Vụ "thanh niên tử vong do bị nhóm bạn truy sát": Bi kịch từ dạt nhà

Thứ Ba, 04/11/2014, 20:35

Bị truy sát đến bước đường cùng, Mạnh buộc phải nhảy xuống hồ nước sâu dù không biết bơi. Nhưng nhóm thanh niên vẫn không buông tha, dùng gạch đá ném tới tấp. Độc ác hơn, nhóm truy sát còn ném đá ngăn cản người dân xuống hồ cứu giúp Mạnh. Hành vi nhẫn tâm, vô cảm đến man rợ này đã khiến Mạnh phải chết tức tưởi dưới hồ nước…

Cái chết thương tâm

Ngày 10/10, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp, tạm giữ hình sự về hành vi "giết người" đối với 4 đối tượng liên quan trong vụ việc nam thanh niên bị truy sát, ném đá dẫn đến tử vong tại hồ Dền Khê (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) xảy ra vào tối 6/10. Các đối tượng bị bắt gồm Dương Đức Trung (SN 1996), Nguyễn Đăng Việt (SN 1995), Ngô Minh Hiếu (SN 1998) và Đỗ Mạnh Cường (SN 1998), đều trú tại quận Hà Đông.

Theo Cơ quan điều tra, khoảng 18 giờ ngày 6/10, Dương Đức Trung cùng Việt và Hiếu đi xe máy trên đường Nguyễn Viết Xuân (phường Quang Trung, Hà Đông) thì nhìn thấy Nguyễn Đức Mạnh (SN 1996, ở khối Độc Lập, Vạn Phúc, Hà Đông) ngồi trong quán nước cùng Nguyễn Hồng Nhung (SN 1998, ở tổ 1 Phú Lương, Hà Đông).

Do trước đó nghi ngờ Mạnh lấy trộm 3 triệu đồng nên Trung dừng xe, gọi Mạnh ra trước cửa quán để hỏi. Mạnh trả lời không lấy tiền của Trung. Hai bên xảy ra to tiếng, cãi vã. Bị Trung đấm vào mặt, Mạnh bỏ chạy về hướng đường Ngô Thì Nhậm. Trung cùng Hiếu, Việt đuổi theo không kịp nên quay về nhà Đỗ Mạnh Cường, rủ Cường mang theo một con dao dài 51cm đi tìm đánh Mạnh.

Bốn đối tượng đi 2 xe máy đến khu vực hồ Dền Khê (Hà Cầu, Hà Đông), thấy Nguyễn Đức Mạnh đang đứng cùng Nguyễn Hồng Nhung, Chu Hàn Tiểu Nhi (SN 1998, ở ngõ 18 Ngô Quyền, phường Quang Trung, Hà Đông). Trung cầm dao cùng Việt, Cường chạy bộ đuổi đánh Mạnh ở đường kè sát mép hồ, còn Hiếu đứng trên đường. Do bị đuổi đánh, Mạnh sợ nên nhảy xuống hồ. Trong lúc Mạnh vùng vẫy dưới nước vì không biết bơi, nhóm Trung, Việt, Cường đứng trên bờ nhặt gạch vỡ và bê tông ném về phía Mạnh.

Thấy Mạnh chới với dưới nước, anh Bùi Văn Thạch (SN 1995, nhân viên quán bia gần hồ) nhảy xuống cứu nhưng bị bọn Trung, Việt, Cường ném gạch không cho cứu giúp. Bị ném gạch, anh Thạch đã không cứu được Mạnh. Thấy Mạnh bị chìm, bọn Trung, Việt, Cường bỏ trốn.

Sau khi sự việc xảy ra, người dân ven hồ tiến hành tìm kiếm, đến 20 giờ 40 phút cùng ngày tìm thấy thi thể của Nguyễn Đức Mạnh dưới hồ. Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi sơ bộ xác định Nguyễn Đức Mạnh bị tử vong do ngạt nước.

Dương Đức Trung (ngoài cùng bên trái) cùng các đối tượng bị bắt giữ.

