Anh: Truy lùng John thánh chiến 2.0

Thứ Ba, 12/01/2016, 20:05
Chiến dịch truy lùng John thánh chiến 2.0 đã được thực hiện từ hôm 4-1, tức là ngay sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) công bố đoạn băng hình dài 10 phút trong đó có hình ảnh một tay súng đeo mặt nạ đe dọa Thủ tướng Anh David Cameron và thề rằng, IS sẽ có ngày chiếm nước Anh.


Lời kể của người ông

Mọi chuyện bắt đầu từ hôm 3-1 khi IS tung ra một đoạn video hành quyết 5 người mà nhóm này cho là gián điệp Anh. Chỉ trong đoạn băng dài 10 phút, một tay súng IS đeo mặt nạ đã đe dọa tấn công nước Anh và nói rằng đây là thông điệp dành cho Thủ tướng Anh David Cameron, để trả thù cho các cuộc không kích của Anh vào căn cứ của IS ở Syria. IS gọi đây là tên đao phủ John thánh chiến 2.0 thay cho John thánh chiến (tên thật là Mohammed Emwazi) bị Mỹ tiêu diệt hồi tháng 11-2015 ở Raqqa, Syria.

Trong 2 năm 2014 và 2015, John thánh chiến đã nổi lên như một đao phủ khét tiếng trong loạt băng video mà IS tung trên mạng Internet cho thấy cảnh chặt đầu, sát hại dã man các con tin người Mỹ, Anh, Nhật Bản… Một chi tiết quan trọng trong đoạn video này là xuất hiện hình ảnh một cậu bé trùm khăn đen, chỉ khoảng 4 - 5 tuổi, nói tiếng Anh sõi với câu: “Hãy đi giết lũ kuffar ngay đằng kia” (kuffar là từ ám chỉ người không phải Hồi giáo.

John thánh chiến 2.0. Ảnh: Dailymail.

Hãng tin Telegraph ngày 5-1 dẫn lời một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Anh cho hay, chỉ vài giờ sau khi đoạn băng nói trên được đăng tải, một người Anh đang sống ở London tên là Sunday Dare (59 tuổi) đã trình diện cơ quan cảnh sát và cho biết cậu bé trong đoạn video là cháu ngoại của ông tên là Isa Dare. Đồng thời ông Sunday Dare cũng cầu xin con gái mình là Grace Dare (biệt danh trong IS là “Khadijah”) hãy đưa cháu trai của mình về Anh, tránh xa các thành viên của IS.

Ông này còn cho biết, vài tuần trước, ông mới nói chuyện điện thoại với bé Isa Dare và không thấy cháu kể những chuyện gì bất thường cả. Ông Dare nói rằng cách đây 3 năm, con gái ông bỗng dưng nói là đưa con tới Ai Cập vì nó giành được học bổng bên đó. Nhưng sau này, vợ chồng ông lại phát hiện ra rằng Grace Dare đang ở Syria.

Cậu bé Isa Dare xuất hiện trong đoạn băng video của IS. Ảnh: Dailymail.

Hồi tháng 7 năm ngoái, Grace Dare đã xuất hiện trên một trang mạng xã hội của IS với hình ảnh tay cầm khẩu súng AK-47 tập bắn. Tờ Daily Mail dẫn nguồn tin cảnh sát khẳng định, Grace Dare 24 tuổi, là người Hồi giáo đến từ vùng Lewisham, đông nam London và có liên quan đến những kẻ đã sát hại Lee Rigby.

Grace Dare cũng thường lên mạng xã hội để bàn luận về các vụ sát hại con tin của IS và tuyên bố rằng muốn trở thành người phụ nữ Anh đầu tiên giết các con tin của IS. Mẹ của Grace Dare khi trả lời phỏng vấn kênh Chanel 24 còn cho biết, gia đình bà và cả Grace đều theo đạo Thiên Chúa nên họ rất bất ngờ trước việc Grace theo đạo Hồi. Bà này cũng kể rằng, khi tới Syria vào năm 2012, Grace Dare lấy một người đàn ông Thụy Điển tên là Abu Bakr nhưng anh này đã chết.

Công nghệ phân tích giọng nói

Thông tin từ Bộ Ngoại giao Anh xác nhận, qua phân tích giọng nói trong đoạn băng video của IS, các cơ quan tình báo Anh khẳng định, tay súng đeo mặt nạ nói trên là người gốc Anh và là John thánh chiến 2.0. Cơ quan tình báo Anh và Mỹ đã phối hợp sử dụng công nghệ phân tích giọng nói để xác định chính xác danh tính thật của John thánh chiến 2.0 này. Công nghệ này trước đó cũng từng giúp xác định được Mohammed Emwazi là John thánh chiến. Và chỉ trong vòng chưa đầy 48 tiếng đồng hồ, Chính phủ Anh đã có câu trả lời rõ ràng về John thánh chiến 2.0.

