Xuất hiện nhiều băng nhóm gangster trong quân đội Mỹ

Thứ Tư, 01/08/2007, 17:32
Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng, tổ chức và hoạt động của các băng nhóm trong quân đội đã được Cục điều tra Liên Bang Mỹ - FBI, chứng minh với những bằng chứng rất rõ ràng. Trong bản báo cáo của mình, FBI gọi đó là “Mối đe doạ đối với sự nghiêm minh của luật pháp và an ninh quốc gia”.

Nước Mỹ vốn nổi tiếng với các băng nhóm côn đồ đường phố hết sức hung hãn, là thủ phạm gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng và thường xuyên làm cho cả giới chức trách lẫn cảnh sát phải đau đầu. Không những thế, giờ đây hoạt động kiểu “băng nhóm bang hội” như thế còn xuất hiện ngày một nhiều trong một môi trường tưởng chừng rất nghiêm khắc và kỷ luật như quân đội.

Hiện tượng này đang trở thành một mối lo ngại lớn với quân đội Mỹ khi các quân nhân của họ không chỉ bị chết ở chiến trường mà còn có thể bị “thanh toán” bởi chính các đồng đội của mình.

Mới đây, quân nhân Juwan Johnson đã bị đánh cho tới chết bởi các thành viên trong quân đội khi anh này muốn tham gia một băng nhóm ở đó. Trước đây, Juwan Johnson đã từng được đón chào như một người anh hùng khi trở về quê hương sau khi phục vụ trong quân đội tại chiến trường Iraq. Nhưng đó cũng là chuyến về thăm nhà cuối cùng của Juwan Johnson.

Bà Stephanie Cockrell - mẹ của Juwan Johnson, nhớ lại: “Gia đình tôi rất tự hào về Juwan, nó đã hoàn thành nghĩa vụ ở Iraq. Trước khi chết, nó đã nói với tôi rằng: Mẹ à, con đang trong quá trình giải ngũ. Nhưng con sẽ đi một vài nơi khác trong vòng 2 tuần tới. Tôi cảm thấy có điều gì đó hơi khác thường ở con trai tôi và chúng tôi đã rất lo lắng, cho dù nó đã trở về nhà an toàn từ Iraq”.

Khi Johnson chết, anh ta không phải đang tham gia cuộc chiến hay ở vùng chiến sự mà là đang ở nước Đức.

Vào ngày 6/3/2005, Johnson đã tới một công viên gần căn cứ quân sự của anh tại Đức để tham gia vào một băng nhóm gangster - một băng nhóm khét tiếng ở Chicago. Johnson đã phải đánh bại 8 người lính khác như là một nghi lễ bắt buộc để được gia nhập nhóm.

Và Johnson đã chết ngay trong đêm hôm đó do bị thương quá nặng. Trong khi đó, vợ của Johnson đang mang thai đứa con trai đầu lòng. Khi nhận được tin, gia đình của Johnson đã bị sốc và rất bàng hoàng: “Gia đình tôi đã cảm thấy rất đau đớn khi mất nó. Nhưng không ai lại có thể nghĩ rằng có những băng nhóm ở ngay trong quân đội. Chúng tôi nghĩ đó là một môi trường có kỷ luật và rất nghiêm túc”.

Toà án quân sự cũng đang tiến hành điều tra và xét xử những kẻ đã tấn công gây nên cái chết của Johnson.

Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng, tổ chức và hoạt động của các băng nhóm trong quân đội đã được Cục điều tra Liên Bang Mỹ - FBI, chứng minh với những bằng chứng rất rõ ràng. Trong bản báo cáo của mình, FBI gọi đó là “Mối đe doạ đối với sự nghiêm minh của luật pháp và an ninh quốc gia”.

Cựu sĩ quan cảnh sát Hunter Glass hiện sống tại bắc Carolina, người đã trực tiếp điều tra và chứng kiến hoạt động của các băng nhóm tại các căn cứ quân sự và trong quân đội đã cho rằng, có rất nhiều binh lính đã tham gia và thành lập những băng nhóm giống như băng nhóm tội phạm đường phố. Họ thậm chí còn thanh toán và xử lý nhau. Tuy nhiên chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, chúng ta vẫn phải chiến đấu. Quân đội sẽ khó mà có được nhưng kiểm soát chặt chẽ và nghiêm khắc với vấn đề này.

Các băng nhóm dạng như thế này cũng xuất hiện rất nhiều ở chiến trường Iraq và Afghanistan. Hầu như tại tất cả các mặt trận mà Mỹ tham chiến, đều có sự xuất hiện của các băng nhóm dạng này, với sự tham gia của nhiều binh lính và sĩ quan trong quân đội.

“Chúng ta đại diện cho nước Mỹ để chiến đấu, vì thế việc xuất hiện những băng nhóm gangster trong quân đội dẫn đến mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau là điều không thể chấp nhận được” – Colonel Gene Smith một quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ cho biết.

Cơ quan điều tra tội phạm quân đội Mỹ gửi bản báo cáo cho thấy rằng đã có 61 băng nhóm vào năm ngoái, so với năm 2004 chỉ có 9. Như vậy, số lượng các băng nhóm đã gia tăng một cách chóng mặt. Và cùng với nó là hàng loạt các tội phạm khác là kết quả hoạt động của các băng nhóm.

Sự gia tăng hoạt động của các băng nhóm trong quân đội cũng trùng với thời điểm hàng loạt các quân nhân mới nhập ngũ. Từ năm 2003, có khoảng 125 nghìn lính mới nhập ngũ mà trước đó đã có tiền án tiền sự, phần lớn là các tội nhẹ liên quan đến cướp giật và hành hung. Đó cũng là một phần lý do lý giải hiện tượng phát triển mạnh mẽ các “bang hội” trong quân đội.

Người ta đang lo ngại về khả năng các băng nhóm trong quân đội có sự giao thiệp, tiếp xúc sâu sắc với các nhóm găng tơ đường phố, thậm chí còn học tập các “kỹ năng chiến đấu” từ lẫn nhau.

Mới đây, quốc hội Mỹ vừa thông qua luật cấm sử dụng những người đã từng có tiền án tiền sự và tham gia các băng nhóm được phục vụ trong quân đội. Đây là một cố gắng của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn tình trạng trên ở trong quân đội

Xuân Quỳnh (theo CBS News)
.
.