“Vàng tặc” băm nát sông, suối Bắc Tây Nguyên

Thứ Tư, 10/08/2011, 08:40

Bất chấp là chốn rừng sâu, núi cao hay ở những dòng sông đầy hiểm nguy đến tính mạng, "vàng tặc" vẫn ngày đêm hoành hành. Nhiều bãi vàng sau khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, tiêu hủy các phương tiện khai thác thì chỉ sau một thời gian “im hơi lặng tiếng” lại tiếp tục bùng phát với quy mô khai thác ngày càng lớn hơn.

Hàng chục bãi vàng bên dòng Pô Cô

Tỉnh Kon Tum hiện có gần 10 bãi vàng lớn nhỏ nằm tập trung tại khu vực dọc sông Pô Cô qua các huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi Và huyện Đắk Lei đã và đang bị khai thác trái phép. Vài năm trở lại đây, tình trạng "vàng tặc" ở tỉnh này cứ liên tục bùng phát hết khai thác bãi này rồi lại rộ lên bãi khác. Không ít lần các lực lượng chức năng đã tổ chức truy quét, thế nhưng sau một thời gian ngắn, tình hình đâu rồi cũng lại vào đấy.

Nạn khai thác vàng trái phép ở địa bàn tỉnh Kon Tum bắt đầu "sốt" từ đầu năm 2008, mà điển hình là bãi vàng dưới chân đồi Sạc Ly, thuộc địa phận xã Pô Cô, huyện Đắk Tô. Bãi vàng này được ông Long Lục, người Thái Nguyên phát hiện và sau đó đưa các "chuyên gia" khai thác vàng từ ngoài quê vào lén lút đào, đãi. Nghe tin khu vực này có vàng, người dân tứ xứ cũng đổ xô về đây chặt hạ cây rừng để dựng lán trại; đưa máy móc, thiết bị vào đào, bới trong lòng đất để tìm kiếm vàng.

Thời cao điểm, có đến trên 500 người khai thác trái phép. Chính quyền huyện Đắk Tô đã nhiều lần truy quét, vận động, thuyết phục, kể cả thu giữ, tiêu hủy các phương tiện đào, đãi vàng… mới có thể xoa dịu được tình hình. Đây là bãi vàng được đánh giá có trữ lượng vàng khá lớn, nên đến tháng 8/2008, Công ty Thắng Lợi được phép nhận bảo vệ nhằm không cho "vàng tặc" hoành hành. Lợi dụng chức năng bảo vệ, công ty này đã ngang nhiên đưa công nhân vào khai thác vàng ở đây trong suốt một thời gian dài.

Đầu năm 2010, nạn "vàng tặc" cũng đã bùng phát tại địa bàn xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei với quy mô lớn hơn. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Kon Tum đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng huyện tổ chức truy quét, trục xuất các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn… Tuy nhiên, hoạt động khai thác ở đây chỉ "im ắng" vào ban ngày nhưng lại tăng công suất hoạt động vào ban đêm. Rất nhiều đối tượng đã lợi dụng việc nuôi trồng thủy sản, với danh nghĩa đào ao thả cá nhưng thực chất là để khai thác vàng. Thậm chí, đơn vị thi công nâng cấp bờ kè trường học cũng lợi dụng đưa trang thiết bị vào đào lấn đất trường học để khai thác vàng sa khoáng… làm cho các  lực lượng chức năng rất khó kiểm soát…

Bãi vàng xã Hà Tây, huyện Chư Păh, có hàng chục hầm vàng được đào đãi trong 2 năm qua.
Bùn, cát được hút từ dưới sâu 10 mét và đưa lên bãi vàng.

Nạn "vàng tặc" lộng hành tại huyện này không chỉ ở bãi vàng Đắk Pét mà còn ở bãi vàng các xã Đắk Nhoong, Đắk Blô, Đắk Choong, Đắk Long… Điều đáng lo ngại ở đây là "vàng tặc" không những chỉ hoành hành ở dọc theo các sông, suối, đồi núi mà đào bới ngay trong ruộng, vườn của những hộ gia đình để khai thác ăn chia. Tình trạng này đã biến ruộng vườn của bà con nông dân thành những ao, hồ ngổn ngang không còn đất sản xuất…

Cũng trong năm 2010, nạn khai thác vàng trái phép ở huyện Ngọc Hồi cũng đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương, đặc biệt là các bãi vàng thuộc địa bàn xã Đắk Ang và xã Đắk Kan. Ngày 19/5/2010, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra. Nhưng khi đoàn kiểm tra đến, các đơn vị khai thác đã di chuyển người và thiết bị, máy móc ra ngoài phạm vi đào vàng. Các đối tượng khai thác vàng lại giả làm công nhân cao su hoặc viện lý do đào giếng để lấy nước tưới cà phê...

