Vụ tử hình gây căng thẳng quan hệ Anh - Trung Quốc

Thứ Sáu, 08/01/2010, 15:45
Các nhà chức trách Trung Quốc vừa cho thi hành án tử hình đối với công dân Anh Akmal Shaikh (53 tuổi), người trước đó đã bị buộc tội buôn lậu ma túy. Shaikh đã bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc vào ngày 29/12/2009, sau khi Tòa án tối cao Trung Quốc bác bỏ hàng loạt những lá đơn và đề nghị ân xá, trong đó có cả từ chính Thủ tướng Gordon Brown của Anh.

Vụ tử hình vừa qua đã gây ra một làn sóng phản đối tại Anh (phần lớn ý kiến cho rằng Shaikh chỉ là nạn nhân của những tên lừa đảo), chưa kể những tác động gây căng thẳng của nó trong mối quan hệ Bắc Kinh - London

Tháng 9/2007, Akmal Shaikh bay tới thành phố Urumqi của Trung Quốc. Các nhà chức trách nước sở tại trong quá trình kiểm tra hành lý của anh ta đã phát hiện tới 4,03 kg hêrôin. Đây là một số lượng ma túy đặc biệt lớn nếu biết rằng theo luật pháp Trung Quốc, bản án tử hình có thể được tuyên dành cho những kẻ chỉ mang trong mình có 50gr ma túy.

Akmal Shaikh từ thời điểm đó luôn phủ nhận sự dính líu của mình khi khẳng định, anh ta không hề biết gì về số hêrôin trong hành lý của mình. Đây cũng là lý lẽ chính của họ hàng và luật sư của bị cáo.

Theo giả thuyết của bên bào chữa, Akmal Shaikh thực ra chỉ là nạn nhân của những tên lừa đảo - buôn lậu ma túy. Trên trang web của tổ chức nhân quyền Reprieve đã liệt kê tất cả những chi tiết được coi là "không may và bất hạnh" của công dân Anh này. Chẳng hạn như nội dung tại đây cho biết, không lâu trước khi bay tới Trung Quốc, Shaikh đã từng đặt chân tới Ba Lan với mục đích tìm kiếm cơ hội để trở thành một... ca sĩ.

Akmal Shaikh trở thành người châu Âu đầu tiên bị tử hình tại Trung Quốc trong 50 năm trở lại đây.

Tại đây, anh ta đã gặp gỡ một người có tên Carlos, cùng tham gia với tên này sáng tác một bài hát. Nhân vật này còn tuyên bố về những mối quan hệ thân quen của mình trong ngành công nghiệp giải trí, và hứa hẹn sẽ "lăng xê" Shaikh trở thành một "ngôi sao mới".

Shaikh sau đó được giới thiệu tới Kyrgyzstan để gặp gỡ một người được cho là chủ nhân một hộp đêm tại Trung Quốc, với lời hứa hẹn sẽ được mời biểu diễn tại cơ sở này. Hai người sau đó cùng tới Tadjikistan và nghỉ tại một khách sạn 5 sao.

Đến khi đặt chân tới Trung Quốc, trong hành lý của Shaikh bị phát hiện có 2 gói hêroin. Cho tới thời điểm Shaikh đã bị tử hình, công chúng vẫn chưa thực sự biết rõ về mức độ sự thật có trong câu chuyện trên, do tất cả chỉ mới là những giả thuyết của bên bào chữa và họ hàng bị cáo đưa ra.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo trong các phiên xét xử trước đó còn đưa ra một lý lẽ khẳng định, thân chủ của họ đang bị mắc một chứng bệnh tâm thần gọi là "rối loạn lưỡng cực", khiến anh ta luôn nung nấu trong đầu về quyết tâm phải trở thành một "ngôi sao trong làng âm nhạc giải trí".

Tuy nhiên, tất cả những lý lẽ và cả căn bệnh trên đã không thể tác động tới các quan chức tòa án, những người cho rằng chưa thể có đủ cơ sở cho việc giảm án. Một loạt những lá đơn xin kháng án, phong trào ủng hộ bị cáo trên Internet và cả những yêu cầu riêng của Thủ tướng Gordon Brown cũng không thể cứu được  Shaikh.

Với bản án vừa được thi hành trên, Akmal Shaikh trở thành người châu Âu đầu tiên bị tử hình tại Trung Quốc trong 50 năm trở lại đây. Shaikh - là chủ một gia đình có vợ và 3 con - chỉ được thông báo về quyết định thi hành bản án trước 24 tiếng đồng hồ.

Một làn sóng phản đối tại Anh ngay lập tức đã bùng phát, sau khi chính Thủ tướng Gordon Brown khẳng định thông tin về vụ hành quyết Shaikh. Ông Brown còn cho biết, ông đã "bị sốc về việc chính quyền Trung Quốc đã không thèm để ý tới tất cả những lời đề nghị ân xá" từ phía bào chữa hay cả từ nước Anh.

Bộ trưởng Ngoại giao David Miliband cũng có những phát biểu phản đối tương tự, dù vẫn khẳng định thêm rằng, nước Anh cũng như Trung Quốc luôn lên án nạn buôn lậu ma túy. Theo các nhà quan sát, vụ hành quyết Akmal Shaikh chắc chắn sẽ gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ đến quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và London.

Còn theo BBC News, bản án được cho là quá nghiêm khắc trên còn nhận được sự chỉ trích từ Liên minh châu Âu (EU). Các đại diện của LHQ lại tỏ ý nghi ngờ rằng, tòa án đã không cố gắng làm rõ những chi tiết trong vụ án. Tất cả những tuyên bố trên cũng không thể làm lung lay quan điểm của Bắc Kinh cho rằng, bản án tử hình trong trường hợp trên là điều "không thể tránh khỏi".

Đại sứ quán Trung Quốc tại London khẳng định rằng, hơn 4 kg hêrôin "đủ để gây ra cái chết của 26.800 người, đe dọa nhiều gia đình" tại Trung Quốc. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn khẳng định, tất cả mọi quyền lợi pháp lý của cá nhân Shaikh đều được đảm bảo và tôn trọng đầy đủ trong quá trình xét xử. Chính vì vậy, phát ngôn viên của Trung Quốc còn tỏ ý "không hiểu", vì sao việc tử hình một tên buôn lậu ma túy lại gây ra những phản ứng rầm rộ như vậy từ phía Anh?

Cần nói thêm vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về các bản án tử hình được thực thi. Cụ thể theo Hãng tin AFP, chỉ riêng trong năm 2008, tại 25 quốc gia trên khắp thế giới đã thi hành tổng cộng 2.390 án tử hình, trong đó chỉ riêng Trung Quốc đã là 1.718 trường hợp.

Hiện tại vẫn có khoảng 70 nước duy trì mức án tử hình. Xếp ngay sau Trung Quốc trong số án tử hình được thi hành vào năm ngoái còn có Iran (346 trường hợp), Arập Xêút (102 trường hợp), Mỹ (37 trường hợp), Pakistan (36 trường hợp) và Iraq (34 trường hợp) v.v...

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.