Vụ "thiệt mạng vì sự cố thang máy": Ẩn họa mang tên “nhà cao tầng”

Thứ Sáu, 11/07/2014, 07:00

Trong điều kiện đô thị chật hẹp về tiện ích sống, ở chung cư là một giải pháp chấp nhận được. Tính về số lượng, một tòa chung cư hiện đại chứa số người tương đương với khoảng một làng. Ngần ấy con người, ngần ấy cách tư duy, ngần ấy lối hành xử… xưa ở làng được dàn trải ra, cũng là một cách để giảm bớt va chạm, xung đột nay lại bị bó gọn lại trong một phạm vi không gian hẹp, chật chội.

Cũng ngần ấy sự phức tạp, chỉ cần thêm với thái độ thiếu trách nhiệm của những người liên quan nữa, là sự việc trở nên trầm trọng ngay, chỉ trong tích tắc.

Tai nạn như được báo trước

Sự việc xảy ra sau cả tiếng đồng hồ, ông Nguyễn Như Kết vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Ông Kết là Tổ trưởng nhà N5A, nhà tái định cư Trung Hòa, Nhân Chính (Hà Nội). Sáng 30/6, khoảng 8 giờ, sau khi đi tập thể dục và xong một số việc loanh quanh hàng ngày dưới sân, ông Kết đi lên nhà. Lúc đi lên, trong thang máy ngoài ông Kết còn có bảo vệ tòa nhà là Trần Anh Tuấn, 50 tuổi, quê Phú Thọ và một người nữa.

Lên đến tầng 7, ông Kết và người cùng tầng chuẩn bị đi về nhà, người bảo vệ tên Tuấn cũng bước vào hành lang, kiểm tra sơ bộ tình hình rồi ấn nút mở cửa thang máy để quay xuống. Cửa thang máy mở, người bảo vệ bước vào nhưng bên trong không có buồng thang. Sau cú bước hụt, anh Tuấn rơi thẳng từ cửa ô thang máy tầng 7 xuống bên trong buồng thang. Sự việc diễn ra ngay trước mắt, chỉ cách chỗ ông Kết đứng chừng hơn 1 mét.

Ngay sau khi thấy anh Tuấn rơi xuống ô thang máy, ông Kết và người đi cùng đã lập tức hô hoán và chạy bộ xuống tầng một yêu cầu tổ bảo vệ cử người tìm kiếm cứu người vì nghĩ rằng có thể anh Tuấn chỉ rơi xuống nóc thang máy ở một tầng gần đấy. Tuy nhiên, khi cạy được cửa thang máy tầng 1, mọi người phát hiện anh Tuấn đã chết ngay trong buồng thang máy sau khi rơi từ tầng 7 xuống.

Ông Phạm Hồng Thoại, Bí thư chi bộ Khu dân cư đô thị N1 gồm 6 tổ nhà, trong đó có tổ nhà N5A cho biết, việc thang máy ở đây bị trục trặc đã được biết đến từ lâu, song phía đơn vị quản lý tòa nhà này gần như mặc kệ.

Cô Nguyễn Kim Toản, nhà ở tầng 9 khẳng định: Đúng là như thế! Con gái cô ở nơi khác đến thăm mẹ, hôm trước đi thang máy đến khoảng tầng 6 bỗng thấy thang hẫng một cái. Mọi người trong khoang thang sợ chết khiếp, bỏ ra ngoài đi thang bộ, không dám dùng thang máy nữa. Cô Hợp ở phòng 601 còn cho biết chính cô là nạn nhân trực tiếp của sự trục trặc này khi đã có lần bị mắc kẹt trong buồng thang gần nửa tiếng đồng hồ mới được bảo vệ hỗ trợ mở cửa giải thoát.

Ông Kết cung cấp cho chúng tôi một bản “Biên bản kiểm tra hiện trường về việc Sự cố thang máy số 1 nhà N5A” có nội dung nêu rõ: "Thang máy số 1 nhà N5A hiện tại không hoạt động được".

