Vụ giết người từ va chạm giao thông: Bi kịch của những người ở lại

Thứ Sáu, 13/05/2011, 20:00

Chỉ vì va chạm rất nhỏ trong khi tham gia giao thông, hai cha con Đỗ Lê Tại, Đỗ Lê Trọng ở  xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội đã có hành vi hết sức côn đồ, đuổi theo gây sự rồi tấn công, sát hại anh Phạm Văn Tài, người cùng xã, khi anh này đang chở vợ và con nhỏ. Hành vi của hai bị cáo không chỉ gây tang thương cho gia đình nạn nhân, mà còn đẩy gia đình của chính bản thân họ vào bi kịch...

1. Trong những vụ gây án từ va chạm giao thông từng xảy ra trên địa bàn Hà Nội, vụ án hai cha con Đỗ Lê Tại, Đỗ Lê Trọng giết người khiến dư luận nhân dân Thủ đô và cả nước hết sức bất bình và lo ngại bởi hành vi đặc biệt côn đồ, nguy hiểm của các đối tượng gây ra. Chính vì vậy, phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra ngày 26/4 đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân. Phòng xử án chật kín. Ngoài thân nhân của người bị hại, rất nhiều người dân ở xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, nơi xảy ra vụ án cũng đến tham dự để chờ đợi một bản án nghiêm khắc đối với 2 bị cáo. Và cũng hiếm khi Tòa án nhân dân TP Hà Nội  xét xử một vụ án hết sức đau lòng khi cùng lúc cả hai cha con phải đứng trước vành móng ngựa.

Vụ án xảy ra vào khoảng 20h30’ ngày 28/11/2010. Sau khi ăn cơm xong ở nhà anh Bùi Văn Quân tại Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội, Đỗ Lê Trọng (SN 1986) đi xe máy Dream chở bố là Đỗ Lê Tại (SN 1962) về nhà tại thôn Hòa Lương, xã Hà Hồi. Khi đến đoạn cầu vượt Khê Hồi, xã Hà Hồi, do xe máy của hai bố con Trọng "đánh võng" trên đường nên anh Phạm Văn Tài (SN 1977) đi xe máy chở vợ là chị Nguyễn Tuyết Nhung (SN 1977) và con trai là Phạm Huy Minh (SN 2004) đi phía sau cùng chiều với Trọng liền vượt lên. Khi ngang qua xe Trọng, anh Tài nói: "Đi như chúng mày thì đâm đầu vào ôtô chết đi"! Sau đó anh Tài rẽ phải đi vào thôn Khê Hồi, bố con Trọng cũng rẽ trái vào thôn Hòa Lương.

Nhưng sự việc không dừng ở đó. Mặc dù Trọng đã đi được khoảng 30 mét nhưng người cha "hiếu chiến" trong lòng ấm ức vì lời nói của anh Tài, đã giật áo bắt con trai quay lại, đuổi theo để "xem con cái nhà ai mà ăn nói láo vậy!". Không can ngăn cha, Trọng "tuân lệnh" quay đầu xe, tăng ga đuổi theo hướng mà anh Tài vừa rẽ. Chỉ vài phút, Trọng đã đuổi kịp và ép xe, buộc anh Tài phải dừng lại ven đường.

Đỗ Lê Tại nhảy xuống, lại gần quát: "Mày không biết tao là ai à? Sao mày dám chửi tao?" rồi xông vào tát anh Tài. Anh Tài chống đỡ khiến hai bên giằng co. Vừa đánh anh Tài, Tại vừa hô: "Đánh chết mẹ nó đi!". Lập tức, Trọng xông vào hỗ trợ bố, đấm đá anh Tài. Trong lúc xô xát, Trọng rút trong túi áo một con dao bấm đâm liên tiếp nhiều nhát vào ngực, bụng anh Tài.

