Vụ hối lộ làm rung động Canada

Thứ Tư, 14/01/2009, 13:45
Cuộc cạnh tranh và vận động hành lang giữa hai tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing nhằm cố chiếm được hợp đồng bán máy bay trị giá hàng chục tỉ USD cho Hãng Hàng không Canada (Air Canada) diễn ra quyết liệt.

Cuối cùng thì Tập đoàn Airbus đã chiến thắng khi ký được hợp đồng bán 34 máy bay vận chuyển hành khách A 320s trị giá 12 tỉ USD cho Air Canada. Tức giận vì thua cuộc, Tập đoàn Boeing thông qua một số phương tiện truyền thông ở Canada đã tố cáo nhiều quan chức Chính phủ Canada, trong đó có cả Thủ tướng đương nhiệm Brian Mulroney và Chánh văn phòng nội các Fred Doucet đã nhận hối lộ hàng triệu USD để giúp Tập đoàn Airbus giành được hợp đồng bán máy bay cho Air Canada.

Từ đó bùng nổ vụ tai tiếng đưa và nhận hối lộ làm rung động Canada từ thập niên 90 thế kỷ XX cho đến nay mà sự kiện mới nhất là việc Thủ tướng Canada Stephen Harper, vào tháng 4/2008, thông báo quyết định của Chính phủ và Quốc hội về việc thành lập một ủy ban đặc biệt để tái điều tra vụ đưa và nhận hối lộ liên quan đến Tập đoàn Airbus vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

Trước đó, vào năm 1993, sau khi trở thành Thủ tướng Canada, ông Jean Chétien, đã quyết định cho mở một cuộc điều tra về vụ hối lộ liên quan đến thương vụ bán máy bay của Tập đoàn Airbus vào năm 1989 như là hành động thực thi một trong những lời hứa mà ông cam kết với cử tri trong chương trình vận động tranh cử trước đó.

Sau gần 3 năm điều tra, lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) đã cho công bố kết luận làm rung động Canada, đó là việc cựu Thủ tướng Brian Mulroney (nhiệm kỳ 1984-1993) và Chánh văn phòng nội các Fred Doucet đã nhận hối lộ tất cả 1.050.000 USD của Tập đoàn Airbus để giúp cho tập đoàn này giành được hợp đồng bán 34 máy bay A 320s cho Air Canada.

Kết luận điều tra còn cho biết, ông Mulroney đã nhận hối lộ số tiền 500.000 USD làm 2 lần. Lần thứ nhất là 300.000 USD được chuyển từ một tài khoản mang mã hiệu BRITAN qua một ngân hàng ở Thụy Sĩ đến một ngân hàng ở thành phố New York của Mỹ.

Lần thứ hai là 200.000 USD từ một tài khoản mang mã hiệu FRANKFURT qua một ngân hàng cũng ở Thụy Sĩ đến một ngân hàng ở thành phố New York. Có điều là tuy tích cực điều tra nhưng RCMP vẫn không biết được danh tính của cá nhân hay tổ chức nào đã chuyển tiền cho ông Mulroney.

Đồng tình với kết luận điều tra của RCMP là nhận định và buộc tội của các phương tiện thông tin đại chúng ở Canada. Các tờ báo lớn như Globe and Mail, The National Post, các hãng truyền hình và phát thanh CBC, CTV đồng loạt đưa tin và cả thực hiện các phóng sự điều tra chỉ với mục đích là buộc tội ông Mulroney nhận hối lộ.

Karlheinz Schreiber, nhân vật quan trọng của vụ đưa và nhận hối lộ làm rung chuyển Canada.

Cuộc chiến pháp lý trở nên gay gắt vào các năm 1997-1998 khi ông Mulroney kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc nhận hối lộ và quay sang kiện chính phủ của Thủ tướng Chétien về tội vu khống và bôi nhọ danh dự cá nhân với yêu cầu phải bồi thường thiệt hại lên đến 50 triệu USD.

Đến năm 1999, sau nhiều lần tranh kiện, Tòa án Tối cao Canada đã phán quyết cáo buộc ông Mulroney nhận hối lộ của Tập đoàn Airbus là không có căn cứ và tuyên Chính phủ Canada phải bồi thường 2,1 triệu USD thiệt hại danh dự cho ông Mulroney.

Vụ hối lộ làm rung động Canada tưởng đâu bị chìm xuồng sau phán quyết của tòa án tối cao nhưng bỗng bùng nổ trở lại vào năm 2001 bởi vụ bắt giữ một người Canada gốc Đức tên Karlheinz Schreiber theo lệnh truy nã đặc biệt của Bộ Nội vụ Đức.

Giới buôn bán vũ khí và vận động hành lang quốc tế không lạ gì Schreiber, bởi vì y nguyên là một điệp viên của Cơ quan Tình báo Đức (BND) bị sa thải vào năm 1988, sau đó lợi dụng thời cơ sụp đổ của các quốc gia XHCN Đông Âu vào năm 1990 để buôn bán vũ khí lấy cắp từ các kho quân giới của các quốc gia này.

Trở nên giàu có, Schreiber đã hào phóng chi hàng triệu USD cho các chiến dịch tranh cử của các chính trị gia Đức, trong đó có việc chi 1,5 triệu USD gây quỹ vận động tranh cử cho đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Helmut Kohl.

Sau khi vụ việc đổ bể, Schreiber bỏ trốn đến Canada và được nhập quốc tịch Canada vào năm 1995. Vào ngày 21/2/2001, Scheiber bị Cảnh sát Canada bắt giữ theo lệnh truy nã của Bộ Nội vụ Đức tại thành phố Toronto.

Qua điều tra Schreiber, có sự phối hợp với Bộ Nội vụ Đức, ông ta thú nhận mình chính là chủ nhân của hai tài khoản mang mã hiệu

Britan và Frankfurt, từng vận động hành lang và môi giới bán máy bay của Tập đoàn Airbus cho Air Canada vào năm 1989. Đây cũng chính là người đã chuyển tiền cho ông Mulroney.

Thú nhận của Schreiber một lần nữa lại làm sống dậy và bùng nổ vụ hối lộ từng làm rung động Canada vào thập niên 90 thế kỷ XX, đến nỗi từ năm 2003 đến năm 2008, Quốc hội và Chính phủ Canada đã tổ chức nhiều phiên họp để bàn đến việc nên hay không nên tái điều tra về vụ nhận hối lộ của cựu Thủ tướng Brian Mulroney.

Cuối cùng, trước sức ép của dư luận, nhất là từ các phương tiện thông tin đại chúng, vào ngày 26/4/2008, Thủ tướng Stephen Harper thông báo về việc chính phủ và Quốc hội sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để tái điều tra vụ nhận hối lộ của ông Mulroney. Do là một nhân chứng quan trọng nên Schreiber sẽ không được dẫn độ về Đức theo như đề nghị của Bộ Nội vụ Đức mà vẫn bị giam giữ tại Canada.

Cuộc điều tra của Ủy ban đặc biệt dự kiến kéo dài trong vòng 18 tháng và nếu bị buộc tội, cựu Thủ tướng Mulroney sẽ phải lĩnh mức án 5 năm tù giam. Và đây cũng sẽ là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Canada, một cựu thủ tướng bị kết tội và phải thụ án tù giam

Văn Hòa (theo Globe and Mail)
.
.