Vì sao Hải quân Mỹ xây dựng lại Hạm đội 4

Thứ Hai, 04/08/2008, 08:00
Đầu tháng 4/2008, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ đã tuyên bố, sau một thời gian chuẩn bị, Hải quân Mỹ đã hoàn tất mọi công việc xây dựng lại Hạm đội 4, ngày 24/4/2008 chính thức đưa vào biên chế hoạt động và làm nhiệm vụ tác chiến tại vùng biển Trung – Nam châu Mỹ.

Thiếu tướng “Báo biển” đảm nhiệm tư lệnh

Tiếp theo đó, đầu tháng 5/2008, Lầu Năm Góc tuyên bố, Thiếu tướng Josef Kernan, Tư lệnh Bộ Tư lệnh (BTL) tác chiến đặc biệt hải quân được bổ nhiệm Tư lệnh Hạm đội 4. Một quan chức Hải quân Mỹ cho biết, từ ngày 1/7/2008 tất cả các tàu thuyền hải quân của Hạm đội Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Mỹ được điều đến vùng biển Caribe và châu Mỹ Latinh, sẽ do Hạm đội 4 đảm đương trách nhiệm chỉ huy thao tác theo yêu cầu.

Theo báo chí Mỹ, nguyên Hải quân Mỹ có 5 hạm đội tác chiến: Hạm đội 2 phụ trách khu vực Đại Tây Dương. Hạm đội 3 phụ trách miền Đông và miền Bắc Thái Bình Dương. Hạm đội 5 phụ trách khu vực vùng Vịnh. Hạm đội 6 phụ trách khu vực Địa Trung Hải. Hạm đội 7 phụ trách Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ngoài ra, còn có BTL vận tải Hải quân và BTL tác chiến đặc biệt Hải quân, hiện nay tăng thêm Hạm đội 4. Như vậy, Hải quân Mỹ có 6 hạm đội tác chiến, với tổng quân số Hải quân khoảng trên 30 vạn người.

Thời  kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, Hạm đội 4 đã từng là một lực lượng chủ yếu của Hải quân Mỹ làm nhiệm vụ phong tỏa tàu ngầm và chiến hạm của quân đối phương, nhưng vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX thì bị xóa bỏ. Nay với việc xây dựng lại Hạm đội 4, Raughead, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ nhấn mạnh, điều này thể hiện Mỹ đã nhận thức được “mức độ cực kỳ quan trọng về an ninh vùng biển ở khu vực phía nam tây bán cầu”.

Việc xây dựng lại Hạm đội 4, khiến thực lực BTL phương Nam quân Mỹ được tăng cường, ngoài Đội Hàng không 12 và Quân đoàn 6 Lục quân hiện có, nay lại có thêm Hạm đội 4, khiến BTL phương Nam quân Mỹ có thêm lực lượng hải quân “đẳng cấp”, đồng thời sẽ có nhiều cơ hội huấn luyện tác chiến và được cung cấp nguồn vật tư khác.

Thiếu tướng Kernan đã từng là thành viên đội biệt kích “Báo biển” Hải quân Mỹ. Tuy xuất xứ từ binh chủng đặc biệt hải quân,  nhưng nghiệp vụ đối với hoạt động của hạm đội lớn cũng không có gì xa lạ, Kernan đã từng là sĩ quan phục vụ qua nhiều tàu chiến, tương đối hiểu biết về tàu mặt nước và tàu ngầm.

Nhiệm vụ bí mật của hậm đội 4?

Về mục đích xây dựng lại Hạm đội 4, một quan chức Lầu Năm Góc đã nói một cách úp mở rằng: “Sứ mệnh công khai của Hạm đội 4 sẽ là chi viện cho BTL phương Nam quân Mỹ đánh tác chiến đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu ma túy và chiến tranh mức độ thấp, bảo đảm “an toàn tuyệt đối” vùng Trung – Nam châu Mỹ mà Mỹ coi là “sân sau”.

Thượng tướng Stufradis, Tư lệnh BTL phương Nam tiết lộ, xây dựng lại Hạm đội 4 với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là ngăn chặn lượng lớn di dân phi pháp Haiti và Cuba tràn vào Mỹ, ngăn chặn ma túy từ Trung – Nam châu Mỹ vào Mỹ. Một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là sứ mệnh ngoại giao cứu trợ nhân đạo. Ví như năm 2007, tàu chữa bệnh tuần du của Mỹ đã đến 12 nước, viện trợ chữa bệnh cho 40.000 dân. Theo kế hoạch, mùa hè năm 2008, tàu chữa bệnh Mỹ vẫn tiếp tục nhiệm vụ nhân đạo này, nhưng dưới sự chỉ huy của Hạm đội 4.