Tại bãi vàng Đắk Kan, mỗi ngày có khoảng 50 công nhân quê ở Thái Nguyên làm công cho một ông chủ cùng quê với mức lương 1,6 triệu đồng/tháng. Hàng ngày, các công nhân này chui vào trong gần 10 hầm vàng được đào xuyên vào một quả đồi tại rẫy cà phê của ông Lý (người dân xã Đắk Kan) để đào đất đá rồi đóng bao. Đến đêm, họ lại vận chuyển đất, đá lên một xe tải mang biển số Lào để vận chuyển đi nơi khác đãi vàng. Sau này, các cơ quan chức năng huyện đã dùng thuốc nổ đánh sập các giếng vàng này.

Tính riêng đoạn sông chảy qua địa bàn xã Đắk Nhoong, Đắk Kroong, huyện Đắk Glei đã có trên 5 điểm khai thác vàng trái phép có sử dụng phương tiện cơ giới. Nhiều khoảnh đất trống với diện tích lớn bị xới tung và còn trơ lại những ao, hồ nham nhở. Nhiều khúc sông bị sạt lở khuyết sâu vào trong đất sản xuất do nạn khai thác vàng để lại. Xuôi về phía hạ nguồn đến xã Ngọc Tụ, huyện Đắk Tô, chúng tôi bắt gặp một số mỏ vàng đang được khai thác. Các bãi vàng này đều thuộc đất nương rẫy của người dân địa phương và được các "ông chủ" khai thác vàng mua lại rồi thuê nhân công đào, đãi.

Không chỉ có những "vàng tặc" chuyên nghiệp mà ngay cả những người dân thường, những em học sinh cũng tham gia đào đãi để mưu sinh. Bãi vàng ở hạ nguồn thủy điện Plei Krong (xã Krong, TP Kon Tum) đã được khai thác từ năm 1986. Về sau, vàng nơi đây cạn kiệt, lòng sông bị bào mòn, mực nước sâu hơn nên việc đào, đãi vàng nơi đây chấm dứt. Khi thủy điện này ngăn dòng tích nước, dòng sông Pô Cô đoạn hạ lưu chân đập cạn trơ đáy, cát, đá bày ra. Hàng trăm người dân ở xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) và xã Krong trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em cũng ngâm mình hàng giờ dưới lòng sông để đào, đãi vàng cám.

Cần mạnh tay xử lý "vàng tặc"

Tỉnh Gia Lai cũng không kém phần “náo nhiệt”. Năm 2005, hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã ồ ạt kéo về bãi vàng nằm tận trong rừng sâu thuộc địa phận làng Bút Rẫy, xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa để khai thác. Hàng trăm giếng vàng được âm vào lòng đất, hàng ngàn cây rừng đã bị triệt hạ. Vì tranh giành các giếng vàng của nhau nên nơi này đã từng xảy ra những cuộc hỗn chiến giữa nhiều băng nhóm "vàng tặc" làm cho không ít người bị trọng thương. Đã có một số người bị thiệt mạng vì sập hầm vàng tại đây. Sau khi các lực lượng chức năng của huyện Đắk Đoa truy quét gắt gao, tiêu hủy nhiều phương tiện, máy móc đào đãi vàng thì mới dẹp yên được tình hình.

Vắng đi một thời gian dài, năm 2009, "vàng tặc" đã quay trở lại và ngang nhiên hoành hành tại khu vực suối Jơ Ngao và suối Hơ Đrông (thuộc địa bàn xã Hà Tây, huyện Chư Păh). Bị truy quét, các đối tượng khai thác vàng đã không dừng lại mà lén lút đưa trang thiết bị, máy móc vào tận trong rừng sâu (cách bãi vàng bị lộ khoảng 2km) để âm thầm khai thác. Cả một khoảnh rừng rộng dọc khe núi bị đốn hạ và xới tung thành nhiều ao, hồ ngổn ngang. Sau khi "vét" sạch lượng vàng trong núi, đầu năm 2011, bọn chúng đã quay lại bãi vàng cũ tại suối Jơ Ngao và suối Hơ Đrông rồi mua đất để tiếp tục khai thác vàng sa khoáng trái phép.