Trước tình thế trên, chị Nhung hô hoán, kêu cứu. Một số người ở gần đó chạy ra can ngăn. Anh Tài bỏ chạy vào nhà chị Lê Thị Hà và gục ngã trên giường. Không buông tha nạn nhân, Đỗ Lê Trọng đuổi theo, xông vào nhà chị Hà, tiếp tục dùng dao tấn công nạn nhân. Bị nhiều vết thương nên đuối sức, anh Tài bị Trọng đè xuống giường, dùng dao đâm liên tiếp vào đầu, ngực, bụng. Thấy anh Tài bất động hẳn, Trọng mới buông tay và chạy ra ngoài.

Anh Tài được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng do bị đâm nhiều nhát vào những chỗ nguy hiểm nên  đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Hai bố con Đỗ Lê Tại, Đỗ Lê Trọng đã bị Công an huyện Thường Tín bắt giữ ngay sau đó.

Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hồ sơ vụ án đã được chuyển tới Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội. Hành vi của các đối tượng bị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố theo điểm n khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự (tội danh giết người, có tính chất côn đồ) với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Tại phiên tòa, luật sư Đinh Duy Hải, người nhận bào chữa cho hai bị cáo cũng khó có thể đưa ra lời nào "vớt vát" lại cho hành vi côn đồ của Đỗ Lê Tại và Đỗ Lê Trọng, ngoài việc đề nghị tòa xem xét thân nhân tốt của hai bị cáo này. Là trụ cột của gia đình, chỗ dựa tinh thần cho cả nhà nhưng Đỗ Lê Tại đã không thể hiện được vai trò của một người cha gương mẫu để con cái noi theo. Trong phút chốc không kiềm chế được bản thân, Đỗ Lê Tại đã đẩy đứa con trai duy nhất của mình vào con đường phạm tội với mức án mà đường về còn xa lắm, gian nan lắm.

Trước tòa, Đỗ Lê Tại một mực đổ lỗi cho rượu, vì say rượu nên đã không kiềm chế được bản thân. Nhưng lý do này đã bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo rằng, khi tham gia giao thông mà uống rượu, bia thì tội sẽ càng nặng hơn. Đỗ Lê Trọng cũng nêu ra một loạt thành tích mà anh ta đã đạt được, như tốt nghiệp loại giỏi, đoàn viên xuất sắc, tích cực tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo. Vị hội thẩm nhân dân liền hỏi: "Trong thời gian học tập, bị cáo có được giáo dục đạo đức cứu người của ngành y không?". Trọng đáp ngay: "Có ạ". "Vậy tại sao bị cáo lại thực hiện hành vi đến cùng, tước đoạt sinh mạng của anh Tài. Điều này có đúng với y đức nghề nghiệp mà bị cáo đang làm không" - vị hội thẩm nhân dân hỏi tiếp. Trọng im lặng, cúi đầu.

Là “đoàn viên xuất sắc”, từng tham gia hiến máu nhân đạo, thay vì cứu người bị nạn, Trọng đã điên cuồng sát hại, ngay cả khi nạn nhân đã mất hết khả năng chống cự. Hành vi này khiến mọi người kinh sợ và không thể tha thứ... Kết thúc phiên tòa, Đỗ Lê Trọng bị tuyên phạt mức án chung thân, Đỗ Lê Tại bị tuyên phạt 20 năm tù. Việc Đỗ Lê Trọng "thoát" án tử hình khiến gia đình bị hại không đồng tình với mức án này. Cho dù mức án sau này có thay đổi hay không, nhưng đó là cái giá quá đắt đối với một thanh niên đang phơi phới tuổi xuân như Đỗ Lê Trọng.

2. Trước khi diễn ra phiên xét xử sơ thẩm, phiên tòa đã phải hoãn tới 3 lần với những lý do như đại diện người bị hại không nhận được giấy mời, các bị cáo yêu cầu được thay luật sư... 3 lần hoãn không được báo trước, đồng nghĩa với việc thân nhân của người bị hại ra về trong bức xúc, bởi phần lớn họ là nông dân, đã bỏ tất cả công việc đồng áng, không quản đường sá xa xôi để đến dự phiên tòa.

