Vụ sản xuất hàng giả đầu tiên ở EU

Thứ Ba, 22/03/2016, 13:30
Cách đây hơn 3 thập niên, giới đam mê rượu vang ở Đức đã nếm phải “quả đắng”, khi lỡ tiêu thụ số rượu nhập khẩu khổng lồ được pha chế từ nước Áo láng giềng, với hàm lượng độc tố cực cao trong đó có cả các chất chuyên dùng cho... xe ôtô. Đây là vụ hàng giả tiêu biểu đầu tiên trong lĩnh vực thực phẩm, kể từ khi hình thành Liên minh châu Âu (EU) vào đầu năm 1958.

Những hợp chất nồng độ cao như dầu phanh ôtô pha trộn trong rượu nho nhập về từ Áo, thật dễ dàng qua mặt người tiêu dùng bởi rất khó phân biệt. Một người chỉ cần nuốt 14g dầu phanh thôi sẽ tử vong ngay, vì nó sẽ hủy hoại tức thì các cơ quan nội tạng như thận và gan.

Còn theo các chuyên viên y tế thì một “liều” dầu phanh cỡ 0,1g cũng đã gây nguy hại cho sức khoẻ con người rồi. Vậy mà tại  các phòng xét nghiệm ở CHLB Đức đã phát hiện tới 10g chất độc hại nói trên trong một lít vang nho, có xuất xứ từ vùng Burgenland nổi tiếng bên kia rặng Alps thuộc nước Áo.

Nhân viên Cục An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Y tế Đức kiểm tra chất lượng rượu vang Burgenland nhập khẩu.

Hôm 25-4-1984, Bộ Y tế CHLB Đức với trụ sở đặt tại thành phố Bonn khi ấy đã ra thông cáo báo chí, bày tỏ mối quan ngại về “vụ scandal độc tố” trong sản phẩm chứa chất cồn phát xuất từ Áo. Đến ngày 10-5 thì có công văn phản hồi chính thức từ Vienna, trong đó cho biết, một lượng lớn rượu Burgenland “rởm” đã bị cánh lái buôn vô lương tâm và hám lợi tung vào Đức; nhưng công văn cũng nhấn mạnh rằng, thứ vang nho mà dân Đức vốn ghiền bấy lâu nay hầu như được tiêu thụ rất ít tại Burgenland, với số lượng hạn hẹp trong những trường hợp hi hữu (?!).

Tức thì Ban lãnh đạo Bộ Y tế Đức ra chỉ thị qua mạng telex nội bộ cho chính quyền các bang phải xúc tiến ngay việc phân tích kiểm tra lượng vang nho Áo đang bày bán, hoặc vẫn còn trong các nhà kho trữ thực phẩm nhập khẩu. Đến ngày 28-6-1984 nhà chức trách bang Baden-Waurttemberg chính thức lên tiếng, ghi nhận rằng trong mỗi lít rượu vang Burgenland có chứa từ 0,2g - 4,4g hợp chất các độc tố. Còn kết quả kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh ở thành phố Stuttgart, thủ phủ bang Baden-Wurttemberg 10 ngày sau đó cũng khẳng định điều vừa nêu…

Mọi chuyện tưởng chừng sẽ chìm vào “sự im lặng đáng sợ”, nếu như giới hữu trách bang Rheinland-Pfalz không để rò rỉ nguồn tin rằng, ngay từ đầu tháng 2-1984 các nhà khoa học công tác tại Viện Giám sát Sinh hóa ở thành phố Trier, đã được giới đồng nghiệp từ Vienna cảnh báo qua các lá thư trao đổi chuyên môn là trong vang nho có pha thêm dầu phanh. Nhưng chẳng hiểu do vô tình hay hữu ý, mà chẳng thấy ai đả động đến vấn đề ấy cả.

