Mua hàng qua mạng: Đừng ham rẻ mà mắc bẫy lừa

Chủ Nhật, 28/06/2015, 13:30
Sau gần một năm thu thập chứng cứ, sáng ngày 16/6/2015, các trinh sát Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an chia thành nhiều mũi đồng loạt ra quân kiểm tra 6 tụ điểm của một đường dây chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an bắt quả tang 6 đối tượng khi chúng đang thực hiện các lệnh mua bán hàng, dịch vụ nhà đất trọn gói, làm các loại bằng cấp và giấy phép lái xe giả.

Từ trai làng trở thành trùm lừa đảo

Có một điểm đặc biệt là các đối tượng của vụ án cùng sinh ra trong những gia đình có quê gốc ở tỉnh Quảng Ngãi vào xây dựng vùng kinh tế mới tại một xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với mong muốn con em mình học hành đàng hoàng tử tế để lớn lên thoát cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nên Nguyễn Ngọc Tây, Nguyễn Văn Đô, Đinh Phong Phú, Nguyễn Thành Nhơn đều nhận được sự ưu ái, chiều chuộng của gia đình. Điều đáng buồn là chính do được nuông chiều quá mức nên ngay từ năm cuối tiểu học, đám này đã thường xuyên cúp cua, kết thành băng nhóm chuyên lui tới các tiệm net chơi điện tử.

Ban đầu cả đám chỉ dám cúp 5-7 giờ học mỗi tuần và sử dụng tiền cha mẹ đưa cho đóng học phí để trả tiền net. Nhưng khi lên đến trung học cơ sở thì bọn chúng gần như bỏ học hoàn toàn và khi tiền học phí không còn đủ đáp ứng được nữa, cả bọn chuyển sang trộm cắp từ vật dụng trong nhà đến tivi, xe máy của bà con xóm giềng mang đi bán, cầm cố lấy tiền nướng vào các trò game thâu đêm suốt sáng.

Vụ việc đã được nhà trường nhiều lần nhắc nhở và thông báo về cho gia đình, song chúng vẫn chứng nào tật ấy. Một lần vào giữa năm 2010, khi Tây, Đô, Phú, Nhơn đang chở chiếc tivi 32 inch màn hình phẳng vừa chôm được của hàng xóm lên huyện bán thì bị tổ tuần tra Công an xã phát hiện, bắt giữ.

Trong vụ ấy, Tây và Đô đã đứng ra nhận trách nhiệm thay cho cả bọn và lúc ấy, cả hai còn chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính rồi giao về cho gia đình quản lý, giáo dục. Những ngày bị quản thúc chặt chẽ, chúng như những con thú hoang bị giam cầm, thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà với một thái độ hằn học.

Tang vật vụ án.

Đến đầu năm 2011, một lần bị khóa cửa nhốt trong nhà, Tây đã bẻ gãy chiếc chân bàn gỗ làm dụng cụ đục thủng tường nhà, trốn ra ngoài rồi tìm đến nhà Đô, Phú, Nhơn bàn bạc cùng bỏ trốn khỏi gia đình. Để có tiền trang trải, Nhơn đã dùng dây điện chích chết hai con heo nái là tài sản quý giá nhất trong nhà đem bán được 3,5 triệu đồng rồi cùng nhau lên Sài Gòn, thuê một căn nhà ở quận Gò Vấp làm nơi tá túc và giới thiệu với chủ nhà rằng đây là nhóm trẻ cơ nhỡ. Thương tình, ông chủ nhà đã tìm cách xin cho cả đám vào làm công nhân khuân vác tại một cơ sở may mặc ở đường Phan Văn Trị.

Được hơn một năm thì người quản lý cơ sở may phát hiện nhiều kiện hàng bị rút ruột nên đã cho người theo dõi và cuối cùng thì phát hiện Tây, Đô, Phú, Nhơn chính là các đối tượng lấy cắp quần áo may sẵn. Tuy không trình báo Cơ quan Công an nhưng chủ cơ sở may đã đuổi việc cả nhóm, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp răn đe.

Không có việc làm, cả bọn rủ nhau mua một chiếc máy tính cũ đem về phòng trọ để thay nhau chơi điện tử. Cuối năm 2013, trong một lần lướt mạng, Tây đọc được thông tin lực lượng Công an triệt phá băng nhóm chuyên sử dụng mạng internet và tổng đài điện thoại Voip để lừa đảo người dân bằng cách giả bộ bán hàng qua mạng với giá rẻ, sau đó giả danh Cảnh sát điều tra hù dọa những người làm ăn buôn bán quốc tế, buộc những người này phải nộp tiền để điều tra vụ án.

