Xung quanh vụ truyền máu nhiễm HIV tại Trung Quốc

Chủ Nhật, 07/02/2010, 11:25
Không chỉ cư dân ở thị trấn Hồ Tứ, khu Giang Hạ, Vũ Hán, mà dư luận Trung Quốc đều đang bất bình, bàng hoàng và lo sợ sau khi biết tin, anh Trương Khải (tên đã được đổi) đã bị nhiễm HIV vì những sơ suất của bác sĩ, y tá tại Bệnh viện số 2, thành phố Đại Dã.

Họa vô đơn chí

Để có được sự thừa nhận "đây là trường hợp nhiễm HIV qua truyền máu đầu tiên được phát hiện tại Bệnh viện số 2 kể từ năm 1996 đến nay", anh Trương Khải đã phải mất khá nhiều công sức, cho dù sức khỏe đang bị suy giảm nghiêm trọng. Cách đây gần 13 năm (28/3/1997), Trương Khải, cư dân ở thị trấn Hồ Tứ, khu Giang Hạ bị tai nạn giao thông khá nặng. Tuy may mắn được đưa vào cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện số 2, thành phố Đại Dã, nhưng anh lại bị mắc căn bệnh thế kỷ.

Nếu không có cuộc xét nghiệm máu hôm 15/9/2009 - do bị ho, tức ngực, ngất đột ngột, thì  anh không thể biết mình đã nhiễm HIV. Tới lúc này Trương Khải mới hiểu vì sao những chứng bệnh trước đây như viêm phổi, cảm cúm, kết hạch chữa mãi không khỏi sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện số 2. Mặc dù đã chi hơn 70.000 NDT, nhưng sức khỏe của anh ngày càng suy giảm cho dù mới 38 tuổi.

Trương Khải trước ống kính phóng viên.

Kể từ khi biết mình mắc bệnh, vợ chồng Trương Khải đã nhiều lần tới gặp lãnh đạo Bệnh viện số 2 để nói chuyện. Mặc dù Bệnh viện số 2 đồng ý bồi thường cho Trương Khải 100.000 NDT, cùng cam kết chữa bệnh miễn phí cho anh, nhưng mọi việc đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Bởi anh muốn Bệnh viện số 2 trả thêm 600 NDT/tháng và sắp xếp công việc cho cậu con trai mới 15 tuổi. Được biết, anh Trương Khải là lao động chính và kinh tế của gia đình đã giảm đáng kể sau vụ tai nạn hồi đầu năm 1997. Sở dĩ anh Trương Khải đưa ra yêu cầu kể trên bởi Bệnh viện số 2 từng phải bồi thường 190.000 NDT và 500 NDT/tháng cùng cam kết chữa bệnh miễn phí và bố trí việc làm cho con cái của một nạn nhân trước đó. Vì không đạt được thỏa thuận nên anh Trương Khải đã cầu cứu tới báo chí.

Trong buổi làm việc với báo Vũ Hán buổi sáng hôm 18/1, Phó giám đốc Bệnh viện số 2 Từ Xuân Dương cho biết, vì không biết có nhiều người nhiễm HIV do truyền máu tại bệnh viện nên họ mới chấp nhận bồi thường cho nạn nhân kể trên. Nhưng nay số người nhiễm HIV khá lớn nên kể từ giữa năm 2007 đến nay, Bệnh viện số 2 chỉ chấp nhận bồi thường từ 90.000 đến 100.000 NDT/một bệnh nhân.

Đến nay đã có gần 40 bệnh nhân chấp nhận phương án bồi thường của Bệnh viện số 2 bởi con số này cao hơn rất nhiều địa phương khác của thành phố Vũ Hán. Tuy nhiên, Phó giám đốc Từ Xuân Dương cũng thừa nhận, hiện chưa thể xác định có bao nhiêu bệnh nhân đã bị nhiễm HIV vì những bất cẩn của họ. 

Những con số báo động

Phó giám đốc Từ Xuân Dương cho biết, có khoảng 80 bệnh nhân nhiễm HIV do bị truyền máu có loại virus này. Trong những năm 90 thế kỷ trước, Bệnh viện số 2 đã mua máu của nhiều người dân ở thành phố Đại Dã, trong đó có máu bị nhiễm HIV. Được biết, có một số người dân ở thị trấn Kim Ngưu thường xuyên bán máu cho Bệnh viện số 2 và họ đã nhiễm HIV sau khi tới bán máu ở tỉnh Hà Nam.

Bệnh nhân cần truyền máu tại bệnh viện này đã bị truyền loại máu không được kiểm tra lại theo đúng quy trình. Theo thống kê, đã có hơn 80 người nhiễm HIV sau khi truyền máu tại Bệnh viện số 2 trong thời gian 1996-1997. Điều đáng nói là một số người đã truyền bệnh cho vợ và con, khiến con số thực tế lên tới hơn 100 người.

Hầu hết số người nhiễm HIV sống tại thị trấn Kim Ngưu và những vùng xung quanh thành phố Đại Dã. Vì số người nhiễm HIV nhiều, lượng tiền phải bồi thường lớn nên Bệnh viện số 2 không thể đảm trách nổi. Do đó, chính quyền thành phố Đại Dã, thị trấn Kim Ngưu và khu Giang Hạ đã họp với những cơ quan chức năng để bàn biện pháp khắc phục. Chính quyền thành phố Đại Dã đã đề nghị cung cấp 20 triệu NDT để điều trị và bồi thường cho các nạn nhân. Được biết, Đại Dã là địa phương đầu tiên của Trung Quốc có khu điều trị tổng hợp căn bệnh thế kỷ.

Tháng 4-2005, cảnh sát từng bắt giữ 15 người trong vụ bê bối bán máu bất hợp pháp, làm lây nhiễm HIV cho nhiều người khác. Những người này có liên quan tới 106 trường hợp truyền máu không an toàn. Đến cuối năm 2005, một người đàn ông nhiễm HIV đã lây bệnh cho ít nhất 18 người sau khi nhiều lần hiến máu mà không biết mình nhiễm bệnh. 3 người được truyền máu đã thiệt mạng vì nhiễm HIV. Được biết, người đàn ông này đã hiến máu 15 lần ở tỉnh Cát Lâm (từ đầu năm 2003, đến 6/2005) nhưng không hề được xét nghiệm HIV. Một số quan chức địa phương đã bị kỷ luật và vài người bị bắt vì việc này.

Theo Luật Hiến máu (có hiệu lực từ tháng 10/1998), nghiêm cấm việc bán máu và yêu cầu kiểm tra HIV với mọi loại máu được cung cấp. Nhưng đến năm 2004, Trung Quốc lại thông qua Luật Cấm mua và bán máu do lo sợ phải đối mặt với đại dịch HIV. Việc bán máu trái phép bị coi là nguyên nhân khiến nhiều nông dân  bị nhiễm HIV ở tỉnh Hà Nam hồi giữa thập niên 90

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.