Mới đây, khi chúng tôi xâm nhập bãi vàng này thì phát hiện có gần 10 lán trại đã được dựng lên, gần 10 tổ khai thác vàng với khoảng 150 người làm công đang ngày đêm đào, đãi vàng. Các ông chủ "vàng tặc" và những người làm thuê ở đây đều là dân Nam Định. Họ được trả lương 2,4 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí ăn uống.

Một ông chủ "vàng tặc" tên Thu "mách" đường: "Nếu các bác thật sự muốn vào đây làm vàng thì việc đầu tiên là phải mua được đất, sau đó tôi sẽ cho số điện thoại người cung cấp trang thiết bị làm vàng. Bác chuyển tiền vào tài khoản cho người ta thì ngay tức khắc máy móc sẽ được chuyển vào tận nơi. Tất cả những người làm vàng trong này đều phải mua thiết bị từ người này, đó là bắt buộc. Một dàn máy khai thác ở đây có giá 105 triệu đồng. Dầu, nhớt, thức ăn… có người cung cấp. Khi vào làm, bác cần phải có 3 kỹ thuật giỏi về khai thác vàng. Việc này tôi sẽ giúp…".

Cũng theo ông chủ này cho biết, khi đã vào khai thác vàng thì mỗi tháng phải đóng "thuế" từ 7 - 10 triệu đồng tùy vào quy mô khai thác lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi phải nộp "thuế" cho ai, ở đâu thì ông Thu nói rõ: "Bác cứ vào làm rồi sẽ biết, có người sẽ đến nói cho bác là phải đóng tiền cho ai, ở đâu. Bây giờ bác có đi hỏi khắp các lán trại ở đây cũng không ai nói cho bác biết đâu" - Thu mách nước.

Mặc dù bãi vàng này thuộc địa phận quản lý của xã Hà Tây, huyện Chư Păh. Tuy nhiên, đây là vùng đất được người dân xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa đã xâm canh. "Vàng tặc" muốn vào bãi vàng đều phải đi qua địa bàn xã Đắk Sơ Mei, không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan chức năng vẫn không hề hay biết, để cho "vàng tặc" "băm" nát khu vực này, hủy hoại môi trường sinh thái, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn?

Trước thực trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum diễn ra tràn lan, gây bức xúc trong dư luận, tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cho phép tỉnh Kon Tum lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực để cấp phép hoạt động khai thác vàng sa khoáng trên cơ sở các yếu tố bảo vệ môi trường.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, UBND tỉnh Kon Tum cần quản lý và cấp phép khai thác vàng sa khoáng trên các khu vực dọc sông Pô Cô - đoạn qua địa bàn huyện Ngọc Hồi và huyện Đăk Glei, Suối Đắk Blô, suối Đắk Pru thuộc huyện Đắk Glei và suối Đắk Hơ Drai thuộc huyện Ngọc Hồi.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, chúng tôi thực hiện một chuyến "thị sát" bãi vàng suối Đek, thuộc địa bàn xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Đây là bãi vàng đã được khai thác trái phép từ năm 2008. Tại hiện trường có khoảng 100 thanh niên được chia thành nhiều nhóm và làm việc dưới 15 hầm vàng ở độ sâu khoảng 15m. Những thanh niên này đều là người từ các tỉnh phía Bắc và đang làm công cho 3 ông chủ "vàng tặc" cùng quê với mức lương  2,7 triệu đồng/tháng. Hiện, bãi vàng đang có 8 xe xúc và 1 xe ủi hoạt động liên tục.

Theo tin từ Công an huyện Ia Pa cho biết, trong đợt kiểm tra ngày 20/4/2011, "vàng tặc" đã xâm hại đến nhiều diện tích rừng thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa. Bãi vàng suối Đek hoạt động dưới sự điều hành của các ông chủ: Lê Quang Hiền ở tỉnh Bắc Ninh; Trần Văn Tấn và Phạm Văn Ngọc ở Kim Định, Kim Sơn, Ninh Bình. Hàng tháng, các ông chủ này đều phải đóng "thuế" 1,5 triệu đồng/hầm vàng cho một "bảo kê" tại địa phương.

Tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum mặc dù đã được chính quyền tổ chức ngăn chặn, song nạn "vàng tặc" chỉ lắng xuống một thời gian rồi lại tiếp tục bùng phát. Tài nguyên quốc gia bị đánh cắp. Môi trường sinh thái bị hủy hoại. An ninh trật tự trên địa bàn bị xáo trộn, nguy cơ tệ nạn xã hội ngày càng đe dọa nhiều vùng nông thôn… Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh để ngăn chặn nạn "vàng tặc" đồng thời phải xử lý nghiêm các đối tượng tiếp tay cho "vàng tặc" hoành hành!

Tiến Thành
.
.