Vô hiệu hoá tổ chức chính trị phản động ở Phú Yên

Thứ Hai, 13/02/2012, 12:30

Bằng vỏ bọc trung tâm du lịch sinh thái, một tổ chức chính trị phản động mệnh danh “ Hội đồng công luật công án Bia Sơn” đã được hình thành, hoạt động ở Phú Yên. Với tinh thần cảnh giác khép kín, bằng mạng lưới tai mắt và tinh thần cảnh giác của quần chúng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, âm mưu đen tối của những kẻ đang nuôi ảo tưởng biến đổi chế độ do bọn chúng “vẽ” ra đã bị lực lượng công an vô hiệu hoá.

Kết quả đấu tranh khám phá tổ chức phản động này đã được thiếu tướng Phạm Văn Hoá – Giám đốc công an tỉnh Phú Yên công bố tại cuộc họp báo sáng ngày 6/2/2012.

Từ "oan hồn ân đàn đại đạo"...

Còn nhớ cách đây 37 năm, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã lập nên kỳ tích đại thắng mùa xuân năm 1975, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Sau khi đất nước thống nhất, đồng bào miền Nam chung sức, đồng lòng xây dựng lại quê hương từ hoang tàn đổ nát bằng sức mạnh tổng hòa ý Đảng, lòng dân. Thế nhưng trong số đám tàn quân của chế độ cũ vẫn còn một số binh lính, sĩ quan và phần tử xấu tìm cách lẩn trốn, cấu kết lẫn nhau để hoạt động chống phá cách mạng, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Một trong những tổ chức phản động hình thành sớm nhất ở Nam Trung bộ lúc bấy giờ là "Ân đàn đại đạo" do Phan Văn Thu (64 tuổi, quê ở xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cầm đầu.

Theo chứng cứ tài liệu chúng tôi thu thập được, trước năm 1975, Phan Văn Thu đi lính Bảo An của chế độ cũ. Sau ngày miền Nam giải phóng, đối tượng này không ra trình diện để học tập cải tạo tư tưởng, mà lẩn trốn ở phường 6, TP Tuy Hòa một thời gian ngắn rồi móc nối, lôi kéo một số tàn quân trốn trại cải tạo và phần tử xấu, nhận thức chính trị lạc hậu vào rừng Trúc ở núi Đá Đen trong dãy núi đèo Cả nằm bên cung đường quốc lộ 1A ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa để lập "cứ điểm". Tại đó, Thu cùng đồng bọn tổ chức thu thập tin tức, chuẩn bị lương thực, vũ khí, tuyên truyền chống phá, lật đổ chính quyền cách mạng và chờ cơ hội bạo động.

Với sự hỗ trợ tích cực của người dân, cuối năm 1975, Ty An ninh Phú Yên dưới sự chỉ huy của đồng chí Trưởng ty Mạnh Hùng Thiên đã khám phá, xóa sổ tổ chức phản động "Ân đàn đại đạo", bắt giữ 137 đối tượng, thu giữ nhiều tài liệu, vũ khí. Phan Văn Thu cùng nhiều đối tượng bị đưa đi cải tạo ở Trại giam A30 - nay là Cơ sở giáo dục A1 ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Đến năm 1980, tàn dư của tổ chức phản động này tiếp tục dàn dựng cái gọi là "Ân đàn bửu tự" để tiếp tục chống phá cách mạng, nhưng đã bị Công an TP Tuy Hòa triệt xóa, bắt giữ 19 đối tượng.

Vào Trại giam A30 một thời gian ngắn, Phan Văn Thu tìm đường lẩn trốn nên bị truy nã hơn hai năm trời mới bị bắt vào ngày 26/8/1978. Gần 5 năm sau đó, Thu được ra khỏi trại giam và theo quy định pháp luật phải bị quản thúc tại nơi cư trú trong một thời hạn nhất định. Thế nhưng đến năm 1984, Phan Văn Thu lặng lẽ trốn khỏi nơi cư trú vào các tỉnh phía Nam sinh sống.

