“Vòi bạch tuộc” IS chưa thể bị chặt đứt

Thứ Tư, 30/10/2019, 22:49
Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã chỉ định Abdullah Qardash, còn gọi là Hajji Abdullah al-Afari, kế nhiệm Abu Bakr al-Baghdadi làm thủ lĩnh IS sau khi trùm khủng bố này bị tiêu diệt. Qardash là đối tượng được Baghdadi lựa chọn để phụ trách các vấn đề Hồi giáo của IS.

Kết thúc cuộc truy đuổi 5 năm

Hiện có rất ít thông tin về Qardash, ngoài việc đây là cựu sĩ quan quân sự Iraq, từng phục vụ chính quyền Iraq dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Trước đó ngày 27-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định thủ lĩnh IS Baghdadi đã tử vong trong chiến dịch của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở tỉnh Idlib của Syria.

Lâu nay, Baghdadi được tin là đang ẩn náu tại khu vực biên giới giữa Iraq và Syria. Từ năm 2010, tên này đã xây dựng phong trào cực đoan bạo lực IS thành một lực lượng mạnh với lãnh thổ của riêng chúng trên khắp những dải đất rộng lớn của Syria và Iraq. Vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực, IS cai trị hàng triệu người tại vùng lãnh thổ chạy từ phía Bắc Syria tới các thị trấn và làng mạc dọc lưu vực sông Tigris và Euphrates tới vùng ngoại thủ đô Baghdad của Iraq.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Các quan chức theo dõi diễn biến cuộc đột kích tấn công tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: Press Info.

Mùa thu năm 2017, hai sào huyệt của IS tại Mosul và Raqqa ở Iraq và Syria lần lượt thất thủ, Baghdadi cùng tàn quân tháo chạy về khu vực biên giới giữa hai nước và rút vào hoạt động ngầm.

Ngày 27-10, một quan chức cấp cao người Kurd dẫn lời người phát ngôn IS cho biết thủ lĩnh IS là Abu Bakr al-Baghdadi đã chết. Phóng viên AFP tại Ain al-Baydah, hiện do lực lượng Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát, cho hay, đã có 2 xe bị oanh kích, gồm 1 xe bán tải nhỏ và 1 xe thùng lớn hơn chở một thùng kim loại nhỏ.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cũng đã xác nhận cái chết của al-Muhajir, cánh tay phải của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, cho hay tên này là 1 trong 5 thành viên IS bị tiêu diệt trong một chiến dịch cho Mỹ đứng đầu với sự hỗ trợ của SDF.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở họp báo tuyên bố thủ lĩnh IS al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích vào nửa đêm do lực lượng đặc nhiệm Mỹ thực hiện ở một ngôi làng nhỏ ở Tây Bắc Syria có tên Barisha, cách Ain al-Baydah khoảng 100km về phía Tây. Tổng thống Trump đã cảm ơn lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Nga vì đã hỗ trợ cho chiến dịch này. Tối 27-10 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phát biểu tại Nhà Trắng về thông tin này.

Tổng thống Trump cho biết al-Baghdadi đã chết “một cách hèn nhát” sau khi cho nổ đai bom quấn quanh người y. Ngoài al-Baghdadi, nhiều thuộc hạ và đối tượng ủng hộ y cũng bị tiêu diệt trong cuộc đột kích này. Ông Trump nhấn mạnh đây là “một đêm tuyệt vời cho nước Mỹ và thế giới” và việc al-Baghdadi bị tiêu diệt nhắc nhở Mỹ sẽ còn tiếp tục truy lùng những phần tử khủng bố còn lại của IS.

Ông Trump cảm ơn Nga đã mở cửa không phận giúp Mỹ tiến hành cuộc đột kích bất ngờ này, đồng thời ông cũng đánh giá cao lực lượng người Kurd ở Syria cung cấp thông tin giúp tiêu diệt thủ lĩnh IS.

Việc al-Baghdadi bị tiêu diệt có thể coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden hồi năm 2011. Abu Bakr Al Baghdadi đã lẩn trốn suốt 5 năm nay. Trừ lần xuất hiện trong một đoạn video do IS tung ra hồi tháng 4-2018, lần gần đây nhất Al Baghdadi hiện diện công khai là vào tháng 7-2014 tại Đại thánh đường ở Mossoul, Iraq.   

Mazloum Abdi, chỉ huy nhóm vũ trang Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo ở miền Bắc Syria, cho biết nhóm này đã cung cấp thông tin tình báo để Mỹ tiêu diệt Al Baghdadi. Ông Abdi cho biết đây là một chiến dịch thành công mang tính lịch sử nhờ “hoạt động tình báo chung” kéo dài suốt 5 tháng qua.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tuyên bố thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt. Ảnh: PRI.

Cũng trong ngày ngày 27-10, truyền hình Iraq đã phát những hình ảnh được cho là ghi lại cuộc đột kích của quân đội Mỹ tại Syria mà trong đó thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt. Những cảnh quay vào ban ngày cho thấy một hố lớn trên mặt đất và những gì dường như là hiện trường để lại sau cuộc đột kích, trong khi những cảnh quay ban đêm ghi lại thời điểm xảy ra một vụ nổ.

