Vì sao Chủ tịch tập đoàn Samsung từ chức?

Thứ Tư, 14/05/2008, 10:00
Vậy là chỉ 5 ngày sau khi bị cáo buộc bội tín và trốn thuế, ngày 22/4 vừa qua, ông Lee Kun-hee, Chủ tịch Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc, đã tuyên bố từ chức.

Báo chí Hàn Quốc cho rằng quyết định trên của ông Lee Kun-hee đã được dự báo trước và chỉ là hình thức vì cuộc điều tra của ủy ban đặc biệt được coi như một phép thử của chính quyền Seoul nhằm chống lại những lối làm ăn mờ ám của phần lớn các tập đoàn nước này vốn từ lâu bị thống trị bởi một thiểu số người cùng huyết thống.

Trong cuộc họp báo được phát lại trên kênh truyền hình quốc gia ngày 22/4, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee thông báo từ chức và bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc nhất đến người dân Hàn Quốc vì những sai phạm của mình: “Tôi sẽ từ chức ngay trong ngày hôm nay. Tôi rất lấy làm tiếc về điều này vì tập đoàn hiện giờ có rất nhiều việc phải làm nhưng tôi sẽ ra đi với những lỗi lầm của quá khứ”. Không chỉ có ông Lee Kun-hee mà Phó chủ tịch Tập đoàn ông Lee Hak-soo cùng nhiều thành viên trong ban lãnh đạo tập đoàn cũng sẽ buộc phải từ chức.

Vụ việc bắt đầu vỡ lở sau khi cựu luật sư hàng đầu của Samsung là ông Kim Yong-chul tố cáo Tập đoàn Samsung đã thành lập một quỹ đen 197 triệu USD nhằm mua chuộc các thành viên trong chính phủ cũng như một số chính trị gia của nước này.

 Ngoài ra, ông Kim Yong-chul cũng tố cáo bà Hong Ra-hee, vợ ông Lee, sử dụng khoản tiền trên để mua những bức họa đắt giá phục vụ một bảo tàng nghệ thuật của riêng bà.

Tháng 11/2007, bất chấp sự phản đối của một số quan chức chính phủ, bởi lo ngại việc điều tra những bê bối liên quan đến Samsung có thể sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế Hàn Quốc bởi tập đoàn này (tổng tài sản lên tới 280,8 tỉ USD, xuất  khẩu năm 2007 là 66,3 tỉ USD chiếm hơn 20% tổng sản lượng của cả Hàn Quốc) có ảnh hưởng lớn, các nghị sĩ thuộc tất cả các đảng phái Hàn Quốc vẫn bỏ phiếu tán thành mở cuộc điều tra độc lập với Samsung.

Tháng 1/2008, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thành lập một đội điều tra đặc biệt nhằm làm sáng tỏ những gì đang diễn ra tại Samsung.

Phát súng đầu tiên của Ủy ban điều tra đặc biệt nhắm vào Tập đoàn Samsung ngày 14/1/2008 bằng việc đội điều tra tiến hành lục soát nhà riêng và văn phòng của Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee. Trước đó, nơi ở của 9 quan chức cấp cao khác trong tập đoàn này cũng bị khám xét nhưng không ai trong số họ bị bắt giữ. Tuy nhiên, ông Lee Kun-hee và các nghi can khác bị cấm rời khỏi Hàn Quốc trong thời gian điều tra.

Đến ngày 17/4 vừa qua, Ủy ban điều tra vụ bê bối Samsung công bố kết quả cuối cùng, theo đó ông Lee Kun-hee bị truy tố về tội trốn thuế và lạm dụng quyền lực. Ông Lee và một số thành viên khác trong gia đình mình đã bị triệu tập nhiều giờ đồng hồ để thẩm vấn.

Các công tố viên đặc biệt cho biết, ông Lee Kun-hee cùng 9 thành viên trong hội đồng điều hành Tập đoàn Samsung đã lậu thuế với số tiền lên đến 113,7 triệu USD.

