Vì sao Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn bị đề nghị tạm đình chỉ chức vụ?

Thứ Sáu, 11/07/2014, 13:30

Vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận đã có ý kiến chỉ đạo Sở Y tế TP, nội dung để kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (BVĐKSG), UBND TP HCM giao Giám đốc Sở Y tế báo cáo Thường vụ cấp ủy xem xét quyết định tạm đình chỉ có thời hạn đối với ông Trần Trường Thanh, Giám đốc BVĐKSG.

Đồng thời, ông Thanh phải kiểm điểm trách nhiệm vì để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý, điều hành tại BVĐKSG thời gian qua. Bên cạnh đó, Sở Y tế khẩn trương điều động, phân công cán bộ đến quản lý, điều hành hoạt động của BVĐKSG, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân…

1. Được xây dựng vào năm 1937 bằng tiền do ông "vua nhà đất" Hui Bon Hoa (hay còn gọi là "chú Hỏa") ủng hộ với tên gọi Chẩn Y viện Sài Gòn. Sau đó, năm 1955, Chẩn Y viện Sài Gòn đổi tên là BV Đô Thành. Từ tháng 5/1975, BV Đô Thành là BV Đa khoa Sài Gòn. Đến tháng 10/1985, nó trở thành Trạm Cấp cứu 05 thuộc Sở Y tế TP dưới cái tên Trung tâm Cấp cứu TP. Khi nhiệm vụ cấp cứu được chuyển về BV Trưng Vương, nó trở lại với tên gọi BVĐKSG...

Tọa lạc tại khu vực trung tâm quận 1, trên đường Lê Lợi, BVĐKSG là "khu đất vàng" của TP HCM. Tuy nhiên, điều nghịch lý là trong lúc nhiều BV khác ở TP, bệnh nhân phải nằm chen chúc 2, 3 người một giường, thậm chí phải nằm ngay dưới nền nhà hoặc ngoài hành lang thì tại BVĐKSG, nhiều phòng bệnh nội trú chỉ có 5, 7 bệnh nhân, số giường còn lại bỏ trống. Theo số liệu, BVĐKSG có 250 giường nội trú nhưng năm 2013, công suất giường chỉ đạt 44% (trước đó, năm 2012 đạt khoảng 60% và những năm trước là khoảng 80%).

Một bác sĩ ở Phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, hiện tại mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân, một nửa trong số đó khám theo diện bảo hiểm y tế (BHYT), còn lại là bệnh nhân vãng lai: "BV chúng tôi có hơn 300 bác sĩ, điều dưỡng nhưng bình quân chỉ có khoảng 100 bệnh nhân nằm điều trị. Như vậy, mỗi bệnh nhân được 3 cán bộ, nhân viên của BV phục vụ, và đây là một con số lạ lùng. Khi mà hầu hết các BV khác trong TP đều quá tải. Có giai đoạn BV tiếp nhận gần 100.000 thẻ BHYT nhưng đầu năm 2014 chỉ còn khoảng 18.000 thẻ…".

Sở dĩ có tình trạng này là vì cơ sở vật chất của BV đã xuống cấp trầm trọng. Theo phản ánh của một số bệnh nhân, do sử dụng quá lâu, không thay thế nên giường nệm nằm rất đau lưng, chưa kể có tấm nệm bị rách hoặc lồi lõm vì lò xo giường đã mất tính đàn hồi. Phần lớn những cánh cửa kính thoạt đầu trong suốt nhưng nay chuyển sang màu xám xịt vì bụi bặm. Hành lang và các lối đi, đôi chỗ gạch men bong tróc, nhà vệ sinh nhếch nhác, dơ bẩn. Có phòng, quạt trần bật lên không quay.

Đã vậy, một vài khu vực trong BV không đủ hệ thống chiếu sáng nên ngay cả ban ngày mà vẫn mờ mờ, tỏ tỏ. Có bệnh nhân còn cho biết khi vào viện, họ đã chứng kiến một số cán bộ, nhân viên trực khoa, tổ chức ăn nhậu ngay tại phòng trực! Nhiều máy móc thiết bị sau một thời gian sử dụng đã hư hỏng, cần phải sửa chữa hoặc thay thế nhưng chưa có kinh phí. Thu nhập quá thấp cũng ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Một người bệnh kể lại câu chuyện đi khám ở BVĐKSG như sau: "Số là tự nhiên bị ù tai nên lót tót vào BV.

Lần thứ nhất gặp một bác râu ria xồm xoàm, mặt mày dữ tợn. Vừa mới nói tai bị ù, không nghe được. Thế là bác ấy lấy đèn săm soi, xong thì quát lên: "Màng nhĩ vẫn còn là phải nghe được". Trời ơi, có làm gì đụng đến màng nhĩ đâu mà nó mất? Lần thứ hai gặp một chị nhẹ nhàng hơn, tận tình hỏi: "Sao em biết là không nghe được?". Trả lời: "Tại em nghe điện thoại bằng tai này không được, không nghe người ta nói gì hết". Thế là chị ấy phán cho 1 câu: "Vậy là em nghe điện thoại nhiều quá nên ù tai đó" mặc dù ngày nào nhận được 3 cuộc gọi là nhiều rồi. Sau đó chị ấy viết cho cái đơn thuốc. Ra hiệu thuốc hỏi thì toàn thuốc bổ". Và trong lúc các BV công khác ở TP HCM tiến hành xã hội hóa với các khoa, phòng dịch vụ thì BVĐKSG cũng làm dịch vụ nhưng số lượng người bệnh tìm đến lại không nhiều..