Ngay trong đêm 6 và sáng 7/10, Công an quận Hà Đông phối hợp Phòng PC45 Công an Hà Nội đã tổ chức bắt giữ  4 đối tượng Trung, Việt, Cường, Hiếu. Hiện Công an quận Hà Đông đã chuyển hồ sơ và các đối tượng lên Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Bi kịch đau lòng từ "dạt nhà"

Mặc dù các đối tượng gây án đều bị bắt giữ nhanh nhưng Trung tá Đào Gia Khánh, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Hà Đông khá trầm ngâm khi trao đổi thông tin về vụ án. Ông cho biết hành vi ném đá của các đối tượng khi đã dồn nạn nhân đến bước đường cùng thể hiện thói hành xử tàn nhẫn đến lạnh lùng, gây phẫn uất trong dư luận. Tuy nhiên, phía sau vụ án đau lòng này là những điều đáng suy ngẫm đối với các bậc làm cha làm mẹ, bởi cả nạn nhân và các đối tượng gây án đều thuộc diện thanh thiếu niên hư, bỏ học sớm, thường xuyên bỏ nhà đi chơi điện tử, thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình. Và hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng này cũng xuất phát từ thói hành xử giang hồ, vô cảm của những kẻ thích "dạt vòm" hơn là mái ấm gia đình.

Trong 4 đối tượng bị bắt giữ, Dương Đức Trung tỏ ra lì lợm nhất. Những câu trả lời cục cằn, ánh mắt đầy hận thù của Trung, chuẩn bị bước sang tuổi 18, dường như bắt nguồn từ những mảnh vỡ của gia đình hằn sâu trong ký ức của cậu ta. Trung kể năm cậu ta đang học lớp 9 thì bố mẹ chia tay nhau. "Cháu không biết vì sao bố mẹ bỏ nhau nhưng cháu không muốn chuyện đó xảy ra. Cháu chán, bỏ học luôn từ đó".

Mẹ đi lấy chồng khác, bố cũng có gia đình mới, đối với một đứa trẻ đang thì rồ dại của tuổi mới lớn thì điều đó có nghĩa là nó đã bị bỏ rơi. Những thay đổi trong tâm tính ở lứa tuổi này cực kỳ quan trọng nhưng không được người lớn quan tâm bởi cả bố và mẹ nó đều đã có một cuộc sống mới.

Sau một thời gian làm thuê trong một xưởng in sơn dầu ở Ba La (Hà Đông), Trung bỏ việc, ở nhà và… rong chơi. "Cuộc sống của cháu hiện tại thế nào?". Không suy nghĩ nhiều, Trung trả lời gọn lỏn: "Sáng cháu ngủ  đến gần trưa dậy đi chơi, nửa đêm thì lại về ngủ". "Cháu đi chơi ở những đâu?" - tôi hỏi tiếp. "Đi loanh quanh ở ngoài đường, ra quán nước rồi vào quán nét chơi điện tử thôi ạ. Cháu hay chơi trò "Đột kích". Cháu chơi từ hồi học lớp 1 nên bây giờ đến cấp "thượng tá" rồi" - Trung có vẻ rất tự hào về thành tích chơi game của cậu ta.

Cuộc sống của một thanh niên mới lớn, qua lời kể của Dương Đức Trung, là những ngày tháng hết sức vô bổ nơi quán nước, nhà nghỉ và game online. Có tiền thì tụ tập ăn chơi, hết tiền thì về tạm nhà một đứa nào đó trong bọn ngủ nghỉ. "Chơi suốt ngày như vậy không thấy chán à?" - tôi hỏi. "Thì cháu cũng tính đi tìm việc làm nhưng chưa tìm được" - Trung chống chế. "Vậy cháu lấy đâu ra tiền ăn tiêu?". "Bố mẹ cháu cho. Khi nào hết thì xin. Mẹ cháu làm ở kho bạc, mẹ cháu cho nhiều tiền lắm" - cậu ta lại thản nhiên khoe.