Cháu Phạm Huy Minh, 7 tuổi, con của nạn nhân, cũng liên tục nghỉ học để theo mẹ đến tòa. Hình ảnh một cháu trai với đôi mắt to, sáng, khuôn mặt lanh lợi, mặc bộ đồng phục học sinh lớp 1 ôm di ảnh của cha trước cổng Tòa án nhân dân TP Hà Nội khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau, lúc đói, cháu hồn nhiên đòi ăn bim bim, uống sữa. Ai hỏi về bố, cháu lắc đầu, bảo bố đang đi công tác xa chưa về rồi nép vào phía sau người lớn.

Hành vi côn đồ của hai bố con Tại và Trọng đã khiến cháu Phạm Huy Minh côi cút.

Bà Nguyễn Thị Ngôn (mẹ chị Đỗ Thị Tuyết Nhung, vợ của nạn nhân Phạm Văn Tài) nghẹn ngào: “Nhìn cháu vô tư mà tôi đứt từng khúc ruột. Hôm đưa tang, thằng bé thì thầm: "Bà để yên cho bố cháu ngủ". Có hôm, nửa đêm cháu vùng dậy hét: "Để cháu đi cứu bố". Con trẻ càng hồn nhiên bao nhiêu, thì người lớn lại quặn lòng bấy nhiêu. Gia đình bà Ngôn hiện ở Sơn Tây nhưng từ ngày con rể mất, thương con gái sớm lâm cảnh mẹ góa con côi, hai ông bà tóc bạc vẫn ngày ngày đi xe buýt xuống thăm, an ủi con.

Bà Đỗ Thị Tâm, mẹ anh Phạm Văn Tài cho biết, bà có 5 người con, anh Tài là con cả. Chồng mất sớm, Tài lớn nhất trong nhà nên đứng ra đỡ đần mẹ nuôi các em. Anh Tài chạy xe container Bắc - Nam, một tháng đi 4 chuyến nên thời gian ở nhà với vợ con rất ít. Vào cái ngày định mệnh 28/11/2010, tranh thủ thời gian trước khi vào Nam, anh Tài chở vợ con đến thăm họ hàng. Trên đường đưa mẹ con chị Nhung đến nhà một người dì ở cùng xã thì xảy ra va chạm với bố con Đỗ Lê Tại.

Từ ngày cha mất, anh Tài là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho mẹ già. Anh mất đi, là cú sốc lớn đối với bà và hai mẹ con chị Nhung, bởi anh Tài là lao động chính nuôi cả gia đình. Mỗi lần anh Tài lên đường vào Nam, không nói ra nhưng trong lòng bà canh cánh nỗi lo. Lái xe tải Bắc - Nam rất vất vả, vấn đề an toàn giao thông trên đường là trên hết. Con về nhà an toàn, bà mới thở phào nhẹ nhõm. Bao nhiêu năm giữ gìn tay lái, không để xảy ra sơ suất trên đường trường, vậy mà nay chỉ vì một lý do hết sức nhỏ nhặt, con trai bà lại bị hai kẻ vi phạm Luật Giao thông sát hại dã man khi đi trên con đường làng.

3. Trong khi các bị cáo chưa được dẫn giải ra trước vành móng ngựa, mọi bức xúc của thân nhân người bị hại đổ dồn vào bà Lê Thị Bính, vợ bị cáo Đỗ Văn Tại.  Thân hình nhỏ bé, rúm ró đến tội nghiệp, bà Bính cúi gằm, chốc lát lấy tay quệt nước mắt để tránh những ánh nhìn căm thù, những tiếng nhiếc móc, những bực tức dồn nén bấy lâu nay của người nhà nạn nhân.  Đi cùng bà vào dự phiên tòa, chỉ có một người chị họ. Họ chỉ dám vào dự sát giờ phiên tòa khai mạc và lặng lẽ "tháo chạy" khi phiên tòa kết thúc. Bà Bính bảo không dám đưa hai cô con gái đi theo, sợ bất trắc sẽ xảy ra do người nhà nạn nhân có thể không kiềm chế được tức giận. Rõ ràng, không chỉ gây nên cái chết oan nghiệt cho anh Phạm Văn Tài, hành vi côn đồ của chính con trai và người chồng, đang gây ra hậu quả cho chính người thân của họ.

