Bi kịch từ những vụ án trong gia đình:

Đừng biến mái ấm thành địa ngục!

Thứ Sáu, 11/03/2016, 15:20
Đã xảy ra nhiều vụ án mạng đau lòng trong thời gian qua mà hung thủ và nạn nhân là những người trong cùng một gia đình. Nhiều trường hợp nạn nhân và hung thủ từng có thời gian tay kề gối ấp, tình nghĩa vợ chồng .

Nhưng chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt, một sự ích kỷ tức thời mà những người từng “đầu ấp tay gối” đã nhẫn tâm gây ra những bi kịch gia đình đau lòng, khiến người thì về với ba tấc đất, kẻ thì vướng vòng lao lý. Có những vụ mâu thuẫn gia đình đến tột đỉnh, họ lôi kéo cả con mình vào cuộc để rồi đứa trẻ vô tội phút chốc trở thành nạn nhân. Phải chăng do áp lực cuộc sống quá lớn đang đè nặng lên tâm lý của các cặp vợ chồng hay sự ích kỷ và lòng vị tha không đủ lớn để có thể giải quyết các mâu thuẫn?

1. Vụ án mới nhất vừa xảy ra sáng ngày 3-3 khiến nhiều người dân trong hẻm 113, đường TCH33, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh không khỏi bàng hoàng. Khoảng 8 giờ, mọi người nghe tiếng kêu cứu thất thanh của ông T.T.K. (44 tuổi) phát ra từ căn nhà ba tầng lầu. Khi mọi người chạy đến thì thấy ông K. bị bỏng quằn quại ôm thân thể cháy nham nhở của bà P.T.O. (34 tuổi, vợ ông K.). Trong nhà mùi xăng thốc lên nồng nặc, ông K. vừa cầu cứu mọi người vừa thảng thốt “vợ tôi muốn giết tôi rồi tự tử các anh ơi!”.

Người dân tại quận 12 bàng hoàng khi hay tin hai vợ chồng dùng xăng giải quyết mâu thuẫn.

Ông K. và bà O. được đưa vào Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu, do vết bỏng trên 80% cơ thể, bà O. được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Người dân ở đây vẫn không hiểu vì sao hai vợ chồng ông K. đang êm ấm, hạnh phúc lại có hành động như trên, chỉ biết trong thời gian gần đây giữa hai người thường xuyên to tiếng.

Người dân trong hẻm 363, ấp Chiến Lược, phường Bình Trị Đông A, Bình Tân khi được hỏi đến không một ai muốn nhắc lại vụ án mạng đau lòng mà ông C. (46 tuổi) gây ra cho vợ mình là bà P.T.N.H. (42 tuổi). Bởi những ngày qua hình ảnh người cha xuống tay một cách lạnh lùng đã ám ảnh quá nhiều hai người con gái của họ. Phút chốc một gia đình êm ấm đã “tan đàn xẻ nghé” khi người cha phải rơi vào vòng lao lý, người mẹ mãi mãi nằm dưới ba tấc đất lạnh, tất cả chỉ vì những cơn ghen âm ỉ trong thời gian dài giữa hai người.

Khu nhà nơi ông C. gây ra cái chết cho bà H. chỉ vì ghen tuông mù quáng.

Là ông chủ của một công ty chuyên cung cấp nước đóng bình, dưới tay ông C. có khoảng hơn 20 công nhân. Công việc làm ăn thuận lợi, vợ đẹp, hai cô con gái xinh xắn nhưng từ khi có chút của ăn, của để thì hạnh phúc gia đình rạn nứt. Mâu thuẫn bắt nguồn từ những cơn ghen tuông khiến gia đình ông C đang yên ấm bỗng chốc trở nên xào xáo. Những vụ cãi nhau có tần suất dày đặc và đỉnh điểm của việc không kìm chế được bản thân, ông C đã ra tay sát hại bà H. “Đau đớn nhất của vụ án này là người con gái phải khóa cửa nhốt cha mình lại để công an đến bắt cha đi khi chứng kiến cha sát hại mẹ!” - một người ở khu vực này cho biết.

2. Ngồi trong song sắt của nhà tạm giam Bình Tân đếm thời gian trôi đi giữa bốn bức tường và gặm nhấm tội lỗi và nỗi đau do mình gây ra, Huỳnh Thị Kim Phượng (sinh năm 1979) giờ đây “sống còn khổ hơn là chết”. Nhiều người trong con hẻm trên hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, Bình Tân khi đến viếng đám tang cháu bé ba tuổi (con của Phượng), nhìn lên tấm di ảnh mà đau xót: “Nó không có tội sao lại là nạn nhân của sự ích kỷ trong mâu thuẫn của người lớn!”. 