Thêm điều này nữa là vào hôm 22-5-1984, giới hữu trách bang Nordrhein-Westfalen đã hỏi Bộ Y tế Liên bang: Trong trường hợp ngoại lệ có thể cho phép lưu hành thứ rượu vang có chứa nồng độ tới 500 miligram/lít chất glucose tương tự dầu phanh không? Nhưng Bonn vẫn cứ… im hơi lặng tiếng (!).

Mãi hơn một tháng sau mọi sự mới được công khai chính thức là có cả thảy 22 loại vang Burgenland, cùng với một loại rượu nho vùng Niederosterreich xuất xứ từ Áo có chứa độc tố nguy hiểm cho tính mạng con người. Cần lưu ý thêm, rằng chính các thương hiệu vang nho lừng danh đó từng được các cơ quan Đức có thẩm quyền đánh giá là có “chất lượng tuyệt hảo” kể từ năm 1979, nhất là với giai đoạn từ năm 1981-1984.

Dĩ nhiên là Bộ Y tế Đức buộc phải cấm bán tất cả các loại vang nho có nguồn gốc từ nước Áo láng giềng, cho đến khi nào mọi sự được giải trình thỏa đáng. Hãng Pierrot, công ty kinh doanh rượu vang lớn nhất Đức đã chính thức chấm dứt mọi đơn đặt hàng nhập khẩu các sản phẩm của Áo.

Doanh nhân bán sỉ J. Chida ngậm ngùi… giải nghệ.

Các công ty thương mại khổng lồ khác như Co-op và Reve cũng tiến hành những biện pháp tương tự. Còn hệ thống siêu thị trải khắp CHLB Đức chật cứng các khách hàng mang rượu nho Áo lỡ mua trả lại. Riêng giới sản xuất vang ở Áo thì lâm vào hoảng loạn, bởi trung bình hàng năm họ bán tới 30 triệu lít rượu sang Đức, tổng trị giá khoảng 47 tỉ mark (DM) tương đương 25 tỉ euro thời giá hiện nay.

Nhân vụ sản xuất hàng giả gây chấn động này, ông Alain Volfart Người phát ngôn Hiệp hội Rượu nho Burgenland phải lên tiếng: “Chúng tôi luôn là những nhà sản xuất chân chính! Lỗi chủ yếu là do các công ty kinh doanh dạng sỉ khiến “con sâu làm rầu nồi canh”. Theo nguồn tin từ Viện Công tố Tối cao Cộng hòa Áo, thì 2 kẻ chủ mưu trong vụ “pha chế rượu rởm của thế kỷ” này là các thương buôn Josef Chida ở Steiermark và George Steiner ở vùng Podersdorf am See.

Từ khi khởi sự vụ scandal “thức uống có chứa dầu phanh”, 2 doanh nhân biến chất nêu trên đã buộc phải dẹp tiệm, khiến giới chủ nông trồng nho càng thêm chán nản, thậm chí có người còn ngậm ngùi tiếc nuối: “Thương lái J. Chida là người rất hào phóng và chi trả sòng phẳng”(!).

“Đằng sau vụ scandal đình đám này là Liên minh Âu châu - ông Elker Fisher, nguyên Tổng Công tố Đức quả quyết - bởi ngay từ năm 1971 EU đã cho áp dụng đạo luật mới về rượu vang, trong đó không đặt trọng tâm vào chất lượng của thứ đồ uống lưu hành, mà lại căn cứ vào... tỷ trọng nồng độ! Với tỷ trọng “quy ước” ấy, người ta dễ dàng cho thêm đường hoặc những hương liệu có chứa glucose khác, kể cả hóa chất độc hại.

Điều này phần nào lý giải tại sao dòng chảy rượu vang nội địa Đức cứ ngày một dồi dào hơn. Năm nào cũng “bội thu” kỷ lục, bất chấp thời tiết mùa vụ không được thuận lợi cho việc sản xuất rượu!”.

Thu Hường (theo Deutsche welle)
.
.