịch giúp một bức chúc thư mà Bình đã đào được cùng một số thỏi vàng trong khi đang thi công một công trình xây dựng tại TP Huế. Qua trao đổi, ông N. đồng ý sẽ dịch giúp bức chúc thư mà Bình đã tìm thấy nói trên.

Số vàng và tượng phật cổ của nhóm lừa đảo người Trung Quốc.

Vài ngày sau, Bình lại gọi điện thoại cho ông N. bảo rằng mình đang rất bận rộn với việc thi công công trình tại TP. Huế cho kịp tiến độ đã cam kết với nhà đầu tư. Bình thông báo với ông N. rằng đã cho một người họ Vương là chỗ tâm phúc với Bình sẽ mang bức chúc thư cùng những thỏi vàng đã tìm thấy ở Huế đến gặp trực tiếp ông N. để nhờ dịch rõ nội dung.

Đúng hẹn, họ Vương mang bức chúc thư cùng những thỏi vàng óng ánh đến giao tận tay ông N. Sau khi xem qua bản chúc thư, ông N. biết được rằng đây là số tài sản của một chủ buôn người Trung Hoa chôn giấu ngay dưới nền nhà ở của mình để làm của hồi môn cho con cái sau này. Gấp lại bức chúc thư một cách cẩn thận, ông N. cùng với người họ Vương mang một trong số những thỏi vàng trong túi đến một cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở Đà Nẵng để kiểm tra chất lượng.

Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, chủ cửa hàng vàng bạc cho biết thỏi vàng của ông N. và họ Vương là vàng thật 100%. Khi được chủ cửa hàng khẳng định là vàng thật, họ Vương ngỏ ý nhờ ông N. tìm người để bán số vàng mang theo với một mức giá khá hời. Nhận định rằng, nếu mua được những thỏi vàng ròng của họ Vương, sau khi bán lại ông N. sẽ kiếm được một khoản chênh lệch không nhỏ, nghĩ là làm, ông N. quyết định vay mượn những người thân và cầm cố tài sản của gia đình để gom đủ 2,9 tỷ đồng.

Đúng ngày giờ đã hẹn, ông N. cùng người thân đáp chuyến máy bay sớm nhất trong ngày để ra Hà Nội, thuê khách sạn để vừa nghỉ ngơi, vừa đợi đối tác đến giao hàng. Đúng 15 giờ 30 phút, tại một khách sạn nhỏ nằm ngay trên đường ra sân bay quốc tế Nội Bài, kẻ tự xưng tên là Thái Tiểu Bình xuất hiện để giao cho ông N. 67 thỏi vàng nén và 6 tượng phật màu vàng để lấy từ ông N. và người thân 2,9 tỷ đồng.

Gói ghém số vàng nói trên trong những túi nilon được quấn chặt bên ngoài bởi nhiều lớp băng keo màu đen cẩn thận. Ông N. cùng người thân vội vàng thanh toán tiền khách sạn và gọi taxi chạy ra ga Hà Nội mua vé tàu lửa quay trở về Đà Nẵng ngay trong đêm. Khi về đến Đà Nẵng, ông N. mang vàng ra thử thì hỡi ôi, toàn bộ số vàng và tượng phật này đều là vàng giả. Hốt hoảng, ông N. gọi điện thoại cho Thái Tiểu Bình thì trả lời ông chỉ là những tín hiệu của một thuê bao đang…ngoài vùng phủ sóng.

Biết là mình đã nếm phải trái đắng của một vụ lừa đảo, ông N. chỉ còn biết cách viết đơn trình báo gửi đến cơ quan chức năng để nhờ can thiệp. Khi đến làm việc với cơ quan chức năng, ông N. mới biết được rằng ông không phải là nạn nhân duy nhất của chiêu lừa này mà trước đó, ông L. ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cũng đã phải ngậm đắng nuốt cay vì lòng tham vàng ròng và tượng phật cổ.