Nhận thấy đây là cơ hội kiếm được nhiều tiền phục vụ cho nhu cầu ăn chơi của cả đám, Tây mang thông tin này chia sẻ với tất cả những tên còn lại và yêu cầu mỗi người phải lên mạng tìm hiểu các phương thức thủ đoạn để cả bọn tính toán, áp dụng vào việc lừa đảo.

Do không đứa nào học hết trung học cơ sở, trình độ vi tính cũng chỉ dừng ở mức lướt mạng, chơi game, lại không đủ bản lĩnh nên sau khi tìm hiểu, cả bọn đã quyết định chọn phương án rao bán hàng trên mạng với giá rẻ bất ngờ chỉ bằng 1/2 so với thực tế thị trường nhằm đánh vào lòng tham của một bộ phận người dân.

Con mồi đầu tiên mắc bẫy và sau đó trở thành một thành viên trong đường dây lừa đảo này chính là Trương Ngọc Duẩn, sinh năm 1992, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cũng đã từng hai lần bị phạt vi phạm hành chính về tội trộm cắp khi mới 15 tuổi và cũng đang sống bằng nghề lừa đảo bán hàng qua mạng.

Lần ấy, Duẩn dự kiến sẽ dụ cho băng của Tây giao cho mình nhiều món hàng có giá trị rồi đánh bài chuồn nhưng lại bị nhóm này bắt buộc phải đặt cọc rồi lặn một hơi không sủi tăm. Quá cay cú, Duẩn thay đổi nickname, liên tục lên mạng truy tìm nhưng mãi đến 3 tháng sau, trong một lần ngồi uống cà phê tại một quán trên đường Trường Sơn (gần sân bay Tân Sơn Nhất), Duẩn mới phát hiện nhóm của Tây đang ngồi ở bàn kế bên.

Các đối tượng trong vụ án (từ trái qua): Nguyễn Ngọc Tây; Nguyễn Văn Đô; Trương Ngọc Duẩn; Nguyễn Thành Nhơn; Đinh Phong Phú.

Lúc đầu Duẩn định lao đến đòi tiền, nhưng nghĩ mình thân cô thế cô không thể địch nổi đám đông, hơn nữa nếu kết bạn tạo thành băng nhóm thì "con đường lừa đảo" sẽ được rộng mở nên hắn quyết định làm quen rồi kết băng nhóm…

365 ngày đánh án

Trở lại với vụ việc, ngay từ những ngày đầu tháng 6/2014, C50 liên tục nhận được đơn thư, thư điện tử của nhiều nạn nhân gửi về tố cáo một băng nhóm chuyên sử dụng chiêu bài bán hàng giá rẻ trên mạng, nhận làm bằng cấp, giấp phép lái xe và dịch vụ làm giấy tờ nhà đất chỉ từ 7 ngày đến 1 tháng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhận thấy đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, nạn nhân lên đến hàng trăm người ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, Trung tướng Trần Trọng Lượng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã chỉ đạo thành lập chuyên án, giao cho C50 phối hợp với C45 cử các trinh sát lập tức vào cuộc. Thời gian đầu, do bọn chúng thường sử dụng tên giả và không sử dụng máy tính tại một địa chỉ cụ thể mà lên mạng ở tiệm Internet khắp các quận, huyện tại TP HCM nên việc xác định đối tượng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với quyết tâm cao, đến cuối tháng 5 vừa qua, một bản danh sách về thân nhân, tung tích băng nhóm lừa đảo này đã được hoàn tất.

8h sáng ngày 16/6 vừa qua, sau khi xác định chính xác nơi ở của các đối tượng, lực lượng Cảnh sát phối hợp đã chia thành 5 mũi đồng loạt tiến hành kiểm tra hành chính đối với 5 điểm tại các quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận và quận 3, TP HCM.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an bắt quả tang các đối tượng: Nguyễn Ngọc Tây, Nguyễn Văn Đô, Đinh Phong Phú, Trương Ngọc Duẩn, Nguyễn Thành Nhơn khi chúng đang lên mạng "buông câu" tìm con mồi để lừa đảo.

