Xét nghiệm carbon phóng xạ phát hiện ngà voi buôn lậu

Thứ Tư, 21/08/2013, 10:50

Kỹ thuật xét nghiệm carbon-14 được công bố ngày 1/7 trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences. Nhà địa chất học Kevin Uno - nhà khoa học đang làm việc cho Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty của Đại học Columbia - cho biết kỹ thuật mới có giá khoảng 500 USD trên một mẫu.

Nhà địa hóa học Thure Cerling - giáo sư bộ môn địa chất, địa vật lý học và sinh học Đại học Bang Utah - giải thích kỹ thuật xét nghiệm carbon phóng xạ không chỉ giúp các chuyên gia pháp y đời sống hoang dã chiến đấu chống lại bọn tội phạm săn trộm mà "chúng ta còn có thể sử dụng dấu hiệu đặc trưng trong các mẫu mô động vật đã sống qua thời kỳ của những thử nghiệm vũ khí hạt nhân để nghiên cứu hệ sinh thái hiện đại cũng như tìm hiểu về đời sống của các động vật hóa thạch".

Carbon-14 hình thành trong khí quyển do những cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Liên Xô và Mỹ diễn ra ở Siberia và Nevada từ năm 1952 đến 1962. Carbon-14 đạt mức cao nhất trong khí quyển vào thập niên 1960 và giảm dần sau thời gian đó nhưng nó vẫn còn được hấp thu bởi các mô động vật thực vật. Các tia vũ trụ sinh ra carbon-14 ở mức thấp, nhưng những cuộc thử nghiệm hạt nhân ngoài trời trong hai thập niên 1950 và 1960 làm tăng đáng kể mức carbon-14 trong khí quyển, mô động và thực vật.

Nhóm nhà khoa học của Cerling và Uno đo mức carbon-14 ở nhiều điểm khác nhau dọc theo chiều dài ngà và răng voi. Các mẫu nghiên cứu của nhóm nhà khoa học bao gồm ngà, răng và đuôi voi (cũng như răng hà mã, sừng linh dương châu Phi, lông khỉ) và một số mẫu cỏ thu thập từ Kenya năm 1962. Kevin Uno giải thích, do voi ăn thực vật cho nên mức độ phóng xạ trong ngà của chúng phản ánh đúng mức phóng xạ trong khí quyển.

Hải quan Nhật Bản trưng bày 2,8 tấn ngà voi buôn lậu tịch thu được ở nước này.

Các hiệp ước quốc tế ngăn cấm buôn bán ngà voi thô của voi châu Á được áp dụng sau năm 1975 và voi châu Phi sau năm 1989. Riêng ở nước Mỹ, ngà voi châu Phi thô và qua chế tác (thường thành đồ trang sức, tượng, súng và cán dao) được coi là hợp pháp nếu chúng được nhập khẩu trước năm 1989 hay nếu nhập khẩu sau năm đó thì bắt buộc chúng phải có ít nhất 100 tuổi. Mặc dù vậy, hàng tấn ngà voi bất hợp pháp vẫn tiếp tục được bán tràn lan do bọn con buôn lập luận rằng "hàng hóa" của chúng được thu gom trước khi có lệnh cấm và giới chức chính quyền cũng chưa có kỹ thuật nào để chứng minh sự thật trước tòa án.

Trong khi, như Kevin Uno cho biết, hiện nay mỗi năm có khoảng 30.000 con voi bị giết chết để lấy ngà. Các nhóm bảo tồn đời sống hoang dã nhận định 70% số ngà voi buôn lậu đến Trung Quốc. Còn Mỹ là thị trường bất hợp pháp lớn nhất đứng sau. Giá ngà voi tăng cao cũng gây sự thèm khát cho bọn tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và kích thích các nhóm chiến binh ở Dafur, Uganda, Sudan và Somalia sẵn sàng sát hại voi không nương tay để bán ngà lấy tiền mua vũ khí! Ngoài thị trường tiêu thụ Trung Quốc, còn phải kể đến một vài quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á khác.

Kevin Uno hy vọng thử nghiệm mới của ông không chỉ giúp các chính quyền các nước xác định được ngà voi bất hợp pháp trên thị trường đen mà còn ngăn chặn được dòng chảy tài chính đến cho các thủ lĩnh phiến quân ở Trung Phi. Tuy nhiên, nhóm nhà khoa học của Kevin Uno (bao gồm các chuyên gia sinh học và địa chất học Mỹ, Anh và Kenya) cũng biết rằng phương pháp thử nghiệm phóng xạ mới sẽ mất dần hiệu quả sau khoảng 15 năm nữa do mức carbo-14 dẩn trở về bình thường trong khí quyển trái đất. Có lẽ, đến lúc đó các nhà khoa học phải tìm ra phương pháp mới thay thế.

Theo số liệu của Liên hiệp quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), khoảng 423.000 con voi châu Phi hiện đang sống trong tự nhiên

An An (tổng hợp)
.
.