Vụ cháy nổ trên tàu sân bay USS Forrestal năm 1967

Thứ Ba, 13/01/2009, 10:30
Vào gần trưa ngày 29/7/1967, khi đang hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ để thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay vào miền Bắc Việt Nam, tàu sân bay USS Forrestal bỗng cháy nổ dữ dội. Phải đến 16h chiều cùng ngày, vụ  cháy nổ kinh hoàng mới được khống chế hoàn toàn.

Vụ cháy nổ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tàu sân bay USS Forrestal với 134 thủy thủ và phi công chết ngay tại chỗ, 161 người khác bị thương, 20 máy bay phản lực chiến đấu và 1 máy bay do thám bị phá hủy. Vụ cháy nổ liền thu hút sự quan tâm của dư luận cả trong và ngoài nước Mỹ và đã khiến Tổng thống Lyndon Johnson ra lệnh mở một cuộc điều tra đặc biệt.

Tàu sân bay USS Forrestal được đóng mới tại Nhà máy đóng tàu hải quân Newport News ở bang Virginia vào tháng 11/1954 và đến tháng 12/1956 được hạ thủy. Hoạt động quân sự đầu tiên của tàu sân bay này là tham gia chiến dịch quân sự của Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez vào năm 1956 trong thành phần Hạm đội số 6 của Hải quân Mỹ hoạt động ở vùng biển Nam châu Âu.

Năm 1967, khi Mỹ tăng cường các cuộc tấn công bằng không quân vào miền Bắc Việt Nam, tàu sân bay USS Forrestal được điều động đến châu Á để bổ sung cho Hạm đội số 7.

Theo kết luận điều tra của Ủy ban điều tra đặc biệt của Bộ Quốc phòng Mỹ về vụ cháy nổ trên tàu sân bay USS Forrestal, vào lúc 10 giờ 50 phút ngày 29/7/1967, khi đang chuẩn bị cho đợt không kích thứ hai từ tàu sân bay USS Forrestal vào miền Bắc Việt Nam, một chuyên viên kỹ thuật vũ khí do bất cẩn đã gây chập điện tên lửa MK-32 Zunis vừa được lắp đặt ở cánh một chiến đấu cơ phản lực F-4 Phantom II đã kích hoạt bộ phận khai hỏa của tên lửa này.

Lập tức quả tên lửa phóng thẳng vào bình chứa nhiên liệu của một chiến đấu cơ A-4 Skyhawk chuẩn bị cất cánh khiến chiếc máy bay mang đầy bom này nổ tung. Vụ nổ làm lan sang chiếc A-4 Skyhawk bên cạnh, cũng đang chuẩn bị cất cánh.

Chiếc máy bay này do Đại úy John McCain (người sau này trở thành nghị sĩ Quốc hội Mỹ và là ứng viên tranh cử chức vụ tổng thống Mỹ vào tháng 11/2008) điều khiển. May thay McCain kịp thời thoát khỏi buồng lái. Tuy nhiên, bom và nhiên liệu của chiếc A-4 Skyhawk khi phát nổ đã lây lan sang nhiều máy bay khác và biến thành một vụ nổ dây chuyền khủng khiếp.

Mảnh vỡ máy bay và xác người nằm la liệt khắp nơi. Sức nổ của nhiều quả bom loại 450kg đã làm biến dạng gần như toàn bộ sàn của chiếc USS Forrestal. Tàu hộ tống USS Paul Streetman cố gắng tiếp cận tàu sân bay USS Forrestal để phun nước dập lửa và đến 16 giờ vụ cháy nổ mới được khống chế.

Hậu quả là đã có 128 thủy thủ và 6 phi công bị thiệt mạng, 161 người khác bị thương trong đó có 61 người bị thương nặng, 20 máy bay chiến đấu phản lực loại A-4 Skyhawk và F-4 Phantom II cùng một máy bay do thám RA-5 Vigilantes bị phá hủy.

Vụ cháy nổ trên tàu sân bay USS Forrestal được ghi hình từ tàu hộ tống USS Paul Streetman.

Nhận được cấp báo từ tàu sân bay USS Forrestal, tàu quân y USS Repose rời ngay quân cảng Cubi ở Philippines đến Vịnh Bắc Bộ để làm công tác cứu hộ. Phải đến hơn 20h công tác cứu hộ mới hoàn thành. Sau đó chiếc USS Forrestal được chiến hạm USS Henry Tucker kéo về quân cảng Cubi và đến ngày 12/9/1967 quay về Mỹ.

