Vì sao học viên cai nghiện bỏ trốn?

Thứ Bảy, 11/08/2007, 13:00
Theo đề án, sau cai nghiện học viên sẽ có chỗ ở riêng, có việc làm, có thu nhập, tự lo, thậm chí còn tích lũy để tái hòa nhập cộng đồng. Song hiện tại lao động mài đá tiền công rất thấp, trung bình mỗi học viên thu nhập từ 2-3 nghìn đồng/ngày, nên không ít học viên tỏ ra... nản.

Trung tâm giáo dục, lao động xã hội Vũ Oai với mức kinh phí đầu tư 62 tỉ đồng, đảm bảo cai nghiện, quản lý sau cai bằng các mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn đối tượng nghiện ma túy mỗi năm.

Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, trung tâm mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn này đã bộc lộ một số bất cập, nhiều học viên tìm cách bỏ trốn hoặc móc nối đưa ma túy vào trung tâm, gây áp lực đối với cán bộ quản lý và khiến dư luận, nhất là những gia đình muốn đưa con em vào trung tâm đang tỏ ra thiếu yên tâm, lo lắng...

Bức xúc hiệu ứng "vượt rào" và nguy cơ thẩm lậu ma túy

Hiện tại, Trung tâm Giáo dục, Lao động xã hội Vũ Oai (xin gọi tắt là Trung tâm) đang quản lý trên 600 học viên, trong đó chủ yếu là số cai nghiện bắt buộc. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2007, số học viên tại đây sẽ đạt con số gần 1.000.

Đây là một trong những nỗ lực lớn của tỉnh Quảng Ninh, nhất là khi tỉnh chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại Trung tâm nhằm giải quyết công ăn việc làm cho các đối tượng sau cai bằng các chính sách ưu đãi về thuế, đất, hỗ trợ thương mại.

Công ty TNHH Phúc Xuyên là doanh nghiệp đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh. Bà Trần Thị Chỉnh, phụ trách Xưởng chế tác đồ đá mỹ nghệ công ty TNHH Phúc Xuyên cho biết, ngay trong khuôn viên Trung tâm, Công ty đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị chế tác đồ đá mỹ nghệ trị giá trên 1 tỉ đồng. Trong 6 tháng qua, đã phối hợp tổ chức 5 lớp dạy nghề mài đá mỹ nghệ xuất khẩu với trên 150 học viên tham gia.

Kết thúc khóa học, ngày 10/7 vừa qua, học viên được tổ chức thi tay nghề và cấp chứng chỉ đồng thời sẵn sàng tiếp nhận những học viên có nguyện vọng làm việc lâu dài tại đây. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức cho các học viên xây dựng hệ thống ao nuôi cá, khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi nhằm cải thiện đời sống của các học viên.

Mô hình hoạt động của Trung tâm Vũ Oai thực sự là cánh cửa mở thêm  nhiều lối về cho các học viên, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, nhất là tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh là một trong số không nhiều địa phương thực hiện cai nghiện và quản lý bắt buộc sau cai 2 năm trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, thời gian qua đã phát sinh những diễn biến phức tạp mới trong công tác quản lý học viên đó là bên cạnh đại đa số học viên yên tâm cai nghiện, lao động sản xuất, vẫn còn một số móc nối đưa ma túy vào Trung tâm hoặc tìm cách bỏ trốn, nghiêm trọng hơn là việc vượt rào được thực hiện với những hành vi ngày càng liều lĩnh.

Từ cuối năm 2006, khi Trung tâm được di chuyển từ đảo Vạn Cảnh (huyện Vân Đồn) về xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ đến nay, đã xảy ra 26 vụ, với 140 học viên trốn khỏi Trung tâm.

Ngày 23/6 vừa qua, một số học viên đã giấu các dụng cụ lao động trong phòng ở để làm công cụ cạy phá cửa bỏ trốn. Thậm chí một nhóm hơn 10 học viên do Vũ Văn Đảm cầm đầu xông thẳng ra cổng chính, dùng vũ khí thô sơ khống chế bảo vệ để các đối tượng còn lại mở cổng bỏ trốn.

Trong lúc Lực lượng Công an và bảo vệ đang truy bắt Vũ Văn Đảm và số học viên khác thì tại nhà 6, khu II, lúc 21h30, cùng ngày, lợi dụng lực lượng bảo vệ mỏng số học viên ở nhà 7 đã phá khóa cửa xếp phía trước nhà 6, đi ra phía tường rào rồi kiệu nhau qua tường để trốn. Dù bảo vệ gác chòi phát hiện đuổi bắt song vẫn có tới 9 học viên xé rào thành công.

Tiếp đó, vào khoảng 1h45, ngày 24/6, hiệu ứng vượt rào tiếp tục lan đến khu Y tế. 2 học viên đang trong giai đoạn cắt cơn là Lê Đức Thùy và Phạm Văn Chung, cạy cửa sổ để trốn, trong đó, Phạm Văn Chung dùng bơm tiêm đã sử dụng có dính máu tấn công lại lực lượng bảo vệ.

Các lực lượng gồm công an, bảo vệ phối hợp truy bắt, khởi tố tạm giam Vũ Văn Đảm và Phạm Văn Chung về tội chống người thi hành công vụ. Gần đây nhất, vào tối 20/7, thêm 6 học viên tại Trung tâm tiếp tục "vượt rào", 2 trong số trên đã bị bắt trở lại.