Mối quan hệ  giữa Trung với nạn nhân Nguyễn Đức Mạnh, cũng bắt đầu từ cuộc sống của những kẻ chuyên "dạt vòm" như vậy. Theo lời khai của Trung thì khoảng đầu năm 2013, qua mạng xã hội facebook, Trung kết bạn với Linh - người yêu cũ của Mạnh. Một buổi đêm, Linh gọi điện nhờ Trung đi "cứu nét" khi Mạnh đang mắc kẹt tại một quán nét, bị giữ lại vì không có tiền trả. Trung nhận lời, đến quán nét trả tiền để đưa Mạnh ra ngoài. "Hôm đó lần đầu tiên gặp nhau. Cháu cứu nét xong, thấy nó đói nên đưa nó đi ăn đêm". Tuy nhiên, sau buổi "cứu nét" trên, Mạnh cũng chỉ chơi với nhóm của Trung ít hôm rồi bỏ, đi theo "các anh xã hội" khác.

Hiện trường hồ nước, nơi xảy ra vụ án.

Lý do nghi nhờ Mạnh lấy trộm số tiền 3 triệu đồng, cũng bắt nguồn từ một buổi "dạt vòm" vào đầu tháng 9/2014. Trung "cắm" chiếc xe Wave của mẹ mua cho lấy 10 triệu đồng, ăn tiêu hết 7 triệu, còn 3 triệu cất trong ví. Tối đó, Trung cùng Mạnh, Tuấn đến nhà một người bạn trong nhóm "dạt vòm" tên Hùng ở Hà Trì ngủ qua đêm vì bố mẹ Hùng đi vắng. Sáng hôm sau tỉnh dậy, Trung thấy ví tiền ở đầu giường nhưng đã bị mất 3 triệu đồng, chỉ còn lại 20.000 đồng lẻ.

"Cháu nghi cho Mạnh lấy tiền, vì tối hôm trước nó hỏi vay cháu 500.000 đồng để đi "nhổ" con Iphone cho bạn gái nhưng cháu không cho vay. Thế mà hôm sau nó đã có tiền "nhổ" điện thoại". "Nhưng là cháu nghi thế thôi chứ cháu có bằng chứng nào đâu?". Trung vẫn khăng khăng: "Nó từng lấy xe của nhà, của anh họ đi cắm. Hôm vừa rồi đứa em gái họ của nó tên My cũng kể bị nó lừa lấy điện thoại di động. Người nhà nó còn lấy được như thế thì chắc chắn nó lấy tiền của cháu".

Những nghi ngờ vô căn cứ trên khiến Trung bực bội trong lòng. Đi tìm Mạnh để hỏi chuyện nhưng không gặp, lên mạng tìm thì  Mạnh offline. Cho rằng Mạnh cố tình tránh mặt, mối nghi ngờ trong Trung ngày càng tăng. Trung quyết tìm Mạnh bằng được để đòi tiền. Cho đến chiều 6/10, Trung đã tìm gặp được Mạnh. Mặc dù Mạnh khẳng định không lấy tiền nhưng Trung không nghe. Và Mạnh đã phải chết  tức tưởi bởi bàn tay của những kẻ từng là bạn trong những ngày "dạt vòm".

Tối đó, sau khi nghe tin Mạnh đã tử vong dưới hồ, Trung cùng Cường đi xe máy  trốn về quê của Trung tại Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội. Vào một quán nét, Trung lên trang Facebook cá nhân viết dòng status: "Chuyện đã xảy ra rồi. Tôi hối hận về những việc tôi làm". Tuy nhiên, sau đó lo sợ sẽ bị Cơ quan Công an điều tra, Trung xóa Facebook và dặn bọn Cường, Hiếu, Việt cũng xóa sạch Facebook cá nhân.

Tiếp xúc với Trung tại nhà tạm giữ Công an quận Hà Đông, cứ ngỡ sau mấy ngày nằm trong nhà giam giữ, có thời gian để suy nghĩ, cậu ta sẽ rất hối hận về hành vi ném đá khi đã dồn nạn nhân đến bước đường cùng. Nhưng ngược lại, cậu ta vẫn một mực cho rằng cái chết của Mạnh là do Mạnh tự gây ra khi nhảy xuống hồ. "Vậy tại sao các cháu còn ném đá Mạnh?".