2. Tuy nhiên, chuyện BV xuống cấp, không thu hút được người bệnh vào khám, chữa không phải là lý do khiến UBND TP có ý kiến chỉ đạo Sở Y tế tạm đình chỉ chức vụ giám đốc của ông Trần Trường Thanh, mà chính là vì nội bộ BV thời gian qua không ổn định, xuất hiện nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dẫn đến BV bị thanh tra, kiểm tra.

Việc khiếu nại, tố cáo này xảy ra đã lâu, từ thời ông Nguyễn Văn Xuyền rồi sau đó là ông Nguyễn Thành Hy làm giám đốc nhưng không được giải quyết rốt ráo. Thời điểm ấy, chúng tôi cũng đã nhận được đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Xuyền với nhiều nội dung như lấy mặt bằng của BV cho tư nhân thuê mở hiệu kính thuốc, văn phòng phẩm, thu chi nhiều khoản không minh bạch, không công khai việc mua sắm máy móc, thiết bị cùng một số vấn đề khác. Lúc làm việc với ông Xuyền, ông giải thích lòng vòng và cho rằng trong BV có người muốn lật đổ ông nên đã tạo ra chứng cứ giả.

Thế nhưng khi chúng tôi đưa ra một tờ hóa đơn -  mà bộ phận kế toán của BV đã thanh toán cho ông - để chứng minh rằng ông chi tiêu vào mục đích này nhưng lại quyết toán dưới hình thức khác thì ông lúng túng. Ông cho rằng đã có sự nhầm lẫn nào đó! Chưa hết, bãi giữ xe của BV một thời gian dài được nhà thầu tận dụng làm nơi cất giữ đồ đạc, thùng bọng, bàn ghế, ô dù cho những người buôn bán chợ đêm ở xung quanh chợ Bến Thành, dẫn đến tình trạng nhiều bệnh nhân, thân nhân người bệnh khi vào gửi xe thì đều được trả lời là "hết chỗ", chưa kể giá gửi xe cao ngất ngưởng: Từ 4 đến 10 nghìn đồng tùy loại xe.

Trả lời về vấn đề này, ông Xuyền thừa nhận là đúng, và ông hứa sẽ yêu cầu nhà thầu nhanh chóng chấn chỉnh. Nếu không, BV sẽ hủy hợp đồng với nhà thầu bãi giữ xe.

Tháng 8/2011, Sở Y tế TP HCM tiến hành thanh tra BVĐKSG và tháng 12/2011, bản kết luận thanh tra được công bố. Theo đó, BVĐKSG có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính, chuyên môn, mua sắm thiết bị, thực hiện dự án, đấu thầu… Một số sai phạm điển hình như bổ nhiệm điều dưỡng trưởng khoa Nội tổng hợp không xin ý kiến Sở, cho thuê mặt bằng làm bãi giữ xe, căng tin, văn phòng phẩm, mắt kính.

Việc thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết thành lập phòng khám đa khoa và bác sĩ gia đình với BV Đại học Y dược và Công ty MTS không tuân thủ quy định, không trình UBND TP chấp thuận chủ trương. Việc thực hiện dự án nước thải khi triển khai không thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND TP và Sở Y tế…

Một thời gian dài, bãi giữ xe của BVĐKSG là nơi chứa đồ đạc của một số người bán chợ đêm.

Bên cạnh đó, BV còn để xảy ra nhiều sai sót trong hoạt động như rất nhiều chứng từ chi chưa đầy đủ, cụ thể. Một số hồ sơ mua sắm tài sản như kính hiển vi, máy quay ly tâm có dấu hiệu đối phó với cơ quan kiểm soát chi - là Kho bạc Nhà nước.

Việc mua 5 máy hút dịch trị giá 92,4 triệu đồng thời ông Nguyễn Văn Xuyền làm giám đốc có dấu hiệu không minh bạch. Mua sắm một số trang thiết bị y tế như máy điện tim gắng sức, máy khoan xương, bàn mổ có tổng trị giá 794 triệu đồng nhưng không đưa vào phục vụ bệnh nhân, gây lãng phí, thiệt hại ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, BV còn để mất một máy điện tim và một CPU của máy điện tim gắng sức, quy trình thủ tục đấu thầu, hồ sơ chứng từ mua sắm trang thiết bị y tế có dấu hiệu cố ý làm mất…

3. Sau khi thanh tra công bố kết luận thì đến thời ông Trần Trường Thanh, nội tình BVĐKSG cũng chẳng "sáng" hơn chút nào. Việc điều hành của ông Thanh - Giám đốc bệnh viện và bà Nguyễn Thị Sự - Phó giám đốc vẫn gây ra nhiều bức xúc, đồng thời những vụ việc mà lần thanh tra trước đây đã kết luận nhưng không được xử lý rốt ráo, dẫn đến hàng loạt đơn thư tố cáo của tập thể, cá nhân công tác tại BV, gửi Thanh tra Sở Y tế TP HCM và một số cơ quan địa phương, trung ương. Nội dung tố cáo đã cho thấy sự bất ổn nội bộ BV, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, bệnh nhân không được chăm sóc chu đáo, đời sống cán bộ công nhân viên không được quan tâm….

