Venezuela: Dòng chảy kim cương máu

Thứ Năm, 13/09/2012, 16:55

Tại văn phòng ở Santa Elena, nằm sâu trong khu rừng rậm giáp với Brazil và Guyana, một nhà buôn kim cương đang căng mắt săm soi một viên đá thô dưới kính phóng đại rồi nhấc điện thoại gọi những người làm việc tại khu khai mỏ trái phép gần đó mang đến cho ông ta những viên đá quý khác. Những viên kim cương sau đó sẽ được chuyển đến Guyana để hợp pháp hóa bằng các loại giấy tờ cần thiết trước khi cung cấp cho thị trường tiêu thụ ở New York, Tel Aviv và Antwerp.

Toàn bộ hành trình của những viên đá quý đều không tuân thủ quy chế của Kimberley Process - Hiệp định quốc tế tồn tại hàng thập kỷ được Liên Hiệp Quốc ủy quyền nhằm ngăn chặn triệt để dòng chảy buôn lậu kim cương trên toàn cầu.

Venezuela là một trong những nhà sản xuất kim cương lớn trên thế giới, là quốc gia thành viên của Kimberley Process (KP) nhưng mới đây đã tự nguyện rút lui khỏi hiệp định vào năm 2008 sau khi bị buộc tội lơ là trong sứ mạng kiểm soát cơ cấu sản xuất và thương nghiệp hóa kim cương. Động thái của Venezuela được coi là mới nhất nhưng có lẽ là trầm trọng nhất khiến người ta cảm thấy hoài nghi tính hiệu quả của KP (do Mỹ ngồi ghế chủ tịch năm 2012).

Năm 2011, Global Witness - Tổ chức phi chính phủ (NGO) đồng thời là nhà kiến trúc KP - đã cắt đứt quan hệ với KP để phản đối việc không kiểm soát được những viên “kim cương máu” hay "xung đột" từ các quốc gia châu Phi như Zimbabwe và Côte d'Ivoire, nơi mà cuộc nội chiến được nuôi dưỡng một phần nhờ buôn lậu đá quý.

Ian Smillie - người từ chức Giám đốc NGO Partnership Africa Canada (PAC), đồng sáng lập KP, vào năm 2009 -  liệt kê ra một chuỗi dài các quốc gia mà KP không kiểm soát được, cho rằng KP đã tự biến thành một tổ chức bù nhìn.

Thành phố Icabaru của Venezuela được coi là một trong những trung tâm khai mỏ bất hợp pháp nằm gần biên giới với Brazil, cách Santa Elena chừng 4 giờ đường ôtô. Những cục đá nhám xù xì trông chẳng có giá trị gì được khai thác ở Icabaru sẽ được chuyển đến Santa Elena rồi tiếp đến là Guyana xuyên qua khu vực biên giới phủ rừng rậm dài 550km.

Cậu bé 11 tuổi làm việc tại khu mỏ ở Icabaru, gần biên giới Venezuela và Brazil.

Nhà buôn kim cương ở Santa Elena cho biết, nhờ đường biên giới như thế này mà người ta dễ dàng băng vào Guyana - một thuộc địa cũ của Anh và cũng là thành viên của KP - bất cứ khi nào muốn. Ở Guyana, người ta cũng dễ dàng có được giấy chứng nhận của KP để xuất khẩu “kim cương máu”.

Trong khi đó, Robert Persaud - Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Guyana - phủ nhận cáo buộc chính quyền nước này nhắm mắt làm ngơ trước sự lưu thông không gặp bất kỳ sự cản trở nào của “kim cương máu”. Persaud nhấn mạnh: Chính quyền Guyana có "hệ thống cấp giấy chứng nhận KP cực kỳ khắt khe" song lại từ chối cung cấp thời gian xét duyệt giấy phép mới nhất hay tiết lộ bất cứ chi tiết nào về hệ thống này.

Hiện nay, không ai biết chính xác sản lượng kim cương thô hàng năm của Venezuela là bao nhiêu song các chuyên gia phỏng đoán con số là khoảng 300.000 carat. Dù KP có thể cải thiện được tình trạng bất tuân thủ những quy chế của tổ chức.

Maurice Miema, quan chức Cộng hòa Dân chủ Congo, thừa nhận KP mất đi một thành viên quan trọng song Venezuela sẽ không bán được kim cương dưới sự chứng nhận hợp pháp của quốc tế.

Bất chấp thực tế đó, những khu mỏ bất hợp pháp vẫn tiếp tục hoạt động ở Venezuela và kim cương thô của nước này vẫn cứ được tiêu thụ. Điều đó cho thấy cho dù Kimberley Process có tồn tại hay không thì "kim cương máu" vẫn không hề vắng bóng trên thế giới!

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.