Y án tử hình với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc

Thứ Hai, 26/05/2014, 17:55

Một bản án phúc thẩm rất nghiêm khắc dành cho các bị cáo tại vụ án “tham ô tài sản”, “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), trong đó Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên tử hình...

Bản án nghiêm khắc cho vụ đại án tham nhũng

Trước phiên tòa phúc thẩm, đã có dư luận cho rằng với việc gia đình Dương Chí Dũng nộp 5,2 tỉ đồng, gia đình Mai Văn Phúc nộp 3,5 tỉ đồng cho Cục Thi hành án dân sự Hà Nội sẽ là tình tiết giảm nhẹ, giúp cho hai bị cáo này thoát án tử hình mà Tòa án nhân dân (TAND) TP  Hà Nội đã tuyên cuối năm 2013.

Tại phiên tòa phúc thẩm, khi được nói lời cuối cùng vào sáng 29/4, Dương Chí Dũng nói rằng: "Dù bản thân không nhận tiền tham ô nhưng nếu trong tình huống tòa buộc phải tuyên án, không làm thế nào được cũng xin cho bị cáo được sống. Bị cáo trông cậy vào tâm từ đức độ, sự công minh của Hội đồng xét xử (HĐXX) để không xảy ra tình trạng quýt làm cam chịu. Đây là món quà mà Đảng, Nhà nước, nhân dân dành cho bị cáo cho những thời gian, thành tích đã cống hiến của bị cáo để chứng kiến ngày mọi việc được làm rõ vì oan mà chết thì không nói với ai được".

Mai Văn Phúc đề nghị xem xét minh oan cho bị cáo ở cả 2 tội. Phúc trình bày, dù bản thân đã cố gắng hết sức, những sự việc tại Vinalines vẫn xảy ra vì khi bị cáo về mọi người đã sắp đặt hết cả, bị cáo chỉ làm theo trong guồng máy đó. Tuy vậy, bị cáo cũng nhận phần trách nhiệm của mình…

Chiều ngày 7/5, Chủ tọa phiên tòa - ông Nguyễn Văn Sơn, Thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã tuyên án:

Tử hình bị cáo Dương Chí Dũng về tội tham ô tài sản; 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.

Tử hình bị cáo Mai Văn Phúc về tội tham ô tài sản và 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.

Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cùng bị tuyên án tử hình.

Bản án được HĐXX phúc thẩm tuyên đọc chiều 7/5 khẳng định, kết quả tương trợ tư pháp tại Singapore và Nga đều cho thấy, trong thương vụ mua ụ nổi 83M, Công ty AP (Singapore) chỉ đóng vai trò là người môi giới mua bán và chỉ được hưởng 700.000USD tiền công.

Khi Trần Hải Sơn báo cáo với Dương Chí Dũng về việc ông Goh Hoon Seow (Giám đốc điều hành Công ty AP) thông báo chuẩn bị tiếp nhận khoản tiền lại quả, Dũng nói đồng ý và dặn về tỉ lệ ăn chia. Trần Hải Sơn báo cáo lại với Mai Văn Phúc, Phúc cũng bảo: "Đồng ý, xem xúc tiến nhanh nhé".

Thực tế, ông Goh Hoon Seow và Công ty AP làm các thủ tục là theo sắp xếp của Công ty Global Success (Công ty môi giới của Liên bang Nga, đứng ra dàn xếp bán ụ nổi 83M của Công ty Nakhodka cho Vinalines) và đã chuyển 1,666 triệu USD vào tài khoản của Công ty Phú Hà (công ty của em gái Trần Hải Sơn).

Dương Chí Dũng nghe viện kiểm sát luận tội.

Đối với việc Dương Chí Dũng nhận tiền từ Trần Hải Sơn, HĐXX khẳng định: các luật sư lập luận rằng có sự mâu thuẫn như vé máy bay của Dương Chí Dũng đi TP HCM lúc 15 giờ hay bản hợp đồng thử việc của lái xe tên Quỳnh... HĐXX thấy rằng lập luận này không có căn cứ vì dẫn chứng chỉ là các bản photocopy, không phải là chứng cứ. Lời khai của Dũng là Trần Hải Sơn chỉ mang cho Dũng một valy rượu là không có căn cứ.

Đối với việc chuyển tiền cho Mai Văn Phúc, HĐXX thấy rằng, kết quả xác minh những lần Trần Hải Sơn chuyển tiền cho Mai Văn Phúc, trong đó có một lần với số tiền 5 tỉ đồng tại quê Phúc (xã An Hồng, An Dương, Hải Phòng) là có căn cứ, bởi kết quả xác minh việc xuất - nhập cảnh cho thấy, con trai Phúc có nhập cảnh về Việt Nam ngày 28 tết năm 2008. Việc này phù hợp với lời khai của Sơn về việc mang 5 tỉ đồng về quê ở An Hồng, An Dương, Hải Phòng cho Phúc vào ngày cuối năm, giáp tết. Khi đó, Sơn gặp, thấy con trai Phúc lái một chiếc xe Lexus 4 chỗ đưa Phúc về quê.