Trong đơn trình báo, ông L. kể rằng: khi ông L. đang ở nhà nằm đọc sách thì nhận được điện thoại của một người nói tiếng Trung Quốc xưng tên là Ngô Kiến Quân. Qua trao đổi, Quân cho biết nghe nhiều người giới thiệu ông L. giỏi tiếng Hoa nên nhờ dịch giúp một bản di chúc cổ được tìm thấy khi đào móng xây dựng nhà cho một ông chủ người Đài Loan ở TP. Huế. Quân còn cho ông L. biết, cùng phát hiện với bức di chúc này còn có một hũ tiền cổ, một số vàng nén hình chiếc xuồng, 3 tượng phật ngồi… Rồi Quân hẹn ông L. 3 ngày sau đến bến xe khách Đà Nẵng để đón Quân.

Đúng hẹn, tại bến xe Đà Nẵng, ông L. gặp Quân và một người đi cùng được giới thiệu tên là Trần Tiểu Minh. Sau khi chào hỏi xã giao, ông L. đưa Quân và Minh về nhà riêng của mình, tại đây, Quân đã đưa cho ông L. xem một bức di chúc cổ được viết trên một tấm lụa màu vàng, 40 thỏi vàng ròng và 3 tượng phật ngồi.

Khi ông L. đang chăm chú đọc bản di chúc thì Quân hỏi mượn người nhà ông L. lưỡi cưa để cưa một thỏi vàng ròng hình chiếc xuồng ra làm đôi, rồi nhờ đưa đến một cửa hàng vàng bạc để thử. Kết quả cho thấy thỏi vàng ròng được cưa làm đôi mà Quân và người nhà ông L. mang đến thử là vàng thật. Trả một ít kinh phí dịch thuật cho ông L. xong, Quân và Minh xin phép cáo từ.

Gần một tuần sau, Quân lại gọi điện thoại cho ông L. bảo rằng do công việc cần phải quay về Trung Quốc rất gấp nên nhờ ông L. tìm mối để bán số vàng ròng và tượng phật mà Quân đã đưa cho ông L. xem với giá khá rẻ so với giá vàng trên thị trường. Tưởng rằng thời cơ kiếm tiền đã đến với mình, ông L. huy động người thân gom góp được 200 triệu đồng mang ra Hà Nội để tìm gặp Quân mua 20 thỏi vàng ròng và 1 pho tượng phật.

Mua bán xong, ông L. vội vàng cất giấu số vàng nói trên cẩn thận rồi mang về Đà Nẵng để tìm mối bán lại. Thế nhưng, khi những thỏi vàng ròng này được mang ra thử thì đó là những thỏi vàng giả 100%. Rơi vào tình cảnh "mất của thiệt thân", ông L. đành phải chọn cho mình giải pháp tối ưu nhất là viết đơn trình báo gửi đến cơ quan công an TP. Đà Nẵng.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra các loại tội phạm về trật tự xã hội - Công an Đà Nẵng nhận định, cả hai vụ lừa đảo để chiếm đoạt số tiền lớn xảy ra tại Đà Nẵng đều có cùng một phương thức và thủ đoạn.

Bọn chúng đều tìm hiểu để chọn những người biết tiếng Hoa, từ đó chúng dàn xếp việc nhờ dịch những bức chúc thư cổ, khoe những báu vật tìm được ở vùng đất cố đô, rồi gạ bán với giá rẻ trong sự thậm thụt bí mật sợ chủ nhân của những báu vật trên phát hiện. Địa điểm giao dịch cũng được bọn chúng dời xa Đà Nẵng để đề phòng sự theo dõi của cơ quan công an, đó cũng là cái bẫy đối với các nạn nhân vì khi phát hiện bị lừa thì cũng chẳng dễ gì tìm kiếm được những kẻ lừa đảo…

Theo thông tin các trinh sát thu thập được, cộng với sự tố giác của một vài khổ chủ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian gần đây, ở Huế xuất hiện một số đối tượng nói giọng miền Nam đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và hám lợi của người dân để gây ra nhiều vụ lừa đảo bằng vàng giả ở địa bàn một số huyện nằm lân cận với TP Huế.

