Vụ lừa đảo bán đất dự án Thanh Hà: Hàng trăm tỉ đồng chui vào đâu?

Thứ Sáu, 17/09/2010, 12:20
Sau hơn 4 tháng khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, ngày 7/9 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố các bị can: Chủ tịch HĐQT Lê Hòa Bình, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Cường và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Kim Thoa về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Bình, Thoa bị bắt tạm giam 4 tháng.

Cho tới lúc này, ngoài hơn 400 nhà đầu tư xin rút vốn đang hy vọng sẽ lấy lại được nốt 35% số tiền còn lại, vẫn còn có hơn 100 người chỉ vì tin lời hứa hão mà chưa lấy được đồng nào. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là số tiền hàng trăm tỉ ấy hiện đang ở đâu?

Trắng tay vì tin lời hứa hão

Còn nhớ tại cuộc họp khách hàng do Công ty 1/5 tổ chức chiều ngày 22/4, tức là một ngày sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", nhưng ông Lê Hòa Bình vẫn rất hùng hồn trấn an những khách hàng mua đất tại dự án Thanh Hà A - Cienco-5 rằng, có thể "yên tâm" theo dự án đến cùng vì "ông Thân Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Cienco-5 Land vẫn thống nhất với Công ty 1/5 được thực hiện quyền ưu tiên vào biệt thự Thanh Hà A. Khách hàng có nhu cầu đầu tư tiếp vào khu đô thị này thì Công ty 1/5 vẫn đáp ứng tất cả các điều kiện thể hiện trên hợp đồng giao vốn đã ký kết và lập danh sách khách hàng gửi vào Cienco-5 để thực hiện hợp đồng.

Đồng thời Công ty 1/5 sẽ chuyển số tiền góp vốn cho Cienco-5 Land. Nếu khách hàng không có nhu cầu đầu tư thì Công ty 1/5 sẽ trả tiền lại vốn cho khách hàng qua tài khoản của công ty tại các ngân hàng là SHB và ViettinBank". Còn bà Nguyễn Thị Kim Thoa cũng rất mạnh mồm khẳng định "sẽ tiến hành trả lại vốn đầu tư cho những nhà đầu tư nào không còn muốn đi chung một con đường với chúng tôi".

Chính vì lời khẳng định chắc như đinh đóng cột này mà sau đó hơn 100 người đã quyết định không rút tiền và chấp nhận "đi chung một con đường" với Công ty 1/5. Không những thế, có người khi thấy nhà báo chụp ảnh thì quay ra... chửi nhà báo là "bọn chọc gậy bánh xe" vào công việc làm ăn của họ bởi nếu các báo không đưa tin thì có thể họ đã có đất rồi.

Nhưng, kết quả sau 4 tháng sống trong hy vọng ấy là đất chẳng thấy mà tiền cũng không về.

Không những thế, trong suốt thời gian 4 tháng sau khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, dù được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nhưng lãnh đạo Công ty 1/5 vẫn cứ quen mồm hứa hão. Theo bản cam kết, để khắc phục hậu quả, Công ty 1/5 đã tiến hành trả lại tiền cho những khách hàng có nhu cầu rút tiền. Trong đó, Công ty 1/5 sẽ thanh toán làm 2 đợt. Đợt 1, công ty sẽ trả 65% tổng số tiền khách hàng đã nộp; đợt 2, sẽ thanh toán nốt 35% số tiền còn lại. Tuy nhiên, ngoài 392 tỉ đồng trả cho khách hàng đợt 1, đây là tiền mà Cơ quan Công an đã kịp phong tỏa tài khoản tại 2 ngân hàng, còn lại gần  200 tỉ của đợt 2 sau rất nhiều lần hứa cuối cùng đã không có khách hàng nào được nhận tiền.

Một tuần trước khi Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Bình, Thoa, chúng tôi đã gặp hàng chục nạn nhân của Công ty 1/5 khi họ tụ tập trước trụ sở Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm ở 40 Hàng Bài để gửi đơn tố cáo và yêu cầu xử lý thích đáng những cá nhân "lừa đảo, chiếm dụng vốn" ở Công ty 1/5. Hơn 100 khách hàng kiên trì giao vốn cho Công ty 1/5 và hiện chấp nhận cảnh “sống dở chết dở” vì không ít người trong số ấy để có tiền giao cho Công ty 1/5 đã thế chấp nhà cho ngân hàng hoặc đi vay bên ngoài với lãi suất cao.