Biên bản ghi có thành phần tham gia là tổ dân phố N5A và đại diện tổ quản lý - vận hành cụm nhà N khu Trung Hòa, Nhân Chính gồm các ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổ trưởng và Trần Văn Giáp. Cuối văn bản có chữ ký và tên Nguyễn Mạnh Hùng. Và nó được lập từ ngày 12/6/2014.

Tuy nhiên, từ bấy đến nay, theo ông Kết và các hộ dân khác chung sống trong tòa nhà, phía đại diện quản lý tòa nhà không có động thái gì trong việc sửa chữa thang máy cả. Thang máy trục trặc, ngắc ngứ ở đâu, dân chỉ biết gọi người nhà hay tổ bảo vệ tòa nhà hỗ trợ. Sự cố dẫn đến tai nạn chết người của bảo vệ Trần Anh Tuấn cũng là một trong những trường hợp như thế, khi anh Tuấn đang đi kiểm tra lại một lượt bảng điều khiển vận hành thang máy ở các tầng. Được biết trong số các bảo vệ của tòa nhà, anh Tuấn là người nhiệt tình hỗ trợ nhất. Lần nào gọi là anh Tuấn cũng có mặt ngay để hỗ trợ người dân trong tòa nhà.

Hoàn cảnh anh Tuấn rất khó khăn. Quê anh Tuấn ở Phú Thọ còn có bố mẹ già hơn 80 tuổi, vợ ở nhà làm nông, con đi học. Nhà anh Tuấn còn có một em trai, cũng làm bảo vệ tòa nhà gần đó, nhưng đang mắc bệnh hiểm nghèo… Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, người dân khu nhà N5A đã bột phát tự nguyện quyên góp được hơn 12 triệu đồng giúp đỡ cho gia đình bảo vệ Trần Anh Tuấn.

Đáng ngại nguy cơ mất an toàn chung cư

Vụ tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm của bảo vệ Trần Anh Tuấn lại một lần nữa là tiếng chuông gióng lên cảnh tỉnh về những mối nguy hiểm từ điều kiện của các tòa chung cư mà những người sinh sống ở đây đang phải đối mặt hàng ngày. Một vụ việc tương tự cũng từng xảy ra tại tòa nhà CT3 Yên Hòa, Cầu Giấy. Một người đàn ông đến thăm con ở tòa nhà này, cũng gặp sự cố thang máy và rơi từ tầng 4 xuống đất, tử vong. Chiếc thang máy ở tòa nhà này, theo phản ánh của các hộ dân, cũng đã có tiền sử hỏng hóc!

Ở chung cư  cao tầng, thang máy không đủ an toàn chưa phải là mối nguy hiểm duy nhất. Vụ tai nạn xảy ra với bé gái 4 tuổi quê ở Bắc Giang tại tòa nhà No 9B thuộc khu đô thị bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai cũng là một sự cố rất đáng tiếc. Cháu bé đã tự ý bò ra lan can và rơi từ tầng 11 xuống tử vong. Cũng chính tòa nhà này, trước đó cũng đã xảy ra vụ tai nạn tương tự khi một bé trai 4 tuổi rơi từ tầng 9 xuống bãi cỏ phía trước tòa nhà, tử vong.

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể bảo vệ Trần Anh Tuấn khỏi hiện trường.

Một trong những mối nguy hiểm nữa thường trực ở các tòa chung cư hiện nay, đó là nguy cơ mất an toàn phòng chống cháy nổ. Ở nhà cao tầng nhưng vẫn không bỏ những thói quen như vứt tàn thuốc lá, thuốc lào bừa bãi; châm, đốt than tổ ong ngay trong tòa nhà và dùng xong ném vào hố rác chung nhà là những thói quen chết người không phải hiếm gặp. Ngoài những mối hiểm họa do người sử dụng gây ra thì còn phần không nhỏ có sự "đóng góp" của các đơn vị quản lý tòa nhà, bộ phận có trách nhiệm khi để xảy ra các nguy cơ tiềm ẩn ở nhiều bộ phận của tòa nhà. Cầu thang thoát hiểm trở thành nơi chứa đồ.

