"Vụ đường dây có 5 phụ nữ buôn ma túy": Đau lòng con “tuyên án” tử cho mẹ

Thứ Sáu, 09/08/2013, 11:15

Nơi quê nhà, nhiều người trạc tuổi mình đã có sui gia, có cháu, sống hạnh phúc, ấm êm với chồng con nhưng buồn làm sao, bà Hiền không có được cái diễm phúc ấy. Ở nơi mà những kẻ cướp của, giết người, buôn người… đối mặt với cái giá phải trả sau phán quyết của tòa, còn đang quay quắt nghĩ đến cái cảnh con trai nhiều nguy cơ phải ngồi tù hơn chục năm, bà Hiền chết lặng khi biết được hung tin đứa con gái hoang đàng, người tình của con trai duy nhất của bà cùng bị bắt trong phi vụ mua bán ma túy hơn 1 năm trước là Lê Thị Lan đã chết trong trại giam vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Từ quê nghèo ở tận Kiên Giang đến tòa dự khán, bà Hiền chỉ mong mỏi, khấn cầu một điều duy nhất, mong con sẽ khai báo thành khẩn để được tòa giảm án mà sớm trở về với bà. Nhưng nay trước hung tin người tình của con chết trong trại giam vì tử thần HIV/AIDS "vỗ vai", bà Hiền giờ đây chỉ có một niềm khắc khoải, mong rằng điều bà đang lo sợ, đang nghĩ đến sẽ không trở thành hiện thực.

Dưới hàng ghế dự khán, tiếng người lao xao. Người ta đồ rằng, bị cáo tên Tiếp sống như vợ chồng với nữ quái hêrôin Lê Thị Lan nên nếu Lan chết vì căn bệnh thế kỷ thì Tiếp khó mà… nạn khỏi tai qua. Bà Hiền nghe người ta râm ran như thế về tương lai tăm tối của con mà chết lặng.

1. Giữa tháng 7, Sài Gòn đang bước vào cao điểm của mùa mưa. Cả tuần qua và hôm nay vẫn thế, đầu giờ sáng lẽ ra phải trời quang mây tạnh thì mây đen vần vũ, hết mưa lại gió ùa về khiến không gian chốn tòa buồn tênh, buồn như nỗi lòng của bà Hiền, người mẹ đang khổ sầu, đớn đau khi nghĩ đến cơn ác mộng con bị hung thần HIV tuyên án tử.  

Mới 46 tuổi nhưng bà Hiền trông như người ở tuổi 60. Như bao người mẹ ở những vùng thôn quê nghèo khó có con phạm tội bị giải ra tòa để nhận án, bà Hiền đến cái nơi chẳng người mẹ nào muốn đến mà lòng trĩu nặng buồn lo, hớt hải đuổi theo đứa con có khuôn mặt sáng vừa được giải xuống từ xe đặc chủng vào phòng xử với nước mắt lưng tròng và tiếng gọi yếu ớt: "Tiếp ơi, con khỏe không?".

Bị can Nguyễn Văn Tiếp, 24 tuổi, ngụ xã An Ninh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, con trai bà Hiền. Chưa đến giờ xử, chỉ ngồi cách con chưa đầy 2m mà bà Hiền cảm giác cái khoảng cách ấy chừng như quá xa. Nhìn con cúi đầu với đôi tay đan chéo trong còng số 8, thi thoảng ngoái đầu nhìn mẹ rồi thở dài, bà Hiền muốn lao đến ôm chặt con cho thỏa nỗi nhớ thương. Nhưng trước khuôn mặt nghiêm nghị của các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ dẫn giải, bà đành phải kìm nén. Con trai bà có tội, nó gieo rắc tội ác và sự chết chóc cho nhiều người, trong đó có người tình của nó trong khoảng thời gian dài, chẳng ai nói ra nhưng bà Hiền biết, bà không thể đối với nó như một công dân tự do được!

Võ Văn Tiếp (bìa phải) và bà Hiền - người mẹ đáng thương lặn lội từ Kiên Giang lên thăm đứa con lầm lạc.

Xã An Ninh Bắc, huyện U Minh Thượng, theo tâm tình của bà Hiền cách TP HCM rất xa, những hơn 300km. U Minh là quê hương của rừng tràm trải ngút ngàn tầm mắt, là nơi mà khi nhắc đến, người ta sẽ liên tưởng đến cái cảnh muỗi bay như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh, rắn rùa thì nhiều đến vô ngần… nhưng cái nghèo của những nông dân như vợ chồng bà Hiền và biết bao người khác thì cũng mênh mang như những cánh rừng bất tận. Chính cái nghèo, cái khổ đã đẩy Võ Văn Tiếp, đứa con trai duy nhất của bà Hiền rời U Minh lên TP HCM tìm kế sinh nhai: "Vợ chồng tôi có 2 đứa con, chị nó sinh năm 1986, từ nhỏ trí não đã không bình thường, nên bao hy vọng, vợ chồng tôi dồn cho nó".