Một điều tra viên của Cục Cảnh sát kinh tế kể rằng, trong số những nạn nhân, có một phụ nữ ở Hải Phòng khi đến gặp các anh chỉ biết khóc từ đầu tới cuối vì để có tiền đầu tư, chị đã phải thế chấp nhà cho ngân hàng và vay mượn của rất nhiều người. Khi vụ việc vỡ lở, ngoài sức ép bị chủ nợ đòi tiền thì ngay cả chồng chị cũng chì chiết, thậm chí cấm cửa vợ khiến người phụ nữ này nhiều lần định lao vào tàu hỏa tự tử.

Theo xác minh của Cơ quan điều tra, Công ty 1/5 đã ký 463 "Hợp đồng giao vốn" có liên quan đến đất biệt thự, nhà liền kề tại khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B nằm trong và ngoài diện tích được Cienco-5 thỏa thuận trong hợp đồng vay vốn và phụ lục, thu tổng số tiền trên 695 tỉ đồng, trong đó có tới 327 hợp đồng giao vốn nằm ngoài diện tích được Cienco-5 thỏa thuận, thu gần 429 tỉ đồng.

Ngoài ra, Công ty 1/5 còn ký 102 phiếu thu, thu gần 89 tỉ đồng nhưng chưa ký hợp đồng giao vốn liên quan đến những lô đất không nằm trong diện tích khu biệt thự A2 - khu đô thị Thanh Hà A được Cienco-5 thỏa thuận trong hợp đồng vay vốn và phụ lục hợp đồng. Tổng số tiền mà Công ty 1/5 đã thu là trên 785 tỉ đồng.

Mua đất trên giấy, tham là "chết"

Sở dĩ hàng trăm người lại có thể dễ dàng giao tiền tỉ cho Bình, Thoa như vậy là bởi Bình, Thoa đã biết đánh trúng... lòng tham của các nhà đầu tư. Bởi ngay trong bản "Hợp đồng giao vốn", lãnh đạo công ty đã vẽ ra một viễn cảnh "không thể tốt hơn" khi giao tiền cho họ như "bên B (khách hàng) được hưởng quyền đảm bảo không thay đổi giá (giá trong 13 triệu đồng/m2) khi có giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại thời điểm đủ thủ tục pháp lý"; rồi "khi Cienco-5 Land có giao dịch bất động sản Thanh Hà, bên B được hưởng quyền lợi từ việc nhận chuyển nhượng từ chủ đầu tư với mức đã đóng 30% giá trị theo quy định của chủ đầu tư (...).

Quyền lợi này, được hiểu là khoản lợi nhuận đương nhiên phát sinh do chênh lệch giá bất động sản từ khi giao vốn vào thời điểm "còn non" chưa đủ các điều kiện pháp lý, chứa nhiều rủi ro tới khi bất động sản được mua bán một cách rộng rãi, an toàn đúng pháp luật".

Không những thế, vào thời điểm đầu năm 2010, thị trường bất động sản Hà Nội, nhất là đất nền tại các dự án ở khu vực Hà Đông và phía tây thủ đô đã lên cơn sốt nóng, tới mức chỉ cần mua hôm nay ngày mai bán đã có lãi, nhất là tại các dự án cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ như Thanh Hà - Cienco-5, An Hưng, Geleximco, Park City thì thậm chí chỉ cần "bán suất" cũng có thể thu về vài trăm triệu "tiền chênh". Vì vậy sẽ không có gì ngạc nhiên khi đúng vào thời điểm vàng của thị trường như vậy nên dù là hàng "lởm" nhưng Công ty 1/5 đã dễ dàng thu hàng trăm tỉ đồng chỉ trong thời gian khoảng 2 tháng.

Không những thế, với sự tham gia rất nhiệt tình của đội ngũ cò mồi và các văn phòng môi giới nhà đất khi đẩy giá từng ngày, khiến người mua cứ mua rồi bán trao tay là có lãi đã khiến "cơn sốt đất nền Thanh Hà - Cienco-5" tăng chóng mặt, và cho tới trước khi Cơ quan điều tra vào cuộc, từ 13 triệu đồng/m2, giá đã lên tới 22 triệu đồng/m2, dù đất vẫn chỉ là trên giấy.

