Vụ bê bối tình báo của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Tư, 07/09/2011, 10:15

Mới đây, Tòa án Tối cao ở Istanbul đã buộc tội một số đối tượng được cho là nhóm gián điệp hoạt động bên trong lực lượng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Theo bản cáo trạng, nhóm gián điệp đã đánh cắp hơn 165.000 tài liệu mật cùng với hàng chục báo cáo tình báo và bản đồ quân sự chi tiết xếp loại mật. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết an ninh quốc gia sẽ rơi vào nguy hiểm nếu số tài liệu mật này rơi vào tay những “khách hàng” hào phóng.

Dựa vào bằng chứng và lời khai của các nghi can,  Israel là quốc gia bị nghi vấn số 1 trong danh sách.

Đứng thứ hai là Hy Lạp, quốc gia đặc biệt quan tâm đến thông tin mật về tài sản hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ở hai vùng Biển Aegea (một nhánh của Địa Trung Hải nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ) và Biển Marmara (Tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ). Công tố viên tin rằng, nhóm điệp viên đã bán hay định bán những tấm bản đồ và không ảnh về căn cứ hải quân Erdek, căn cứ radar Izmir và Ban chỉ huy công xưởng hải quân Istanbul cho Hy Lạp.

Cuối cùng là Nga - quốc gia đối đầu thời Chiến tranh lạnh nhưng nay là bạn bè mới của Thổ Nhĩ Kỳ - cũng được coi là "khách hàng"của nhóm gián điệp ngầm khao khát thông tin nhạy cảm liên quan đến NATO.

Chuyện các quốc gia trên thế giới do thám lẫn nhau không mới, do đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng không là ngoại lệ. Trong trận chiến gián điệp này người ta không phân biệt giữa bạn hay thù. Ví dụ, Israel là đồng minh số 1 của Mỹ song quốc gia này cũng tiến hành nhiều chiến dịch gián điệp căng thẳng chống lại Mỹ, và mạng lưới điệp viên Mossad âm thầm hiện diện tại Mỹ trong suốt nhiều thập niên. Như trường hợp điệp viên Jonathan Pollard của Israel làm việc trong Trung tâm Hải quân cảnh báo chống khủng bố của Mỹ bị bắt giam năm 1987.

Căn cứ Hải quân Aksaz của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo bản cáo trạng dài 250 trang và bản danh sách dài các nghi can, người ta có thể cho rằng, an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị  tổn hại nặng. Theo điều tra, nhóm gián điệp hoạt động từ năm 2006 và họ đặc biệt quan tâm đến những dự án quốc phòng hiện đang được phát triển ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hội đồng công tố viên khẳng định nhóm gián điệp đã đánh cắp thông tin về nhiều dự án từ mạng lưới công ty phát triển các dự án quân sự quốc gia như là công ty thu mua trang thiết bị quốc phòng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ SSM, Hội đồng Nghiên cứu công nghệ và khoa học Thổ Nhĩ Kỳ (TUBITAK), Công nghiệp điện tử hàng không (Havelsan), Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) v.v…

Cả Trung tâm hệ thống điện tử của Bộ tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (GES) cũng bị thâm nhập. Nhóm gián điệp cũng gom góp dữ liệu thông tin khổng lồ về hàng ngàn sĩ quan đang làm việc trong những tổ chức nói trên, kể cả số nhân viên dân sự.

Không có gì bí mật trong chuyện hai công ty của Israel - Aerospace Industries Ltd. (IAI) và Israel Military Industries Ltd. (IMI) - tỏ ra đặc biệt quan tâm đến việc giành hợp đồng trị giá hàng tỉ USD hiện đại hóa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua. Israel thật ra muốn  kiểm soát một số dự án quân sự được chính các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện.

Theo điều tra, một tài liệu được tìm thấy trong máy tính cá nhân của nghi can Emrah Kucukakca trong đó trình bày những phương cách nhằm ngăn trở hay kết thúc hoàn toàn 6 dự án quốc phòng chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Về dự án máy bay gián điệp không người lái Heron của nước này, tài liệu viết rõ "dự án Heron chắc chắn phải được ngăn trở".

Nhóm gián điệp được trả công hàng triệu USD để đánh cắp những tài liệu quốc gia tuyệt mật. Thậm chí nhóm người này còn sử dụng các mỹ nhân quyến rũ nhiều sĩ quan hải quân cao cấp để có điều kiện moi thông tin nhạy cảm. Đại tá về hưu Ibrahim Sezer, người được cho là lãnh đạo của nhóm gián điệp, đã bị bắt giam năm 2010.

Trong bản cáo trạng có tên 55 nghi can khác - 40 người trong số đó là các sĩ quan đang tại ngũ, bao gồm hai đô đốc Safak Yurekli và Fahri Can Yildirim. Lãnh đạo đơn vị tình báo ở Bộ tham mưu Hải quân Golcuk - Thiếu tá Kemalettin Yakar - và lãnh đạo SSM - Ahmet Lutti Varoglu - cũng nằm trong số nghi can. Yakar bị buộc tội bán biểu đồ hải trình tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cho tình báo Hy Lạp.

Trong quá trình điều tra tìm kiếm, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã thu giữ được hàng ngàn tài liệu mật bị đánh cắp. Do tính chất nhạy cảm của số tài liệu này, người ta cho rằng hậu quả sẽ rất nặng nề nếu chúng lọt vào tay chính quyền nước ngoài.

Ví dụ, một số tài liệu được thu giữ tiết lộ kế hoạch quân sự của NATO, như là sứ mạng chống cướp biển ở Somalia hay chi tiết về chiến dịch Active Endeavour (cho phép tàu của NATO tuần tra và giám sát Địa Trung Hải chống khủng bố). Các báo cáo đánh giá lực lượng phản ứng nhanh của NATO gọi là Standing NATO Maritime Group 2 (SNMG2) cũng nằm trong số tài liệu nhạy cảm đó.

Nhóm gián điệp còn đánh cắp thông tin chi tiết về khả năng tác chiến của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, cơ cấu bố trí và tài sản hạm đội, các hệ thống vũ khí cũng như những điểm yếu và lỗ hổng trong hệ thống. Điều gây sốc nhất cho bộ phận điều tra là nhóm gián điệp cung cấp cho tình báo nước ngoài danh sách chi tiết về tất cả những nhân viên quân sự và tùy viên quân sự đang làm việc ở nước ngoài.

Sự tiết lộ bí mật nghiêm trọng của nhóm gián điệp được coi là tai họa khủng khiếp cho nỗ lực chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ, khi những bí mật của GES bị bán ra nước ngoài. Thậm chí báo cáo tình báo về các quốc gia khác của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong số tài liệu được bắt giữ.

Vụ bê bối gián điệp lớn nhất của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ khiến người ta nhớ lại báo cáo ngày nào của Cơ quan Điều tra nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ (DIS). Trong quá khứ, báo cáo của DIS cảnh báo gián điệp Israel thu thập thông tin mọi mặt về nước Mỹ. Vụ bê bối cho thấy sự thất bại nặng nề của Cơ quan phản gián Thổ Nhĩ Kỳ

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.