Cách đây ít lâu, trong chuyên đề về phòng chống cháy nổ chung cư, Chuyên đề ANTG cũng đã phản ánh về hiện trạng mất khả năng phòng cháy chữa cháy của tòa nhà bởi sự thiếu quan tâm của bên quản lý các tòa nhà. Cũng ngay ở khu  N của Trung Hòa, Nhân Chính gồm 19 khối nhà to, những người dân góp mặt trong ban quản trị tòa nhà đã mất cả nửa ngày trời để trình bày cho chúng tôi về những bất cập liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ. Hầu hết các tòa nhà này đều không có thiết kế và chưa từng được đưa vào kế hoạch lắp đặt sử dụng gas trung tâm.

Từ trước đến nay, các hộ đều sử dụng gas tự phát. Tại các khu thấp tầng còn đỡ. Đối với các nhà trên 10 tầng như nhà N3B, việc ngăn chặn gas tự phát sử dụng thang máy gần như vô vọng. Nguy cơ mất an toàn cực kỳ cao. Trong khi đó tình trạng về các trang thiết bị PCCC của các tòa nhà mới lại càng thê thảm. Hầu hết máy bơm nước cứu hỏa chạy bằng xăng, dầu trong các tòa nhà không được vệ sinh, bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên, càng không có chuyện vận hành định kỳ để đảm bảo khả năng hoạt động bình thường khi gần hết. Phòng đặt thiết bị cứu hỏa và máy bơm nước trở thành kho chứa đồ chung của các hộ bán hàng dưới tầng 1.

Tại khu nhà N6C, tại thời điểm phản ánh, hầu hết các bình cứu hỏa trang bị cho các tòa nhà đều ghi sản xuất từ năm 2006, cho đến nay cũng không được nạp lại. Áp lực bọt, bột khí trong bình đã hạ xuống qua giới hạn áp suất cần thiết nhưng cũng bị bỏ mặc. Nhiều tầng hộp kỹ thuật chuyên dụng PCCC vỡ, mất cả vòi lăn cũng kệ. Đấy là chưa kể, dưới chân các tòa nhà là những bãi đỗ xe, trông giữ xe tự phát có, được cấp phép hẳn hoi cũng có, len chật đường vào. Chẳng còn đâu hành lang an toàn cũng như khả năng tiếp cận chữa cháy của các phương tiện, thiết bị chuyên dụng nữa.

Mà chẳng phải nói đâu xa, ngay chính tòa nhà N5A này, các cư dân ở đây cũng cho biết, tháng 11 năm ngoái cũng xảy ra vụ cháy tại căn hộ nhà bà Tuất ở phòng 807 do chập điện. Bình chữa cháy tại chỗ của bảo vệ tòa nhà không dùng được, phải gọi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến để dập lửa. Bà con được một phen chạy tán loạn!

An toàn là chất lượng sống

Bàn về an toàn chung cư cao tầng vì chất lượng cuộc sống, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trong bài viết cho rằng phát triển chung cư, nhà cao tầng, đáp ứng nhu cầu nhà ở là xu hướng của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cho người sử dụng tại các tòa nhà đang đặt ra nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết.

Cả khu dân cư N5A và các tòa nhà lân cận xôn xao trước vụ việc đau lòng.

Theo Quy chuẩn xây dựng của Việt Nam thì các công trình xây dựng dù cao hay thấp đều phải bảo đảm an toàn về kết cấu, lối thoát hiểm, lan can, trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ và các an toàn khác. Riêng đối với các tòa nhà cao tầng - tức là nhà có thang máy và cao 7 tầng trở lên - thì các yêu cầu trên còn nghiêm ngặt hơn.