Nguyễn Thị Kim Thoa ngất xỉu khi nghe lệnh bắt tạm giam.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Thúy, một nhà đầu tư ở Hà Nội kể rằng đầu tháng 3/2010, qua một vài "cò" đất đã quen từ trước, chị Thúy được quảng cáo về dự án Thanh Hà theo kiểu "ngon, bổ, rẻ". Lúc đầu cũng không để tâm lắm vì chị vốn kinh doanh ở một lĩnh vực khác. Nhưng rồi lần nào gặp cũng thấy người ta nói về dự án Thanh Hà thành ra lại thấy... tò mò.

Ngày 13/4, chị và một người bạn tìm đến văn phòng giao dịch của Công ty 1/5 và "choáng" khi thấy người đến mua đất dự án đông nườm nượp, lại được mấy "cò" đất quảng cáo không mua nhanh là hết, vậy là chẳng còn kịp đắn đo gì nữa, khi một "cò" đất nói họ đang có 5 lô liền kề cần bán sang tay, chị và người bạn đồng ý chung tiền đầu tư để mua lại cả 5 suất này với mức tiền chênh tới 760 triệu đồng.

Ngày 14/4, chị Thúy ký hợp đồng giao vốn với Công ty 1/5 để mua 5 lô đất liền kề tại dự án Thanh Hà - Cienco-5 và nộp cho công ty hơn 5 tỉ đồng. Giá đất mà Công ty 1/5 ký với chị thời điểm đó là 19,8 triệu đồng/m2.

Chị Thúy kể rằng sau khi ký hợp đồng, nhân viên công ty đưa cho chị 5 cái phong bì thế này và dặn trong đó là sơ đồ lô đất mà chị đã đăng ký mua, nhưng khách hàng không được phép bóc mà chỉ được mang về cất. Nếu bóc ra là khách hàng vi phạm hợp đồng (!). Dù lúc ấy đã nghi ngờ cách làm việc "không giống ai" này nhưng thấy ai cũng phải làm vậy nên chị yên tâm ra về và... hy vọng giá đất sẽ còn lên nữa. Có thể nói chính bằng những trò ma mãnh này mà lãnh đạo Công ty 1/5 dễ dàng cho hàng trăm khách hàng sập bẫy "dễ như cho trẻ con ăn kẹo".

Hàng trăm tỉ đồng hiện đang ở đâu?

Một vấn đề mà hàng trăm nạn nhân đang quan tâm là số tiền hàng trăm tỉ đồng còn lại đang ở đâu hay đã bị lãnh đạo Công ty 1/5 tiêu vào những việc gì? Theo xác minh của Cơ quan điều tra trong số tiền đã thu của khách hàng trên được ông Bình và bà Thoa sử dụng gần 395 tỉ đồng vào mục đích khác, như mua cổ phần của dự án Nam Đàn Plaza tại đường Phạm Hùng, Hà Nội hết hơn 264 tỉ đồng; dùng trên 130 tỉ đồng đầu tư vào các dự án cầu, đường tại Con Cuông, Nghệ An, mua cổ phần của Công ty CP Tuấn Triều (Hải Hậu, Nam Định), Công ty Lilama SHB... Số tiền gần 77 tỉ đồng, hiện ông Bình và bà Thoa chưa giải trình được sử dụng vào việc gì.

Cho tới thời điểm này, vẫn còn không ít nạn nhân của Công ty 1/5 vẫn nuôi hy vọng Công ty Cienco-5 Land sẽ "chia sẻ rủi ro" bằng chấp nhận cho mua đất tại dự án Thanh Hà - Cienco-5. Nhưng, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tam Nghệ Hưng, đại diện Cienco-5 Land, khẳng định sẽ không có việc đó. "Đã có nhiều người đã trực tiếp đến gặp chúng tôi và Cienco-5 Land luôn khẳng định chúng tôi sẽ không có bất kỳ quan hệ giao dịch nào với những người đã nộp tiền cho Công ty 1/5".

Theo ông Hưng, hiện dự án Thanh Hà - Cienco-5 đang được triển khai theo đúng tiến độ và xây dựng hạ tầng cho diện tích đã hoàn thành san lấp mặt bằng. "Tuy nhiên, chúng tôi chưa có kế hoạch bán hàng" - ông Hưng khẳng định.

Để không trao nhầm tiền cho kẻ lừa đảo, các nhà đầu tư hãy cẩn trọng. Bởi theo quy định mới nhất của Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (có hiệu lực thi hành từ ngày 8/8/2010) đã quy định rất rõ và siết chặt các điều kiện đối với chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp được phép huy động vốn. Vì vậy, mỗi người hãy nghiên cứu kỹ pháp luật trước khi "xuống tiền"

Nguyễn Thiêm
.
.