Vẫn thái độ tức tối, Trung trả lời rằng "chỉ ném xung quanh để Mạnh không bơi được ra xa, buộc phải lên bờ để xin lỗi" và "không biết là Mạnh không biết bơi". Những lời thanh minh đó hoàn toàn mâu thuẫn với việc nhóm của Trung tiếp tục ném đá ngăn chặn người cứu giúp. Nếu muốn Mạnh lên bờ để xin lỗi thì các đối tượng đã không tiếp tục ngăn cản người cứu Mạnh. Vô cảm hơn, khi thấy Mạnh không còn vùng vẫy được nữa, cả bọn bỏ mặc nạn nhân tẩu thoát. 

Trung tá Đào Gia Khánh cho biết, khám nghiệm hiện trường khu vực hồ Dền Khê, nơi xảy ra vụ án cho thấy mực nước trong hồ khá sâu. Hồ mới được cải tạo, nạo vét lòng hồ nên ngay ở khu vực gần bờ, độ sâu rất lớn. Nơi vớt được xác nạn nhân Nguyễn Đức Mạnh cách bờ khoảng 6m, độ sâu đã lên tới 2,4m. Trong trường hợp nạn nhân nếu biết bơi cũng sẽ rất nguy hiểm khi bơi ra xa. Do hồ nước cách xa khu dân cư nên khi sự việc xảy ra, ban đầu chỉ có anh Bùi Văn Thạch là nhân viên quán bia nhìn thấy Mạnh chới với dưới nước đã nhảy xuống cứu giúp. Thế nhưng nhóm thanh niên truy sát Mạnh vẫn tiếp tục ném gạch đá. Bị trúng gạch vào người, anh Thạch buộc phải quay lên bờ.

Đáng trách hơn cả là 3 người bạn gồm 2 nữ 1 nam cùng đi với nạn nhân Nguyễn Đức Mạnh. Chứng kiến việc Mạnh bị các đối tượng cầm dao rượt đuổi buộc phải nhảy xuống hồ nước, rồi tiếp tục bị ném đá, những người bạn này chỉ biết van xin nhóm của Trung dừng tay đừng đánh Mạnh và… đứng nhìn. Nếu họ biết hành động quyết liệt hơn, hô hoán chạy đi tìm người cùng cứu giúp bạn, tìm mọi cách ngăn cản hành vi ném đá để giúp Mạnh lên bờ… thì có thể cái chết thương tâm đã không xảy ra.

Tất cả chỉ là "nếu", bởi theo Trung tá Đào Gia Khánh thì nhóm bạn đi cùng Mạnh cũng nằm trong số thanh thiếu niên hư hỏng, thường bỏ nhà đi tụ tập, chơi bời lêu lổng. Gọi là "bạn" nhưng mối quan hệ của họ cũng chỉ dừng lại ở những cuộc vui nơi quán nét, sống bầy đàn chốn nhà nghỉ. Không có sự giáo dục chu đáo từ gia đình, lại học đòi theo lối sống ăn chơi phóng đãng, những thanh niên này đều nhiễm thói vị kỷ, chỉ cần đáp ứng nhu cầu của bản thân mà không hề nghĩ tới người khác.

Ngay cả nhóm thanh niên truy sát nạn nhân Nguyễn Đức Mạnh cũng vậy. Mặc dù trước đó đã từng giao du với nhau nhưng khi được Dương Đức Trung rủ đi tìm Mạnh "xử lý" vì nghi ngờ lấy trộm tiền, cả Việt, Cường và Hiếu, dù không thù hằn gì với Mạnh nhưng vẫn tích cực tham gia. Có thể các đối tượng không lường hết được hậu quả xảy ra. Nhưng suy cho cùng thì hành vi ném đá "hội đồng" một người từng là bạn khi đã buộc phải nhảy xuống hồ nước để chạy trốn là cách hành xử hết sức độc ác, vô cảm và man rợ.

Rồi đây, các đối tượng gây ra cái chết thương tâm cho nạn nhân Nguyễn Đức Mạnh sẽ phải trả giá trước pháp luật. Nhưng đối với gia đình, cha mẹ của những thanh niên này, hẳn cũng phải chịu trách nhiệm trước lương tâm bản thân khi đã để con cái tuột khỏi mái ấm gia đình…

Hương Vũ
.
.