Ấn Độ: Tử hình kẻ đánh bom Mumbai năm 1993

Thứ Sáu, 07/08/2015, 11:25
Yakub Memon, kẻ đứng đằng sau vụ đánh bom liên hoàn ở thành phố Mumbai của Ấn Độ giết chết ít nhất 257 người năm 1993 vừa bị treo cổ vào trước 7 giờ sáng hôm 30/7 tại Nhà tù Trung tâm thành phố Nagpur, đúng sinh nhật lần thứ 53 của hắn. Vụ đánh bom liên hoàn gây ra một chục vụ nổ tại nhiều nơi ở Mumbai khiến cho người dân Ấn Độ và cả thế giới kinh hoàng do tính chất phức tạp và giết người hàng loạt chưa từng có ở nước này. Ngoài số người chết, hơn 700 người khác bị thương và vài vùng lân cận bị nhấn chìm trong những đống đổ nát.

Ngày 12/3/1993, những quả bom lần lượt phát nổ tại nhiều địa điểm quanh thành phố Mumbai của Ấn Độ, bao gồm: Sở Giao dịch chứng khoán Bombay, một rạp chiếu phim, một tòa nhà của Hãng Hàng không Ấn Độ Air India, vài khách sạn và 2 ngôi chợ sầm uất. Các công tố viên cho biết vụ đánh bom liên hoàn nhằm trả thù cho vụ phá hoại một giáo đường Hồi giáo cổ Babri Mosque xây dựng từ thế kỷ XI hồi tháng 12/1992 do các phần tử quá khích người Hindu gây ra.

Vụ phá hoại này đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình bạo động diễn ra khắp Ấn Độ làm hơn 1.000 người chết, trong đó phần đông là người Hồi giáo.

Sĩ quan tình báo quá cố B. Raman.

Theo các công tố viên, Yakub Memon là người chuẩn bị tài chính, kế hoạch di chuyển, vũ khí và xe gài bom cho âm mưu khủng bố kinh hoàng ở thành phố Mumbai. Tất cả bị cáo gồm 11 tên liên quan đến vụ khủng bố đều mang án tù chung thân, song chỉ có một mình Yakub Memon bị tuyên án tử hình.

Theo quy định ở Ấn Độ, các nhà báo không được phép chứng kiến vụ hành hình. Yakub Memon được phép tắm rửa, ăn bữa ăn cuối cùng, thay quần áo mới và cầu nguyện trước khi bước lên giá treo cổ. Mặc dù án tử hình được áp đặt tại Ấn Độ song những vụ hành hình rất hiếm xảy ra ở nước này. Kể từ năm 2000, Yakub Memon là tử tù thứ 4 bị hành hình ở Ấn Độ.

Vụ hành hình diễn ra trong bối cảnh an ninh được tăng cường tối đa, đặc biệt ở những địa phương tập trung đông đảo người Hồi giáo, do lo ngại vụ hành hình sẽ dẫn đến sự bùng nổ xung đột tôn giáo giữa người Hindu và người Hồi giáo - động cơ của vụ đánh bom hàng loạt tại Mumbai năm 1993.

Cảnh sát canh gác cẩn mật ngay lối vào Nhà tù Trung tâm ở thành phố Nagpur, hôm 29/7.

Trước khi bản án tử hình được thi hành, một cuộc tranh cãi gay gắt đã nổ ra liên quan đến mạng sống của Yakub Memon. Hôm 29/7, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã bác bỏ đơn kháng án xin ân xá của Yakub Memon. Ngay trong đó, những người chống đối án tử hình đã tụ tập tại Đài Thiên văn Jantar Mantar - nơi thường diễn ra những cuộc biểu tình - nổi tiếng của Ấn Độ tại New Delhi cùng với ánh nến để cầu nguyện cho Yakub Memon.

Trước 5 giờ sáng ngày 30/7, Tòa án Tối cao Ấn Độ chính thức bác bỏ đơn kháng án cuối cùng của Memon. Giới lãnh đạo Hồi giáo và một số chuyên gia luật pháp cho rằng các bị cáo người Hồi giáo thường bị kỳ thị tại các phiên tòa xét xử và án tử hình cũng thường áp đặt cho cộng đồng này cũng như các nhóm sắc tộc thiểu số khác. Thậm chí, người ta cũng cho rằng những kẻ chủ mưu thật sự của vụ khủng bố Mumbai chắc chắn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật!

Asaduddin Owaisi, thành viên Hồi giáo trong Quốc hội Ấn Độ, phát biểu với phóng viên báo chí hôm 29/7: "Đúng là Yakub Momen có liên quan đến vụ khủng bố song ông ta không đáng bị tử hình". Owaisi còn chỉ ra những bị cáo không phải người Hồi giáo phạm tội ác cực kỳ tàn ác vẫn không bị tuyên án tử hình.

Yakub Memon.

Sau thời gian lẩn trốn sang Pakistan, Yakub Memon bị bắt đưa về Ấn Độ ngày 19/7/1994 để đối mặt với luật pháp. Cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Ấn Độ (RAW) B. Raman phối hợp với đặc vụ Cục Điều tra trung ương (CBI) nước này đã có những nỗ lực để đánh lừa Yakub Memon về nước chịu án. Thủ tướng Ấn Độ Pamulaparti Venkata Narasimha Rao đích thân giám sát chiến dịch bắt giữ Yakub.

B. Raman về hưu ngày 31/8/1994 - tức chỉ ít ngày sau khi đưa Yakub Memon về Ấn Độ - và qua đời năm 2013. Theo trang web tin tức Rediff.com của Ấn Độ, B. Raman có viết một bài báo về Yakub Memon vào năm 2007 nhưng sau đó ông yêu cầu không đăng tải với lý do không muốn gây cản trở cho tiến trình xét xử những nghi can khủng bố. B. Raman cho biết ông viết cho Redif.com bài báo bao gồm 2 phần - "Vụ án kỳ lạ của Yakub Memon" và "Tại sao án tử hình dành cho Yakub Memon gây ngạc nhiên".

Không lâu trước khi Yakun Memon bị hành hình, Rediff.com đã công bố bài báo của B. Raman. Trong bài báo, B. Raman viết "không có một mảy may nghi ngờ nào" về tội ác của Yakub Memon và "trong tình huống bình thường" ông ta đáng bị treo cổ. B. Raman cũng cho biết thêm rằng Yakub Memon rất tích cực hợp tác với các nhà điều tra, tự nguyện khai ra mọi chi tiết của âm mưu đánh bom khủng bố cũng như việc thuyết phục các thành viên trong gia đình tham gia. P.D. Koda, thẩm phán tuyên án tử hình đối với Yakub Memon, phát biểu với The Times of India rằng Yakub khó thể thoát được án tử hình dù cho có thái độ hợp tác đến mấy.

Thục Miên (tổng hợp)
.
.