Các con tin bị sát hại trong đoạn video do IS mới tung ra hôm 3-1. Ảnh: Dailymail.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron cho biết “quá trình kiểm tra nội dung và xác định các cá nhân trong video đang diễn ra nhưng nhà chức trách có thể không công khai danh tính của John thánh chiến 2.0”. Song ngay sau đó, báo chí Anh đã chỉ rõ rằng, John thánh chiến 2.0 chính là Siddhartha Dhar, hay còn gọi là Abu Rumaysah, một người Anh có ít nhất 5 con. Cuối năm 2014, Siddhartha Dhar đã đưa cả gia đình trốn sang Syria. Thời gian sống ở Anh, Siddhartha  Dhar là thành viên cấp cao trong cộng đồng Hồi giáo ở Anh nhưng đã bị bắt vì tình nghi thuộc nhóm bị cấm al Muhajiroun và ủng hộ khủng bố hồi giữa năm 2014.

Siddhartha Dhar từng kêu gọi xây dựng luật Sharia ở Vương quốc Anh và yêu cầu phụ nữ phải bịt kín khi ra đường; đàn ông bị phạt roi nếu gian dâm hoặc chặt tay nếu ăn trộm… Sau khi bị truy tố và được tòa án cho tại ngoại, Siddhartha Dhar đã đưa vợ con sang Paris, Pháp bằng xe buýt, rồi sau đó tới Syria gia nhập IS. Vợ của Siddhartha Dhar là Aisha cũng là một người Hồi giáo cực đoan. Đài BBC cho biết, Siddhartha Dhar là bạn thời thơ ấu của Mizanur Rahman, người mà giới chức Anh, Mỹ cho rằng phụ trách việc tuyển tân binh cho IS và là công sự của giáo sĩ Anjem Choudary, nhân vật sẽ bị xét xử vào trung tuần tháng 1 tới đây vì tội khủng bố.

Tiến sĩ Frederika Holmes, một chuyên gia phân tích giọng nói và pháp y âm thanh cho biết, ông đã nghe đi nghe lại đoạn băng video và có thể khẳng định giọng nói và dáng người của tên đao phủ rất giống hình ảnh của Abu Rumaysah trong các video còn lưu lại của cộng đồng Hồi giáo tại Anh. Thêm vào đó, nhà báo Clarissa Ward của Đài CNN, Mỹ cũng khẳng định giọng nói giống Abu Rumaysah bởi cô từng phỏng vấn người này trong chương trình “60 phút” trước khi anh ta tới Syria. Củng cố thêm những giả thuyết và phân tích của các chuyên gia là lời nói của mẹ người này, bà Sobita Dhar. Bà Sobita Dhar nói bà không thể bác bỏ rằng đao phủ bịt mặt trong video của IS là con trai mình.

Em gái của Siddhartha Dhar là Konika Dhar cũng nói “chắc như đinh đóng cột” đó là anh trai cô. Konika Dhar cũng cho biết, trước đây, anh trai cô theo đạo Hindu và đến tuổi trưởng thành thì tự dưng thay đổi tâm tính theo chiều hướng cực đoan. Konika Dhar cho biết, Siddhartha Dhar là một người thoáng tính, thích Câu lạc bộ bóng đá Arsenal, thích nghe nhạc rock đặc biệt là ban nhạc Nirvana và Linkin Park. Siddhartha Dhar cũng thường hò hẹn với các cô gái, thích xem phim hành động và uống rượu Baileys vào mỗi dịp Giáng sinh hoặc lễ Diwali của người Hindu.

Nhưng tất cả đã thay đổi sau cái chết của cha cô lúc Siddhartha Dhar vừa tròn 16 tuổi. Gia đình mất đi trụ cột, trở thành lao động chính trong gia đình nên Siddhartha Dhar phải từ bỏ giấc mơ vào đại học. Thay vào đó, Siddhartha Dhar phải đi làm ở Boots và làm thêm cả việc thổi bóng bay cho trẻ con trong dịp sinh nhật thì mới đủ trang trải cuộc sống. Vì đi làm liên tục nên Siddhartha Dhar không có thời gian để nghe nhạc hay xem tivi.

Sau khi cải sang đạo Hồi, Siddhartha Dhar còn thích ngủ dưới sàn để muốn mình được phụng sự như nhà tiên tri Mohammed. Konika Dhart thừa nhận, trong 10 năm qua, anh trai cô đã học theo giáo lý của nhà truyền giáo Omar Bakri Mohammed thuộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và đến năm 23 tuổi thì lấy một người phụ nữ Anh gốc Pakistan. Konika Dhar nói: “Tôi nghĩ anh ấy đã quên cái tên Siddhartha Dhar và trở thành một con người khác”.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.