Bị bắt bất ngờ, tất cả các đối tượng này đều không kịp trở tay. Nhưng với sự lì lợm của mình, cả bọn chỉ khai nhận lần đầu tiên lên mạng lừa đảo nhưng chưa lấy được tiền của ai. Tuy nhiên, với hàng loạt chứng cứ không thể chối cãi, cuối cùng cả bọn đành cúi đầu khai nhận hành vi lừa đảo của mình.

Tại Cơ quan Công an, bọn chúng khai nhận đầu năm 2014, cả bọn thuê nhà ở chung và thực hiện các phi vụ lừa đảo theo sự chỉ huy của Tây và Đô. Số tiền lừa đảo được chia đều cho các thành viên trong nhóm để sử dụng vào việc ăn chơi và mua ma túy đá, riêng Tây và Đô còn được chia thêm phần gọi là công quản lý. Ít tháng sau thấy việc tập trung không lừa được nhiều tiền, Tây yêu cầu tách ra thành 5 nhánh đặt tại 5 quận khác nhau và mỗi nhánh hoạt động độc lập do một thành viên quản lý, ai lừa được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, chúng cho thành lập các trang web chuyên rao bán đủ các loại hàng hóa như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay, thực phẩm chức năng các loại, giày dép, túi xách cao cấp với giá chỉ bằng 1/2 thị trường. Khi thấy có nhiều người tìm vào các trang web và đặt lệnh mua hàng, Tây, Đô, Duẩn, Nhơn, Phú bàn nhau tìm đến những "phường đạo chích" ở các quận 4, quận 8, Bình Thạnh mua lại những giấy chứng minh nhân dân mà bọn đạo chích trộm cắp được của những người dân mang về thay ảnh của chúng vào rồi mang đến một số chi nhánh ngân hành mở nhiều tài khoản khác nhau.

Sau khi hoàn tất việc mở tài khoản, bọn chúng yêu cầu những người muốn mua hàng phải chuyển tiền đặt cọc tương ứng với 50% giá trị món hàng vào các tài khoản trên và hẹn từ 2-3 ngày sau sẽ giao hàng.

Để chiếm trọn số tiền của khách, cách thời gian giao hàng vài giờ, chúng tạo ra những vận đơn xuất kho cùng những phiếu giao hàng có ký tên đóng dấu rồi gửi vào mail của họ yêu cầu phải chuyển nốt số tiền vì người giao hàng là xe ôm không được tin tưởng cho lắm. Cuối mỗi thư yêu cầu chuyển tiền chúng còn cam kết nếu hàng không tới đúng hẹn hoặc bị xe ôm lấy mất sẽ đền ngay cho món hàng khác tương tự và còn giảm giá thêm vì không đúng hẹn.

Tin lời đường mật của chúng, rất đông khách hàng đã chuyển tiền vào tài khoản để rồi sau đó chúng nhanh chóng rút tiền, xóa luôn trang web, đóng tài khoản, thay đổi số điện thoại và lặn mất tăm.

Hỏi về số lần lừa đảo và số tiền phạm tội mà có, Tây, Đô nói nhiều lắm không nhớ rõ. Giữa năm 2014, do Đinh Phong Phú dính vào vụ cướp giật tài sản và bị Công an quận Tân Bình ra quyết định truy nã nên cả bọn tạm dừng hoạt động gần một tháng, sau đó mở thêm trang web tự giới thiệu là trung tâm chuyên thực hiện các dịch vụ làm sổ đỏ nhà đất, làm các loại bằng cấp từ cao đẳng cho đến đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và giấy phép lái xe các loại với giá phải chăng.

Thông qua loại hình lừa đảo này, bọn chúng đã dụ được hàng trăm người không chịu học tập nhưng muốn có bằng cấp chuyển vào tài khoản của mình số tiền hàng tỉ đồng và sau đó chúng tiếp tục cho đóng trang web, khóa tài khoản, đổi số điện thoại rồi rút tiền chuồn êm.

Cho đến thời điểm bị bắt, cơ quan chức năng đã phát hiện trong các tài khoản mà bọn chúng mở để lừa đảo số tiền lên đến trên 2 tỉ đồng, hàng chục giấy chứng minh nhân dân có gắn hình của bọn chúng nhưng mang tên người khác.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng. Cơ quan Công an thông báo đề nghị bà con nhân dân hãy cảnh giác đối với loại hình tội phạm này, đừng ham hàng giá rẻ mà mắc bẫy lừa đảo. Nếu người dân nào phát hiện các dấu hiệu lừa đảo qua mạng hãy thông báo cho Cơ quan Công an gần nhất hoặc Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an.

Đức Cương
.
.