Theo ông Liêm, để sống trong chung cư được an toàn thì phải bảo đảm được 3 yếu tố: đầu tư xây dựng phải bảo đảm các quy chuẩn an toàn; khâu quản lý và sử dụng phải được làm tốt; ý thức tự bảo vệ, giữ gìn an toàn của người dân trong tòa nhà phải cao. Song, cả 3 điều này đều đang bị thiếu hụt.

Ông Liêm đã liệt kê một số vụ việc xảy ra Và kết luận nguyên nhân vụ việc có liên quan đến các yếu tố này. Chẳng hạn như về khâu xây dựng, do chất lượng thiết bị và lắp đặt không đạt yêu cầu, có chủ xây dựng làm ẩu, ăn bớt nguyên vật liệu, xây dựng lan can không đúng quy chuẩn được quy định nên xảy ra sự cố. Đó là vụ cháy chung cư 18 tầng trên đường Lê Văn Lương năm 2010 làm 2 người chết, do cháy đường dẫn rác và cửa bịt đường này không đủ chống cháy; vụ do tủ kỹ thuật điện bốc cháy tại khu chung cư Xa La, Hà Đông, chung cư M3-M4 Nguyễn Chí Thanh, tòa nhà văn phòng  273 Kim Mã và vụ cháy xe trong tầng hầm tại chung cư Cầu Diễn…

Cũng có những nguyên nhân thuộc về người sử dụng, chẳng hạn như bộ phận người dân chưa được chuẩn bị đầy đủ kiến thức, vẫn giữ thói quen sinh hoạt cũ khi sống trong các chung cư hiện đại. Họ không hiểu hoặc không làm chủ được trang thiết bị chính trong gia đình mình, dẫn đến tai nạn.

Có thể kể đến là các vụ thắp hương gây cháy ở chung cư 93 Lò Đúc; chập điện do ổ cắm bị quá tải ở chung cư Phúc Thịnh, TP HCM hay trường hợp lắp máy điều hòa không khí không đúng cách gây chập cháy nổ tại tòa nhà 17T4 Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội. Các sự cố về việc bố trí các thiết bị kỹ thuật, kết cấu xây dựng, công tác sơ tán dập lửa và thoát khói, chuông báo cháy, đèn sự cố… cũng là phổ biến, và đều là những yếu tố gây mất an toàn tại các chung cư.

Để xảy ra hiện tượng mất an toàn trong chung cư cao tầng, theo ông Liêm, trách nhiệm thuộc về bộ phận quản lý tòa nhà, các cấp chính quyền đô thị và của lực lượng phòng cháy chữa cháy.

Đối với lực lượng quản lý chung cư, là những người trực tiếp gần dân, đóng góp vào mức độ an toàn trong cuộc sống cư dân nên cần phải được đào tạo chuyên nghiệp, để điều hành tốt các hoạt động, vận hành thang máy, trang thiết bị trong chung cư. Tuy nhiên, đội ngũ làm công tác này tại phần lớn các khu nhà cao tầng lại đang rất thiếu chuyên nghiệp.

Về phía chính quyền các đô thị, đó là trách nhiệm chỉ đạo bảo đảm an toàn chống cháy, nổ trong phạm vi đô thị, cấp vốn mua sắm các trang thiết bị chữa cháy thích hợp với nhà cao tầng.

Trong phần bàn sâu thêm về công tác an toàn phòng chống cháy nổ, ông Liêm nhận định so với thế giới, tình trạng cháy, nổ chung cư, nhà cao tầng ở ta chưa cao. Có thể vì hầu hết công trình còn mới. Tuy nhiên, theo thời gian, nguy cơ này sẽ ngày càng hiện hữu với tần suất cao hơn. Bởi vậy, để ở chung cư được an toàn, cần sự quan tâm thường xuyên của đủ các thành phần liên quan, hữu trách nhằm tổng kết, đánh giá, nghiên cứu kịp thời hoàn thiện các giải pháp đảm bảo an toàn theo kịp với thực trạng ở mỗi đô thị

Việt Ba
.
.