Tuy nhiên, kết luận điều tra của Bộ Quốc phòng không nhận được sự đồng thuận của nhiều tổ chức điều tra độc lập, các chuyên viên kỹ thuật vũ khí và cả gia đình các quân nhân bị thiệt mạng trong vụ tai nạn. Tạp chí Weapon System Explosives Safety Review Board đã bác bỏ luận cứ của Ủy ban điều tra đặc biệt của Bộ Quốc phòng khi cho rằng, nguyên nhân vụ cháy nổ là sự cố chập điện ở bộ phận khai hỏa của tên lửa Zunis.

Tạp chí này cho rằng tên lửa không - địa Zunis đã được cải tiến rất nhiều và được thiết kế thêm một hệ thống an toàn để ngăn ngừa tên lửa không khai hỏa nếu bị chập điện. Tạp chí này còn dẫn chứng kết quả thử nghiệm đối với 10 tên lửa Zunis trong nhiều tình huống khác nhau, nhưng không có tên lửa nào tự động khai hỏa khi bị chập điện.

Một tiết lộ khác cũng liên quan đến vụ cháy nổ là việc Đại úy John McCain khi cố thoát ra khỏi buồng lái chiếc máy bay đã vô tình làm khai hỏa hai tên lửa Zunis khác đã được lắp đặt dưới cánh máy bay của mình. Chính hai tên lửa Zunis này đã phóng thẳng vào một xe kéo chở đầy bom khiến bom phát nổ lan sang nhiều máy bay khác. Chi tiết này không biết vì sao lại không được đưa vào kết luận điều tra.

Vào năm 1997, nhân 30 năm sự kiện cháy nổ kinh hoàng trên tàu sân bay USS Forrestal, Gerald Farrier, sĩ quan chỉ huy lực lượng cứu hộ trên tàu sân bay USS Forrestal vào thời điểm xảy ra vụ cháy nổ đã tiết lộ trong cuốn sách của mình có nhan đề “Trial by Fire: A Carrier Burns” rằng vụ cháy nổ trên tàu sân bay USS Forrestal là do phá hoại.

Hiện trường vụ cháy nổ trên tàu sân bay USS Forrestal.

Theo Farrier, 4 tuần trước khi xảy ra vụ cháy nổ, đã xảy ra một vụ xung đột giữa các thủy thủ người da đen và thủy thủ người da trắng. Những thủy thủ người da đen phần có tư tưởng phản chiến muốn quay về lại Mỹ, phần luôn bị miệt thị và phân biệt đối xử bởi các thủy thủ người da trắng đã gây ra xung đột khiến nhiều người bị thương.

Hạm đội trưởng Robert Baldwin không tổ chức điều tra rõ vụ việc mà lại vội vàng ra lệnh tống giam các thủy thủ người da đen tham gia vụ xung đột. Việc làm này đã gây bất mãn cho nhiều thủy thủ người da đen. Và sau khi được trả tự do, một người trong số họ, là chuyên viên kỹ thuật vũ khí, quyết định ra tay.

Trưa ngày 29/7/1967, khi đang làm nhiệm vụ lắp đặt 4 tên lửa Zunis vào cánh một chiến đấu cơ phản lực F-4 Phantom II, người này đã dùng nguồn điện để khai hỏa một hỏa tiễn Zunis phóng thẳng vào một chiếc A-4 Skyhawk đang chuẩn bị cất cánh khơi mào cho vụ cháy nổ kinh hoàng. Vụ xung đột trên tàu sân bay USS Forrestal không được báo cáo cho Bộ Tư lệnh Hải quân Thái Bình Dương của Mỹ.

Tiết lộ của Farrier một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều người cho rằng, Tổng thống Bill Clinton nên cho tổ chức điều tra để làm sáng tỏ sự thật về vụ cháy nổ kinh hoàng trên tàu sân bay USS Forrestal vào năm 1967.

Tuy nhiên, Tổng thống Clinton đã bác bỏ yêu cầu tái điều tra. Vì vậy cho đến nay nguyên nhân vụ cháy nổ của tàu sân bay USS Forrestal vẫn còn là một bí ẩn

Hoàng Phú (theo Times Online Archives)
.
.