Bên cạnh việc bỏ trốn của các học viên, Trung tâm Vũ Oai còn đang đối mặt với một thực tế bức xúc khác là tình trạng thẩm lậu ma túy. Lợi dụng việc tường rào quanh Trung tâm thấp, lại giáp đường dân sinh, một số đối tượng đã móc nối với học viên lén lút đưa ma túy vào bên trong.

Một góc Trung tâm giáo dục lao động xã hội Vũ Oai.

Mới đây nhất, ngày 27/6, Công an huyện Hoành Bồ bắt quả tang Vũ Đình Hùng và Phạm Văn Hào, đều trú tại khu 8, phường Cẩm Phú, thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh), từng là học viên của Trung tâm, đã thuê xe taxi BKS 14M-5249 đến khu vực tường rào Trung tâm và ném ma túy được bọc trong 2 vỏ bao thuốc lá vào khu vực bể nước của các học viên, thu tang vật là 0,65gr hêrôin và 2 xơranh còn mới.

Vì sao học viên "vượt rào"?

Tiếp xúc với cán bộ, nhân viên Trung tâm Vũ Oai và một số học viên tại đây ngay sau “sự cố” vượt rào vào cuối tháng 6 vừa qua, theo ghi nhận của chúng tôi, đa phần đều khá hài lòng về môi trường sinh hoạt, lao động hiện tại.

“Tư tưởng” bức xúc, lo lắng hơn cả rơi vào số học viên sau cai, nhất là số trước đây từng là công nhân, học sinh học nghề hoặc có điều kiện được gia đình sắp xếp việc làm.

Theo số học viên này thì thời hạn sau khi hết 2 năm cai nghiện bắt buộc tiếp tục phải ở lại Trung tâm thêm 2 năm và trong quá trình điều trị, lao động không được hưởng chế độ xét giảm từ 1-4 tháng hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại theo Thông tư liên tịch số 22, ngày 31/12/2004 giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Công an về hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định 135/2004/NĐ-CP của Chính phủ là “không công bằng”.

Với số học viên trước khi cai nghiện là công nhân, học sinh một số trường dạy nghề thì việc áp dụng chế độ, chính sách như trên đã tước đi của họ cơ hội hoàn lương bởi số này được cơ quan, nhà trường tạo điều kiện cho đi cai nghiện trong thời gian có hạn, nếu quá quy định của công ty, trường học, khi trở về sẽ không được tiếp nhận trở lại.

Dù khá dè dặt khi tiếp xúc với chúng tôi, song ông Lê Minh Sơn, Phó giám đốc Trung tâm cũng thẳng thắn thừa nhận: “Cơ chế chính sách với học viên hiện... có những vấn đề chưa hợp lý. Việc quản lý học viên của Trung tâm chỉ áp dụng bằng hình thức quản lý hành chính song lại là bắt buộc cai nghiện trong thời gian 24 tháng.

Hơn thế, lại chưa có chính sách khen thưởng, kỷ luật mà còn cào bằng do đó học viên phấn đấu rèn luyện tốt thấy cũng không được gì hơn học viên vi phạm, từ đó nảy sinh tư tưởng bỏ trốn. Một lý do khác là điều kiện sinh hoạt, lao động không đúng theo quy định sau cai và công việc làm ăn chưa ổn định.

Theo đề án, sau cai học viên sẽ có chỗ ở riêng, có việc làm, có thu nhập, tự lo, thậm chí còn tích lũy để tái hòa nhập cộng đồng. Song hiện tại lao động mài đá tiền công rất thấp, trung bình mỗi học viên thu nhập từ 2-3 nghìn đồng/ngày nên không ít học viên tỏ ra... nản. 

Đối với hệ thống cơ sở vật chất phục vụ quản lý học viên, theo đề án, tường rào của Trung tâm Vũ Oai được thiết kế, xây dựng thấp, lại giáp đường dân sinh nên học viên khá dễ dàng “vượt rào”. 

Cũng do thiết kế không sát với thực tế, Trung tâm Vũ Oai hiện còn đoạn gần 300m không có tường rào mà làm bằng cột bê tông và dây thép gai. Hơn thế, sau một năm, thép đã hoen rỉ, lại gần khu vực học viên tăng gia sản xuất nên không ít học viên đã lợi dụng vượt rào.

Đáng lo ngại hơn, theo ông Phạm Văn Trạc, Giám đốc Trung tâm, ngay từ tết Nguyên đán Đinh Hợi, Trung tâm đã phát hiện dấu hiệu thẩm lậu ma túy qua đoạn đường dân sinh giáp Trung tâm.

Hiện Trung tâm đang đề nghị với tỉnh và sở chủ quản làm một cây cầu riêng, không để con đường đi qua Trung tâm, đồng thời đôn đốc Ban Quản lý xây dựng số 2 đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình còn lại.

Ông Trạc cũng thừa nhận: “Trung tâm đang trong giai đoạn vừa củng cố cơ sở vật chất vừa tiếp nhận bệnh nhân. Thời gian qua, chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề phải nâng cấp cả về tinh thần trách nhiệm, cả về năng lực làm việc, cả trong phối hợp giữa các phòng, khu quản lý học viên và năng lực điều hành của đội ngũ lãnh đạo khu, phòng và Trung tâm”.

Đi tìm lời giải cho những tồn tại ở Trung tâm cai nghiện lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh ngoài “nâng cấp” đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ tại đây còn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cấp, các ngành và của cả gia đình học viên với Trung tâm, đồng thời cần tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể như chế độ chính sách đối với học viên, vấn đề việc làm sau cai, điều chỉnh, hoàn thiện cơ sở vật chất trong công tác đảm bảo an ninh trật tự...

Mạnh Thắng – Minh Châu
.
.