Bà Hiền rấm rứt kể, năm học lớp 11, thương cha mẹ và thương chị cùng quẫn quá nên Tiếp bỏ học, Tiếp lên phố kiếm việc làm để đỡ đần mẹ cha. Con trai người ta lêu lổng, sống vô ưu, thậm chí vô trách nhiệm, đằng này con mình biết lo, biết nghĩ như thế nên vợ chồng bà Hiền rất đỗi vui mừng. Vậy nên, ngày nào cũng vậy, trong căn nhà nhỏ tồi tàn ở miệt rừng sâu, bà Hiền luôn khấn cầu trời Phật đoái thương gia đình bà, phù hộ cho thằng Tiếp con bà gặp nhiều may mắn, cho việc làm của nó luôn được hanh thông, cho đời nó bớt khổ… "Ai ngờ…".

2. Bao lần trò chuyện về con đường sa ngã của những đứa con rời quê lên phố tìm kế sinh nhai và phạm tội là bấy nhiêu lần tôi gặp những người mẹ nước mắt lưng tròng tạm khép lại nỗi đau với đoạn kết "ai ngờ…" ấy. Bỏ quê lên phố nuôi hy vọng đổi đời, nhiều, rất nhiều chàng trai, cô gái như thằng Tiếp con bà Hiền thừa nhiệt huyết, lắm quyết tâm nhưng vì thiếu kỹ năng sinh tồn ở chốn phồn hoa đô hội lắm cám dỗ và nhiều cạm bẫy chết người nên Tiếp đã sa chân vào tệ nạn, đặc biệt là tệ nạn ma túy. Ở Sài thành, những ông trùm, bà trùm lớn nhỏ nhiều lắm, lúc nào cũng vươn vòi bạch tuộc dẫn dụ, lôi kéo những người thành phố gốc nông thôn vừa chân ướt chân ráo đến phố lớn mưu sinh… vào canh bạc bột trắng chết người bằng những hứa hẹn đường mật và sự phóng khoáng... cho hút ma túy miễn phí.

Thằng Tiếp con bà Hiền không nằm ngoài quy luật ấy. Bà Hiền khẽ thở dài nói bà chẳng biết con bà sa đà vào cái chất gây nghiện chết chóc mà người đời gọi là "cơn say ma" kia từ lúc nào. Chỉ biết rằng đầu năm 2011, đang yên lành, vợ chồng bà điếng người, mắt sầm tối, cơ thể tưởng như bị ngàn vạn vết dao đâm khi hay tin con bị công an bắt vì tội buôn bán, hút chích ma túy.

Tiếp ngoái đầu cầu xin mẹ tha tội… bất hiếu.

Vào chiều ngày 9/1/2012, tại phòng trọ số 2, nhà không số ở ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Tiếp và người tình mà nó sống như vợ chồng là Lê Thị Lan bị Công an huyện Bình Chánh bắt quả tang vì có hành vi cất giữ trái phép chất ma túy gồm 3 gói ni lông chứa chất bột màu trắng, qua giám định là chế phẩm hêrôin cân nặng 3,6224 gram.

Quá trình điều tra cho thấy "vợ chồng" Tiếp, Lan bị bắt từ lời khai của những đối tượng trong đường dây bị bắt trước đó như Nguyễn Công An cầm đầu với 5 bóng hồng tham gia, trong đó có Lan… An là người nghiện ma túy, thường mua hàng trắng của một phụ nữ tên Phú (không rõ họ tên, địa chỉ) bán lại cho con nghiện để kiếm lời.

Cuối năm 2011, An quen biết với Tiếp khi ấy cũng là con nghiện hêrôin nên bàn với Tiếp sẽ giao hêrôin cho Tiếp tìm mối bán cho con nghiện với tiền công 300.000 đồng mỗi ngày. Đang lúc vã thuốc, nay được "ân nhân" có lời mời hậu hĩnh, vừa được thuốc phê, vừa có tiền xài nên Tiếp không bỏ lỡ cơ hội...

Căn cứ theo diễn biến vụ việc thì năm 21 tuổi, sau gần 3 năm vì chán cảnh nghèo mà bỏ dở việc học lên phố kiếm cơ hội đổi đời, Nguyễn Văn Tiếp đã là con nghiện có thứ hạng. Bà Hiền tối sầm mặt mũi khi hay tin con trai bà lún sâu vào đường dây mua bán ma túy do Nguyễn Công An cầm đầu lúc vị đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng truy tố hành vi phạm tội của con. Nhất là cái đoạn lúc đầu Tiếp thường mua ma túy của An sử dụng, sau đó tình nguyện trở thành mắt xích phân phối hàng trắng cho An và thuê nhà sống chung như vợ chồng với Lê Thị Lan cũng là đối tượng nghiện ma túy.

