Vì sao Mỹ trấn an Nga về Hiệp ước START mới?

Chủ Nhật, 21/11/2010, 22:45
Tuy chỉ là cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình dương (APEC) tại Yokohama, Nhật Bản, nhưng dư luận trong và ngoài khu vực vẫn đặc biệt quan tâm bởi những vấn đề được thương đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Lãnh đạo hai nước đã đề cập tới nhiều chủ đề, trong đó đáng quan tâm nhất là Hiệp ước START mới và Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới ở Lisbon, Bồ Đào Nha (19-11) nhằm cải thiện quan hệ với Nga. Ngoài việc thông báo với Tổng thống Dmitry Medvedev về kế hoạch thúc giục Thượng viện Mỹ phê chuẩn Hiệp ước START mới, Tổng thống Barack Obama còn nhắc lại quyết tâm thông qua vấn đề này để có thể sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của hai nước xuống còn 1/3 như đã ký cách đây 7 tháng. Tổng thống Barack Obama cũng đánh giá, Nga là đối tác tuyệt vời trong những vấn đề quan trọng đối với Mỹ.

Hiệp ước START mới tuy đã được Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Dmitry Medvedev ký từ hồi tháng 4, nhưng vẫn phải được Duma Quốc gia Nga và Thượng viện Mỹ phê chuẩn mới có hiệu lực thi hành. Dư luận cho rằng, Hiệp ước START mới giữa Nga và Mỹ có nguy cơ bị đình trệ bởi Duma Quốc gia Nga và Thượng viện Mỹ đều chưa sẵn sàng để thông qua. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Konstantin Kosachev đã quyết định rút lại đề nghị phê chuẩn Hiệp ước này sau khi đảng Cộng hòa giành thế đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua tại Mỹ.

Nga còn lo ngại về tuyên bố của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về việc Hiệp ước START mới không hạn chế hoạt động của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và đặc biệt nhấn mạnh các hệ thống vũ khí phi hạt nhân không thuộc phạm vi hiệp định này. Hơn 3 tháng trước (7/8), Bộ Ngoại giao Nga từng tuyên bố: Moskva không hài lòng với cách Washington thực hiện nghĩa vụ đã được cam kết trong Hiệp ước START mới, thậm chí không ngăn chặn được việc rò rỉ nguyên liệu phóng xạ và các thông tin liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước START mới được Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Dmitry Medvedev ký hôm 7/4 tại Cộng hòa Czech, trong đó cam kết hai bên sẽ cắt giảm 30% số đầu đạn hạt nhân đang được triển khai. Mỹ và Nga đồng ý giảm số lượng đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.550 trong vòng 7 năm tới.

Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố: Hiệp ước START mới không phải là vấn đề của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa mà là an ninh quốc gia của nước Mỹ. Vấn đề này được thảo luận tại phiên họp của Thượng viện hôm 15-11 và kết quả của nó sẽ ảnh hưởng quan trọng tới một số lĩnh vực khác. Ông Barack Obama cho biết đã trình bày với Lưỡng viện (Thượng viện và Hạ viện) rằng, việc phê chuẩn Hiệp ước START mới là ưu tiên hàng đầu của chính phủ hiện nay.

Ngoài ra, Tổng thống Barack Obama cũng sẽ đề nghị đảng Cộng hòa chi thêm khoản tài trợ trị giá 4 tỉ USD cho các cơ sở hạt nhân ở Mỹ để có thể thông qua hiệp ước nhạy cảm này. Tổng thống Barack Obama muốn Thượng viện phê chuẩn Hiệp ước mới trước khi tân Quốc hội bắt đầu làm việc vào tháng 1/2011. Nhưng để có thể thông qua hiệp ước này cần 2/3 số Thượng nghị sĩ của Thượng viện ủng hộ (67/100). Điều này đồng nghĩa với việc, đảng Dân chủ phải có sự ủng hộ của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa. Nếu việc này không được thông qua trong cuộc họp tuần này thì sẽ khó được phê chuẩn ở Thượng viện mới. Một số Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bày tỏ mối lo ngại xung quanh một số điều khoản trong Hiệp ước START mới.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Kerry John từng tuyên bố, cuộc bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp ước START mới tại Thượng viện Mỹ sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ bởi họ đã xem xét vấn đề này hôm 16/9 với 14 phiếu ủng hộ. Khi đó mọi người đều coi đây là thắng lợi của Tổng thống Barack Obama và việc phê chuẩn Hiệp ước START mới đã nằm trong tầm tay, nhưng... Hiệp ước START mới cho tới nay vẫn là mục tiêu chỉ trích của đảng Cộng hòa và họ đang khai thác triệt để vấn đề này nhằm gây sức ép với Tổng thống Barack Obama trong nhiều lĩnh vực khác.

Đảng Cộng hòa từng đưa ra điều kiện - tăng số tiền hiện đại hóa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ lên 90 tỉ USD và nếu yêu cầu này được thỏa mãn thì họ sẽ phê chuẩn Hiệp ước START mới ngay trong tháng 9. Tổng thống Barack Obama cũng từng nhấn mạnh, với việc thông qua Hiệp ước START mới, Mỹ sẽ cho thế giới thấy, Washington thực sự quan tâm tới nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Dmitry Medvedev diễn ra đúng thời điểm chỉ huy Lực lượng phòng thủ trên không của Iran, tướng Ahmad Miqani tuyên bố, Tehran sẽ chính thức diễn tập phòng không quy mô lớn từ ngày 15/11 được chia làm 3 giai đoạn với mục đích củng cố và nâng cao tính hiệu quả của các hệ thống phát hiện điện tử và vũ khí chống tên lửa. Cuộc diễn tập là một phần của cuộc tập trận thường niên với sự tham gia của tất cả các đơn vị phòng không thuộc Lực lượng vũ trang Iran.

Theo giới truyền thông, Iran luôn coi trọng công tác phòng không bởi Mỹ và Israel chưa bao giờ bác bỏ khả năng không kích nhằm vào các chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Iran cũng đã khởi động dây chuyền sản xuất thế hệ tên lửa phòng không tầm xa S-200, một hệ thống radar phòng không mới với tầm hoạt động lên tới 3.000km, có thể phát hiện và tiêu diệt bất kỳ vật thể bay nào xâm phạm không phận của nước này

Trịnh Thị Phương Anh (tổng hợp)
.
.