Bắt 12 đối tượng trong vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay ở Đà Nẵng

Thứ Hai, 25/05/2015, 20:20
Chiều 20/5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Đinh Văn Thuấn, quê quán Kim Sơn, Ninh Bình về hành vi "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng". Đây là đối tượng thứ 12 sa lưới pháp luật nằm trong đường dây phá rừng đặc dụng lớn nhất từ trước đến nay ở Đà Nẵng đã bị cơ quan chức năng bóc gỡ hồi cuối năm 2014.

Tại Cơ quan Công an, Đinh Văn Thuấn khai nhận rằng  đã cùng một số đối tượng khác được Vũ Văn Tam (đã bị bắt, trú thôn Láy, xã Tư, huyện Đông Giang) giao "nhiệm vụ" vào rừng Cà Nhông bốc vác, vận chuyển hàng trăm mét khối gỗ quý khai thác trái phép ra điểm tập kết để đưa lên ôtô, chờ cơ hội đưa đi tiêu thụ.

Từ những nguồn thông tin của bà con dân tộc Cơ Tu đang sinh sống ở khu vực làng Láy, xã Tư, huyện Đông Giang về thực trạng phá rừng của bọn lâm tặc, chính quyền các cấp cùng với lực lượng Kiểm lâm huyện Đông Giang, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) và Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã nhanh chóng vào cuộc tuần tra, kiểm soát.

Số lượng gỗ quý bị phát hiện trong rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện ở vị trí khoảnh 5, thuộc tiểu khu 37 của rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa có 66 phách gỗ gõ và kiền kiền ước chừng 15m3 của bọn lâm tặc cất giấu chờ cơ hội mang đi tiêu thụ.

Mấy ngày sau, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện tại khoảnh 4, tiểu khu 37 có 9 điểm được bọn lâm tặc chọn làm nơi cất giấu gỗ phát hiện hơn 30m3 gồm gõ và kiền kiền. Tuy nhiên, rất có thể số lượng gỗ mà bọn lâm tặc đã khai thác tại vùng rừng đặc dụng giáp ranh này còn nhiều hơn số gỗ đã phát hiện được.

Ông Đinh Văn Hươm - Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang là người tham gia trong đoàn kiểm soát liên ngành tại vùng rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho biết: Chắc chắn toàn bộ số gỗ gõ và kiền kiền đã bị đoàn kiểm tra phát hiện đã bị bọn lâm tặc khai thác trên lâm phận của TP Đà Nẵng. Bởi vì, rừng Quảng Nam đã không còn gỗ kiền kiền từ năm 1993, cửa rừng cũng đã đóng. Ông Hươm cũng nhấn mạnh rằng, vị trí mà bọn lâm tặc tập kết và cất giấu 66 phách gỗ gõ và kiền kiền ở vị trí khoảnh 5, tiểu khu 37, chỉ nằm cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông non cây số, nếu đi bộ chỉ mất chừng 25 phút. Vì vậy, việc lâm tặc hoạt động phá rừng, rồi tập kết gỗ để chờ cơ hội mang đi tiêu thụ rất gần với trạm bảo vệ rừng như thế mà không một ai hay biết là điều vô cùng phi lý.

Theo một số người dân địa phương có kinh nghiệm làm nghề rừng, thì số gỗ gõ và kiền kiền này đã được lâm tặc khai thác khoảng vài tháng trước khi bị phát hiện. Thông thường, lâm tặc vào rừng dựng lán trại, rồi tỏa đi săn tìm những cây gỗ quý. Sau khi khai thác, lâm tặc chọn địa điểm thích hợp để cất giấu gỗ, chờ khi con nước trên sông suối lớn là kết bè đưa gỗ về xuôi. Việc kết gỗ thành bè dựa trên ruột xe ôtô là cách di chuyển gỗ mà lâm tặc vẫn thường sử dụng. Cách này nguy hiểm nhưng lại tránh được sự truy xét của lực lượng chức năng...

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã khẩn cấp triệu tập cuộc họp để có phương án xử lý. Ngay lập tức, những cán bộ bảo vệ rừng, kiểm lâm Trạm Cà Nhông đã được triệu tập về đơn vị để viết tường trình, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm từng cá nhân. Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng cũng đã cử những cán bộ khác có đầy đủ phẩm chất đến thay thế những người cũ để tiếp tục thực thi nhiệm vụ.

Sau một thời gian điều tra, Cơ quan Công an đã làm rõ nhóm đối tượng tổ chức khai thác do Nguyễn Duy Thu (SN 1968), trú thôn Láy, xã Tư và Nguyễn Văn Dũng (SN 1963), trú 76 Hà Huy Tập - Đà Nẵng cầm đầu. Nhóm đối tượng trực tiếp khai thác do Thái Đình Quế và Trần Văn Cư, trú Yên Thành (Nghệ An) cầm đầu. Sau khi thấy tình hình không ổn, Quế đã nhanh chân bỏ trốn vào nhà người thân ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) ẩn náu.

Ngày 20/4/2015, tổ công tác của Công an huyện Đông Giang do đích thân Đại tá Nguyễn Văn Tê - Phó trưởng Công an huyện chỉ huy đã vào Đồng Tháp để bắt giữ Quế. Tiếp đó, Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ và ra Quyết định khởi tố đối với các đối tượng: Kiều Ngọc Quý, trú Duy Xuyên (Quảng Nam); Kiều Ngọc Trung, trú Đông Giang (Quảng Nam); Phạm Đình Lợi, trú Hòa Phong, Hòa Vang (Đà Nẵng); Phạm Phú Cường, trú Đại Lộc (Quảng Nam) và Nguyễn Văn Ân, trú Hòa Bắc, Hòa vang (Đà Nẵng). Từ lời khai của các đối tượng này, Cơ quan điều tra tiếp tục bắt giữ và khởi tố đối với Đỗ Văn Lưu và Nguyễn Văn Học, đều trú tại Kim Sơn (Ninh Bình) để mở rộng điều tra.

Như vậy, cho đến thời điểm này, Cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt giam và khởi tố đối với 12 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Đà Nẵng. Trong số này Phạm Phú Cường và Nguyễn Văn Ân nguyên là cán bộ kiểm lâm công tác tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.

Phan Bùi Bảo Thy
.
.