Để che giấu thân phận và tiếp tục thực hiện mưu toan chống phá, lật đổ chính quyền cách mạng, Thu đã chủ động thay tên đổi họ thành Trần Công. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Trần Công móc nối liên lạc được nhiều phần tử xấu ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đăk Nông để thực hiện ảo vọng vực dậy thây ma chính trị "Ân đàn đại đạo" đã khai tử từ  lâu.

Khám xét, bắt các đối tượng trong tổ chức phản động. Ảnh: Hữu Thành.

Để có điều kiện hoạt động chống phá chính quyền cách mạng, Trần Công đã chỉ đạo đàn em thành lập Công ty TNHH Hoàng Long ở Tây Nguyên. Và từ đó, hắn đã thực hiện nhiều chuyến xuôi đồng bằng để khảo sát "cứ điểm" cũ của tổ chức phản động "Ân đàn đại đạo" ở đèo Cả. Tưởng dễ lộng hành, Trần Công tranh thủ xúi giục đồng bọn khẩn trương thành lập Công ty TNHH Hoàng Long tại Phú Yên, một thời gian sau đó chuyển đổi thành Công ty TNHH Quỳnh Long. Doanh nghiệp này đầu tư xây dựng Trung tâm du lịch sinh thái Đá Bia nằm bên cung đường đèo Cả. Cũng từ đó Trần Công đến đây trú ẩn, thành lập tổ chức phản động "Hội đồng công luật công án Bia Sơn" và chỉ đạo điều hành đồng bọn thực hiện những âm mưu đen tối do hắn vạch ra.

... đến trò mị dân của tổ chức phản động mới

Hiện hữu bề ngoài là vẻ đẹp thiên nhiên kết hợp với nhiều hạng mục xây dựng do Công ty TNHH Quỳnh Long đầu tư để phục vụ du khách trong những dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần với các dịch vụ tham quan ngắm cảnh, cắm trại, tắm suối, tổ chức tiệc cưới, dịch vụ giải trí, nhà hàng - khách sạn… Thế nhưng bên trong Trung tâm du lịch sinh thái Đá Bia là hoạt động chính trị bất bạo động nhằm chống phá chính quyền cách mạng do Trần Công chỉ đạo, điều hành hết sức gian manh.

Trong số những người tham gia "Hội đồng công luật công án Bia Sơn", có người đồng tư tưởng phản động như Trần Công, nhưng cũng có rất nhiều người bị ngộ nhận, lầm lạc do chưa nhận diện sự thật trước những thủ đoạn mị dân, lôi kéo, dụ dỗ của kẻ có bản chất chính trị hiếu chiến, ngông cuồng.

Một hệ thống "tổ chức nhân sự" được Trần Công dàn dựng mới nghe có vẻ khá bề thế, oai phong. Đoàn Đình Nam (61 tuổi, quê ở Thừa Thiên - Huế), được "thủ lĩnh" Trần Công gắn cho cái "mác" Tổng trưởng 12 Ban thuộc "Hội đồng công luật công án Bia Sơn". Các cấp dưới là Trưởng ban đối nội Võ Thành Lê (57 tuổi, trú ở thôn Phước Lộc, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa); Trưởng ban giám tra - hành luật; Tạ Khu (65 tuổi, trú ở xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa); Trưởng ban nghi lễ; Võ Ngọc Cư (61 tuổi, trú ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa); Trưởng ban hành pháp; Nguyễn Kỳ Lạc (61 tuổi, trú ở xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên); Trưởng ban tổ chức Lê Phúc (61 tuổi, trú ở phường Đài Sơn, TP Phan Rang - Tháp Chàm); Trưởng ban tài chính - giáo khoa; Lê Duy Lộc (61 tuổi, trú ở thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận); Trưởng ban Hồng vệ pháp; Lê Đức Động (29 tuổi, trú ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế)... Còn Lê Trọng Cư (46 tuổi, trú ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), ngoài nhiệm vụ lái xe còn là vệ sĩ của riêng Trần Công. Thực tế chính những người đã được "thủ lĩnh" của "Hội đồng công luật công án Bia Sơn" phong chức tước đều thừa nhận họ chẳng có quyền lực gì trong tổ chức này cả.

