Vũ khí mới của bọn khủng bố quốc tế

Chủ Nhật, 25/10/2009, 15:35
Thế giới đang phải đối mặt với sự phát triển ngày càng tinh vi của chủ nghĩa khủng bố. Bằng chứng là mạng lưới khủng bố Al-Qaeda vừa có thêm một vũ khí mới cho những vụ đánh bom tự sát: chất nổ đút vào cơ thể dưới dạng thuốc đút hậu môn và được kích nổ từ xa bằng điện thoại di động. Đây là loại vũ khí khó bị phát hiện, khiến cho toàn bộ ngành an ninh quốc tế bị đặt trước một thách thức lớn trong việc bảo vệ chống khủng bố tại các sân bay.

Ngày 28/8 vừa qua, Abdul Khair, kẻ khủng bố Hồi giáo đang bị truy nã, xuất hiện trong phòng khánh tiết lâu đài của Hoàng thân Mohammed bin Nayef, đặc trách chống khủng bố của Arập Xêút, đồng thời cũng là con của Bộ trưởng Nội vụ Vương quốc Arập Xêút. Đây là lúc ông Bin Nayef tiếp dân chúng nhân dịp chấm dứt mùa ăn chay Ramadan.

Abdul Khair là một trong 85 người bị lùng bắt, ra đầu thú và tới xin ông hoàng bao dung. Vừa khi được người trách nhiệm tổ chức buổi lễ dẫn vào phòng, Abdul Khair cầm điện thoại đưa lên. Một tiếng nổ kinh hoàng vang lên. Ông Mohammed bin Nayef thoát chết nhờ đứng xa, chỉ bị vài mảnh vụn bắn vào tay. Hung thủ tan xác ra đến 60 mảnh. Chính hắn đã làm nổ tung quả bom đặt... trong người.

Đây là cuộc tấn công đầu tiên nhắm trực tiếp vào một thành viên của gia đình hoàng gia kể từ khi Arập Xêút bắt đầu cuộc truy quét các phần tử có liên hệ với mạng lưới Al-Qaeda cách đây 8 năm sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ.

Hoàng thân Nayef đã tham gia vào chiến dịch chống khủng bố của Arập Xêút và được ca ngợi bởi những thành công gần đây của chính phủ trong việc trấn áp bạo lực. Hồi đầu tháng này, các nhà chức trách Arập Xêút đã tuyên bố bắt giữ 44 phần tử có liên hệ với Al-Qaeda và thu giữ nhiều thuốc nổ, vũ khí.

Arập Xêút là quê hương của thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden. 15 trong số 19 tên không tặc tham gia vụ các vụ tấn công vào Mỹ năm 2001 là công dân vương quốc này.

Ngay sau vụ đánh bom tự sát trên, một cuộc điều tra đã được Cơ quan Tình báo trung ương Pháp (DCRI) đặc trách chống khủng bố tiến hành và phúc trình tường tận. Một phiên họp khẩn cấp của đơn vị phối hợp chống khủng bố (UCLAT) tại Paris đặt dưới quyền Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia cũng đã diễn ra.

Abul Khair đã không đeo chất nổ ở thắt lưng, một chuyện bình thường của những kẻ đánh bom tự sát trước đây. Đây là lần đầu tiên, theo sự lưu ý của những nhà phân tích tình báo, kẻ khủng bố đã đặt chất nổ trong cơ thể. Một chất nổ đầy đủ bộ phận đã đưa vào trong người.

Và như vậy, máy móc kiểm soát an ninh hiện nay không thể phát hiện. Kẻ đánh bom khủng bố này dùng điện thoại đi động để kích nổ quả bom, một điều mà người canh cửa không biết để tịch thu điện thoại từ tay hung thủ.

Với cách mới này, theo DCRI và UCLAT, tất cả những gì đã đặt ra cho tới nay để kiểm soát và ngăn cản những vụ khủng bố trên máy bay, những nơi đông người, có thể trở thành vô hiệu.

Các sân bay, nhà ga, cơ sở quan trọng hiện nay được trang bị những cửa và máy để tìm ra những chất kim loại trong người. Mới đây là những chất nước, chất nhờn cũng bị cấm không được đem lên máy bay. Trong trường hợp của Abdul Khair chỉ thấy được qua màn hình X-quang như từng làm đối với trường hợp những người bị tình nghi giấu bạch phiến trong người.

Trong một ghi chú được chuyển đến Bộ trưởng Nội vụ Pháp Brice Hortefeux cách đây vài ngày, các chuyên gia chống khủng bố đã báo động về cách làm mới của Al- Qaeda. Đối với DCRI và UCLAT, đây là một thách thức mới cho toàn bộ cơ cấu phòng ngừa và chống khủng bố, bắt đầu bằng việc kiểm soát hành khách ở các sân bay.

Việc sử dụng phương tiện này chẳng những rất tốn kém mà lại còn đặt ra những vấn đề về y tế do phóng xạ của tia X, chưa kể việc kiểm soát khối lượng lớn hành khách di chuyển là điều không thể nào hoàn hảo.

Vậy thì làm thế nào tìm ra chất nổ để ngăn cản đừng cho nổ: điện thoại cầm tay đã phát ra luồng điện. Cấm không cho đem điện thoại cầm tay hay từ đây, phải nộp điện thoại cầm tay cho tiếp viên trước khi lên máy bay, và nhận lại khi tới nơi? Tuy nhiên, các cách làm này tỏ ra không hiệu quả khi kẻ đánh bom là một quả bom di động và việc phát sóng kích nổ do người khác giữ.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã dứt khoát rằng: "Kiểm soát hành khách ngay từ gốc, nghĩa là trước khi ra đi, như người Mỹ đã làm. Các hãng máy bay chở du khách tới Pháp rồi đây sẽ phải nộp cho Cơ quan An ninh Pháp lý lịch, nơi ở và nơi tới của hành khách. Các nước láng giềng của Pháp cũng đã nghĩ tới chuyện này. Anh và Tây Ban Nha đã đồng ý. Chỉ có nước Đức đang do dự.

Ông Brice Hortefeux sẽ đặt vấn đề này năm tới khi Tây Ban Nha là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu 6 tháng đầu năm 2010. Không biết có trễ quá hay không: từ đây đến đó là những ngày lễ cuối năm, thời điểm các lực lượng khủng bố tăng gia hoạt động.

Theo tờ Le Figaro (5/10), có tới 60,8 triệu hành khách đã đi qua những cửa kiểm soát an ninh trước khi lên máy bay. Kiểm soát số người như vậy bằng X-quang là điều không thể thực hiện được.

Qua vụ đánh bom tự sát trên, lực lượng khủng bố quốc tế mặc dù không đạt được mục tiêu gần (giết Hoàng thân Mohammed bin Nayef) nhưng đã đạt được mục tiêu xa: gây rối loạn cho cả thế giới trước mối đe dọa thường trực

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.