Vụ buôn lậu vũ khí gây chấn động Israel

Thứ Ba, 15/12/2009, 07:40
Tháng 7/2008, việc Tòa án tối cao Israel quyết định xét xử chung thẩm vụ án buôn lậu vũ khí của Nahum Manbar, một doanh nhân và là trùm buôn lậu vũ khí người Israel, đã thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ vì liên quan đến nhiều công ty, nhiều quan chức cao cấp của quân đội Israel, nhiều tổ chức chính trị mà cả với Iran.

Nahum Manbar sinh ngày 7/7/1948 tại khu định cư  Givat Haim của Israel, gia nhập lực lượng nhảy dù của quân đội Israel vào năm 1967 sau khi xảy ra Cuộc chiến tranh  7 ngày giữa Israel và các quốc gia Arập vào tháng 7/1967.

Năm 1984, Manbar giải ngũ, rời Israel đến sinh sống và kinh doanh tại Pháp và Thụy Sĩ. Loại hàng hóa đặc biệt mà Manbar chọn để kinh doanh là vũ khí các loại, để bán cho khách hàng cũng đặc biệt không kém là Iran.

Thực ra, từ lâu nay Iran đã là khách hàng lớn của Israel trong buôn bán vũ khí. Dưới thời cầm quyền của nhà vua Shah Palhavi, hàng năm Iran đều chi đến nhiều tỉ USD để mua vũ khí của hai nhà cung cấp lớn là Mỹ và Israel.

Sau khi Vua Shah bị lật đổ vào năm 1979, chính quyền Cách mạng Hồi giáo tại Iran đã bí mật thương thuyết với Israel để mua vũ khí trang bị cho quân đội, nhất là để đối đầu với quốc gia láng giềng Iraq trong cuộc Chiến tranh biên giới vào thập niên 80.

Mặc cho lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran, Israel vẫn bí mật bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Iran thông qua môi giới của một số doanh nhân người Đức có quan hệ với giới quân sự cao cấp của Đức và Israel do Hans Bihn đứng đầu. Năm 1984, đường dây buôn lậu vũ khí này bị Cảnh sát Đức phát hiện nên buộc phải chuyển đến Áo và cuối cùng giải thể vào năm 1986.

Do lo ngại không  có đủ vũ khí, trang thiết bị quân sự, phụ tùng thay thế trang bị cho quân đội để đối phó với các cuộc tấn công của Iraq từ tháng 9/1980 đến 8/1988), Iran, thông qua môi giới của doanh nhân người Đức Hans Bihn, đặt vấn đề mua bán vũ khí với Tập đoàn Đầu tư quốc tế (IIG) do Manbar làm chủ tịch, có trụ sở đặt tại thành phố Genève của Thụy Sĩ và có các chi nhánh tại nhiều quốc gia khác.

Hàng hóa mà Iran đặt mua của IIG là tên lửa địa-không SAM-7 do Liên Xô sản xuất trước đây, phụ tùng thay thế cho các phương tiện chiến đấu và phương tiện vận chuyển quân sự trị giá hàng chục triệu USD.

Cảnh sát Israel bắt giữ doanh nhân người Hàn Quốc Yun Yuhwan.

Năm 1990, khi chế độ XHCN của các quốc gia Đông Âu sụp đổ, IIG thành lập thêm một chi nhánh tại thủ đô Warsaw của Ba Lan và lấy tên gọi là Công ty Kinh doanh thiết bị Europol. Thông qua công ty này, Manbar đã bán cho Iran xe tăng loại T-72 và T-55 do Liên Xô chế tạo và đã được cải tiến và trang bị thêm các thiết bị điện tử do hai công ty EL OP và IRA của Israel chế tạo và lắp đặt.

Manbar còn thuê mướn nhiều chuyên viên vũ khí người Israel và Ba Lan đến Iran để huấn luyện cách sử dụng và bảo trì các loại vũ khí. Tại Israel, các công ty công nghiệp quốc phòng lớn như EL OP, IRA, ESP... đều là bạn hàng của Manbar. Vũ khí các loại, phụ tùng thay thế, phương tiện vận chuyển và chiến đấu được chuyển từ Israel, Ba Lan đến một quốc gia thứ hai như Liban, Tunisie, Ethiopia, Thổ Nhĩ Kỳ... rồi sau đó chuyển giao cho Iran.

Năm 1993, thông qua môi giới của một doanh nhân Hàn Quốc tên Yun Yuwhan, Manbar có nhiều cuộc tiếp xúc bí mật với Majed Abasbur, người đứng đầu chương trình phát triển vũ khí sinh hóa học của Iran.