Không dừng lại ở đó, khi tổ chức phản động mệnh danh "Hội đồng công luật công án Bia Sơn" lôi kéo, dụ dỗ thêm người ở một số tỉnh, thành phố phía Nam, Trần Công xây dựng các tổ chức "chân rết" gồm 14 pháp hội có tên hết sức mơ hồ: Thiên Hướng, Thiên Ân, Thiên Diệu, Thiên Phước, Thiên Kim, Thiên An, Thiên Vinh, Thiên Dương, Thiên thành…

Để củng cố tinh thần và nhồi nhét tư tưởng phản động cho đồng bọn, Trần Công còn thiết lập kế sách đấu tranh chống phá, lật đổ chính quyền theo phương thức "bất chiến tự nhiên thành", rồi khua môi múa mép, cao giọng tuyên bố: "Năm 2013 chế độ Cộng sản ở Việt Nam sẽ bị lật đổ". Thậm chí Công và đồng bọn còn nuôi ảo vọng hão huyền rằng, sau khi chính quyền cách mạng bị lật đổ, người dân sẽ được hưởng chính sách "tam ban": Tài nguyên ban, Đại địa ban và Kinh điển ban cùng một số "ưu ái" khác để câu nhử, lừa gạt các "chiến hữu" và dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin.

Vô hiệu hoá một mưu đồ

"Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra", tổ chức chính trị mị dân "Hội đồng công luật công án Bia Sơn" dù đã được che chắn kín kẽ bằng một "vỏ bọc nhung" bởi nhịp độ sinh hoạt sôi động của Trung tâm du lịch sinh thái Đá Bia, nhưng không thể nào thoát khỏi tai mắt người dân được huy động hiệu quả từ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Và cũng chính từ sự hỗ trợ tích cực của người dân, đúng 6h45' sáng ngày 5/2, dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Phạm Văn Hóa, các mũi trinh sát an ninh, cảnh sát đồng loạt tiếp cận cái gọi là "cứ điểm" của "Hội đồng công luật công án Bia Sơn" ở Trung tâm du lịch sinh thái Đá Bia.

Những kẻ nuôi ảo vọng chống phá, lật đổ chính quyền đều bị khống chế, ngay sau đó 10 đối tượng gồm "thủ lĩnh" Phan Văn Thu - tức Trần Công; Đoàn Đình Nam, Lê Duy Lộc, Võ Thành Lê, Lê Phúc, Lê Đức Động, Lê Trọng Cư, Võ Ngọc Cư, Tạ Khu và Đoàn Ngọc Cư lần lượt bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước theo quy định tại điều 258 Bộ luật hình sự. Các quyết định tố tụng đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên phê chuẩn.

Qua khám xét "cứ điểm" và nơi ở của các đối tượng trong tổ chức phản động mị dân này, lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ hàng trăm trang tài liệu cương lĩnh hoạt động của "Hội đồng công luật công án Bia Sơn", tài liệu tuyên truyền chống phá, lật đổ chính quyền; 19 kíp nổ, 10 bộ đàm, 1 ống nhòm, 2 laptop, 1 máy ảnh, 1 camera, hơn 12.000 USD và gần 190 triệu đồng. Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc và Giám đốc Công an Phú Yên, Thiếu tướng Phạm Văn Hóa đều khẳng định, đây là một tổ chức chính trị phản động. Và điều đáng ghi nhận là chiến công lớn nêu trên được lập nên từ thế trận lòng dân.

Được biết, công tác điều tra còn đang mở rộng để phân loại, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật

Phan Thế Hữu Toàn
.
.