Công bố báo cáo điều tra trên truyền hình, tổng chưởng lý Cho Joon-woong nêu rõ: “Chúng tôi đã phát hiện 1.199 tài khoản ma được sử dụng để kiếm lời thông qua các giao dịch cổ phiếu trong Samsung Electronics và các chi nhánh khác của tập đoàn này”.

Bản thân ông Lee còn bị kết tội thiếu trách nhiệm vì đã bỏ qua vụ chuyển nhượng cổ phiếu và quyền quản lý bất hợp pháp cho con mình là Lee Jae-yong, quản lý cấp cao của Samsung Electronics. Tuy nhiên, Ủy ban điều tra cũng khẳng định không đủ chứng cứ cho thấy lãnh đạo Samsung đã lập quỹ đen để hối lộ giới chính khách và quan chức chính phủ.

Như vậy, kết luận này phủ nhận lời tố cáo của cựu luật sư Kim Yong-chul đưa ra hồi tháng 11/2007. Mặc dù vậy, các công tố viên đã không ra lệnh bắt giữ ông Lee và những đối tượng khác vì sợ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của tập đoàn công nghiệp lớn nhất Hàn Quốc này.

Năm nay 66 tuổi, Lee Kun-hee được xem như một người có ảnh hưởng lớn nhất trong giới doanh nhân Hàn Quốc, nhờ những công sức phi thường của ông với Samsung và qua đó là với nền kinh tế nước này nhiều năm qua sau khi kế thừa tập đoàn này từ người cha Lee Byung-chul vào năm 1987.

Dưới sự lãnh đạo của Lee Kun-hee, Tập đoàn điện tử Samsung vươn lên xếp thứ 32 trong danh sách 45 công ty được đánh giá cao trên thế giới. Bản thân Lee Kun-hee được Tạp chí Time chọn là 1 trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2005.

Năm 2004, ông cũng được bầu là một trong những nhà kinh doanh giỏi nhất của thế giới trong danh sách 45 nhà kinh doanh tiêu biểu của thế giới do tạp chí Financial Time.

Tuy nhiên, con đường của Lee Kun-hee không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Tháng 9/2005, Lee (một người sống khá khép kín) rời Hàn Quốc mang theo vụ bê bối liên quan đến việc tài trợ chiến dịch tranh cử tổng thống bất hợp pháp năm 1997.

Sau 5 tháng vắng mặt, Lee trở lại Hàn Quốc với những lời xin lỗi chân thành và ngưng chiến dịch pháp lý chống lại một quyết định treo của Quốc hội liên quan đến việc tách Tập đoàn Samsung thành hai.

Việc tòa án đặc biệt của Hàn Quốc hôm 17/4 vừa qua không tiến hành bắt giữ ông Lee Kun-hee cùng 9 lãnh đạo khác của Samsung được cho là lo sợ ảnh hưởng tới uy tín của tập đoàn, đồng nghĩa với việc kinh tế quốc gia bị tổn hại khi ông Lee vẫn còn đương chức. Nhưng nay tình thế đã khác và liệu ông Lee có bị tống giam hay không?

Báo chí Hàn Quốc nhận định từ trước đến giờ, ông chủ của các tập đoàn công nghiệp lớn của nước này luôn nhận được sự “ưu ái” của luật pháp. Còn nhớ hồi tháng 2/2007, Chung Mong-koo, ông chủ của tập đoàn ôtô lớn nhất Hàn Quốc Hyundai Motors, đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù giam vì tội biển thủ công quỹ và lạm dụng lòng tin.

Nhưng chỉ sau 6 tháng, bản án phúc thẩm dành cho vị này đã được giảm xuống còn một năm tù treo. Ông Lee Kun-hee, từng thừa nhận tài trợ phi pháp trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm 1997, cũng đã hoàn toàn được xóa tội sau hơn 10 năm

Đan Kô (tổng hợp)
.
.