Tiến hành xác minh, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã nêu ra những sai phạm liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công; bổ nhiệm các cán bộ chủ chốt, quản lý cán bộ đi nước ngoài; việc học chuyên tu, chuyển ngạch… của ông Thanh, bà Sự tại BVĐKSG, việc BV cho thuê mặt bằng kinh doanh mắt kính và kinh doanh văn phòng phẩm sai quy định, cho thuê nhưng không thu tiền mà chuyển thành cung cấp hàng hóa theo yêu cầu của BV. Khi hợp đồng cho thuê hết thời hạn, BV không thu hồi mặt bằng mà lại tiếp tục ký phụ lục hợp đồng để cho thuê tiếp.

Việc lấy phiếu tín nhiệm, tái bổ nhiệm cán bộ chủ chốt diễn ra vào ngày 9/9/2013 đã sai phạm về trình tự và thành phần tham dự. Việc bà Sự cho ông Trịnh Quang Đại đi học bác sĩ chuyên tu sai quy định, sau đó được chuyển ngạch là không phù hợp và không thực hiện đúng quy định về quản lý viên chức, việc sai phạm trong dự án xử lý nước thải...

Một lãnh đạo Sở Y tế nhận xét: "BVĐKSG có cơ sở vật chất và vị trí thuận lợi nhưng lại hoạt động quá kém. Sở Y tế đã từng bỏ tiền ra để trả lương cho cán bộ công nhân viên BV. Không thể để BV hoạt động èo uột, còn bác sĩ suốt ngày không lo chữa bệnh cho dân, mà chỉ lo tố cáo, trù dập lẫn nhau. Tình trạng này cần phải sớm chấm dứt. Sở Y tế đang xem xét, đề xuất có nên dẹp bỏ hoặc tổ chức lại toàn bộ hệ thống nhân sự của BV này…".

Và cuối cùng, hệ quả là UBND TP HCM đã có ý kiến chỉ đạo Sở Y tế xem xét, đình chỉ tạm thời chức vụ giám đốc BVĐKSG với ông Trần Trường Thanh.

Được xếp hạng 2 trong hệ thống các BV ở TP HCM, BVĐKSG có hầu hết các khoa, phòng, có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giỏi và có thể  thực hiện được nhiều  kỹ thuật y học tiên tiến nhưng đến nay, hoạt động của BV không tương xứng với tầm vóc. Cũng vì không có nguồn bệnh, một số bác sĩ ở đây chuyển đi làm nơi khác, một số đi khám thêm hoặc mổ dịch vụ ở các BV tư.

Cũng cần nói thêm rằng trước năm 2010, một số phương án xây dựng mới BVĐKSG đã được nêu ra. Có hai vị trí được các nhà đầu tư nhắm đến để xây BV mới là vị trí cuối đường Lê Thánh Tôn và tại khu Mả Lạng - nằm trong tứ giác Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco), chủ đầu tư dự án tại Mả Lạng đã từng đề xuất xây dựng mới BVĐKSG với quy mô 300 giường bệnh theo phương thức xây dựng - chuyển giao.

Đổi lại, Bitexco xin được giao lô đất ở khu vực BV cũ để làm dự án khác. Tuy nhiên, từ thời điểm thị trường bất động sản đóng băng đến nay, các phương án xây dựng mới BVĐKSG vẫn chưa tiến triển. Một cán bộ thuộc BV cho biết, BV đã làm xong dự án sửa chữa, nâng cấp với kinh phí hơn 30 tỉ đồng nhưng hồ sơ còn ở Sở Xây dựng đợi ghi vốn.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, hồ sơ dự án sửa chữa BVĐKSG được chủ đầu tư nộp vào cuối tháng 2/2014. Ngày 6/3/2014, Sở Xây dựng trả hồ sơ kèm theo văn bản hướng dẫn bổ sung thủ tục còn thiếu.

Để thu hút bệnh nhân, xây dựng lại uy tín của BV thì  không còn cách nào khác là tái tạo cơ sở vật chất, nâng cao năng lực nhưng quan trọng hơn hết là theo ý kiến của nhiều cán bộ, công nhân viên BV, thì các ngành chức năng cần xử lý đến nơi đến chốn những sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra, kể cả với những người đã nghỉ hưu nhằm khôi phục lại lòng tin - không những chỉ cho riêng đội ngũ làm công tác chuyên môn, mà còn cả với người bệnh mỗi khi bước chân vào BVĐKSG

V.C.
.
.