Ai Cập: Chính quyền gia tăng đàn áp cộng đồng giới tính thứ 3

Thứ Tư, 28/01/2015, 22:45
Những vụ bắt bớ hàng loạt tại một nhà tắm hơi công cộng ở thủ đô Cairo là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Ai Cập đang ra sức đàn áp cộng đồng LGBT (người đồng tính nam và nữ, lưỡng tính và chuyển giới). Những vụ bắt giữ này cho thấy sự leo thang đàn áp nghiêm trọng chống cộng đồng LGBT trong những tháng gần đây.

Từ tháng 11/2013, khoảng 150 người bị bị bắt giữ vì tội "đồi trụy", theo Dalia Abd El-Hameed - chuyên gia quyền phụ nữ và lãnh đạo Chương trình giới tính của Viện Nhân quyền Ai Cập (EIPR).

Cánh cửa màu xanh của một căn nhà ở Cairo được đóng kín với sáp màu đỏ - dấu hiệu báo điềm gở, nghĩa là cảnh sát đã đến đây và nơi đây đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Cánh cửa đặc biệt này là lối vào nhà tắm hơi công cộng Bab el-Bahr. Vào một đêm tháng 12/2014, cảnh sát và an ninh Ai Cập đột kích một nhà tắm hơi truyền thống và bắt giữ 26 người bên trong. Số người này sau đó bị buộc tội "đồi trụy" và "cư xử khiếm nhã nơi công cộng" cùng với các tội danh khác.

Tháng 11/2014, 8 người bị kết án tù 3 năm sau khi xuất hiện trong một video giới thiệu một đám cưới đồng tính nam (gay) trên sông Nile. Có nhiều giả thuyết giải thích hành vi đàn áp cộng đồng LGBT của chính quyền Ai Cập. Ahmed Hossam, luật sư đại diện cho số đông bị cáo trong vụ nhà tắm hơi, cho rằng chính quyền Ai Cập muốn bắt bớ người giới tính thứ 3 để đánh lạc hướng người dân giữa thời khắc khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng của đất nước. Abd El-Hameed nhận định: "Do không nhận được sự đồng cảm từ xã hội, cộng đồng LGBT dễ dàng trở thành mục tiêu của cảnh sát".

Dalia Abd El-Hameed.

Ai Cập có lịch sử chống cộng đồng LGBT. Trong một cuộc đột kích năm 2001, 52 người bị bắt giữ tại một hộp đêm nổi Queen Boat. Năm 2004, chính quyền Cairo tiếp tục săn lùng người đồng tính nam trên Internet. Cộng đồng LGBT luôn phải đối mặt với sự ngược đãi dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Hosni Mubarak, và hiện nay án tù dành cho những người này càng kéo dài thêm ra.

Trong vụ mới đây, một người thuộc giới tính thứ 3 bị kết án tù 12 năm. Thậm chí vào thời hậu cách mạng được coi là tự do nhất, cộng đồng LGBT ở Ai Cập cũng khó hy vọng thay đổi được số phận. Scott Long, nhà hoạt động nhân quyền sống ở Cairo và cựu Giám đốc chương trình LGBT của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), phân tích: “Các nhóm LGBT không nghĩ đến sự thay đổi về chính trị hay luật pháp mà chỉ nghĩ đến việc xây dựng cộng đồng, giúp mọi người hiểu rõ hơn về bản thân mình và giúp xử lý những vấn đề hàng ngày mà họ phải đối mặt".

So với những cuộc trấn áp trước đây, vụ đột kích nhà tắm hơi Bab el-Bahr gây chú ý nhiều nhất và được đưa tin trên truyền hình. Cuộc đột kích của cảnh sát và lực lượng an ninh là một phần trong cuộc điều tra về sự lây lan của AIDS tại Ai Cập. Những người bị bắt phải cởi trần bước lên chiếc xe của cảnh sát và được đài truyền hình quay phim dưới sự dẫn chương trình của Mona Iraqi. Sau này, Iraqi và đồng nghiệp của cô tuyên bố trên Facebook và trong một video trên YouTube rằng chính họ đã dẫn cảnh sát đến nhà tắm hơi Bab el-Bahr do nghi ngờ khách hàng ở đó là nguồn lây nhiễm AIDS.

Năm 2001, 52 người bị bắt giữ tại hộp đêm nổi Queen Boat tại Cairo.

Iraqi giới thiệu trên truyền hình: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ai Cập và truyền thông Arập, chúng tôi dẫn cảnh sát đột kích một hang ổ tình dục nam lớn nhất ngay giữa lòng Cairo". Iraqi còn tải nhiều bức ảnh về cuộc đột kích lên trang Facebook của mình. Những lời lẽ của Iraqi trên Facebook đã hứng chịu nhiều sự chỉ trích mạnh mẽ, nhất là từ những nhà hoạt động nhân quyền. Cuộc đột kích được coi là ví dụ mới nhất về sự hợp tác giữa truyền thông Ai Cập và chính quyền nước này. Scott Long, tác giả cuộc nghiên cứu về những cuộc đột kích mới đây của Cảnh sát Ai Cập, phát biểu: "Tôi từng không tin sự căng thẳng xung quanh vấn đề giới tính có thể tăng cao hơn ở Ai Cập, nhưng điều đó đã diễn ra. Chiến dịch bắt giữ vẫn được tiếp tục và giới truyền thông lại giúp cho sự căng thẳng tăng cao".

Nhà hoạt động nhân quyền Dalia Alfarghal chỉ trích Chính phủ Ai Cập: "Chúng ta đang có nhiều sự việc điên rồ đang diễn ra trong đất nước. Thay vì lùng bắt bọn khủng bố, chúng ta lại giam giữ những người này". Cũng như tại nhiều quốc gia khác, thái độ kỳ thị người đồng tính ở Ai Cập có gốc rễ từ văn hóa và tôn giáo. Xã hội gia trưởng Ai Cập cảm thấy bị đe dọa bởi những người dám thách thức vai trò giới tính truyền thống. Các cộng đồng Thiên Chúa giáo và Hồi giáo cũng bài xích người đồng tính. Tuy nhiên, những người đồng tính nữ (lesbian) ít bị chú ý hơn so với đồng tính nam và họ cũng không là mục tiêu của bất cứ cuộc đột kích nào.

Thục Miên (tổng hợp)
.
.