Bà Bính sụt sịt khóc, bảo từ ngày vụ án xảy ra, bà và hai cô con gái không dám ngẩng mặt với bà con trong xã. Mặc dù trong vụ việc này, bà không liên quan nhưng bà mặc cảm và xấu hổ với mọi người. Trước đây, ngoài công việc đồng áng, bà còn túc tắc đi buôn miến, kiếm thêm đồng ra đồng vào cho gia đình. Nhưng giờ thì bà thôi hẳn, chẳng còn tâm trí đâu khi cùng một lúc, cả chồng và đứa con trai lớn duy nhất phải ngồi tù. Bà Bính bảo kỳ vọng nhất vào Đỗ Lê Trọng, đứa con lớn và cũng là con trai độc nhất. Dù vất vả nhưng bà cố gắng cho Trọng ăn học nên người. Sau khi tốt nghiệp trung cấp y, Trọng đang làm việc tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Dù Trọng chưa giúp nhiều cho gia đình nhưng là một người mẹ, bà Bính thấy tự hào khi con trưởng thành mỗi ngày. Vậy mà Trọng đã gây ra tội ác tày trời khiến bà không còn mặt mũi nào với hàng xóm láng giềng, anh em bạn bè.

Bà chấp nhận để người đời chửi rủa, xỉ vả thay cho chồng, cho con, bởi bản thân bà hiểu rằng, tội ác mà chồng con bà gây ra đối với anh Phạm Văn Tài là không thể tha thứ được. Sau khi xảy ra vụ án, bà cũng có ý định thay chồng con tới tạ lỗi với người đã khuất, nhưng trước thái độ bức xúc của gia đình bị hại, bà đã không dám đến mà chỉ xin nộp 40 triệu đồng cho tòa án để bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Hai bị cáo Đỗ Lê Tại, Đỗ Lê Trọng tại phiên tòa sơ thẩm.

4. Kết thúc phiên tòa, những người tham dự ra về với một tâm trạng trĩu nặng. Buồn vì thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội gia tăng các vụ án xuất phát từ va chạm giao thông. Bất cứ va chạm nào, dù lớn hay nhỏ, dù đúng hay sai, ít khi thấy các bên liên quan nói lời "xin lỗi" và "cảm ơn", một cách ứng xử văn hóa thông thường mà ai cũng có thể làm được. Thay vào đó hoặc là bỏ chạy; hoặc là chửi bới, lăng mạ nhau, và lao vào nhau để tự phân giải, nhẹ nhàng thì bằng chân tay, côn đồ hơn thì dùng vũ khí, thậm chí gần đây xuất hiện cả những vụ dùng súng để giải quyết mâu thuẫn. Giải quyết tại hiện trường không xong, có đối tượng còn gọi điện thoại cho người thân, bạn bè đến hỗ trợ; hoặc "ghi nhớ" đặc điểm của phía bên kia để kéo người tìm đánh, trả thù sau.

Một nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng, những vụ cố ý gây thương tích, thậm chí giết người do va chạm giao thông cho thấy thực trạng văn hóa giao thông hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng; báo động về trật tự kỷ cương, văn minh đô thị đang bị xâm phạm.  Va chạm giao thông trên đường là điều khó tránh khỏi, đặc biệt khi hệ thống giao thông ở Việt Nam chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển của các phương tiện giao thông. Nhìn ở bất cứ góc độ nào thì việc va chạm giao thông là điều nằm ngoài sự mong muốn của mỗi người. Hậu quả của việc va chạm giao thông trên đường, dù nặng hay nhẹ, đều có thể giải quyết một cách êm thấm, hợp tình, hợp lý nếu cả hai bên xử sự đúng mực

Hương Vũ
.
.