WikiLeaks tiết lộ về mưu đồ giáng “cơn bão hạt nhân” xuống châu Âu

Thứ Sáu, 13/05/2011, 19:50

WikiLeaks mới đây lại tiếp tục công bố một loạt các hồ sơ tù nhân tại nhà tù nổi tiếng Guantanamo. Nhiều tài liệu đã giúp cho công chúng hình dung được mối đe dọa thực sự của chủ nghĩa khủng bố - nội dung các cuộc thẩm vấn cho thấy, bọn khủng bố từng âm mưu giáng một "cơn bão hạt nhân" xuống đầu châu Âu, cũng như tổ chức một loạt các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học và sinh học khác nhằm vào các nước phương Tây…

Sau khi mối quan tâm của công luận đối với các công văn ngoại giao mật bắt đầu lắng xuống, WikiLeaks lại tiếp tục khiến cả thế giới phải chú ý tới mình. Đợt công bố 779 hồ sơ về các tù nhân và cựu tù nhân của Guantanamo được trang web này quảng bá là "sẽ giúp soi rọi “vương quốc bóng tối” của nhà tù Guantanamo, từng trở thành một biểu tượng kinh hoàng của cuộc chiến chống khủng bố".

Mỗi hồ sơ này đều lưu đầy đủ tiểu sử của tù nhân, thông tin về tính cách và tình trạng sức khỏe, cũng như dự đoán nhân vật này sẽ làm gì sau khi được trả tự do. Trong số này, tại Guantanamo vẫn đang giam giữ 172 tù nhân, khoảng 600 tù nhân còn lại đã được chuyển tới các nhà tù khác hay được trả tự do. Có 7 người trong số này đã chết trong quá trình bị giam cầm.

Những tài liệu được công bố một lần nữa khẳng định lời chỉ trích lâu nay từ các tổ chức nhân quyền: có rất nhiều tù nhân đã bị bắt nhầm và tống giam vào nhà tù Guantanamo. 

Tất nhiên trong số các tù nhân của Guantanamo có không ít những tên khủng bố nguy hiểm. Theo ý kiến của giới chức chỉ huy căn cứ này, có gần 220 cái tên được xếp vào danh sách "có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng".

Nhưng các nhân viên của WikiLeaks cũng bày tỏ quan điểm thận trọng với những đánh giá trên: "Các tài liệu thường dựa vào phát biểu của các nhân chứng - phần lớn trường hợp là từ lời khai của các tù nhân khác - nên khó có thể chỉ dựa vào những lời nói này.  Nguyên nhân là do những người trên cũng bị tra tấn và ngược đãi, đôi khi không phải chỉ riêng tại nhà tù Guantanamo, mà còn tại nhiều nhà tù bí mật khác của CIA. Nhiều kẻ đã đưa ra lời khai giả để có được điều kiện giam cầm tốt nhất tại Guantanamo".

Một góc nhà tù Guantanamo.

Dù thế nào, cũng phải thừa nhận vai trò quan trọng của một số tù nhân trong mạng lưới khủng bố quốc tế. Đáng chú ý đặc biệt trong số này là Khalid Sheikh Mohammed, kẻ tuyên truyền cho âm mưu khủng bố ngày 11/9/2001. "Tù nhân này đã soạn thảo ra một số lượng lớn kịch bản chống lại Mỹ, đồng minh và các quyền lợi của họ trên khắp thế giới" - đó là một đoạn trích trong hồ sơ của tên này.

Chủ yếu trong số này là những vụ tấn công nhằm đánh vào kinh tế, theo Sheikh Mohammed, những bất ổn bên trong nước Mỹ sẽ dẫn tới thay đổi căn bản về chính sách đối ngoại của Washington. Chính tên khủng bố này đã thừa nhận, các chiến hữu của hắn đã giấu trên lãnh thổ châu Âu một đầu đạn hạt nhân, dự kiến được sử dụng trong trường hợp Osama bin Laden bị bắt để giáng một "cơn bão hạt nhân" lên đầu những kẻ ngoại đạo.

Một tù nhân khác trong quá trình thẩm vấn đã thừa nhận: Al-Qaeda đã lên kế hoạch thông qua sự giúp đỡ của một số nhân viên bị mua chuộc tại sân bay Heathrow sẽ tổ chức một loạt những vụ khủng bố quy mô tại một trong những cảng hàng không lớn nhất thế giới này. Những tên khủng bố còn âm mưu sử dụng vũ khí hóa học và sinh học để chống lại những kẻ thù tư tưởng của mình tại châu Âu và Mỹ - chẳng hạn như bỏ chất độc cyanua vào hệ thống điều hòa của tòa nhà hay cho nổ bình ga tại các khu cư dân.

Qua lời khai của nhiều tù nhân tại Guantanamo, công chúng còn được biết thêm nhiều chi tiết mới xung quanh sự kiện ngày 11/9. Theo đó vào đúng ngày 11/9/2001, hầu như tất cả các thủ lĩnh chủ chốt của Al-Qaeda đã tập trung tại thành phố Karachi (Pakistan), cùng xem sự kiện trên qua truyền hình. Ngay hôm sau, nhiều nhân vật trong số này quay trở lại Afghanistan, bắt tay lập kế hoạch cho một cuộc chiến lâu dài với phương Tây.

Bốn ngày sau sự kiện này, Osama bin Laden xuất hiện trước các tay súng Arập tại tỉnh Kandahar, ra lệnh cho họ "bảo vệ Afghanistan khỏi những kẻ xâm chiếm ngoại đạo" và "chiến đấu vì thánh Allah".

Việc công bố hồ sơ Guantanamo đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ Nhà Trắng. Chẳng hạn như đại diện đặc biệt của Tổng thống về vấn đề tù nhân là Daniel Freed đã tỏ ra lấy làm tiếc về việc "The New York Times và một số cơ quan tin tức khác đã quyết định công bố phần lớn các tài liệu mà WikiLeaks đã khai thác được một cách trái phép". Những người này còn tỏ ra lo ngại rằng, việc công bố những tài liệu trên sẽ gây tổn hại đến quyền lợi của các công dân Mỹ.

Về phần mình, các nhà quan sát cho rằng, số tài liệu mật trên được công bố vào đúng thời điểm đặc biệt không thích hợp với chính quyền Mỹ, tức là chỉ vài tuần sau khi Barack Obama chính thức khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống mới sẽ được tổ chức vào năm 2012. Bởi chính ông từng ra sức chỉ trích người tiền nhiệm George W. Bush về việc mở nhà tù Guantanamo và tuyên bố sẽ đóng cửa nhà tù này. Tuy nhiên, cho tới nay Guantanamo vẫn tồn tại, một thực tế khiến Tổng thống Obama có thể bị mất một phần đáng kể số phiếu ủng hộ của các cử tri Mỹ

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.