Theo nội dung của các cuộc tiếp xúc bí mật này, Manbar mà đại diện là Công ty Europol có văn phòng tại thủ đô Warsaw của Ba Lan sẽ ký  hợp đồng cung ứng cho Công ty Công nghiệp quốc phòng 105 B của Iran nguyên liệu và thiết bị để sản xuất vũ khí hóa học bao gồm khí mù tạt, Tabun, Sarin và Soman. Hợp đồng này trị giá 160 triệu USD bao gồm việc Công ty Europol xây dựng một nhà máy sản xuất vũ khí hóa học cho Iran.

Tình báo Israel bắt đầu chú ý đến hoạt động buôn lậu vũ khí của Manbar vào cuối năm 1993 và cử điệp viên đến Áo và Thụy Sĩ để điều tra. Đầu năm 1994, 2 điệp viên của Cơ quan Tình báo hải ngoại Israel được cử đến thủ đô Vienne của Áo để điều tra về Manbar đã bất ngờ tử vong trong một tai nạn giao thông khó hiểu.

Mossad nghi vấn rằng Manbar có sự trợ giúp của tình báo Iran, đã gây ra vụ tai nạn không chỉ để bịt đầu mối mà còn để bảo vệ hoạt động buôn lậu vũ khí giữa Manbar và Iran. Shabtai Shahavit, Giám đốc Mossad vào thời kỳ đó đã thề rằng bằng bất cứ giá nào Mossad cũng phải bắt giữ Manbar đưa về Israel để xử tội.

Tướng Israel Avraham Bar-Am có liên quan đến hoạt động buôn lậu vũ khí của Nahum Manbar.

Tuy nhiên, phải đợi đến khi Mỹ cảnh báo gay gắt về việc buôn lậu vũ khí của Manbar cho Iran là vi phạm đến lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran thì Chính phủ Israel mới quyết định điều tra vụ việc. Cảnh báo này không chỉ nêu đích danh Manbar mà cả nhiều đầu mối phục vụ cho hoạt động buôn lậu vũ khí của Manbar tại Israel và nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, phải đợi đến tháng 3/1997, Manbar mới bị bắt giữ khi vừa quay về lại Israel từ một cái bẫy giăng ra bởi Cơ quan Phản gián Israel (Shin Bet) khi chiêu dụ được Ralph Kopka, một quan chức cao cấp của Công ty Europol khai báo sự thật về hoạt động buôn lậu vũ khí của Manbar.

Vào ngày 16/7/1998, một phiên tòa đặc biệt mở ra tại thành phố Tel-Aviv của Israel đã tuyên phạt Manbar 16 năm tù giam mà không được xét giảm về tội buôn lậu vũ khí và hợp tác với Iran, kẻ thù của Nhà nước Israel.

Theo cáo trạng, Manbar, thông qua các công ty bình phong đã bán cho Iran một lượng lớn vũ khí gồm 50 tên lửa địa-không SAM-7 do Liên Xô sản xuất trước đây, 50 xe tăng loại T55 và T72 do Liên Xô sản xuất nhưng đã được cải tiến, 22 xe  chuyên dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hóa học.

Đặc biệt là cả 22 xe chuyên dụng này đều của không quân Israel. 150 kg hóa chất loại chlorure tayonie dùng để sản xuất vũ khí hóa học. Giá trị của hợp đồng buôn lậu vũ khí này lên đến 1,2 tỉ USD. Số tiền này được Iran lấy từ tiền bán dầu hỏa và tách nhỏ chuyển vào hàng chục ngân hàng mà Manbar có quan hệ để giấu kín và sau đó tẩy bẩn. Hơn 150 công ty lớn nhỏ của Israel và nhiều quốc gia khác cũng tham gia hoạt động buôn lậu vũ khí của Manbar.

Sau một thời gian yên ắng, đến năm 2007, vụ án buôn lậu vũ khí từng làm chấn động Israel này bỗng bùng nổ trở lại từ kháng án của Manbar khi cho rằng, tòa án đã bỏ lọt tội trạng của nhiều người bao gồm tướng lĩnh quân đội, chính khách người Israel có biết và có liên quan đến vụ án buôn lậu vũ khí của Manbar trong đó có hai tướng quân đội là Avraham Bar-Am và Ron Harel, các quan chức của Công đảng dưới thời hai Thủ tướng Zitzhak Rabin và Shimon Peres.

Manbar còn khai báo đã ủng hộ một số tiền lớn trong các chiến dịch vận động tranh cử của Công đảng. Manbar có tố cáo cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu  đã gây áp lực buộc tòa án tuyên phạt nặng Manbar do y từ chối việc đóng góp tài chính cho quỹ vận động tranh cử của đảng Likud.

Tuy nhiên, do không muốn bùng nổ một vụ án có liên quan đến nhiều vụ việc, nhiều nhân vật quan trọng và nhiều quốc gia làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và ngoại giao của Israel nên Tòa án Tối cao Israel đã bác bỏ kháng cáo của Manbar bằng một phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2008 trong đó giữ nguyên hình phạt 16 năm tù giam đối với trùm buôn lậu vũ khí Manbar

Văn Hòa (theo Haaretz Archives)
.
.