Yemen: Mặt trận chống khủng bố mới của Mỹ

Thứ Bảy, 09/01/2010, 21:45
Sau vụ khủng bố bất thành trên máy bay Mỹ mà Al-Qaeda đã lên tiếng nhận là tác giả chủ mưu, Tổng thống Barack Obama đã tỏ rõ quyết tâm truy bắt tới cùng những kẻ có trách nhiệm trong vụ này. Như vậy cho đến nay, với hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, Mỹ vừa mở thêm mặt trận thứ ba đối phó với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Yemen.

Với diện tích rộng gần 530.000km2, Yemen là một quốc gia nằm ở cực nam bán đảo Arập, giáp giới với Vương quốc Arập Xêút ở phía bắc, đông giáp Oman, tây kề với biển Hồng Hải và phía nam nhìn ra vịnh Aden, nơi hải tặc Somalia thao túng cướp bóc thương thuyền quốc tế. Là một quốc gia rộng lớn nhưng chỉ có 23 triệu dân, địa hình hiểm trở, một chính quyền trung ương phân hóa do chia rẽ sắc tộc, Yemen có nhiều điểm tương đồng với AfghanistanPakistan.

Theo Abdel Karim Eriani, Cố vấn chính trị của Tổng thống Yemen, Ali Abdallah Saleh, Al-Qaeda có dư tiền để tuyển mộ chiến binh. Bản thân trùm khủng bố quốc tế Bin Laden từng tuyên bố thẳng: Yemen là một vùng đất mầu mỡ cho tổ chức Al-Qaeda: "Nhà nước yếu, bộ tộc tự trị có thế lực, xu hướng bao che người cùng bộ tộc ẩn náu và có địa hình hiểm trở". Trước đây chỉ là một mối đe dọa mang tính khu vực, nhưng hiện Yemen cũng đã trở thành một mối đe dọa khủng bố toàn cầu, thể hiện qua vụ khủng bố bất thành trên máy bay Mỹ vừa qua. Đối với Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA), nhóm Al-Qaeda ở vùng bán đảo Arập này là nhóm hoạt động tích cực nhất bên ngoài Afghanistan và Pakistan.

Gần đây, hai vụ khủng bố tại Yemen đã giết chết 4 du khách Hàn Quốc. Tháng 4/2009, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phải hủy bỏ chuyến công du vì tình trạng mất an ninh xảy ra liên tục tại vùng có mỏ khí đốt do Công ty Total khai thác trong vịnh Aden mà Tổng thống Pháp muốn đến dự lễ khai trương. Trong năm 2009, vai trò của Al-Qaeda trong khu vực này càng lớn mạnh với việc các thành viên Arập Xêút và Yemen sáp nhập lại thành một tổ chức duy nhất đặt tại Yemen.

Theo Ngoại trưởng Yemen Abu Bakr Al-Qirbi, số thành viên Al-Qaeda tại nước này có thể lên tới 300 người. Một trong những lãnh đạo của Al-Qaeda trong khu vực bán đảo Arập là Said Ali al-Shihri, người Arập Xêút, nguyên là tù nhân Guantanamo, được Mỹ trả về nước vào tháng 11/2007.

Các giới chức Mỹ cũng ghi nhận là do tình hình nội chiến và tình trạng vô chính phủ, Yemen, quốc gia nghèo nhất trong khối Arập, nay là nơi trú thân lý tưởng của Al-Qaeda, mà nhiều thành viên đã bị đánh bật khỏi Afghanistan hoặc bị áp lực ngày càng mạnh tại những vùng bộ tộc của Pakistan.

Những thành viên chính trong chi nhánh tổ chức Al-Qaeda trên bán đảo Arập.

Ngày lễ Giáng sinh vừa qua, âm mưu khủng bố một chiếc máy bay Mỹ trên đường từ Amsterdam đến Detroit được ngăn chặn trong đường tơ kẽ tóc, mà thủ phạm là một thanh niên người Nigeria 23 tuổi, tên Farouk Abdulmutallab, từng tham dự các khóa huấn luyện khủng bố do Al-Qaeda tại Yemen tổ chức. Điều này đã làm cho Tổng thống Mỹ Obama nổi giận. Một mặt ông Obama trách an ninh Mỹ sơ suất, mặt khác ông thề sẽ truy diệt kẻ chủ mưu đến cùng. Như vậy, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ nay cũng sẽ nhắm đến Yemen.

Trước vụ khủng bố hụt, Washington đã hỗ trợ quân đội Yemen mở một cuộc tấn công lớn trong tháng 12/2009 vào một nơi có căn cứ địa của Al-Qaeda. Theo Chính phủ Yemen, các chiến dịch quân sự trong hai ngày 17 và 24/12/2009 đã tiêu diệt được hơn 60 thành viên Al-Qaeda.

Báo New York Times (2/1/2010) cho biết, CIA đã âm thầm gửi nhiều chuyên gia và sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt có kinh nghiệm chống khủng bố sang Yemen để đối phó với Al-Qaeda. Song song với công tác này, nhiều toán biệt kích tham gia chương trình huấn luyện cho an ninh Yemen.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tăng viện trợ quân sự cho Yemen lên 70 triệu USD trong 18 tháng tới đây. Số tiền viện trợ này bao gồm chi phí huấn luyện và các thiết bị quân sự như máy điện đàm, phụ tùng trực thăng, xe tải và tàu tuần tra. Mục tiêu là không để quốc gia nằm giữa Arập Xêút và Somalia trở thành một an toàn khu của Al-Qaeda trong vùng. Mỹ và Yemen hiện đang nghiên cứu các mục tiêu của Al-Qaeda ở Yemen có thể bị oanh tạc để trả đũa vụ khủng bố bất thành vừa qua. Trong khi đó, 2 thượng nghị sĩ John McCain và Joseph Liebermann ngày 30/12/2009 đã kêu gọi Tổng thống Obama ngưng chuyển giao các tù nhân Guantanamo về Yemen nếu không được bảo đảm là những cựu tù nhân này không quay trở lại hoạt động cho Al-Qaeda, như trường hợp của Said Ali al-Shihri.

Trong khi Mỹ đang ráo riết chiến dịch truy bắt khủng bố tại Yemen thì ngày 3/1 vừa qua, Đại sứ quán Mỹ tại thành phố Sanaa, Yemen, được lệnh phải đóng cửa sau khi Al-Qaeda đe dọa tấn công vào quyền lợi Mỹ tại Yemen. Tiếp theo quyết định của Mỹ, đến lượt Đại sứ quán Anh thông báo không mở cửa trong ngày 3/1. Trong khi đó trên hiện trường, quân đội Chính phủ Yemen với sự yểm trợ của lực lượng đặc biệt Mỹ chuẩn bị mở hai cuộc hành quân lớn ở miền Đông và Nam Yemen truy lùng Al-Qaeda. Chính phủ Anh cho biết, LondonWashington sẽ tăng cường hợp tác, đặc biệt là tài trợ cho một đơn vị chống khủng bố của Yemen và yểm trợ thêm cho lực lượng tuần duyên của quốc gia đồng minh này.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Mỹ không phải dễ dàng hành động. Nếu gửi quân đông đảo thì sẽ gây phản ứng bất lợi trong dân chúng địa phương, còn nếu can thiệp không đủ mạnh, thì sẽ không hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là Mỹ thật sự chọn phương án nào?

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.