Đối tượng Phượng - người đã gây ra cái chết cho đứa con gái ba tuổi rồi tự tử bất thành.

15 năm trước, vợ chồng Phượng dắt díu nhau từ Bắc Ninh vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Anh C., chồng Phượng phải hùn hạp với bà con mua chiếc xích lô chở hàng thuê kiếm sống qua ngày còn Phượng phải thức khuya dậy sớm với gánh hàng rong.

Ổn định một chút hai vợ chồng Phượng đi làm thuê cho xưởng may gia công, học hỏi kinh nghiệm gom góp, ki cóp tiền bạc mượn thêm họ hàng sang được một sạp quần áo ở chợ Tân Bình. Cuộc sống khá giả hơn, sau khi mua được nhà cao cửa rộng thì cũng là lúc Phượng đổ đốn. Những ngày buôn bán tại chợ Tân Bình, Phượng đã nảy sinh tình cảm với một người đàn ông đã có vợ con đề huề có sạp gần sạp của Phượng. Từ những lần vụng trộm kết quả là Phượng có thai.

Hiền lành, chịu khó, anh C. ngày ngày tìm mẫu quần áo mới trên mạng rồi cùng nhóm thợ củãa mình cắt cắt, may may thành phẩm đem ra chợ cho Phượng bán. Hai đứa con lớn chăm ngoan, học hành tử tế, thời gian rảnh thường phục vụ cha mẹ lo việc kinh doanh quần áo. Tưởng chừng như hạnh phúc mỉm cười với gia đình anh C khi đứa con gái thứ 3 chào đời nhưng khi cháu N.B.N. càng lớn thì anh C. càng thấy không giống mình chút nào. Nhiều lần cãi nhau, anh C. gặng hỏi về cháu N thì Phượng “sống chết” khẳng định cháu N. là con anh C. rồi đòi tự tử.

Người dân tại khu nhà Phượng ở không thể ngờ bi kịch lại đến với gia đình anh C..

Chuyện Phượng có nhân tình mà anh C. nghe phong thanh trong thời gian qua khiến anh C. âm thầm đưa cháu N. đi xét nghiệm ADN. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu N và anh C. không cùng huyết thống nên giữa anh C. và Phượng ngày càng căng thẳng. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, hai người đã ly thân.

Trong khoảng thời gian ly thân giữa anh C. và Phượng vẫn thường xuyên xảy ra cãi vã. Chỉ tội cho hai đứa con lớn và cháu N. mới ba tuổi hằng ngày phải chứng kiến cảnh cha mẹ mình giằng xé, chì chiết nhau. Vào những ngày người ta tất bật sắm sửa đón Tết thì tại căn nhà ba tầng khang trang này, cái không khí lạnh lẽo, ngột ngạt luôn bao trùm.

Mùng 2 Tết, giữa anh C. và Phượng liên tục to tiếng. Phượng bỏ xuống nhà và treo dây lên trần nhà tự tử, nhưng  được anh C. phát hiện và cứu kịp thời. Phượng xuống bếp lấy dao đâm vào bụng nhưng anh C. đã kịp ngăn cản và khuyên can. Tưởng mọi chuyện bình thường trở lại, anh C. trở về phòng ngủ. Về phần Phượng, sau khi bỏ vào phòng, nghĩ quẩn đã ôm chặt cháu N. vào ngực cho đến khi cháu N. ngừng thở thì dùng kéo tự cắt vào tay của mình tự tử.

Có lẽ lúc này sự ham sống của một con người trỗi dậy, thấy máu tuôn ra nhiều Phượng kêu la thảm thiết. Nghe tiếng la thất thanh, anh C. chạy sang phòng Phượng hãi hùng khi chứng kiến hành động dại dột của Phượng nên truy hô nhờ người đưa Phượng và cháu  N. đi cấp cứu. Phượng thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng cháu N. thì vĩnh viễn ra đi.

Một cuộc tình ngoài luồng tội lỗi của người mẹ cộng thêm sự ích kỷ của bản thân đã cướp đi quyền được sống của cháu N.. Có lẽ không chỉ có Phượng đang tự dằn vặt mình trong trại tạm giam, mà ngay cả anh C., từ khi cháu N mất, cũng tự vấn lại hành động của mình.