Đài truyền hình Iraq dẫn lời một chuyên gia chống khủng bố cho biết các cơ quan tình báo Iraq đã giúp xác định vị trí ẩn náu của Baghdadi.

Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cùng ngày cho biết các máy bay trực thăng của Mỹ đã thả các lính dù đổ bộ xuống tỉnh Idlib của Syria vào đêm 26-10 trong một chiến dịch nhằm vào các thủ lĩnh IS. Theo SOHR, chiến dịch đột kích bằng máy bay ở Barisha, một ngôi làng nhỏ ở Tây Bắc Syria gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhằm vào các thành viên cấp cao của tổ chức khủng bố này.

Cuộc chiến chống khủng bố thời hậu al-Baghdadi

Cuộc không kích phức tạp nhằm tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức khủng bố IS Abu Bakr al-Baghdadi và cái chết của trùm khủng bố này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng cho chiến dịch đánh bại IS của Mỹ, đặc biệt là vào thời điểm Mỹ đang rút quân khỏi Syria. Chúng ta có thể rút ra một số vấn đề từ cái chết của al-Baghdadi: Cái chết của thủ lĩnh IS đáng giá bao nhiêu?

Đối với Mỹ, cái chết của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi có thể là một chiến thắng lớn hơn nhiều so với sự thất bại của IS. Tiêu diệt thủ lĩnh IS rõ ràng mang lại một chiến thắng không dễ dàng đối với liên minh của Mỹ, vốn đã “săn” tên thủ lĩnh đầy mưu mô này trong nhiều năm. Đã có hơn một chục tuyên bố về cái chết của hắn trong những năm trước và hành động mang tính quyết định lần này cuối cùng sẽ đặt dấu chấm hết cho “huyền thoại” về tên trùm khủng bố al-Baghdadi.

Tuy nhiên, sau 18 năm tham gia cuộc chiến chống khủng bố, mọi thứ đã có nhiều thay đổi. Al-Baghdadi chưa bao giờ chạm tới vị thế của trùm khủng bố al-Qaeda như Osama bin Laden, mặc dù tổ chức khủng bố IS của hắn được cho là đã đạt được nhiều “thành tựu” hơn so với al-Qaeda bằng cách tuyên bố việc hình thành - và đạt được trong chốc lát - một vương quốc Hồi giáo. Al-Baghdadi rất ít khi xuất hiện công khai bởi hắn không có sức ảnh hưởng đặc biệt và trong những năm gần đây, người ta cũng hiếm khi nhìn thấy hoặc nghe thấy thông tin gì về hắn.

Hơn nữa, áp lực liên minh đối với IS cho phép nhóm đối thủ thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS) có được sức mạnh và trong thời gian gần đây còn đáng sợ hơn IS. HTS, trước đây được biết đến với cái tên Jabhat al Nusra, là một nhánh của al-Qaeda tại Syria, được lãnh đạo bởi cựu phó thủ lĩnh al-Baghdadi và đối thủ lâu năm Abu Mohammad al-Julani.

Quang cảnh đổ nát tại làng Barisha, tỉnh Idlib, Syria sau cuộc tấn công của đặc nhiệm Mỹ ngày 27-10.

Đối với những người ủng hộ IS rải rác ở xa, vốn chỉ có thể kết nối với các phần tử thánh chiến thông qua mạng Internet, IS ngày càng khó tiếp cận khi chúng bị đẩy khỏi các ứng dụng truyền thông xã hội chính thống. “Tiểu đoàn” truyền thông của chúng xuống cấp nghiêm trọng và thông điệp của chúng bị suy yếu do những tổn thất trên chiến trường. Vị thế của al-Baghdadi tự nhiên suy yếu trong thời gian này và sự phân tán lực lượng cho thấy việc kiểm soát hoạt động của hắn đối với một mạng lưới toàn cầu không còn mạnh mẽ nữa.

Cái chết của al-Baghdadi sẽ không thể giáng một “đòn đau” đối với các hoạt động của IS nhưng cái chết của hắn đã đánh dấu một cách tượng trưng cho sự chấm dứt tầm nhìn của IS - việc hình thành một vương quốc Hồi giáo. Mong muốn hồi sinh một vương quốc Hồi giáo đã mang lại sức mạnh cho al-Baghdadi, gây cảm hứng cho quần chúng trực tuyến và thu hút một số lượng lớn chưa từng có các tay súng nước ngoài.

Tuy nhiên, cái chết của al-Baghdadi, với tư cách là thủ lĩnh, cũng “nghiền nát” giấc mơ này và khiến những kẻ ủng hộ ngày càng khó có thể dõi theo. IS, dù là mang tính hoạt động hay tượng trưng, đều đang hấp hối.

Hiện giờ, thế giới nên lo lắng xem những gì có thể nhen nhóm từ đống tro tàn này. Việc Mỹ vội vã rút quân khỏi Syria trong những tuần gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về một khoảng trống an ninh ở Đông Syria, theo đó có thể giúp IS tái sinh. Lệnh rút quân của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi al-Baghdadi phát một đoạn băng kêu gọi tấn công các nhà tù để giải cứu các chiến binh IS.

