Ai Cập: Chống khủng bố bằng “bàn tay sắt”

Thứ Bảy, 23/04/2016, 11:40
Đến Ai Cập từ hôm 17-4 trong chuyến viếng thăm chính thức 2 ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhắc đến vấn đề nhân quyền đang bị "đe dọa nghiêm trọng" trong một đất nước được cai trị bằng "bàn tay sắt" từ năm 2013. Nhưng Tổng thống Ai Cập cho rằng đấy là "một cách để chống lại khủng bố".

Đây là lần thứ hai Tổng thống Hollande viếng thăm Ai Cập trong vòng 1 năm để củng cố mối quan hệ "đối tác chiến lược" giữa 2 nước và ký kết nhiều hợp đồng mới về vũ trang.

Tổng thống Sissi tiếp đón Tổng thống Hollande.

Tổ chức phi chính phủ "Egyptian Coordination for Rights and Freedoms" cho biết,  đã ghi nhận được 1.840 trường hợp mất tích trong năm 2015 và tố cáo số lượng người chết trong nhà giam đã tăng gấp 3 lần trong 2 năm vừa qua. Hiện Ai Cập đang giam giữ 40.000 tù nhân chính trị, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền.

Mới đầu chỉ chống lại tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" nhưng hiện nay chính quyền của Tổng thống Sissi còn nhắm đến những ai chớm có ý tưởng phê phán quyền hành tuyệt đối của những blogger, thủ lĩnh sinh viên, nhà báo, nhà văn. Một số người bị mất tích đôi khi lại tái xuất hiện.

"Rồi người ta bịa ra những lý do để buộc tội người ấy và ghi nhận ngày bắt giữ là ngày người ấy tái xuất hiện" - nhà bảo vệ nhân quyền Heba Morayef giải thích. "Nói chung bị can chịu áp lực quá lớn nên phải thú nhận mọi tội lỗi dù anh ta có làm hay không. Nếu anh ta chối bỏ, anh ta sẽ tiếp tục bị tra tấn" - một nhà luật học cho biết.

Sau một thời gian dài chối bỏ về những vụ mất tích đó,  mới đây Bộ Nội vụ Ai Cập giải thích rằng, đa số những kẻ đó đã gia nhập các nhóm cực đoan tại Syria. Những lần khác chính quyền lại hướng sự chú ý sang các nhóm du đãng. Cũng vì thế nên cái chết của Giulio Regeni bị gán cho một băng nhóm tội phạm và bị xếp xó một cách mờ ám.

Giulio Regeni là một nghiên cứu sinh người Italia bị bắt cóc tại Cairô ngày 25-1 và 9 ngày sau được tìm thấy trong một cái hố, thi thể mang nhiều vết thương khủng khiếp do bị tra tấn. Giới báo chí và các nhà ngoại giao Italia khẳng định anh ta bị giết bởi những nhân viên an ninh, điều này thì chính quyền Ai Cập kiên quyết bác bỏ.

Trong một cuộc họp báo tổ chức hôm 14-4 có 5 tổ chức phi chính phủ Pháp lên án mức độ nghiêm trọng của sự vi phạm nhân quyền đã vượt quá thời Mubarak. "Giới truyền thông, những nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ đều biết lằn ranh đỏ dưới thời Mubarak. Còn bây giờ là sự độc đoán tuyệt đối. Luận cứ chống khủng bố khiến cho nhân viên công quyền có cảm tưởng không thể bị trừng phạt" - nhà luật học Heba Morayef giải thích.

Chẳng những nhắm mắt làm ngơ trước sự lạm quyền của lực lượng an ninh, chính quyền Ai Cập còn nhắm đến bất cứ ai tố cáo những sự chệch hướng đó, trước tiên là các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, kế đến là những hội đoàn trong nước. Những người có chức trách bị truy tố, bị cấm du lịch ra nước ngoài, bị đóng băng tài khoản…    

Tổng thống Francois Hollande đã không tránh được chủ đề nhạy cảm này. Ngay khi đến Cairô hôm 17-4 cho chuyến viếng thăm chính thức 2 ngày, ông đã bị chất vấn về vấn đề nhân quyền tại Ai Cập trong khi người đồng cấp Abdel Fattah Al-Sissi bị nhiều tổ chức phi chính phủ cáo buộc là đang nắm quyền với chính sách đàn áp đẫm máu.