Các nhà phân tích chiến lược quân sự thì cho rằng, các quan chức Lầu Năm Góc và Hải quân Mỹ đã né tránh nói đến vai trò của Hạm đội 4 có thể bí mật thực hiện nhiệm vụ tác chiến đặc biệt, nó chính là lực lượng uy hiếp đối với cả khu vực Trung – Nam châu Mỹ, mà cụ thể là gây áp lực quân sự đối với chính phủ các quốc gia thuộc cánh tả chống Mỹ mà Venezuela là đại diện. Theo báo Nga đưa tin, Venezuela đã đặt mua từ Nga 9 tàu ngầm, bao gồm 5 tàu ngầm kiểu 636 và 4 tàu ngầm cấp “Amur” 677E kiểu mới. Mỹ rất quan tâm đến động thái này.

Các nhà phân tích còn nhấn mạnh, xây dựng lại Hạm đội 4, Mỹ muốn thực hiện bố trí một quân cờ quan trọng để gia tăng ảnh hưởng chiến lược toàn cầu – Hạm đội 4 còn có một sứ mệnh lớn là ngăn chặn sự quật khởi của cường quốc quân sự chống Mỹ. Với tình hình ở Trung – Nam Mỹ hiện nay, khiến Mỹ cảm thấy không yên tâm về “sân sau” của mình. Hơn nữa, trong chiến lược quen thuộc của Mỹ, thì hải quân là “công cụ tốt nhất để thực hiện uy hiếp”, cho nên xây dựng lại Hạm đội 4 là sự tất nhiên trong bố cục mới về chiến lược của Mỹ.

Dựng hàng rào chống tàu ngầm ở “sân sau”

Gần đây, cùng với Venezuela đặt mua tàu ngầm của Nga, lại thêm Lý Gia Thành, nhà doanh nghiệp nổi tiếng Hồng Công và công ty gia đình thuộc Tập đoàn Ký Hoàng Phố thông qua bỏ thầu quốc tế đã được quyền quản lý mở rộng hai cửa cảng vùng châu Mỹ với thời gian tới 25 năm, đó là cảng Bellboa đoạn kênh đào Panama – Thái Bình Dương và cảng Cristobel đoạn Đại Tây Dương, điều này khiến Mỹ “quan tâm” đến tàu ngầm Trung Quốc. Thậm chí Muller, từng là Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã phải nói, sau khi Mỹ rút ra, “kênh đào Panama đã rơi vào tay Trung Quốc”, “khi cần thiết, Trung Quốc rất có thể sẽ phong tỏa kênh đào”.

Tháng 5/2007, Thiếu tướng James Kelly, Tư lệnh Hải quân Mỹ đóng ở Nhật Bản còn công khai nhận định, Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu nguồn năng lượng ngày càng gia tăng, Hải quân Trung Quốc rất có thể sẽ phái tàu ngầm hạt nhân và các tàu chiến khác của họ đi tuần tra tới đường hàng hải vận tải biển toàn cầu, để hộ tống các tàu dân dụng của họ vận chuyển năng lượng mua từ nước ngoài về. Ông này còn nói: “Một trong những trọng điểm tuyến hàng hải hộ tống chủ yếu này là tuyến từ Nam Mỹ đến Trung Quốc...”.

Cho nên, các chuyên gia quân sự còn cho rằng, ý nghĩa chiến lược lớn và trọng yếu nhất của quyết định xây dựng lại Hạm đội 4 của Mỹ chính là tại khu vực Trung – Nam châu Mỹ, được gọi “sân sau” của Mỹ, dựng lên một “hàng rào chống tàu ngầm” chắc chắn, bảo đảm lợi ích của Mỹ ở vùng này. Điều này cũng tương tự như thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, tháng 3/1943, khi Hải quân Mỹ thành lập Hạm đội 4, thì nhiệm vụ trung tâm của nó lúc đó là tuần tra phòng hộ Nam Đại Tây Dương, phòng chặn tàu ngầm của phát xít Đức tiến vào “sâu sau” của Mỹ

Nguyễn Mau (Theo Hải quân ngày nay)
.
.