Từ cuối tháng 10/011 đến thời điểm bị bắt, cơ quan điều tra xác định Tiếp có 4 lần nhận hêrôin của Nguyễn Công An, mỗi lần 2,5 chỉ với tổng trọng lượng 37,5gr và đã bán hết 33,8776 gr. Mỗi lần nhận hàng như thế, Tiếp chở "vợ" đi giao và nhận tiền. Trong số những khách hàng thường xuyên của "vợ chồng" Tiếp, Lan, có nhiều nữ quái lầm lạc…

Theo như diễn biến tại phiên tòa, đến lúc này bà Hiền vẫn chưa biết thằng Tiếp con bà có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS. Mãi đến khi vị đại diện Viện Kiểm sát đọc phần lý lịch bị can, bà Hiền mới biết hung tin rằng, Lê Thị Lan, người mà thằng Tiếp con bà sống chung như vợ chồng đã chết trong quá trình bị tạm giam. Lan nhỏ hơn Tiếp 1 tuổi, người huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, có chồng là Nguyễn Thuận H., sinh năm 1986 và có một con gái sinh năm 2006. Có một tổ ấm nhưng vì nghiện ma túy, Lan đã hủy hoại cả thảy, rời bỏ chồng con, bà mẹ lầm lạc này sống với Tiếp - con trai của bà Hiền như vợ chồng, hai đứa cùng nhau buôn bán hêrôin, cùng nhau hút chích…  

3. Khó có thể diễn tả được nỗi buồn đau của bà Hiền khi đón nhận hung tin ấy, cái hung tin khủng khiếp về đứa con trai mà vợ chồng bà đặt biết bao kỳ vọng nghiện ma túy, có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS, như muốn giết chết bà. Hồi Tiếp vừa bị bắt, trong tâm khảm người mẹ, bà Hiền vẫn đinh ninh rằng người ta bắt lầm con bà, rằng con bà bị oan. Nhưng hôm nay, khi Tiếp bị giải ra chốn tụng đình để tòa mổ xẻ và kết án vì hành vi mua bán trái phép chất ma túy, bà Hiền mới tin điều bà không mong đợi là sự thật. Và càng khủng khiếp hơn khi tại phiên tòa này, bà nghe người ta râm ran rằng nhiều khả năng, con trai bà đã dính phải căn bệnh thế kỷ.

"Nếu nó không va vướng vào ma túy, nếu nó sống đàng hoàng, lương thiện thì có đâu bi kịch của ngày hôm nay. Bản thân nó tù tội đã đành, tội nghiệp mẹ nó, có đứa con duy nhất mà nay nó bị vầy mới đau. Chắc chắn từ giờ đến lúc chết, chắc bà sống khắc khoải, sống trong nỗi ám ảnh con vì bị căn bệnh thế kỷ gặm nhấm sẽ chết dần chết mòn, khi trút hơi thở cuối cùng sẽ chỉ còn da bọc xương, lở loét…".

"May mắn" cho bà Hiền, lúc chờ HĐXX vào nghị án, bà ra ngoài để được nhẹ lòng hơn nên không nghe những lời xầm xì ấy. Nhưng Võ Văn Tiếp thì lại khác. Có thể gã trai lầm đường lạc lối này nghe không sót từng câu từng chữ. Nhưng chẳng biết lúc này trong gã có cảm xúc, có quặn thắt gì với nỗi đau quá lớn của mẹ? Liệu Tiếp có thấy mình đáng tội chết khi đã không giữ mình được thanh sạch như bao người và như kỳ vọng của cha mẹ, nhất là khi lỡ lầm chẳng có cơ hội sửa sai ấy của gã đã vô tình "tuyên án tử" cho người mẹ tội nghiệp.

Tòa tuyên Tiếp bản án 14 năm tù, bà Hiền như không tin vào tai mình. Trời ơi, nếu đúng là thằng Tiếp con bà dính phải căn bệnh thế kỷ, thì với ngần ấy năm ngồi tù, liệu nó có còn sống để về với vợ chồng bà và người chị bị tâm thần đang rất cần bờ vai để nương tựa. Hay một ngày nào đó, một ngày như một ngày đầu năm của hai năm trước, bà Hiền sẽ nhận được hung tin không mong đợi, hung tin còn khủng khiếp hơn hung tin lần trước rằng thằng Tiếp con bà đã… Trong tâm trạng và nỗi âu lo bấn loạn ấy, bà Hiền đổ khuỵu, tay bà lại nắm chặt, mắt nhắm nghiền, toàn thân run bần bật.

Lúc các chiến sĩ công an đưa bị cáo Võ Văn Tiếp lên xe đặc chủng về lại trại giam, lúc đứa con sa lầy "tuyên án tử" cho người mẹ tội nghiệp cố ngoái đầu nhìn vừa khóc vừa nói: "Má ơi má tha tội cho con", bà Hiền, thổn thức: "Con hại chết má rồi Tiếp ơi!"

T.Phúc Trinh
.
.