3. Hành động một cách ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân và không suy xét vụ việc một cách thấu đáo, ghen tuông mù quáng đều có thể là những lý do đẩy cuộc sống hôn nhân xuống vực thẳm để rồi kết quả cuối cùng là bi kịch. Những vụ thảm án trong gia đình mà nguyên nhân từ việc ghen tuông mù quáng hầu hết đều để lại cho những đứa con của họ một tâm lý bất ổn, một vết sẹo tinh thần khó có thể phai mờ suốt cuộc đời.

Bị bắt, đối mặt với tù tội nhưng giờ đây có lẽ Lê Cường, sinh năm 1975, quê quán Bà Rịa-Vũng Tàu không lo lắng là mình sẽ phải ngồi bao nhiêu năm tù mà cái lo của Cường là hai đứa con của mình sẽ sống ra sao khi mẹ chết, cha ngồi tù? Ai sẽ dạy dỗ, bao bọc chúng? Chúng sẽ sống sao với hành vi giết người mà nạn nhân chính là mẹ chúng, còn kẻ ra tay thủ ác lại là… người cha? Sự ghen tuông mù quáng, lối sống ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân của Cường đã tạo ra một tương lai mờ mịt cho những đứa trẻ.

Chỉ vì nghe lời một người phụ nữ lạ tố cáo vợ mình là P.T.N.T. (37 tuổi) ngủ với chồng của cô ta mà Cường đùng đùng nổi cơn ghen, lý trí lu mờ không tìm hiểu sự việc cặn kẽ, lạnh lùng ra tay với  vợ mặc cho chị T. phân bua. Hình ảnh cha dùng dao sát hại mẹ đã ăn sâu vào tim óc cô bé L.T.T. (16 tuổi) khi cháu tận mắt chứng kiến cha sát hại mẹ. T. chạy vào can ngăn nhưng cơn ghen mù quáng đã lấn át lý trí, Cường dùng chân đạp cháu T. văng ra xa và ra tay với vợ. Sau khi gây án, Cường chạy lên rẫy uống thuốc cỏ tự tử nhưng bất thành. …

Phần lớn các vụ án mạng gia đình  trong thời gian gần đây đều xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng, đa phần là mâu thuẫn tình cảm, ghen tuông, tiền bạc khiến vợ chồng bất hòa không thể giải quyết và đỉnh điểm của những mối bất hoàn đó dẫn đến hành vi bạo lực và tước đoạt mạng sống của người từng “đầu ấp tay gối” với mình.

Ngoài sự ích kỷ của bản thân cộng với lòng vị tha không đủ lớn để cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn thì những vụ án mạng này còn cho thấy những người trong cuộc đang thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết xung đột vợ chồng.

Ví như vụ án của Lê Cường, nếu như Cường bình tâm tìm hiểu cặn kẽ vụ việc, nghe lời giải thích của chị T rồi kiểm chứng thì có lẽ gia đình êm ấm, hạnh phúc hơn 20 năm của Cường không rơi vào bi kịch. Chí ít là cũng không phải lâm vào cảnh người nằm dưới ba tấc đất, người nằm trong trại giam, bỏ lại những đứa nhỏ bơ vơ tội nghiệp. Hay lòng vị tha đủ lớn, anh C có thể ly hôn với Phượng, dứt tình vợ chồng mà không cần đay nghiến, chì chiết dẫn đến việc Phượng hành động một cách ích kỷ.

Không có công thức chung nào để giải quyết những mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn vợ chồng, bởi vậy, qua những vụ án mạng xảy ra trong thời gian qua, mỗi người phải tự tìm cho mình cách ứng xử phù hợp để đừng biến cuộc sống vợ chồng trở thành địa ngục. 

Sống trong bầu không khí căng thẳng, nặng nề nghi kỵ, không có sự chia sẻ cảm thông rồi chỉ biết trách móc, chỉ trích, xúc phạm, hay ghen tuông một cách mù quáng, đổ lỗi cho người bạn đời sẽ dễ dàng xuất hiện những bi kịch trong đời sống vợ chồng. Thói ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, lòng vị tha chưa đủ lớn sẽ dần đẩy cuộc sống lâm vào bi kịch, rất dễ dẫn đến việc giải quyết mâu thuẫn gia đình bằng bạo lực.

Huyền Đức - T.Hà
.
.