Chống lại khủng bố "đòi hỏi một sự cứng rắn và cả một Nhà nước, một Nhà nước pháp quyền, đó là ý nghĩa mà nước Pháp gợi ra khi nói về nhân quyền. Nhân quyền không phải là một sự gò bó, đó cũng là một cách để chống lại khủng bố" - Tổng thống Francois Hollande tuyên bố trước người đồng cấp Ai Cập.

Từ khi Abdel Fattah Al-Sissi phế truất và bắt giữ tổng thống dân cử Mohamed Morsi vào tháng 7-2013, chính phủ của ông đã cứng rắn trấn áp phe đối lập Hồi giáo, đặc biệt là phe Huynh đệ Hồi giáo của Morsi, đồng thời cũng đàn áp phe đối lập ngoại giáo và tự do mà các nhân vật chủ yếu đang nằm trong nhà tù hay bị cảnh sát dòm ngó.

Trong những tuần lễ tiếp sau vụ đảo chính, hơn 1.400 người biểu tình ủng hộ Morsi đã bị cảnh sát và quân đội giết ngoài đường phố, trong đó hơn 700 người đã chết chỉ trong vòng vài giờ tại trung tâm Cairô ngày 14-8-2013. Hơn 40.000 người đã bị bắt giam, chủ yếu là những người ủng hộ "Huynh đệ Hồi giáo". Sau đó hàng trăm người, kể cả Morsi, bị kết án trong những phiên tòa tập thể mà Liên Hiệp Quốc cho là "chưa từng có trong lịch sử hiện đại của loài người".

Để biện hộ trước những sự chỉ trích đó, chính quyền Sissi (được bầu lên vào tháng 5-2014 sau khi đã loại bỏ mọi sự đối kháng chính trị) nhấn mạnh rằng Ai Cập là "thành trì cuối cùng chống lại phong trào thánh chiến" và đất nước đang hứng chịu nhiều vụ ám sát chủ yếu nhắm vào lực lượng an ninh và do nhánh IS tại Ai Cập nhận trách nhiệm.

Pháp là một trong những quốc gia châu Âu thụ động nhất đối với những sự lệch lạc của chính quyền Ai Cập. Vào tháng 8-2013, sau những sự đàn áp cứng rắn của chính quyền nước này, EU đã quyết định ngưng các hợp đồng xuất khẩu vũ khí sang Ai Cập, đặc biệt là "những trang bị có thể được dùng cho mục đích đàn áp trong nước".

Thế nhưng Pháp chưa bao giờ ngừng cung cấp vũ khí cho Ai Cập, đặc biệt là xe bọc thép vào những năm 2012, 2013 và 2014. Quân đội Ai Cập đã lao vào đám đông biểu tình với xe bọc thép trong năm 2013. Paris cũng tiếp tục những khóa đào tạo trong khuôn khổ chương trình đối tác Euromed Police. Sau khi tướng Sissi lên nắm quyền, sự lạnh nhạt của Mỹ đã có lợi cho Pháp, Nga và cả Trung Quốc.

Từ năm 2010-2014, Pháp đã bán cho Ai Cập 243 triệu euro tiền vũ khí. Nhưng vượt khỏi khía cạnh thương mại, trong bối cảnh hiện nay tại vùng Cận Đông, hơn bao giờ hết "Pháp xem Ai Cập như là một cực ổn định".

Và mặc kệ nếu đối với các nhà bảo vệ nhân quyền, sự thản nhiên của Pháp trước các hành động của cảnh sát Ai Cập là một mối nguy về lâu dài. "Đè bẹp xã hội dân sự như cách lực lượng công quyền Ai Cập đang làm sẽ đe dọa hơn là đảm bảo cho sự ổn định của đất nước. Sự cực đoan hóa của một thành phần thanh niên sẽ không còn là mối đe dọa trên lý thuyết nữa" - chuyên gia Michel Tubiana nhận định.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.