Khi các mũi trinh sát thuộc các lực lượng công an của tỉnh Thừa Thiên Huế đang tích cực điều tra, truy xét thì bất ngờ được người dân địa phương gọi điện cung cấp cho Công an phường Phú Cát (TP Huế) một nguồn tin hết sức quan trọng: Tại hiệu vàng Hoàng Đức, ở số 75 đường Chi Lăng đang xuất hiện 2 đối tượng nói giọng miền Nam với nhiều dấu hiệu nghi vấn đang đặt vấn đề với chủ hiệu vàng để bán 16kg vàng cám với giá rẻ bất ngờ.

Nắm được thông tin này, Ban chỉ huy Công an phường Phú Cát đã điện báo ngay cho lãnh đạo Công an TP. Huế. Ngay lập tức, lãnh đạo Công an TP Huế đã chỉ đạo lực lượng trinh sát hình sự nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cùng phối hợp với công an phường sở tại khống chế, bắt giữ đối tượng khi chúng đang chuẩn bị gây án.

Tại cơ quan công an, qua đấu tranh ban đầu các đối tượng khai nhận tên là Huỳnh Văn Khanh (SN 1973) và Huỳnh Thanh Sang (SN 1987), là anh em ruột và đều trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Mở rộng điều tra vụ án, lực lượng Công an TP Huế đã phối hợp Công an thị xã Hương Thủy, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếp tục bắt giữ thêm 4 đối tượng khác trong đường dây lừa đảo này gồm: Huỳnh Quang Đông (SN 1980), Huỳnh Phước Thành (SN 1990), Lương Hồng Cường (SN 1990) và Phạm Quốc Khánh (SN 1984), các đối tượng đều cùng cư trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.  

Qua quá trình đấu tranh, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, các điều tra viên  đã buộc các đối tượng phải thú nhận: Đánh vào tâm lý hám lợi của một số tư thương chuyên kinh doanh vàng ở một số địa bàn huyện, thị xã xa trung tâm thành phố, bọn chúng đã lên kế hoạch rồi lấy bột "heo đất", hay còn gọi là bột đánh bóng vàng giả, để "phù phép" thành bột vàng cám đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo lời khai của băng nhóm lừa đảo này, khoảng 1 lạng chất này có thể làm ra 1,8 chỉ vàng thật. Nhưng trong số lượng vàng cám mà chúng mang đi để lừa bán cho khách hàng chỉ có một ít là vàng thật chúng dùng để "giao dịch", còn lại là các tạp chất khác có màu giống như vàng, đây là các chất dùng để đánh bóng các vật dụng bằng đồng.

Với thủ đoạn hết sức tinh vi này, khi mới đặt chân đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng đã chọn một tiệm vàng nằm trên địa bàn thị xã Hương Thủy để lừa "bán vàng cám" và chiếm đoạt của anh La Phẩm và chị Thu Thủy 110 triệu đồng, 1.000 USD và 9 cây vàng với tổng trị giá trên 500 triệu đồng.

Thấy chiêu thức lừa đảo này rất dễ "làm ăn" ở địa bàn miền Trung, các đối tượng trong băng nhóm lừa đảo này đã quyết định mở rộng địa bàn hoạt động và trong một khoảng thời gian ngắn, chúng đã giăng bẫy với rất nhiều người, trên nhiều địa bàn huyện thị khác nhau để chiếm đoạt một khoản tiền lớn lên đến hàng tỷ đồng.   

Khám xét khẩn cấp nơi tạm trú của băng nhóm lừa đảo này, lực lượng Công an TP Huế đã thu giữ thêm trên 35 kg bột "heo đất", bột đánh bóng vàng giả, 1 xe ôtô mang biển số 52P-4883 là phương tiện mà các đối tượng này thường dùng để đi gây án cùng với nhiều tài sản khác gồm: vàng, USD, tiền Việt Nam đồng mà chúng khai nhận là do lừa đảo  nhiều người mà có được.

Quốc Anh
.
.