Vụ lừa đảo khảo cổ gây chấn động nước Nhật

Thứ Hai, 22/12/2008, 11:00
Vào ngày chủ nhật 23/11/2000, khi báo Mainichi Shimbum cho đăng tải lên trang đầu ba bức ảnh chụp nhà khảo cổ học nổi tiếng Shinichi Fujimura đang chôn những viên đá lấy từ một chiếc túi nhựa tại điểm khảo cổ Kamitakamori gần thành phố Tsukidate, tỉnh Miyagi, với chú thích: “Fujimura đã chôn đá giả cổ để lừa đảo khoa học”, liền gây xôn xao dư luận.

Bởi vì không lâu trước đó, vào ngày 23/10/2000, Fujimura cùng nhóm khảo cổ của mình thông báo việc đã phát hiện những vật dụng và đá cổ có niên đại 570.000 năm ngay chính tại địa điểm khảo cổ Kamitakamori và đã khiến giới khảo cổ thế giới phải thán phục. Hóa ra khám phá khảo cổ quan trọng này chỉ là trò lừa đảo khoa học của Fujimura!

Từ nhỏ, Fujimura đã đam mê khảo cổ, ông ta tập trung nghiên cứu Thời kỳ đồ đá cũ ở Nhật và tiến hành khai quật một số địa điểm tại tỉnh Miyagi.

Năm 1975, Fuijimuri đứng ra thành lập một tổ chức phi chính phủ  có tên gọi Sekki Bunka Kenkyukai (SBK) tại thành phố Sendai, tập trung nhiều nhà khảo cổ nghiệp dư và chuyên nghiệp để truy tìm nguồn gốc Thời kỳ đồ đá cũ của Nhật tại tỉnh Miyagi.

Đến tháng 8/1981, nhóm của Fujimura bắt đầu thu hút sự quan tâm của dư luận khi thông báo đã phát hiện đồ gốm cổ do con người làm ra có niên đại 40.000 năm tại vùng Zacaragi của tỉnh  Miyagi. Đây được xem là đồ gốm cổ nhất được tìm thấy từ trước đến thời điểm đó tại Nhật.

Những đồ gốm và đá cổ được tìm thấy sau đó tại vùng Nakamine vào năm 1983 rồi tại vùng Babadan vào năm 1984 có niên đại 400-500 ngàn năm đã khiến tiếng tăm của Fujimura không những được biết đến trong mà cả ngoài nước Nhật.

Thành công nối tiếp thành công đã khiến Fujimura trở thành nhân vật nổi tiếng ở Nhật. Không chỉ được trao tặng nhiều giải thưởng, huy chương mà hình ảnh Fujimura còn xuất hiện trên sách, báo. Một số phát hiện khảo cổ quan trọng của Fujimura còn được đưa vào giáo trình dạy học tại trường học ở Nhật.

Dựa vào các khám phá của Fujimura, các nhà sử học còn quyết định điều chỉnh niên đại của Thời kỳ đồ đá cũ ở Nhật lên đến 300.000 - 400.000 năm. Những phát hiện khảo cổ đã thu hút du khách nườm nượp đến tham quan tỉnh Miyagi không chỉ để chiêm ngưỡng những hiện vật khảo cổ mà cả những địa điểm khảo cổ được cho là có tổ tiên người Nhật từng sinh sống.

Cho đến khi bị báo Mainichi Shimbum phanh phui hành vì lừa đảo khoa học vào tháng 11/2000, Fujimura đã thực hiện tất cả 180 cuộc khai quật, phần lớn diễn ra tại tỉnh Miyagi và một số địa phương ở miền Bắc nước Nhật.

Đến năm 1995, Fujimua còn được bổ nhiệm vào chức vụ Phó giám đốc Viện Bảo tàng Đồ đá cũ Tohoku. Đây là tổ chức khảo cổ có uy tín của Nhật có quan hệ với nhiều tổ chức khảo cổ trên thế giới.

Tại Nhật, người ta còn đặt cho Fujimura biệt danh “Bàn tay của Thượng đế” để tôn vinh những việc làm làm sáng tỏ lịch sử hình thành nước Nhật của nhà khảo cổ nổi tiếng này. Sự tôn sùng quá mức đã khiến dư luận bỏ ngoài tai những nghi vấn về một vài công trình khảo cổ của Fujimura mà một số nhà khoa học ở Nhật đưa ra.

Chẳng hạn như công trình nghiên cứu và phân tích của nhà khảo cổ học Toshiki Takeoka, làm việc tại Đại học Kyoritsu Joshi, khẳng định có sự khác nhau giữa những hiện vật được phát hiện tại vùng Nakamine vào năm 1983 và Babadan vào năm 1984, do nhóm của Fujimura khai quật, với những hiện vật được khai quật trước đó. Những hiện vật do nhóm của Fujimura phát hiện đều có hình dạng “trông giống như đồ giả cổ”.

Vào ngày 5/11/2000, mặc cho phản ứng dữ dội của dư luận khi cho đó là một hành vi bôi nhọ danh dự và phủ nhận công lao của Fujimura, báo Mainichi Shimbum vẫn đăng tải những phóng sự tiếp theo về hành vi lừa đảo khoa học của Fujimura với nhiều chứng cứ thuyết phục.

Sau thời gian giữ im lặng, vào ngày 10/11/2000, trong một cuộc họp báo tổ chức tại thành phố Sendai, Fujimura bất ngờ công nhận những vấn đề mà báo Mainichi Shimbum đăng tải là hoàn toàn đúng sự thật. Ông ta đã lén chôn một số hiện vật giả cổ tại địa điểm khai quật Kamitakamori gần thành phố Tsukidate thuộc tỉnh Miyagi sau đó tiến hành đào bới để thông báo là đã phát hiện những hiện vật có niên đại đến 560.000 năm. Việc thừa nhận hành vi lừa đảo khoa học của Fujimura đã gây chấn động dư luận.

Sau khi có kết luận về hành vi lừa đảo khoa học của Fujimura, nhà khảo cổ có biệt danh “Bàn tay của Thượng đế” này liền bị khai trừ khỏi Hội Khảo cổ Nhật, bị cách chức Phó giám đốc Viện Bảo tàng Đồ đá cũ Tohoku, bị thu hồi tất cả những giải thưởng, huy chương được trao tặng trước đây và bị cấm hành nghề khảo cổ suốt đời. Fujimura còn bị gạch tên khỏi danh sách hội viên Hiệp hội Khảo cổ quốc tế...

Ngoài việc phát hiện vụ lừa đảo khảo cổ của nhà khảo cổ Fujimura, báo chí Nhật còn phanh phui một vụ lừa đảo khác liên quan tới nhà khoa học Mitsuo Kayawa. Sau khi bị phát hiện lừa đảo, Kagawa bị đình chỉ công tác. Trong thời gian bị đình chỉ công tác, Kagawa đã tự tử sau khi để lại một bức thư thú nhận hành vi lừa đảo khoa học của mình.

Vào năm 2001, theo đề nghị của Chính phủ Nhật, Hội Khảo cổ Nhật tổ chức điều tra toàn diện về kết quả 180 công trình khảo cổ của Fujimura và phát hiện Fujimura đã tiến hành lừa đảo khoa học tất cả 61 lần từ năm 1981 đến năm 2000. Kết quả điều tra này một lần nữa lại khiến dư luận bàng hoàng.

Quả là “Bàn tay của Thượng đế” đã làm những việc ma quỷ để lường gạt cả lịch sử

H.P. (theo Crimes Magazine)
.
.