Người dân Iraq theo dõi thông tin về cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: Nation Post.

Ngay sau đó, các báo cáo về việc những kẻ khủng bố trốn thoát khỏi nhà tù đã xuất hiện. Hơn nữa, các “chân rết” của IS đã tăng mạnh ở các khu vực khác, đặc biệt là ở Afghanistan, nơi Mỹ hy vọng có thể rút quân sau 2 thập kỷ chiến tranh và thậm chỉ cả ở Philippines.

Cái chết của al-Baghdadi sẽ đập tan giấc mơ của một IS tập trung ở khắp khu vực Levant (bao gồm Liban, Israel, Jordan, Syria, Cyprus và Nam Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng việc nhiều năm thực hiện các hoạt động tuyển mộ, huấn luyện và trừ khử các tay súng nước ngoài từ hàng chục quốc gia sẽ tạo ra một thế hệ thánh chiến tiếp theo tràn sang các biên giới khác. Các tay súng nước ngoài do IS đào tạo sẽ chính là vấn đề khủng bố tương lai trong thập kỷ tới.

IS sẽ chỉ đạo hoặc thúc đẩy các cuộc tấn công trả đũa? Trong các thời kì mà khủng bố al-Qaeda lộng hành, cộng đồng chống khủng bố vừa ăn mừng việc tiêu diệt thành công một trùm khủng bố khét tiếng, vừa lo lắng về mối đe dọa của sự trả thù. Hoặc tổ chức khủng bố hoặc những người ủng hộ từ xa được thúc đẩy bởi Internet có thể bị dụ dỗ để tìm cách trả thù Mỹ và đồng minh bằng cách tấn công các mục tiêu mềm ở phương Tây.

Mỹ và phương Tây phải luôn tăng cường mức độ bảo vệ trước một cuộc tấn công khủng bố lớn, tuy nhiên, rủi ro có lẽ không thể cao như lúc này. Gần đây, thế giới biết rằng con trai của Osama Bin Laden và là thủ lĩnh mới nổi của al-Qaeda Hamza Bin Laden đã bị tiêu diệt nhiều tháng trước đó.

Những kẻ khủng bố thánh chiến thường xác nhận cái chết của các thủ lĩnh cao quý của chúng và vẫn chưa có thông báo nào xuất hiện cho thấy việc kích động các cuộc tấn công trả thù. Không có nhà nghiên cứu khủng bố và chống khủng nào biết rõ về cái chết của Hamza Bin Laden, cho thấy các mạng lưới quốc tế này yếu ớt như thế nào so với chỉ vài năm trước.

Với việc al-Baghdadi bị tiêu diệt, phương Tây sẽ ăn mừng nhưng vẫn không chắc chắn có bao nhiêu người có tư tưởng trỗi dậy để trả thù. Tình hình khủng bố năm 2019 không giống chiến dịch khủng bố năm 2009.

Tại sao Mỹ có thể tiêu diệt al-Baghdadi? Nhiệm vụ đó nguy hiểm như thế nào? Thời điểm diễn ra cuộc đột kích - ngay sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria - đã làm dấy lên một số câu hỏi thú vị. Chẳng hạn như, liệu việc Mỹ rút quân khỏi Syria có thúc đẩy al-Baghdadi hành động, khiến hắn bị phát hiện và tiêu diệt? Hay tại sao al-Baghdadi lại ở phía Bắc Idlib gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ?

Đây là một khu vực nằm dưới sự thống trị của HTS và chiến trường phức tạp này có thể đã khiến hắn bỡ ngỡ. Bin Laden từng bị tiêu diệt tại Abottabad - đây cũng không phải là nơi mà các nhà phân tích có thể tưởng tượng hắn ở đó, có lẽ al-Baghdadi đã lặp lại lịch sử đó và bị tiêu diệt ở một địa điểm không ngờ tới.

Một câu hỏi nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là các báo cáo ban đầu cho thấy cuộc đột kích này “đã được sắp xếp trong một tuần trước khi diễn ra vào hôm 26-10”. Nếu cuộc tấn công này không diễn ra như mong đợi hoặc không được phối hợp với các quốc gia khác, lực lượng Mỹ sẽ rơi vào vị trí nguy hiểm giữa các phe phái cạnh tranh.

Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đã cảnh báo Mỹ không thể “ngừng lo lắng về IS” sau khi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt. Phát biểu trong một chương trình của kênh truyền hình CNN, ông Calpper khẳng định cái chết của al-Baghdadi có ý nghĩa biểu tượng rất lớn nhưng sẽ không giúp chấm dứt sự tồn tại của IS bởi nhóm khủng bố này đã chuẩn bị việc lựa chọn người khác đảm nhận vai trò mà al-Baghdadi để lại.

Ông Calpper cũng cho rằng Mỹ cần duy trì quân đội tại khu vực nhằm đảm bảo rằng IS sẽ không bị kích động để hành động sau cái chết của al-Baghdadi.

Hoa Huyền
.
.