Mai Văn Phúc thất thần sau khi tòa tuyên án.

HĐXX khẳng định, cả Dũng và Phúc đều trực tiếp ký các quyết định về việc đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển, mua sắm ụ nổi, gây thiệt hại đặc biệt lớn đối với Nhà nước. Số tiền chiếm hưởng của 2 bị cáo đặc biệt lớn.

Việc gia đình các bị cáo nộp lại một số tiền là một tình tiết để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, nhưng số tiền mỗi gia đình nộp chỉ bằng 1/3-1/2 số tiền các bị cáo chiếm đoạt và rất nhỏ so với thiệt hại gây ra. Vậy nên khoản tiền này không giúp làm thay đổi nhận định về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo. Vì vậy cần giữ nguyên hình phạt cấp sơ thẩm đã tuyên.

"Việc thỏa thuận với ông Goh về tiền lại quả không thể do Trần Hải Sơn tự quyết định, việc này phải có sự thỏa thuận ngầm của Dũng, Phúc với ông Goh, vì chỉ 2 người này mới có quyền quyết định việc mua hay không mua ụ nổi 83M. Một mình Sơn cũng không thể chiếm hưởng khoản tiền lại quả 1,666 triệu USD, phải có sự đồng ý, thỏa thuận của Dũng hoặc Phúc sau đó ủy quyền cho Sơn thực hiện... bản án sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc về tội tham ô là có căn cứ...".

Hội đồng xét xử cũng tuyên án:

Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): 14 năm tội Tham ô tài sản; 8 năm Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt chung 22 năm tù. Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines): 19 năm cho hai tội danh.

Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines): 7 năm về hành vi cố ý làm trái. Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam): 7 năm tù.

Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa): 6 năm tù. Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa): 6 năm tù. Lê Ngọc Triện (nguyên Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa): 6 năm tù.

Dẫn giải Dương Chí Dũng về trại giam.

Tòa buộc các bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước gần 367 tỉ đồng, trong đó Dũng và Phúc mỗi bị cáo phải bồi thường 110 tỉ đồng. Kê biên 1/2 ngôi nhà của bị cáo Dương Chí Dũng ở Nguyên Hồng (Hà Nội), kê biên 7/8 căn hộ tại chung cư Sky City 88 Láng Hạ; kê biên căn hộ chung cư Pacific số 83 Lý Thường Kiệt do bạn gái Dương Chí Dũng là Phan Thị Thảo đứng tên; kê biên 1 ngôi nhà tại Quảng Ninh của bị cáo Mai Văn Phúc để thi hành án.

Ngoài ra, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn phải nộp lại 28 tỉ đồng đã tham ô. Ghi nhận việc gia đình bị cáo Dũng đã nộp 5,2 tỉ đồng, Phúc nộp 3,5 tỉ đồng và khấu trừ số tiền này vào số tiền mà 2 bị cáo buộc phải thi hành.

Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng

Được xếp là một trong những đại án tham nhũng, vì vậy mà ngay từ khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can Dương Chí Dũng và đồng phạm, dư luận luôn quan tâm đặc biệt tới vụ án này. Bởi lẽ ngoài số tiền tham nhũng và gây thiệt hại cho Nhà nước đặc biệt lớn, hầu hết các bị cáo đều từng là cán bộ, đảng viên. Vì vậy, bản án nghiêm khắc này đã thêm một lần chứng minh sự nghiêm minh của pháp luật và quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, từ vụ án này cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý kinh tế, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao.

Tại Hội nghị toàn quốc, đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ năm 2013 đến nay, bàn phương hướng nhiệm vụ thời gian tới vừa được tổ chức hôm 5/5 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, của chế độ, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Bởi tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng của tổ chức và cá nhân con người; đụng chạm đến những người có chức, có quyền.

Tổng Bí thư yêu cầu trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo đúng quy định của pháp luật. Cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xử lý những vụ tham nhũng mang tính tập thể, có tổ chức. Kiên quyết xử lý kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: có vụ việc thì phải được xác minh làm rõ; có dấu hiệu phạm tội là phải được tiến hành điều tra; có kết luận điều tra thì phải xem xét truy tố; có cáo trạng thì phải được nghiên cứu đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời.

Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 và một số luật đã được Quốc hội thông qua. Chú trọng các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. Quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng. Kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng

Nguyễn Thiêm
.
.